Gen Z khủng hoảng, Gen Z là bốc đồng, Gen Z là những người trẻ không trung thành với các thương hiệu vì thích trải nghiệm khám phá hơn là mua sắm, Gen Z phụ thuộc vào công nghệ và có khoảng tập trung thấp trong khoảng 8 giây... Đây liệu là sự thật hay đều là những định kiến mà truyền thông áp đặt lên Gen Z, những người sinh ra trong khoảng từ 1997 đến 2013? (1)
Nỗi oan của Gen Z – những chiếc mặt nạ
Những hiểu lầm về Gen Z vẫn còn đó, thậm chí là ngày một nhiều lên (1).
Persona (tạm dịch là "mặt nạ") là những hành vi, thái độ và bộ dạng mà Gen Z đang khoác lên hoặc bị truyền thông đắp lên, nhằm đáp ứng với kỳ vọng của xã hội. Thật ra nỗi oan của Gen Z cũng là nỗi oan của nhiều thế hệ trước. Việc xây dựng những khuôn mẫu thế hệ dưới sự giúp đỡ của truyền thông và phim ảnh phần lớn nhắm vào việc marketing và bán sản phẩm cho người dùng.
Những khái niệm như "chân dung người dùng" (buyer persona) dù xuất phát từ các nghiên cứu xã hội học cũng không đủ khái quát cho toàn bộ thế hệ – vốn bao hàm nhiều bối cảnh xã hội và văn hóa của nhiều quốc gia – huống hồ các "bức chân dung" này đa phần đến từ khảo sát hành vi mà lại bỏ qua nhiều yếu tố về tâm lý, văn hóa.
Những cụm từ như "thế hệ lo âu", "thế hệ bất an tài chính" đều là những chiếc mặt nạ được các tổ chức đưa ra, dựa trên cơ sở là Gen Z ít có kinh nghiệm trải qua khủng hoảng. Thế nhưng, điều đó không có nghĩa rằng thế hệ này phải gắn liền với những bản dạng đầy "lo âu". Hay nói cách khác, việc xây dựng mặt nạ "thế hệ lo âu" cho Gen Z là một hình thức marketing dựa trên nỗi sợ hoặc dựa trên định kiến.
Độ tuổi có thực sự quan trọng?
Ngay từ khi nhắc tới các khái niệm như Gen Z, Gen Y... chúng ta đã có xu hướng phân chia theo độ tuổi. Nhưng việc quy kết này có thực sự hiệu quả hay không, vẫn còn là một câu hỏi bỏ ngỏ.
Nếu như mặt nạ là sự thêu dệt dựa trên các xu hướng hành vi và quyết định mua sắm, thì khái niệm căn tính của một thế hệ thường bị quy gán theo độ tuổi. Căn tính thế hệ (generational identity) có đến ba hình thái là tập hợp những người có cùng độ tuổi, thuộc cùng một nhóm xã hội và có chức vụ tương đương (2).
Một khái niệm khác cũng thường bị đánh đồng và quy gán cho độ tuổi là "zeitgeist" (tạm dịch là "tinh thần thời đại". Đây là tập hợp những giả định ngầm và những ý tưởng nổi cộm về hệ giá trị được chia sẻ bởi một nhóm người nhất định, diễn ra trong một thời gian nhất định và trong những điều kiện văn hóa (bối cảnh) cụ thể. Những người chia sẻ chung hệ giá trị hoặc tinh thần thời đại sẽ dễ nhóm thành một bộ phận riêng.
Chẳng hạn, Gen X có xu hướng đánh giá cao thù lao trả thêm (như nguồn thu từ công việc bên ngoài), nhiều hơn so với các thế hệ khác; Gen Y thấy các giá trị nội tại và xã hội ít quan trọng hơn, khi so sánh với thế hệ Boomers (những người sinh ra trong khoảng từ 1946 đến 1964) (3).
Như vậy, tinh thần thời đại là một loại biến số thay đổi theo các bối cảnh văn hóa và đối tượng. Hiểu theo nghĩa đó, một thời đại có thể có nhiều tinh thần cùng tồn tại (4). Tinh thần thời đại của một giai đoạn không nhất thiết phải lan rộng ra toàn bộ xã hội, mà nó có thể xuất hiện trong nhiều bối cảnh khác nhau (5).
Chẳng hạn, khi nói về cụm từ "dân hippy", thường chúng ta sẽ liên hệ lại phong trào phản chiến những năm 70 ở Hoa Kỳ. Những người khỏa thân và sử dụng chất kích thích trong các buổi hòa nhạc như một phương tiện biểu đạt cho sự tự do được xem như là ví dụ điển hình của "dân hippy". Song, tự do và hòa bình không phải là tinh thần thời đại của riêng mỗi nhóm "dân hippy", mà còn là của các thành viên thuộc các nhóm khác như cựu binh, sinh viên của các nước thuộc địa.
