top of page
Tìm kiếm
Ảnh của tác giảMinh Đức

Tình yêu vô điều kiện: Bài học mà trẻ thơ "dạy" lại cho người trưởng thành

Đối với nhiều người, tình yêu có lẽ là một điều rất phức tạp, không chỉ tốn biết bao giấy mực văn chương mà còn gây ra rất nhiều dằn vặt, tranh cãi. Còn với trẻ em, nó lại đơn giản hơn nhiều và có thể gói gọn trong cụm từ "tình yêu vô điều kiện" (unconditional love). Hãy cùng Lela Journal bước vào thế giới tâm lý trẻ thơ để tìm hiểu sâu hơn về thứ tình cảm rất đẹp nhưng thường bị hiểu sai và đánh mất khi chúng ta trưởng thành.



Tình yêu vô điều kiện ở trẻ là gì?


Tình yêu vô điều kiện là kiểu tình yêu được trao đi một cách tự nguyện mà không có bất cứ kỳ vọng nào hoặc rất ít điều kiện kèm theo. Chúng ta có thể quan sát được dạng thức của tình yêu vô điều kiện này thông qua cách mà trẻ em yêu thương cha mẹ, bạn bè và thú cưng. Loại tình yêu này có đặc trưng là sự hào phóng, tính chấp nhận và lòng trắc ẩn, đồng thời tác động sâu sắc đến những người nhận và trao đi.


Theo một nghiên cứu năm 2009, các vùng não được kích hoạt bởi cảm giác yêu thương vô điều kiện tạo ra những xúc cảm tích cực rất có lợi cho sức khỏe tinh thần. Tiến sĩ Mario Beauregard, trưởng nhóm nghiên cứu của Đại học Montreal cho biết: "Bản chất của tình yêu thương vô điều kiện tạo ra những mối liên kết tình cảm bền chặt" (1). Một số nghiên cứu khác vào năm 2011 và 2013 cũng đã cho thấy những đứa trẻ lớn lên trong tình yêu thương vô điều kiện có xu hướng kiên cường và chịu ít triệu chứng về sức khỏe tinh thần hơn (2), (3).


Yêu thương vô điều kiện đã xuất hiện từ xa xưa. Ở Hy Lạp cổ đại, người ta thường dùng từ "agape" để mô tả tình yêu thương vô điều kiện, vị tha, không dựa trên lợi ích hay phần thưởng cá nhân. Đó là một tình yêu được cho đi một cách tự nguyện, không kỳ vọng hay ràng buộc. Khái niệm về tình yêu "agape" này là trung tâm của nhiều truyền thống tôn giáo và tâm linh, bao gồm cả Thiên Chúa giáo khi nhắc đến tình yêu của Chúa dành cho nhân loại (4). Còn trong Phật giáo, tình yêu thương vô điều kiện luôn vắng đi "bản ngã" và gắn liền với sự hiểu biết, lòng vị tha. Đây gần như là một tiêu chuẩn của các bậc tu hành.

Trải qua lịch sử hàng ngàn năm cho đến ngày nay, tình yêu thương vô điều kiện vẫn còn đang vấp phải một số hiểu lầm gây ra những cuộc tranh cãi không dứt.



Những hiểu lầm về tình yêu vô điều kiện

  • Nhầm lẫn với tình yêu mù quáng: Yêu một ai đó vô điều kiện không phải là để họ lợi dụng và làm tổn thương mình. Một số người mắc kẹt trong một mối quan hệ độc hại khi cố chấp nhận và chịu đựng hành vi có hại cho bản thân từ người khác. Tuy nhiên, tình yêu vô điều kiện không có nghĩa là cho phép hoặc cam chịu trước những hành vi như vậy. Nó có nghĩa là yêu ai đó vì chính con người họ, trong khi vẫn đặt ra ranh giới đạo đức lẽ phải và hướng tới hạnh phúc lành mạnh cho cả hai.

  • Cho rằng nó dễ dàng: Một số người tin rằng tình yêu vô điều kiện luôn dễ dàng và dễ đến một cách tự nhiên như kiểu "tình yêu sét đánh" hay "yêu từ cái nhìn đầu tiên". Tuy nhiên, giống như bất kỳ mối quan hệ nào khác, tình yêu vô điều kiện đòi hỏi nỗ lực và cố gắng để duy trì.

  • So sánh "tình yêu vô điều kiện" với "tình yêu có điều kiện": Đây có thể nói là cuộc tranh cãi dai dẳng giữa hai chủ nghĩa ”yêu lãng mạn” và “yêu thực dụng”. Trên thực tế khoa học sẽ không nghiên cứu và quan tâm đến vấn đề này vì cả hai kiểu tình yêu này đều có những lợi ích và thách thức riêng. Quan trọng là không phải là cái nào tốt hơn cái nào mà là kiểu tình yêu nào sẽ phù hợp hơn với nhu cầu và hoàn cảnh của mỗi người trong từng giai đoạn nhất định của cuộc đời.


Tại sao tình cảm này lại dần biến mất khi chúng ta lớn lên?

  • Sợ bị tổn thương: Những trải nghiệm tiêu cực từ thời thơ ấu hoặc các mối quan hệ trong quá khứ có thể ảnh hưởng đến khả năng cho đi và nhận lại tình yêu vô điều kiện của chúng ta khi trưởng thành. Chấn thương, lạm dụng hoặc những sứt mẻ tình cảm từ trước đó có thể khiến các cá nhân khó tin tưởng người khác và không còn muốn trải nghiệm hoặc trao đi tình yêu vô điều kiện thêm một lần nữa (5).

