top of page
Tìm kiếm
Ảnh của tác giảMinh Đức

Hỏi xin lời khuyên: Điều không nên khi gặp các chuyên gia tâm lý

Một trong những hiểu lầm phổ biến hiện nay khi đi tham vấn - trị liệu tâm lý là việc chúng ta nghĩ rằng mình sẽ được các chuyên gia đưa ra lời khuyên hữu ích. Trên thực tế, đây là một điều được giới khoa học khuyến cáo là không nên, bởi nó tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho thân chủ - người đang gặp phải các vấn đề về sức khỏe tinh thần.



Tại sao lời khuyên lại không hữu ích trong tham vấn tâm lý


Để làm rõ việc tại sao lời khuyên - thứ mà nhiều người rất muốn nhưng chưa chắc đã cần này - chúng ta hãy làm rõ một số khái niệm sau:


1. Tham vấn (counseling) khác với tư vấn (advising): Tư vấn có nghĩa là sử dụng kinh nghiệm và kiến thức của bản thân về một lĩnh vực nào đó để truyền đạt lại cho đối tượng muốn lắng nghe, thường đặc trưng bởi hoạt động cho lời khuyên với mục đích giúp họ giải quyết được vấn đề (1). Nhưng tham vấn thì lại khác.


Tham vấn là một nỗ lực hợp tác giữa hai bên, trong đó nhà tâm lý học cung cấp mục tiêu và giải pháp tiềm năng cho các vấn đề của thân chủ như: rối loạn cảm xúc, kỹ năng giao tiếp, củng cố lòng tự trọng, thúc đẩy hành vi và cải thiện sức khỏe tinh thần (2).

2. Giải pháp cho các vấn đề về sức khỏe tinh thần là tham vấn, trị liệu chứ không phải tư vấn: Nhiều người thường có thói quen tìm kiếm lời khuyên từ bạn bè, gia đình hoặc đồng nghiệp. Thế nên khi đến với những người có chuyên môn về Tâm lý học, họ thường kỳ vọng rằng sẽ nhận được một lời khuyên hữu ích để giải quyết vấn đề của họ. Thế nhưng, điều này có thể khiến chính nhà tham vấn vi phạm quy tắc đạo đức nghề nghiệp, vì quy tắc Đạo đức của Hiệp hội Tham vấn Hoa Kỳ (ACA) nghiêm cấm các tham vấn viên áp đặt các giá trị, thái độ và niềm tin của họ lên khách hàng. Việc đưa ra lời khuyên có thể dễ dàng vi phạm điều này (3).

Trong cuốn sách "Đạo đức cho các nhà trị liệu và tham vấn tâm lý: Một cách tiếp cận chủ động" được sử dụng làm tài liệu hướng dẫn cho các nhà trị liệu tại Mỹ, tác giả Sharon K. Anderson và Mitchell M Handelsman đã đặt ra các vấn đề khi đưa lời khuyên với tư cách là một nhà tham vấn là:

  • Gia tăng sự phụ thuộc: Việc cho lời khuyên sẽ thúc đẩy sự phụ thuộc phi trị liệu (non-therapeutic) khi khách hàng chỉ học cách hỏi thêm lời khuyên hơn là học cách tự giải quyết vấn đề của họ.

  • Câu chuyện con cá/cần câu: Các nhà trị liệu đưa ra nhiều lời khuyên tức là chỉ đơn thuần đưa cho khách hàng "con cá" nhưng lại không dạy họ kỹ năng "đi câu".

  • Làm sao biết lời khuyên này tốt: Lời khuyên của nhà tham vấn đưa ra dựa trên nghiên cứu hay chỉ dựa trên kinh nghiệm cá nhân?

  • Vượt qua ranh giới: Khi thân chủ nhận lời khuyên, nó giống như việc họ sử dụng các giá trị (góc nhìn chủ quan) của nhà trị liệu để đưa ra quyết định hơn là khám phá các giá trị từ phía họ.

Ở Việt Nam, người ta chỉ tìm đến sự giúp đỡ của một người xa lạ như chuyên gia tâm lý khi không còn biết tìm ai để "tâm sự". Tuy nhiên, nếu giải pháp này không thực sự hiệu quả (vì đã sai nguyên tắc tham vấn ngay từ đầu là không đưa ra lời khuyên) thì các thân chủ dễ mất niềm tin vào công việc của các chuyên gia tâm lý, từ đó dẫn đến các vấn đề sức khỏe tinh thần càng trở nên trầm trọng hơn.



Cách lựa chọn một trung tâm tâm lý uy tín tại Việt Nam


Nhu cầu về chăm sóc sức khỏe tinh thần ở Việt Nam hiện nay đang rất cao, theo báo cáo của WHO vào năm 2015, có đến 15 triệu người Việt Nam đang mắc các vấn đề về sức khỏe tinh thần (4). Thế nhưng đến năm 2015, Việt Nam vẫn nằm trong 35 quốc gia chưa có luật pháp quy định về trách nhiệm pháp lý trong chăm sóc sức khỏe tinh thần (4). Đó là lý do tại sao hiện nay có rất nhiều trung tâm, tổng đài, cá nhân tự cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe tinh thần nhưng không có đủ chuyên môn và kỹ năng tham vấn, trị liệu cần thiết (5).


Sau khi trò chuyện cùng các chuyên gia trong ngành Tâm lý học, Lela Journal đúc kết được những điều cần lưu ý sau đây khi chọn người tham vấn/trị liệu và chăm sóc sức khỏe tinh thần.

​Thân chủ cần cẩn thận khi gặp phải những dấu hiệu sau từ nhà tham vấn - trị liệu tâm lý của mình:

1. Cho lời khuyên: Như đã phân tích ở trên, các chuyên gia tâm lý sẽ rất hạn chế đưa ra những lời khuyên mang tính chủ quan và có thể áp đặt các giá trị, thái độ, niềm tin lên thân chủ.


2. Không có bằng cấp rõ ràng: Bạn hoàn toàn có thể yêu cầu người tham vấn, trị liệu phải xuất trình bằng cấp, chứng chỉ đảm bảo trình độ chuyên môn nếu như họ không công khai điều đó.

3. Thu phí quá cao: Theo khảo sát hiện nay, mức phí phù hợp cho một phiên tham vấn tâm lý tại Việt Nam dao động từ 500.000 đến 2.500.000 đồng một phiên. Nếu chuyên viên tâm lý của bạn thu phí cao hơn nhiều so với mức này mà không có trình độ chuyên môn tương xứng thì bạn cũng cần cân nhắc kỹ càng.

4. Hẹn gặp ở những nơi không phù hợp: Không gian của buổi làm việc giữa hai bên không bao giờ diễn ra ở những nơi ồn ào, không có tính riêng tư như quán cà phê, quán bar hay nhà hàng...

5. Tham vấn chung chung, không chỉ ra được vấn đề của thân chủ và không có lộ trình hợp lý: Đây có thể là sự khác biệt giữa những nhà tâm lý học nhiều kinh nghiệm hoặc mới vào nghề. Mặc dù quá trình tham vấn/trị liệu có thể diễn ra trong nhiều buổi, tuy nhiên, nếu trong những lần gặp đầu tiên, bạn vẫn cảm thấy khá mông lung về tình trạng của bản thân thì nên xem xét lại độ uy tín của người tham vấn. Một nhà tâm lý học dày dạn kinh nghiệm sẽ biết mình cần làm gì để thân chủ tin tưởng và nỗ lực hợp tác chỉ sau vài buổi nói chuyện để có thể tiếp tục đồng hành trong quá trình trị liệu lâu dài.



Комментарии


bottom of page