top of page
Tìm kiếm

"Chọn con tim hay là nghe lý trí": Tình yêu dưới góc nhìn khoa học & tâm lý học

Dưới góc nhìn của khoa học, liệu tình yêu có phải là "chết ở trong lòng một ít" hay là "liều thuốc của trái tim"?


Tình yêu là gì?


Từ bao đời nay, tình yêu đã truyền cảm hứng cho vô số tác phẩm nghệ thuật. Họ mang những rung động mãnh liệt đó gửi gắm vào những câu thơ, điệu nhạc để bày tỏ đến "người trong mộng" cũng như độc giả, thính giả. Tình yêu đối với tác giả Erich Wolf Segal là sự nồng nàn, nhiệt huyết, không nuối tiếc. Ông từng viết trong cuốn tiểu thuyết Câu chuyện tình yêu là: "Yêu là không bao giờ để mình phải nói câu ân hận" (1), hay sự dằn vặt của thi sĩ Xuân Diệu trong tập Thơ thơ: "Yêu, là chết ở trong lòng một ít".


Bác sĩ tâm lý nổi tiếng Harry Stack Sullivan từng nói: “Tình yêu là khi sự thỏa mãn và an toàn của đối phương cũng y như sự thỏa mãn và an toàn của chính bản thân ta vậy” (2).

Nói cách khác, ngoài những định nghĩa mang tính văn học thì tình yêu còn là vấn đề được các nhà tâm lý học và nhà khoa học phân tích. Vì bên dưới đôi má ửng hồng là hàng loạt phản ứng hóa học phức tạp diễn ra giữa não bộ và cơ thể. Theo những nghiên cứu của Tiến sĩ Helen Fisher đến từ Đại học Rutgers, tình yêu bao gồm ba phạm trù: sự ham muốn, sự thu hút, sự gắn kết được vận hành bởi hormone và các chất hóa học của não (3).


1. Sự ham muốn


Sự ham muốn còn được gọi là nhu cầu tình dục, được hình thành bởi hai loại tiết tố testosterone (ở nam giới) và estrogen (ở nữ giới). Nhờ đó mà con người muốn tiếp xúc thân mật với nhau và thúc đẩy việc duy trì nòi giống.


2. Sự thu hút


Sự thu hút được kích hoạt bởi các hormone dopamine, norepinephrine và serotonin. Dopamine được sinh ra như một phần thưởng khi chúng ta làm được một việc khiến bản thân hài lòng. Nếu dopamine và norepinephrine tăng, chúng ta sẽ tràn đầy niềm vui và hạnh phúc. Norepinephrine cũng khiến cho tim chúng ta đập nhanh hơn, dẫn đến cảm giác nôn nao, khó thở. Còn serotonin là một dạng tiền chất của melatonin tham gia vào nhiệm vụ điều chỉnh đồng hồ sinh học, chu kỳ thức - ngủ của cơ thể, cũng như là chất dẫn truyền thần kinh có liên quan đến cảm giác thèm ăn. Thuở mới yêu, khi chúng ta cứ nghĩ về hình bóng đối phương, não sẽ bắt đầu giảm đi hormone serotonin, khiến chúng ta không muốn ăn hoặc ngủ. Thế nên, câu nói “yêu đến mất ăn, mất ngủ” (4) là hoàn toàn chính xác dưới góc nhìn khoa học.


3. Sự gắn kết


Sự gắn kết lâu dài được vận hành bởi hai loại hormone chính, đó là oxytocin và vasopressin. Những loại hormone này chi phối các mối liên hệ, đặc biệt là giữa tình mẹ & con. Vì lẽ đó mà oxytocin còn được gọi là “hormone âu yếm” (cuddle hormone). Cũng có nhiều nghiên cứu cho rằng oxytocin là hormone “chữa lành” (5) cho não bộ. Qua đó có thể thấy, sự gắn bó trong tình yêu phần nào tiếp thêm sức mạnh giúp chúng ta vượt qua mọi khó khăn, trở ngại trong cuộc sống.