  • Lòng tự trọng và giá trị bản thân: Lòng tự trọng bị suy giảm và cách nhìn nhận giá trị bản thân thấp có thể khiến các cá nhân e dè trong việc chấp nhận tình yêu từ người khác cũng như không dám trao đi tình cảm của mình một cách tự nguyện (6).

  • Áp lực xã hội: Xã hội thường cho chúng ta thấy tình yêu thương luôn đi kèm với những điều kiện, khi mà hầu hết mọi người xung quanh đều đặt ra những tiêu chuẩn nhất định để đến được với nhau (chẳng hạn như "mẫu hình người yêu lý tưởng" hoặc suy nghĩ "môn đăng hộ đối", "mây tầng nào gặp mây tầng đó). Điều này khiến các cá nhân không còn tin vào việc trao đi tình cảm khi còn chưa kịp cân nhắc thiệt hơn.



Các bước để tìm lại tình yêu vô điều kiện cho người lớn


Tình yêu vô điều kiện vốn đã là một phẩm chất tự nhiên ở trẻ những lại bị đánh mất khi lớn lên. Vậy thì cách tốt nhất để tìm lại được kiểu tình cảm này đó chính là học cách thể hiện tình yêu như những đứa trẻ.


1. Thực hành yêu bản thân: Quan tâm đến nhu cầu của bản thân là một điều từ nhiên mà bất kỳ đứa trẻ nào cũng có (như cách chúng khóc khi đói, la hét đòi đồ chơi hoặc quẫy đạp khi buồn ngủ để mong được dỗ dành ru ngủ). Đây chính là lý do mà trẻ em thường có lòng tự trọng và sự tự tin khá cao. Nhớ lại tính cách này của bản thân thờ thơ ấu, dạy lại mình cách chấp nhận những ưu khuyết điểm của bản thân, chúng ta sẽ ngày càng hoàn thiện và xây dựng nền tảng cho tình yêu thương vô điều kiện nảy nở.


2. Không ngại mở lòng trong các mối quan hệ: Rất khó để làm điều này đặc biệt là khi đã bị tổn thương, nhưng người trưởng thành cần nhận ra rằng việc mở lòng thêm lần nữa không chỉ tiếp thêm cho chúng ta sự dũng cảm, mà còn là một cơ hội mới để được hiểu và yêu thương. Nó mang đến những giá trị tích cực hơn là tiêu cực. Đây chính là một thế mạnh của trẻ em và được thể hiện qua việc chúng rất thoải mái, hồn nhiên khi làm quen với bạn mới.


3. Cho đi mà không cần nhận lại: Những đứa trẻ lớn lên trong tình yêu thương lành mạnh thể hiện điều này một cách thường xuyên, khác hẳn với sự hiểu lầm của nhiều người rằng trẻ em rất ích kỷ. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy trẻ mẫu giáo, thậm chí là trẻ mới biết đi, có xu hướng hội nhập xã hội tốt và muốn đóng góp cho cộng đồng xung quanh. Chúng thích giúp đỡ người khác một cách tự nhiên, chia sẻ "tài nguyên" (như đồ chơi, quần áo, đồ ăn ngon...) và an ủi người khác (7).


4. Học cách thể hiện sự hài hước: Sự vui vẻ và hài hước có thể giúp xoa dịu tâm trạng và nuôi dưỡng một môi trường yêu thương lành mạnh hơn, nhất là trong một bầu không khí căng thẳng. Tận dụng niềm vui nhỏ nhặt xung quanh như một đứa trẻ là cách để chúng ta tận hưởng cuộc sống và nuôi dưỡng tình yêu vô điều kiện.


5. Đối diện với mâu thuẫn và xung đột: John M. Gottman là một giáo sư, chuyên gia tâm lý hàng đầu tại Mỹ đã có hơn 40 năm kinh nghiêm trong việc nghiên cứu và tư vấn tâm lý cho các cặp đôi. Chỉ bằng việc quan sát, Gottman có thể dự đoán chính xác đến 94% về khả năng ly hôn của các cặp vợ chồng trong tương lai. Theo ông, việc chuyển hướng từ tình yêu có điều kiện sang tình yêu vô điều kiện chính là một trong những cách tuyệt vời để hàn gắn và duy trì các mối quan hệ. Và để làm được điều đó, chúng ta cần phải đối diện và tận dụng các xung đột, tranh cãi như một giải pháp.

Khi các cặp vợ chồng bỏ qua hoặc lảng tránh việc nói về những vấn đề khó khăn, họ chỉ còn lại sự cam kết hời hợt. Bằng cách sử dụng xung đột làm chất xúc tác cho sự gần gũi, các cặp vợ chồng có thể tận dụng các rắc rối như một cơ hội để thảo luận về mục tiêu, nỗi sợ hãi và ước mơ của họ. Những cặp đôi yêu nhau vô điều kiện sẽ sống theo phương châm "em yêu, khi em tổn thương, cả thế giới dừng lại và anh ở đây lắng nghe" (8).

Bằng cách thực hiện các bước để nuôi dưỡng tình yêu và lòng trắc ẩn trong cuộc sống của mỗi người, LeLa Journal hy vọng chúng ta có thể tìm lại được những trải nghiệm của tình yêu vô điều kiện như thời thơ bé.

Comments


bottom of page