top of page
Tìm kiếm

Trẻ thắc mắc về giới tính và tính dục, cha mẹ phải trả lời thế nào?

Trong một vạn câu hỏi vì sao của trẻ, những thắc mắc về giới tính và tính dục luôn gây đau đầu cho các bậc phụ huynh, một phần vì phương pháp giáo dục trong văn hoá phương Đông vẫn ngại "đả động" tới những chủ đề nhạy cảm, một phần vì chính người lớn cũng băn khoăn không biết trả lời thế nào cho phù hợp với sự hiểu biết của trẻ... Vậy cha mẹ phải làm sao để giúp trẻ vừa được giải đáp những câu hỏi tò mò ở hiện tại, vừa được phát triển tốt hơn trong tương lai?



Được hỏi về vấn đề khó nói, cha mẹ nên đối diện hay lảng tránh?


Nhiều cha mẹ hiện nay vẫn lựa chọn cách giáo dục cũ là cấm trẻ hỏi về những chuyện "tế nhị", gán cho những thắc mắc ấy là điều thiếu đứng đắn, hoặc đơn giản là lờ chúng đi. Cách làm này giúp "tiết kiệm" công sức cho các bậc phụ huynh. Tuy nhiên, cơ hội để cha mẹ giải thích và giúp trẻ hiểu rõ hơn về thế giới xung quanh cũng vì thế mà trôi qua. Điều này có nghĩa là về sau, khi cha mẹ muốn lật lại vấn đề này để giáo dục thì trẻ cũng khó lòng tiếp nhận được.


Ngay tại Hoa Kỳ, phụ huynh cũng thường ngần ngại khi trò chuyện về chủ đề này. Để tìm ra mối liên quan giữa giáo dục giới tính với sự an toàn của trẻ em và thanh thiếu niên, rất nhiều nghiên cứu đã được thực hiện.


Kết quả từ một phân tích tổng hợp trên JAMA (Tạp chí của Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ) vào năm 2019, sau khi xem xét 31 nghiên cứu trước đó trên 12.464 đối tượng, đã chỉ ra rằng khi trong gia đình đã có những cuộc trò chuyện cởi mở về giới tính và tính dục thì trẻ sẽ cảm thấy an toàn hơn khi tiếp xúc với xã hội, đồng thời việc giao tiếp trong gia đình cũng sẽ được cải thiện (1).

Một nghiên cứu khác tại Anh Quốc trên 205 phụ huynh cùng 405 trẻ cũng cho thấy việc cha mẹ để trẻ tham gia vào các cuộc trò chuyện về tính dục sẽ hỗ trợ rất nhiều đến hiểu biết và hành vi của trẻ trong tương lai (2). Không chỉ ở các nước phát triển, một nghiên cứu trên 1.039 trẻ em gốc Latin vẫn cho thấy điều tương tự (3). Ngay ở các nước châu Á, cụ thể là Đài Loan, Malaysia và Thái Lan, các nhà nghiên cứu cũng đồng ý với những quan điểm trên (4), (5), (6).


Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) cũng đưa ra những khuyến cáo trong đó nhấn mạnh đến tầm quan trọng của phụ huynh trong việc giáo dục giới tính cho trẻ (7).


Càng bắt đầu sớm càng có lợi


Tiến sĩ Laura Markham - người dành rất nhiều thời gian và tâm huyết cho vấn đề này - đã có những hướng dẫn cụ thể để giúp các bậc phụ huynh trao đổi thẳng thắn với con cái về chủ đề luôn bị coi là "nhạy cảm" (8).


Tiến sĩ Markham đồng tình rằng hầu hết các bậc cha mẹ đều lo lắng khi nói chuyện với con cái về chủ đề tính dục, nhưng nó trở nên dễ dàng hơn khi có sự hiểu biết và cách tiếp cận đúng đắn. Trước tiên, chúng ta cần lưu ý rằng tính dục (sexuality) khác với tình dục (sex).

Việc tự chuẩn bị cho mình những kiến thức về chủ đề này cần được các phụ huynh chú trọng và quan tâm. Tiến sĩ Laura Markham đưa ra một số gợi ý sau:


1. Hãy thoải mái, đừng nghĩ đây là "buổi giáo huấn" quá nghiêm túc: Đây không phải là một buổi nói chuyện cấp thiết và mang tính bắt buộc để giáo dục giới tính mà phụ huynh cần thực hiện khi trẻ bước vào tuổi dậy thì. Vào giai đoạn đầu khi trẻ tò mò và còn nhỏ, cha mẹ chỉ nên giải đáp đơn thuần những thắc mắc ngô nghê của con.


