Trong buổi trò chuyện nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10 cùng LeLa Journal, Tiến sĩ - Bác sĩ da liễu kiêm nữ doanh nhân Phạm Thị Bích Na đã cùng bàn luận về cách một người phụ nữ hiện đại như chị vừa lãnh đạo doanh nghiệp, vừa cáng đáng nhiều "chức vụ" từ làm vợ, làm mẹ, làm giảng viên, làm bác sĩ... Bên cạnh đó, chị cũng giải mã biểu tượng "người phụ nữ hiện đại" mà xã hội đặt ra đang vô tình tạo nên những áp lực vô hình cho phái đẹp.
Cũng nhân ngày Doanh nhân Việt Nam và ngày Phụ nữ Việt Nam đang đến, Tiến sĩ - Bác sĩ da liễu Phạm Thị Bích Na đã đưa ra những góc nhìn thấu đáo về tầm quan trọng của việc thu vén thời gian để dành sự ưu tiên cho những điều quan trọng trong đời, đồng thời chỉ ra sự khác biệt giữa đàn ông và phụ nữ khi lèo lái con thuyền doanh nghiệp.
Tiến sĩ, bác sĩ da liễu Phạm Thị Bích Na hiện đang hiện đang là Giám đốc tại BichNa Beauty Clinic, đồng thời là giảng viên tại trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch TP.HCM. Một số thành tựu tiêu biểu:
|
---|
"Thêm một thành tựu cũng là thêm một trọng trách"
Lời đầu tiên, xin chúc mừng chị vừa bảo vệ thành công Luận án Tiến sĩ Y học tại Viện nghiên cứu khoa học Y dược lâm sàng 108. Liệu có lý do đặc biệt nào thôi thúc chị quyết tâm hoàn thành học vị Tiến sĩ trong khi công việc hiện tại đã chiếm trọn thời gian, như là chăm ba con nhỏ, rồi phải quản lý phòng khám và spa, lại còn giảng dạy chuyên môn tại trường?
Đối với tôi, việc có được tấm bằng tiến sĩ là một mục tiêu phải đạt được trong hành trình học vấn. Hồi trẻ, khi vừa mới bước chân vào trường Đại học Y Dược TP.HCM, tôi đã luôn mơ ước đạt được những thành tựu học vấn như thầy cô mà mình nể trọng. Chính những vị giáo sư uyên bác, mẫu mực mà tôi từng theo học đã truyền cảm hứng và giúp tôi đạt được thành tựu trong ngành, cũng như quyết chí theo đuổi sự nghiệp như hôm nay
Một lý do nữa, có phần hơi cá nhân, đó là vì cá tính của tôi. Với tôi, điều gì đã nằm trong kế hoạch thì phải làm cho bằng được. Thà làm sớm còn hơn làm muộn, vì không ai biết ngày mai sẽ ra sao cả. Hôm nay tôi bận đấy, đủ thứ việc đấy, nhưng nếu mọi thứ vẫn trong khả năng sắp xếp, vẫn còn sức khỏe, còn trí tuệ và bản thân vẫn còn có thể nỗ lực thì hãy hành động ngay. Biết đâu, càng trì hoãn thì mọi thứ lại càng vượt ra ngoài khả năng kiểm soát và sắp xếp của mình thì sao?
Vậy sau 5 năm theo học chương trình đào tạo tiến sĩ để chinh phục mục tiêu từ trẻ, chị đã tích lũy thêm được trải nghiệm và bài học gì bên cạnh kiến thức chuyên môn?
Tôi nghĩ, bài học lớn nhất là trách nhiệm luôn đi kèm với tầm ảnh hưởng. Trách nhiệm khi giữ học vị tiến sĩ không đơn thuần là cho cá nhân mình, mà là tạo ra đội ngũ kế thừa. Khi cầm tấm bằng tiến sĩ thì trách nhiệm của mình cũng "nặng" hơn vì phải hướng dẫn, đào tạo, cũng như truyền cảm hứng đến các bạn trẻ, tương tự như cách mình đã từng dõi theo "ngưỡng mộ" các thầy cô năm xưa vậy.