Tại Việt Nam, "chủ nghĩa xê dịch" được cho là gắn liền với thế hệ Gen Y và được Gen Z tiếp nối, như một phương châm cho lối sống tự do, thích trải nghiệm. Tưởng như đây là một khái niệm của thế kỷ này, thế nhưng, thực tế là nó đã xuất phát từ lối sống của nhà văn Nguyễn Tuân (1910 – 1987) với ý nghĩa ban đầu là "thay đổi thực đơn cho giác quan". Hơn thế nữa, sự xê dịch này không chỉ là di chuyển về mặt địa lý mà còn dịch chuyển về tư tưởng, tinh thần và tâm thế. Có thể thấy rằng những đặc điểm của một lối sống tưởng như hiện đại, vốn đã có gốc rễ từ thời đại cũ.
Như vậy, có thể thấy rằng nhiều người trong chúng ta vẫn đang hiểu sai về mặt nạ và tinh thần thời đại, và có lẽ là không chỉ của riêng Gen Z mà đây còn là nỗi oan của nhiều thế hệ trước đó.
Giải hàm oan: Công cụ giúp phân biệt mặt nạ và tinh thần thời đại
Để nhận biết đâu là mặt nạ, đâu là tinh thần thời đại, ta có thể dựa vào công cụ phân tích 4 thuộc tính về một tinh thần thời đại như sau (4):
Thời lượng (duration): Sự kéo dài của tư tưởng về mặt thời gian – thời điểm một hình mẫu văn hóa thế hệ bắt đầu và kéo dài trong bao lâu. Để làm được điều này, chúng ta phải tìm ra và phân tích được điểm khởi đầu và kết thúc của một nhóm tư tưởng dựa vào các phong trào khởi phát hoặc các biến cố khiến những tư tưởng đó lụi tàn. Đối với Gen Z, các sự kiện hoặc tâm thế như đại dịch COVID-19, nỗi lo lắng thất nghiệp trước làn sóng cắt giảm nhân sự... đều có sức tác động, nhưng không mang tính đặc trưng của riêng Gen Z, mà còn tác động tới nhiều các thế hệ khác.
Phạm vi (scope): Sự phổ quát của nhóm tư tưởng diễn ra ở một hoặc nhiều nền văn hóa-xã hội và không gian địa lý. Đối với Gen Z, các sự kiện trên không mang tính đại diện cho cả thế hệ vì chỉ một bộ phận nhỏ mất việc và sau đó, cũng chỉ có một bộ phận nhỏ cảm thấy bất an.
Diễn trình (course): Diễn trình của một zeitgeist là cách phạm vi ảnh hưởng của hệ tư tưởng đó lan rộng theo thời gian và không gian. Nghĩa là, chúng ta sẽ xem xét sự phát triển của hệ tư tưởng. Tư tưởng khởi nguồn ra sao/ở đâu, lan rộng và cao trào thế nào, giao thoa với các hệ khác ra sao, thoái trào từ thời điểm nào... Đối với Gen Z, các sự kiện ít có tính lan rộng và giao thoa. Tất cả những nỗi lo thất nghiệp, dịch bệnh hiện tại đều từng xuất hiện và tác động tới các thế hệ trước đó. Từ đầu thế kỷ XXI, dịch cúm A/H5N1 từng gây ra nỗi khiếp sợ ở Châu Á (6) và cơn Đại Khủng hoảng Kinh tế gần như đã đánh mạnh vào nền kinh tế toàn cầu (7).
Phương tiện truyền thông truyền tải (media and carriers): Để các tư tưởng có thể dịch chuyển qua các bối cảnh văn hóa xã hội, hoặc phát triển hay giao thoa với các hệ khác, chúng cần đến phương tiện truyền thông truyền tải. Đối với Gen Z, các sản phẩm truyền thông và sự áp đặt đó có thể được xem như phương tiện.
Hãy thử thay Gen Z bằng Gen Y hoặc Gen X, chúng ta vẫn thấy những yếu tố ở đó. Không ít thì nhiều, các thế hệ trước đây đều có lúc bị nhận xét là "thế hệ đối mặt với nguy cơ thất nghiệp", "thế hệ khủng hoảng", "thế hệ lo âu trước tình hình kinh tế xuống dốc", "thế hệ tân tiến nhất từ trước tới nay"...
Vì chưa có nhiều kinh nghiệm trải qua khủng hoảng cũng như có khoảng thời gian tích cóp ngắn, do liên tiếp gặp biến động, Gen Z dễ chịu tổn thương hơn, chứ đây không phải là đặc tính cố hữu của riêng thế hệ này. Sau này, khi thế hệ kế cận - Gen Alpha - rơi vào độ tuổi tương tự như Gen Z bây giờ, có lẽ họ cũng sẽ có những đặc điểm tương tự như Gen Z và các thế hệ trước đó, vậy nên những điều tiêu cực mà truyền thông đang áp đặt lên Gen Z phần lớn là không chính xác hoặc chưa làm nên được bức tranh tổng thể về thời đại này trong xã hội Việt Nam ngày nay.
Комментарии