top of page
Tìm kiếm
Ảnh của tác giảAn Trương

"Thương nhau để đó": Nỗi sợ yêu mơ hồ đã được khoa học xác thực

Có vài người khi tìm thấy "một nửa định mệnh" và "nghe tiếng yêu gọi mời" lại lập tức e dè hoặc nấn ná không dám ngỏ lời yêu. Có nhiều nguyên nhân cho sự lần lữa này và nếu bạn cảm thấy mình cũng đang ngại bắt đầu một mối quan hệ vì "sợ nếu yêu rồi, ta sẽ mất nhau thôi", thì đây chính là bài viết dành cho bạn.



Trong bài luận Culture in a Liquid Modern World (2012) (tạm dịch: Văn hóa trong một thế giới hiện đại "lỏng lẻo"), Bauman từng cho rằng: "Thế giới hiện đại ngày càng rời rạc nên đã loại trừ mọi điều chắc chắn và lâu bền. Thế nên, khả năng kiến tạo một mối quan hệ lâu dài và thỏa đáng dường như là điều không thể. Tình yêu lãng mạn được tạo nên từ những hứa hẹn và ước muốn, biến thành một thứ 'tình yêu lỏng lẻo', buông thả và sẵn sàng tan biến bất cứ lúc nào" (1). Chúng ta đều phần nào hình dung được bối cảnh xã hội đã trở thành một phần lý do của việc thế hệ trẻ ngày càng "sợ yêu" cũng như sợ bắt đầu một mối quan hệ gắn bó.


Có nhiều định nghĩa về việc sợ bắt đầu một mối quan hệ mà nổi bật nhất là hai khái niệm sau:

  • Philophobia là cách gọi khoa học của "Hội chứng sợ yêu" và được xếp vào nhóm rối loạn lo âu. Thuật ngữ này được bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp, trong đó "filos" có nghĩa là tình yêu hoặc được yêu và "phobia" là nỗi sợ, nỗi ám ảnh vô lý. Ngoài ra, còn có một cách gọi khác là FOBU (Fear of Breaking Up) được dùng để chỉ nỗi sợ phải kết thúc một mối quan hệ lãng mạn, được đặt bởi Tiến sĩ Elizabeth Lombardo - một nhà tâm lý học ở Chicago (2).

  • Gamophobia là định nghĩa của một loại lo sợ/rối loạn lo sợ về việc kết hôn hoặc phải cam kết với một mối quan hệ tình cảm lâu dài. Từ "gamophobia" bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp, trong đó "gamos" có nghĩa là hôn nhân hoặc đám cưới, và "phobos" có nghĩa là lo sợ. Một người mắc chứng sợ tình yêu (Philophobia) cũng có thể đồng thời mắc chứng sợ cam kết (Gamophobia) (3). LeLa Journal đã từng có bài viết Gamophobia: Khi hôn nhân trở thành ám ảnh tâm lý và tương lai chung đôi là "ngục tù trái tim", bạn có thể đọc thêm tại đây.


Dấu hiệu của người mắc chứng sợ yêu Philophobia



  • Có xu hướng tránh xa việc phải dấn thân vào một mối quan hệ tình cảm lâu dài. Họ có thể ưu tiên cuộc sống độc thân hoặc chọn tiếp cận các mối quan hệ ngắn hạn, tạm bợ, chỉ mang tính nhất thời, không cần phải thề non hẹn biển...

  • Họ luôn trong trạng thái phòng vệ mạnh mẽ, giữ khoảng cách với người khác để tránh "ngã nhào" vào vòng xoáy ái tình và sự rung động.

  • Họ luôn cảm thấy rất khó mở lòng và thể hiện tình cảm sâu sắc với người khác. Thay vì hạnh phúc, họ bất an khi được tỏ tình và không biết phản ứng thế nào.

  • Khi tình cảm đôi bên tiến triển, họ lại lo lắng về việc mối quan hệ sẽ kết thúc và có khuynh hướng chủ động đẩy người khác ra xa trước khi sự kết nối giữa cả hai trở nên nghiêm túc và bền chặt hơn.

  • Họ sợ rằng việc bày tỏ nhu cầu và mong muốn cá nhân có thể khiến người yêu xa lánh, ghét bỏ, kỳ thị.... Do đó, họ thường giấu kín những suy nghĩ và cảm xúc nội tâm, dẫn đến căng thẳng tinh thần và gây khó khăn trong việc thể hiện tình cảm.

  • Đôi khi, người sợ yêu có xu hướng tập trung vào những khía cạnh tiêu cực của mối quan hệ và dựa vào đó để nghi ngờ khả năng tương hợp giữa hai người. Thay vì cố gắng tìm hiểu những khía cạnh tích cực và những điểm chung của cả hai, họ chỉ nhìn thấy những điều không phù hợp và "nửa ly nước đã vơi".