Đồng thời khi trở thành tiến sĩ, tôi cũng phải tự "nâng cấp" bản thân lên, làm gì cũng cẩn trọng và có trách nhiệm hơn, cả trong lời ăn tiếng nói, trong từng động thái và từng kiến thức mà mình chia sẻ, truyền đạt. Quan điểm này tôi cũng áp dụng vào lĩnh vực làm influencer (người có sức ảnh hưởng lớn trên mạng xã hội) thông qua kênh Tik Tok và Facebook cá nhân, vì tôi muốn truyền tải những thông điệp và kiến thức thẩm mỹ đúng đắn, cũng như chống lại những xu hướng làm đẹp sai trái, nguy hiểm.
"Điều quan trọng là ở mỗi giai đoạn là biết mình cần ưu tiên cho mục tiêu nào"
Đúng như chị nói, năng lực càng cao thách thức cũng càng nhiều và mình càng phải cáng đáng nhiều trọng trách hơn. Nhiều bạn bè và đồng nghiệp nhìn vào chị hiện nay đều có cảm giác chị rất giỏi thu vén khi đảm nhận cùng lúc nhiều trách nhiệm: vừa làm giảng viên, vừa làm kinh doanh, vừa làm mẹ của ba đứa con nhỏ. Trong khi quỹ thời gian của mỗi người là như nhau, chị đã làm thế nào để thực hiện những vai trò và trách nhiệm trên một cách chu toàn?
Kể ra thấy hơi nhiều nhỉ (cười). Trước giờ tôi vốn quen với guồng quay như thế nên cũng cảm thấy bình thường. Có lẽ do tôi làm nhiều việc trông có vẻ không liên quan đến nhau nên mọi người mới ưu ái nghĩ tôi giỏi thu xếp thế thôi.
Thật ra, để chu toàn được nhiều việc, tôi luôn đặt mục tiêu cho mỗi giai đoạn. Như mục tiêu tối thượng mà tôi đã luôn hướng đến từ lúc còn trẻ đến giờ là sự cân bằng. Cân bằng giữa mọi trách nhiệm, nhu cầu lẫn áp lực. Nếu những lựa chọn đều trong sự sắp xếp và tính toán thì mình hoàn toàn có thể gánh vác được.
Thứ hai là cách phân bổ sự ưu tiên. Trong trường hợp của tôi, sau khi ra trường, tôi xác định những năm tiếp theo là để trau dồi kiến thức học được bằng kinh nghiệm thực tế, rồi đến khi lập gia đình thì trong 3 năm đầu tôi xác định không có em bé mà tập trung kinh doanh. Quãng thời gian theo học và nghiên cứu cho luận án tiến sĩ và sinh em bé là khó khăn nhất với tôi, nên tôi chọn một bước lùi nhất định cho việc kinh doanh. Sau khi sanh xong và hoàn thành học vị tiến sĩ, phát triển thương hiệu và sự nghiệp kinh doanh riêng sẽ là ưu tiên lớn của tôi bên cạnh việc giảng dạy sắp tới.
Từ kinh nghiệm bản thân, chị nghĩ mỗi cá nhân cần chuẩn bị gì nếu muốn đảm đương nhiều vai trò cùng lúc từ trong nhà ra xã hội?
Tôi nghĩ rằng, yếu tố lớn nhất khi đảm nhiệm nhiều vai trò là phải có một kế hoạch thực sự hợp lý và biết phân bổ sự ưu tiên. Có những việc là ưu tiên cả đời như chăm sóc con cái, tu dưỡng sự nghiệp, có những việc là ưu tiên của một giai đoạn như việc bổ sung bằng cấp, chứng chