Người ta thường nhắc về đam mê như kim chỉ nam để chúng ta sống một cuộc đời ý nghĩa. Tuy nhiên, để theo đuổi đam mê cần phải có một ý chí và lòng nhiệt thành để cam kết dài lâu, chứ không thể "thích thì tìm tới, chán thì tìm lui" như cách mà nhiều người dành cho những sở thích nhất thời. Vậy, làm sao để phân biệt đâu là sở thích, đâu là đam mê và thành công chinh phục được đam mê giữa cuộc sống ngày càng vội vã?
Những điều gì có thể gọi là đam mê?
Đam mê thường được nhắc đến như một điều gì đó to tát, xa vời, thế nhưng nó có thể hiểu đơn giản là một sự nhiệt tình mạnh mẽ để cống hiến cho một hoạt động, đối tượng hoặc ý niệm nào đó (1). Người ta ngưỡng mộ những người đang sống và làm việc theo đam mê mà quên đi rằng chính chúng ta hoàn toàn có khả năng để thực hiện điều này. Đam mê không nhất thiết phải là những chuyện lớn lao mà đôi khi chỉ là những điều khiến ta dành hết say mê để thực hiện, chẳng hạn như:
Trình diễn một thế mạnh về nghệ thuật của mình nơi đông người.
Huấn luyện được chú cún cưng.
Tham gia thi đấu một môn thể thao.
Làm việc nhà như trang trí ban công thành một khu vườn xanh tươi.
Dĩ nhiên, đam mê cũng sẽ thúc đẩy chúng ta làm được những việc phức tạp và đòi hỏi nỗ lực nhiều hơn như:
Xuất bản một cuốn sách hoặc thành lập một trang blog dành để chia sẻ trải nghiệm và kiến thức.
Học thêm một ngôn ngữ/chuyên ngành yêu thích.
Thực hiện một dự án kinh doanh cá nhân.
Tham gia các hoạt động xây dựng cộng đồng.
Danh sách đưa ra trên đây chỉ là những ví dụ điển hình, vì mỗi người người sẽ còn có những đam mê mang tính cá nhân rất cao mà chẳng ai giống ai. Vấn đề là ta có thực sự thích nó đến mức đưa ra được cam kết - điều được xem là thước đo để phân định giữa đam mê và sở thích hay không?
Bước 1: Cam kết theo đuổi đến cùng
Tất cả những ý tưởng dù hay ho như thế nào, ý nghĩa ra làm sao cũng sẽ trở thành mơ mộng hão nếu ta không bắt tay ngay vào làm. Và bước đầu tiên cho toàn bộ quá trình này đó là việc cam kết theo đuổi đến khi dự án kết thúc. Và giống như triết gia người Pháp Jean-Paul Sartre đã nói: "Cam kết là hành động, không phải lời nói" (2), nếu muốn đạt được thành công trong bất cứ việc gì, dù là trong kinh doanh, học một kỹ năng mới, hoàn thiện kỹ năng hay từ bỏ một thói quen xấu... thì chúng ta đều phải hoàn toàn cam kết.
Việc cam kết này có thể bắt đầu bằng việc đặt ra câu hỏi: "Tôi sẽ dành bao nhiêu thời gian một ngày, một tuần để thực hiện nó đến khi hoàn thành"? Và những lúc nản chí hoặc hết động lực, hãy nhớ lại điều này để tự kỷ luật bản thân, bởi không phải động lực mà kỷ luật mới giúp chúng ta thành công và... mau giàu.
Không chỉ vậy, việc cam kết theo đuổi dự án đến cùng sẽ trở thành một nguồn động viên giúp chúng ta vượt qua những khó khăn - điều không thể tránh khỏi trên đoạn đường đến đích. Ví dụ như khi học chơi guitar, khó khăn ban đầu là vô vàn. Từ việc nắm vững kiến thức nhạc lý cho đến việc ngón tay bị sưng tấy khi bấm phím. Bên cạnh đó, học chơi đàn một mình là một chuyện, đến lúc biểu diễn trước đông người lại là chuyện khác. Đó là còn chưa kể đến những vấn đề về sự hòa hợp, đồng điệu, kết nối với tập thể mà bạn cần tuân thủ nếu mong muốn tham gia vào một ban nhạc. Và nếu không có cam kết với bản thân từ đầu thì sẽ rất dễ bỏ cuộc giữa chừng và nhiều người học đàn đã rơi vào trường hợp tương tự (3).