  • Những người mắc hội chứng Philophobia luôn thấy sợ sự thân mật. Tiến sĩ Robert Firestone viết trong cuốn Nỗi sợ thân mật rằng có nhiều lý do khiến cảm giác sợ hãi các mối quan hệ của chúng ta bùng phát và đây là ba lý do hàng đầu (4) :

  1. Tình yêu đích thực khiến chúng ta cảm thấy dễ bị tổn thương. Bước vào một hành trình yêu thương vốn chứa đựng toàn những điều khó đoán biết - đặc biệt là nhìn thấy ý nghĩa sự tồn tại của mình trong cuộc đời một người khác - có thể khiến chúng ta chùn bước, sợ hãi.

  2. Tình yêu mới khơi dậy những tổn thương cũ. Đáng buồn là dù ta sẽ được yêu theo cách mà chúng ta chưa từng cảm nhận trước đây (trong những mối quan hệ đổ vỡ) nhưng vô tình nó lại nhắc nhở chúng ta về tổn thương cũ.

  3. Niềm vui thực sự luôn đi kèm với nỗi đau thực sự. Bất cứ khi nào chúng ta cảm thấy có điều gì đó quý giá đang diện hiện trong cuộc sống của mình, cho dù là niềm hạnh phúc tuyệt đối hay sự gắn bó mật thiết thì nó vẫn thường đi kèm với nỗi buồn vu vơ hoặc nỗi sợ hãi mơ hồ về việc sẽ mất đi. Đây là tâm lý mang tính phòng vệ bản năng của loài người, chứ không riêng gì những người mắc chứng sợ thân mật.


Vết thương chưa lành của "đứa trẻ bên trong"


Dân gian có câu "chim sợ cành cong", nếu có lần "đứa trẻ bên trong" của chúng ta bị tổn thương vì những đổ vỡ trong quá khứ, vết thương đó có thể vẫn chưa lành. Cách thức gắn bó của mỗi người được hình thành và phát triển từ thời thơ ấu có sự ảnh hưởng sâu sắc nhất đến cách chúng ta cư xử trong các mối quan hệ khi trưởng thành (5). Đây chính là học thuyết về sự gắn bó được phát triển lần đầu tiên bởi nhà tâm lý học Mary Ainsworth và bác sĩ tâm thần John Bowlby vào những năm 1950.


Khi chúng ta lớn lên, những khuôn mẫu về tiếp xúc và gắn bó này vẫn tiếp tục đóng vai trò là hình mẫu cho cách chúng ta tương tác lẫn mong đợi từ mọi người xung quanh, đồng thời cũng ảnh hưởng đến cách chúng ta hành xử với các mối quan hệ thân thiết.


Những trải nghiệm xấu trong quá khứ, như bị bạo lực tinh thần, lạm dụng tình dục, hay sự thiếu thốn tình thương và quan tâm từ gia đình có thể để lại vết thương sâu trong tâm hồn mỗi người. Những vết thương chưa lành này có thể tạo ra một tâm lý tự vệ, khiến ta tự đặt hàng rào bảo vệ quanh trái tim, tránh xa khỏi mối quan hệ tình cảm sâu sắc để tránh bị tổn thương lần nữa. Những ai từng trải qua cảm giác bị bỏ rơi hoặc mất mát lớn trong quá khứ, đặc biệt là trong giai đoạn ấu thơ, sẽ dễ dàng phát triển nỗi sợ hãi gắn bó và cam kết tình cảm khi trưởng thành.

Áp lực tôn giáo và tín ngưỡng


Các yếu tố tâm linh như tôn giáo và niềm tin cá nhân tạo thành các "biến số cứu rỗi" quan trọng trong hành trình trưởng thành của con người, do đó, cũng cần được xem xét nhiều hơn khi điều trị các chứng rối loạn tâm thần (6). Tuy nhiên, ở một vài trường hợp, tôn giáo cũng gây nên những áp lực tinh thần đối với người mắc chứng sợ yêu. Một số nền văn hóa hoặc tôn giáo có các quy định, quy tắc nghiêm ngặt về mối quan hệ yêu đương, việc kết hôn, hoặc tình dục. Những áp lực này có thể khiến người trong cuộc sợ hãi, căng thẳng và từ chối những mối quan hệ tình cảm vì lo sợ bị xã hội hoặc gia đình đánh giá, phê phán.