Những biểu hiện của tình yêu


Nhà tâm lý học Allport từng khẳng định con người là tập hợp của nhiều loại tính cách (6), từ đó dẫn đến những suy nghĩ và hành động của từng cá nhân cũng khác nhau. Còn theo John Gottman, khi yêu, mỗi người sẽ có một “mật mã” riêng (7). Có người dùng lời nói để bày tỏ lời yêu, cũng có người hành động thay cho sự cam kết. Để có thể nhận biết một phần nào những biểu hiện của một người khi yêu thật lòng, LeLa Journal tổng hợp một số thông tin từ các nhà tâm lý học, đúc kết thành những biểu hiện mà bạn có thể quan sát & đánh giá, mời mọi người cùng tham khảo.


Dành thời gian bên bạn


Theo một lý thuyết gần đây, "chỉ số quan trọng nhất của tình yêu chính là thời gian" (8). Dù đối phương có là người bận rộn trăm công nghìn việc hay dư dả thời gian, nếu họ luôn có một quỹ thời gian dành riêng cho bạn, tức là họ yêu bạn thật lòng.


Tin tưởng


Giáo sư Sabrina Romanoff cho biết cảm giác tin tưởng vào người yêu sẽ đem lại sự an tâm trong mối quan hệ. Khi yêu nhau, người ta sẽ muốn biết đối phương đang làm gì, ở cùng với ai vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày. Nếu cả hai có khoảng cách địa lý (như sống hoặc làm việc ở khác thành phố, hay thậm chí là quá bận rộn để có thể gặp gỡ thường xuyên) mà vẫn tin tưởng và không mảy may giận hờn những việc như có trả lời tin nhắn ngay lập tức hay không, thì đó chính là tình yêu thật sự (9).


Hành động thực tế


Ngàn lời nói yêu thương cũng không bằng một hành động thực tiễn, ngàn tin nhắn dỗ dành cũng không thực tế bằng một cái ôm trấn an. Nếu như bạn ốm vật vờ không ra khỏi nhà được mà người yêu chỉ có thể nhắn vỏn vẹn một câu: “Em nhớ uống nhiều nước vào nha” trong khi họ hoàn toàn có thời gian và khả năng giúp đỡ, thì tình yêu đó cần được xem xét lại.


Tôn trọng quan điểm của đối phương


Nhà tâm lý học Hoa Kỳ Abraham Maslow chia nhu cầu của con người thành năm tầng, trong đó nhu cầu được ghi nhận và thể hiện bản thân cũng quan trọng không kém nhu cầu ăn uống và thể hiện tình cảm (10). Nói cách khác, mỗi người đều có cái tôi riêng, đều mang tính ái kỷ (yêu bản thân) như nhà tâm lý học Sigmund Freud từng chia sẻ (11). Nếu trong một mối quan hệ, đối phương biết lắng nghe hơn phản bác, thông cảm hơn chỉ trích, bao dung thay vì nhỏ nhen, tôn trọng thay cho hạ bệ thì bạn đã và đang quan trọng hơn nhu cầu cơ bản của họ rồi đấy.


Sẵn sàng bảo vệ người yêu/mối quan hệ


Trong một nghiên cứu của nhà tâm lý học David Frost, ông chỉ ra rằng mối quan hệ bị kỳ thị màu da, vùng miền, chênh lệch giàu nghèo, hoặc thậm chí cả về giới tính sẽ gắn kết hơn so với những mối tình trôi qua trong an toàn, bình lặng. Nói như thế không có nghĩa là chúng ta nên tìm kiếm những những xung đột, bất đồng để “tạo điểm nhấn” trong tình yêu, mà chỉ nên xem đây là một chất xúc tác khiến cho những cặp đôi có thể hiểu nhau hơn khi cùng vượt qua thử thách mà thôi.


Thấu hiểu


Thiền sư Thích Nhất Hạnh từng nhắn nhủ: “Thấu hiểu là tên gọi khác của sự yêu thương”, nên sẽ thật khó khẳng định mình yêu thật lòng ai đó khi mình không hiểu gì về họ. Thấu hiểu ở đây nghĩa là hiểu được những ưu và khuyết điểm của người kia, biết đối phương hay dở ra sao mà từ đó tìm ra cách dung hòa, cho mối quan hệ thêm bền chặt.


Comentarios


bottom of page