2. Bắt đầu càng sớm thì càng dễ dàng: Việc người lớn lờ đi những câu hỏi không giúp giải quyết vấn đề thực sự. Thay vào đó, việc chủ động thảo luận một cách cởi mở từng chút một sẽ tạo điều kiện cho các cuộc trò chuyện sau này trong gia đình diễn ra tốt hơn. Đây cũng là cơ sở cho tiến trình xây dựng hành vi giao tiếp, phản hồi và phát triển sự tự tin ở trẻ.


3. Tiếp cận đúng vấn đề: Đa số các phụ huynh e dè vì đang hiểu sai vấn đề. Bời lẽ, sức khỏe tình dục không chỉ bị giới hạn các hoạt động về tình dục, mà còn là trạng thái khỏe mạnh về thể chất, tình cảm, tinh thần và xã hội, liên quan đến tình dục, bao gồm các hiểu biết cũng như khả năng chịu trách nhiệm trong việc tương tác thân mật với người khác.


4. Chỉ nên dừng lại trong gia đình: Tiến trình hỏi-và-trả-lời này chỉ nên diễn ra giữa cha mẹ và con cái. Ví dụ, cha mẹ không nên đem nội dung cuộc hội thoại này ra để chia sẻ với người khác vì đây vẫn là chuyện cá nhân và riêng tư của trẻ, cần được người khác tôn trọng.


5. Khi trẻ không muốn nghe nữa: Lúc này, cha mẹ có thể đáp ngắn gọn rằng đây là nhiệm vụ của mình và ứng xử tùy theo tình huống và độ tuổi của trẻ. Vì theo Tiến sĩ Markham, sự phát triển theo từng độ tuổi ảnh hưởng rất nhiều đến kinh nghiệm và khả năng tiếp thu, xử lý vấn đề của trẻ.



Trò chuyện về giới tính và tính dục: Hướng dẫn theo từng độ tuổi


Liên quan tới vấn đề này, Tiến sĩ Markham cũng đưa ra một số gợi ý về cách ứng xử theo từng độ tuổi của trẻ, cụ thể như sau (9):


1. Trẻ sơ sinh: Những cuộc trò chuyện từ rất sớm giúp củng cố sức khỏe tính dục của trẻ, bao gồm niềm tin của trẻ trong tương tác cơ thể với người khác, cũng như sự tự tin của trẻ vào cơ thể mình. Ví dụ, khi thay tã cho trẻ, cha mẹ có thể nói rằng: "Bây giờ mình thay tã nhé. Nhấc chân lên để bố/mẹ lau cho cẩn thận nào".


2. Trẻ mới biết đi: Ở độ tuổi này, trẻ là những "nhà thám hiểm" rất thích thú với những gì mình khám phá được, gồm cả những bộ phận trên cơ thể. Lúc này, trẻ sẽ tò mò về tên gọi và điều mà cha mẹ nên làm là sử dụng tên chính xác cho các bộ phận cơ thể để trả lời. Ban đầu, cha mẹ có thể cảm thấy không thoải mái, nhưng nên nhớ rằng những gì cha mẹ đang làm là giúp khẳng định và khuyến khích tính tự tìm tòi ở trẻ, đồng thời xóa bỏ sự kỳ thị và nỗi xấu hổ đối với việc tiếp thu kiến thức y học - sức khỏe thường thức.


Trong trường hợp trẻ tự chạm vào "vùng kín" trên cơ thể, cha mẹ hãy giữ bình tĩnh và tương tác với trẻ một cách bình thường, vì đó cũng chỉ là một bộ phận trên người. Tuy nhiên, ngay từ lúc này, cha mẹ đã có tiền đề để giáo dục trẻ về không gian cá nhân, cũng như việc không cho người khác đụng chạm vào bộ phận riêng tư hay bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể. Dù vậy, sự giáo dục này chưa rõ ràng mà phải tới giai đoạn phát triển kế tiếp mới được củng cố.