Để thành công, ta cần có niềm đam mê và sự kiên trì (4).
Việc cam kết theo đuổi mục tiêu đến cùng sẽ thể hiện được niềm đam mê của bản thân. Lúc này, xem như chúng ta đã "thành công" một nửa. Một nửa còn lại - sự kiên trì - có thể đạt được với một chiến lược thông minh và phương pháp quản lý thời gian hiệu quả.
Bước 2: Đưa ra chiến lược thông minh
Hầu hết đam mê đều khó thể thực hiện trong một sớm một chiều. Vậy nên, một chiến lược hiệu quả là chia nhỏ "hành trình chinh phục đam mê" ra thành từng giai đoạn để hoàn thành từng bước một và tận hưởng niềm vui trên từng chặng thành tựu của mình.
Trong bài đầu tư cho bản thân dựa trên trên các quy tắc đầu tư cổ phiếu, LeLa Journal đã giới thiệu đến phương pháp "tự trả cổ tức" cho bản thân. Đó là việc khuyến khích chính mình thông qua những phần thưởng ngắn hạn để duy trì động lực và ý chí theo đuổi mục tiêu dài hạn.
Lấy việc đam mê "độ" xe của một số người làm ví dụ, những người này ít khi mang xe ra tiệm và thay mới toàn bộ các phụ tùng, vì vừa tốn kém lại vừa không thể tận hưởng cảm giác nhìn thấy xe "lột xác" từng ngày. Thay vì thế, họ thường thay thế dần dần các bộ phận của xe. Ban đầu có thể là khung, lốp, đến bình xăng, đèn… Cứ mỗi lần thay mới, người chủ sẽ cảm thấy hài lòng và thỏa mãn hơn một chút khi ngắm nhìn sự thay đổi từ "con xe cưng" của mình.
Để có thể đặt mục tiêu một cách hiệu quả và thiết thực, bạn có thể tham khảo thêm về bài viết cách đặt mục tiêu theo S.M.A.R.T của LeLa Journal tại đây.
Bước 3: Yếu tố thời gian
Đây có lẽ là bước khó khăn nhất khi thực hiện đam mê, vì chỉ với 24 giờ mỗi ngày mà có người lại làm được rất nhiều việc, trong khi nhiều người cứ loay hoay và mắc kẹt trong những đầu việc bất tận. Thời gian không dành cho đam mê sẽ được chúng ta san sẻ để làm những việc khác và đó có thể là điều có ý nghĩa cho lộ trình cuộc đời của chúng ta, hoặc không.
Tác giả David Sedaris trong lý thuyết về "Bốn lò lửa" (The Four Burners Theory) đã chỉ ra rằng mỗi người sẽ có bốn ưu tiên khác nhau như gia đình, bạn bè, sự nghiệp và sức khỏe. Trong từng giai đoạn cụ thể, để mang lại hiệu suất tối đa thì ta không thể tập trung đồng đều vào cả bốn (6).
Quản lý thời gian là một chủ đề đa dạng và có mặt trong hầu hết các khóa học về phát triển bản thân. Để thực hiện điều này một cách hiệu quả, bạn đọc có thể tìm thêm qua phương pháp Quả cà chua Pomodoro mà LeLa Journal đã từng giới thiệu. Và cuối cùng hãy nhớ rằng, ai cũng chỉ có 24 giờ đồng hồ, nếu không tận dụng nó một cách hiệu quả thì việc theo đuổi đam mê sẽ khiến chúng ta bận rộn hơn và rơi vào trường hợp khan hiếm thời gian - một trạng thái mệt mỏi bào mòn đi quyết tâm và nỗ lực thực hiện đến cùng mục tiêu của mình.
コメント