top of page
Tìm kiếm
Ảnh của tác giảHoa Nguyen

Wabi Sabi: Triết lý chữa lành, tránh bẫy hoàn hảo

Bạn đã bao giờ cảm thấy sự cầu toàn đôi khi lại là yếu tố cản trở thay vì giúp bản thân phát triển? Trong một thế giới mà mọi người đã quen dần với việc theo đuổi những sự hoàn hảo phi thực tế, cùng với nhịp sống gấp gáp và đầy rẫy căng thẳng, triết lý Wabi Sabi cổ xưa của người Nhật có thể là một liều thuốc chữa lành nhẹ nhàng giúp chúng ta tránh được cái bẫy mà chủ nghĩa hoàn hảo đem lại.


Theo đuổi sự hoàn hảo (perfection) không đồng nghĩa với việc mong muốn có một kết quả xuất sắc (excellence). Một số người cho rằng tính cầu toàn là động lực thúc đẩy sự cải thiện và phản ánh được những tiêu chuẩn cao của họ, nhưng chủ nghĩa hoàn hảo không thực sự là một cách lành mạnh để đạt đến sự xuất sắc.


Trên thực tế, chúng ta có 2 kiểu chủ nghĩa hoàn hảo. Những người theo chủ nghĩa hoàn hảo tích cực thường cố gắng trở thành phiên bản tốt nhất của họ, trong khi người theo chủ nghĩa hoàn hảo tiêu cực lại cố để thoát khỏi cái tôi mà họ sợ hãi và cho là tồi tệ nhất - một cách ám ảnh (1).

Những hậu quả tiềm ẩn của chủ nghĩa hoàn hảo theo hướng cực đoan bao gồm việc lo lắng, trầm cảm, chán ghét xã hội, mức độ hài lòng về cuộc sống thấp, suy giảm các giá trị của bản thân và không thể tự điều chỉnh cảm xúc (2). Dù hiểu được những điều này ở một mức độ nào đó, nhưng có lẽ chúng ta vẫn gặp khó khăn trong việc chấp nhận khuyết điểm và lỗi lầm của mình một cách bao dung.


Nghiên cứu đã chỉ ra chủ nghĩa hoàn hảo đang ngày càng phổ biến theo thời gian, từ sinh viên đại học đến các nhân viên ở khắp mọi ngành nghề trên thế giới đều có thể gặp phải (3). Để tránh những tác động tiêu cực của nó, chúng ta cần biết cách vượt lên những quan điểm về sự hoàn hảo đã được lấy làm chuẩn mực xã hội hiện nay.


Triết lý cổ xưa có nguồn gốc từ Phật giáo


Ảnh: Annie Spratt

Wabi Sabi có nguồn gốc từ Phật giáo Thiền tông Trung Quốc từ thế kỷ 12, sau đó được thiền sư Sen no Rikyu phổ biến rộng rãi ở Nhật Bản vào thế kỷ 16. Đây là một triết lý thúc đẩy con người tìm kiếm vẻ đẹp ở sự không hoàn hảo và chấp nhận chu kỳ tự nhiên của cuộc sống. Wabi Sabi nhắc nhở chúng ta rằng tất cả mọi thứ, bao gồm mỗi cá nhân và toàn bộ cuộc sống, đều là vô thường, không trọn vẹn và không hoàn hảo.


Thuật ngữ Wabi Sabi được chia nhỏ ra như sau:

  • Wabi đề cập đến sự đơn giản, thanh lịch, mộc mạc, vẻ đẹp tinh tế, có khiếm khuyết, dị thường và độc đáo, tức nói về những điều không hoàn hảo.

  • Sabi đề cập đến vẻ đẹp luôn đi kèm với tuổi đời cũ dần theo năm tháng và sự hao mòn, rỉ sét, xỉn màu là một quá trình tiến triển tự nhiên cũng như là sự tôn kính đối với chu kỳ của cuộc sống. Nó nhấn mạnh việc chấp nhận giá trị thẩm mỹ của những điều vô thường.


Khác với thẩm mỹ phương Tây thường coi trọng về trật tự, đối xứng và tỷ lệ, Wabi Sabi lại đề cao sự bất cân xứng, thô sơ, đơn giản và tầm thường. Một ứng dụng nghệ thuật tinh túy của triết lý Wabi Sabi là kintsugi - nghề thủ công sửa chữ đồ gốm bị hỏng ở Nhật Bản. Thay vì cố gắng che đậy các vết nứt và làm cho đồ gốm bị vỡ trông đẹp như mới, các nghệ nhân kintsugi sử dụng sơn mài bằng nhựa cây được phủ một lớp kim loại quý như vàng, bạc hoặc bạch kim để làm nổi bật các đường nét không hoàn hảo. Đôi khi, họ còn lấy các mảnh gốm vỡ khác và kết hợp chúng lại với nhau, tạo nên một tác phẩm mới giá trị.