3. Trẻ từ ba đến bốn tuổi:

  • Trong độ tuổi này, trẻ thường hỏi "Em bé đến từ đâu?". Cha mẹ có thể trả lời rằng "Em bé lớn lên bên trong bụng mẹ" và đưa ra ví dụ về những phụ nữ mang thai mà trẻ đã gặp. Tuy nhiên, cha mẹ cũng không cần phải nói chi tiết và đi sâu vào toàn bộ quá trình mang thai, trừ khi trẻ yêu cầu.

  • Đọc sách giáo dục giới tính dành cho tuổi thơ: Có nhiều tựa sách hay viết về chủ đề này một cách nhẹ nhàng mà cha mẹ có thể cùng đọc với trẻ. Đây là một cách hay vừa giải đáp trí tò mò của các bé, vừa tạo thói quen cho các hoạt động giải trí bổ ích sau này.

  • Kết hợp phòng chống xâm hại ở trẻ: Như đã nhắc tới ở trên, cha mẹ có thể dạy con rằng toàn bộ cơ thể, đặc biệt là phần cơ thể bên dưới, thuộc về cá nhân mỗi người. Chỉ có cha mẹ được phép chạm vào bộ phận riêng tư của trẻ khi tắm rửa, vệ sinh cho trẻ và chỉ bác sĩ được chạm vào khi thăm khám cho trẻ dưới sự cho phép của cha mẹ.

  • Giới và giới tính là hai khái niệm khác nhau: Đôi khi, phụ huynh cũng hiểu nhầm hai khái niệm này.


Khái niệm "giới tính" (sex) chỉ khía cạnh sinh học của giới nam (giống đực) hoặc giới nữ (giống cái), còn "giới" (gender) lại chỉ khía cạnh tâm lý, hành vi, xã hội và cả văn hóa của một cá nhân khi là nam giới hoặc nữ giới (ví dụ như mang tính nam hoặc mang tính nữ) (10). Trẻ lên bốn thường có những thắc mắc xoay quanh vấn đề này. Một số đứa trẻ có thể cảm thấy nhận dạng giới của mình khác với bạn bè trang lứa, chẳng hạn như chuyện một cậu bé thích màu hồng là điều hoàn toàn hợp với quy chuẩn xã hội ở thế kỷ XVIII, nhưng lại là quá nữ tính nếu so với quy chuẩn ngày nay (11). Như vậy, việc áp dụng khuôn mẫu giới mang lại cản trở rất lớn đến diễn trình phát triển toàn diện của trẻ (12).

4. Trẻ từ năm đến mười tuổi:

Lúc này, trẻ đã biết đào sâu hơn vào những câu hỏi, chẳng hạn như: "Tại sao em bé lại ở trong bụng mẹ?", "Em bé đến đó như thế nào?", "Tại sao tinh trùng và trứng lại gặp nhau?"... Trước những câu hỏi đó, cha mẹ cần:

  • Đơn giản hóa vấn đề: Hãy sử dụng kiến thức khoa học để giúp trẻ giải đáp trí tò mò, ví dụ như: "Em bé được hình thành khi tinh trùng gặp trứng, điều này diễn ra ở độ tuổi trưởng thành, chuyện này không chỉ diễn ra trên người mà còn ở các loại động vật nữa"...

  • Tôn trọng người khác: Dạy con rằng không bao giờ chạm vào bất cứ ai mà không có sự đồng ý của họ, cũng như không ai được chạm vào trẻ mà không có sự đồng ý của chúng.

  • Bắt đầu nói về sự đa dạng của giới: Bản dạng giới bắt đầu thể hiện trong độ tuổi từ năm đến bảy, cho chúng ta khái niệm rõ nhất về "mình là ai" ở sâu thẳm bên trong. Khi bản dạng giới tự thể hiện, trẻ sẽ cần sự hỗ trợ và giải đáp của người lớn trong trường hợp trẻ cảm thấy mình hoặc người quen biết xung quanh có những biểu hiện khác biệt với quy chuẩn thông thường.


Đối với trẻ sau 10 tuổi, đây là lúc mà trẻ bắt đầu bước vào giai đoạn dậy thì và cần có những cuộc nói chuyện và trao đổi một cách nghiêm túc. Lúc này, cha mẹ nên tham khảo thêm kinh nghiệm và kiến thức về giáo dục giới tính để trò chuyện với trẻ. Trong trường hợp, gia đình đã xây dựng được văn hóa thảo luận từ trước đó, việc giáo dục trẻ trong giai đoạn này sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn.




Comments


bottom of page