Các chuẩn mực về các mối quan hệ tình cảm và hôn nhân ở một vài nền văn hóa cũng có thể là nguyên nhân gây ra việc nhiều người không muốn bắt đầu một mối quan hệ. Ở xã hội phương Đông, không xa lạ gì với việc các bậc cha mẹ cấm cản con cái yêu đương trước 18 tuổi. Những nguyên tắc nghiêm ngặt về thời điểm bắt đầu các mối quan hệ cũng ảnh hưởng đến khả năng cởi mở của một người khi bước vào các mối quan hệ.


Mặc cảm tâm lý "tôi không đủ tốt"


Người bị chứng sợ yêu cũng thường tự ti về bản thân và cho rằng bản thân không xứng đáng được yêu hoặc không đủ tốt để có một mối quan hệ viên mãn. Những suy tư của họ về bản thân luôn bị nhấn chìm bởi những suy nghĩ tiêu cực. Điều này có thể xuất phát từ những trải nghiệm tiêu cực hoặc bị so sánh với người khác trước đó, khiến họ đánh mất lòng tự tôn và dần dà không dám chấp nhận tình cảm của bất kỳ ai.


Những người mang tâm lý này có thể đang mắc chứng Atelophobia - hội chứng hoàn hảo hay còn gọi là nỗi sợ sai sót, ngay cả trong những tình huống bất khả kháng nhất (7). Nỗi sợ hãi này có thể ảnh hưởng đến mọi khía cạnh trong cuộc sống, còn đối với người có sẵn "Hội chứng sợ yêu" thì Atelophobia như một "yếu tố cộng thêm" khiến họ luôn trong trạng thái sợ một mối quan hệ sắp bắt đầu là một sai lầm nên càng ra sức tránh né.


Tiền sử rối loạn lo âu cũng là căn nguyên khiến "thương... nhưng để đó"


Chứng sợ yêu có thể ảnh hưởng đến mọi người ở mọi lứa tuổi nhưng nó phổ biến hơn ở những người có tiền sử rối loạn lo âu, ám ảnh cưỡng chế hoặc những người có bệnh nền về rối loạn tinh thần từ trước (9). Những cảm giác sợ hãi, lo lắng không kiểm soát và căng thẳng liên tục có thể khiến họ tránh xa mối quan hệ tình cảm để tránh gặp phải những tình huống u sầu, trầm uất. Nhưng cũng cần lưu ý rằng, việc một ai đó sợ yêu có thể xuất phát từ chứng rối loạn lo âu, nhưng không phải tất cả những ai rối loạn lo âu đều sợ yêu.


Tóm lại, nguyên nhân của chứng sợ yêu có thể rất đa dạng và phức tạp vì bắt nguồn từ nhiều yếu tố khác nhau trong cuộc sống của một người. "Thương nhau để đó", vì lẽ đó, dường như đã trở thành một sự thoái thác cho số phận và đổ lỗi do "ông Tơ bà Nguyệt se duyên rối nùi". Tuy nhiên, cần hiểu rằng việc mắc chứng sợ yêu Philophobia cho dù với bất kỳ nguyên nhân gì thì cũng chưa bao giờ là một điềm xấu. Nó chỉ như một chỉ dấu cảnh báo và nhắc nhở rằng đã đến lúc chúng ta cần bước ra khỏi vùng an toàn của bản thân để can đảm tìm kiếm hạnh phúc mới.


Biết phải làm sao, nếu mãi vẫn không dám bắt đầu?


DSM-5 (Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê Rối loạn Tâm thần - công cụ phân loại và chẩn đoán do Hiệp hội Tâm thần học Hoa Kỳ xuất bản) chưa ghi nhận Philophobia là một rối loạn tâm thần riêng biệt. Tuy nhiên, khi các dấu hiệu sợ hãi tình yêu quá mức dẫn đến ảnh hưởng chất lượng cuộc sống thì đây vẫn được xem là một dạng rối loạn lo âu và có thể được khắc phục theo nhiều cách sau:


  • Trước tiên, bạn cần bắt đầu bằng việc xác định rõ ràng những nguyên nhân khiến bản thân lo lắng. Đó có thể là những trải nghiệm tệ hại khi yêu trong quá khứ, lo lắng bị tổn thương lần nữa hay nỗi sợ mơ hồ về một mối quan hệ không bền lâu... Hãy ghi chép lại những suy nghĩ và cảm xúc của mình để nhìn nhận một cách rõ ràng, từ đó giải phóng nỗi sợ cũng như định hình lại những kỳ vọng của chính mình về tình yêu.