Kintsugi không cố gắng che giấu các vết nứt, nó tôn vinh sự “độc nhất” của tác phẩm bằng cách nhấn mạnh vào những điểm khác thường, nứt vỡ. Sự hư hại không chỉ nâng cao vẻ đẹp nghệ thuật, mà còn khẳng định sự độc nhất không thể sao chép, không thể tái tạo vì không có đồ gốm nào bị vỡ theo cách giống nhau.

Điều này còn tạo nên tính bền vững cho một sản phẩm. Vì chúng ta không thay mới ngay lập tức mà tận dụng những thứ sẵn có để chỉnh sửa và sử dụng tiếp. Dù nó không hoàn hảo, nhưng chúng ta đã hạn chế được việc bỏ đi và sản xuất thêm một cái mới, từ đó giảm thiểu sự tiêu tốn tài nguyên của hành tinh.


Wabi Sabi "chữa lành" chủ nghĩa hoàn hảo như thế nào?


Ảnh: Markus Spiske

Wabi Sabi đáng giá ở chỗ nó không chỉ là một triết lý thiên về nghệ thuật và đồ gốm, mà chúng ta còn có thể đưa các nguyên tắc này vào hầu hết mọi khía cạnh trong cuộc sống. Đặc biệt, đây chính là một "liều thuốc lành mạnh" cho chủ nghĩa hoàn hảo tiêu cực.


Nếu là người cầu toàn, bạn sẽ cố gắng đạt đến những “kiệt tác cuộc đời”, như điểm số hoàn hảo, công việc hoàn hảo, đám cưới hoàn hảo, bạn đời hoàn hảo… Nhưng ngay cả khi có được tất cả điều này trên mỗi chặng cuộc đời, chúng ta sẽ hiểu ra nó không bao giờ kéo dài mãi mãi. Mọi niềm vui sướng vì thành công đều có thể kết thúc, cũng như mọi sự khổ đau vì thất bại đều không tồn tại quá lâu. Càng bám chấp vào những điều vốn dĩ là vô thường và muốn chúng trở nên hoàn hảo, chúng ta sẽ càng cảm thấy không hài lòng vì mọi thứ không được như ý muốn.


Thay vào đó, triết lý Wabi Sabi nhấn mạnh rằng, mỗi người có thể “làm bạn” với những thất bại của mình, thay đổi cách nhìn về những lỗi lầm và trau dồi giá trị bản thân dựa trên sự khiêm tốn và chấp nhận. Điều đó không có nghĩa Wabi Sabi né tránh việc tự hoàn thiện bản thân hay ngăn cản theo đuổi sự xuất sắc. Các truyền thống nghệ thuật của Nhật Bản luôn thể hiện rõ sự tỉ mẩn và chăm chỉ chứ không phải lười biếng.


Tương tự nghệ nhân kintsugi nối liền những vết nứt trên đồ gốm, mỗi người chúng ta đều có thể ăn mừng những thất bại của mình như một phần tất yếu của quá trình trưởng thành. Và đó cũng là những gì làm nên sự khác biệt, độc đáo của chúng ta ngày hôm nay.

Ảnh: Clay Banks

Để hiểu hơn về cách ứng dụng Wabi Sabi trong cuộc sống, hãy tham khảo những gợi ý dưới đây và thử áp dụng tư duy này vào các trải nghiệm cuộc sống để vượt qua ý nghĩ về sự hoàn hảo:

  • Thông qua việc chấp nhận mọi hoàn cảnh, bạn sẽ tìm thấy được sự tự do và phát triển.

  • Tất cả mọi thứ trong cuộc sống, bao gồm cả chúng ta, đều ở trong trạng thái vô thường. Hãy vươn tới sự cải thiện và trau dồi bản thân thay vì mong đợi đạt được sự hoàn hảo tuyệt đối.

  • Nên đánh giá cao vẻ đẹp của vạn vật, đặc biệt là vẻ đẹp tuyệt vời ẩn bên trong những gì tưởng như đã vỡ.

  • Sống chậm, đơn giản hóa cuộc sống và tập trung vào những gì thực sự quan trọng có thể là cách tốt nhất để chúng ta cảm nhận niềm vui và ý nghĩa hằng ngày.

  • Hài lòng với vị trí hiện tại và tất cả những gì bạn có lúc này - thay vì tìm kiếm ở đâu khác - chính là hạnh phúc.


Như Beth Kempton, tác giả quyển sách Wabi Sabi - Thương những điều không hoàn hảo đã chia sẻ: “Wabi Sabi cho phép chúng ta được là chính mình, động viên mỗi người cố gắng hết sức nhưng không khiến ta cảm thấy bản thân tồi tệ khi theo đuổi các mục tiêu hoàn hảo bất khả thi. Wabi Sabi giúp bạn thư giãn, sống chậm lại và tận hưởng cuộc sống của mình hơn. Nó cũng cho ta thấy rằng, vẻ đẹp có thể được tìm thấy ở những nơi không ngờ đến và điều đó sẽ khiến mỗi ngày của chúng ta trở nên hạnh phúc”.

Comments


bottom of page