  • Hãy thành thật với cảm xúc của mình. Việc sợ yêu hoặc sợ hãi không dám mở lòng chưa bao giờ là một điều xấu hổ cần phải che giấu, nó chỉ thể hiện rằng bạn có một bản năng tự vệ mạnh mẽ sau khi trải qua những trải nghiệm "không vui" trong quá khứ. Tất cả mọi việc xảy ra trong đời đều giúp ta có thêm những bài học trưởng thành và đã đến lúc buông xuống những ám ảnh cũ để bắt đầu một tương lai mới. Đừng tự giấu giếm điều gì với bản thân. Thay vào đó, hãy chấp nhận và chia sẻ những cảm xúc này với những người mình tin tưởng như bạn bè, gia đình hoặc tìm đến một chuyên gia tâm lý để dần hóa giải, chuyển hóa nỗi sợ hãi thành những phương thức mang tính tận hưởng cuộc sống và tình yêu.

  • Trân trọng cảm xúc nhưng cần biết rằng cảm xúc không phải lúc nào cũng là sự thật. Sợ yêu là một cảm xúc tự nhiên và hữu hiệu để bảo vệ bạn khỏi những "tổn thương trá hình trong lớp bọc yêu thương" giữa thời buổi "quẹt phải gặp nhiều ngang trái, làm sao thoải mái hẹn hò". Tuy nhiên, hãy nhớ rằng không phải lúc nào cảm xúc đó cũng là chính xác. Bạn có thể tự hỏi mình liệu nỗi sợ yêu này có hợp lý với tình huống hiện tại hay không, đồng thời xem xét các khía cạnh tích cực của đối phương để thuyết phục bản thân thử một lần can đảm hơn và nắm bắt hạnh phúc của mình.

  • Chấp nhận tình yêu là một rủi ro. Bất kỳ mối quan hệ nào cũng luôn đi kèm với những rủi ro, tình yêu cũng không ngoại lệ. Bất kỳ ai cũng có thể bị tổn thương hoặc gặp khó khăn trong quá trình tìm kiếm "một nửa định mệnh", nhưng đó là những bài học giúp cho cuộc sống của chúng ta ý nghĩa hơn. Việc tự bảo vệ mình là điều bình thường, nhưng điều quan trọng hơn là hãy đảm bảo rằng chúng ta đang bảo vệ mình khỏi đúng người cần phải tránh xa, chứ đừng nên xa lánh người mà mình cần dành thời gian ở bên cạnh.


Suy cho cùng, tình yêu không phải là mục tiêu duy nhất trong cuộc đời mỗi người, mà chỉ là thứ khiến ta thấy cuộc sống này ý nghĩa hơn. Không có gì đảm bảo bạn sẽ ở bên một người mãi mãi nhưng nếu tan vỡ nối tiếp tan vỡ, yêu lầm yêu lại... lại yêu lầm, thì bạn cũng đừng bao giờ từ bỏ hy vọng vào tình yêu. Tình yêu lý tưởng nhất chưa bao giờ là "mãi mãi", mà tình yêu lý tưởng nhất là khi bạn gặp một người phù hợp vào một thời điểm nào đó trong đời mà cùng lúc đó, cả hai đều yêu nhau một lòng một dạ.

Thương nhau để đó cũng chính là tựa sách best-seller được Hamlet Trương và nữ nhà văn Iris Cao giới thiệu đến bạn đọc vào 10 năm trước. Bài hát chủ đề cùng tên do Hamlet Trương sáng tác cũng trở thành bản hit không thể thiếu trong những lần đi diễn của anh vì luôn được khán giả yêu cầu rất nhiều.

Trò chuyện cùng LeLa Journal, Hamlet Trương cho biết:


Bài hát được viết từ góc nhìn của Trương, người đã từng yêu rất nhiều nhưng cuối cùng phải chia tay, nên Trương muốn giữ lại những kỷ niệm đẹp đẽ về người yêu cũ, dù biết rằng họ sẽ không bao giờ quay lại. Tựu trung, Thương nhau để đó là một cuốn sách buồn và một bài hát buồn về một mối tình đã kết thúc. Chỉ là kết thúc này không phải vì hai người trong cuộc đã hết yêu nhau, mà vì họ không thể làm gì hơn được nữa khi mọi sự an bài của duyên số đã sắp đặt cả hai vào tình cảnh trớ trêu.

Cuộc đời luôn có những trường hợp oái oăm như thế, buộc mình phải "thương nhau để đó", chứ không chỉ vì những nỗi sợ mơ hồ dưới góc nhìn tâm lý học. Chẳng hạn như khi chúng ta là người đến sau trong một cuộc tình, chỉ có thể thương thầm và chúc phúc cho người kia; hoặc khi cả hai đã là tri kỷ quá lâu năm nên không dám đánh cược tình bạn quý giá để bước qua lằn ranh tình yêu mong manh dễ vỡ... Để nói về những cuộc tình "để đó" muôn hình vạn trạng trên đời, Trương nghĩ cách tốt nhất để một mối quan hệ trở nên bền vững và trân quý nhau mãi mãi là đừng cố chấp trở thành người yêu.



Comments


bottom of page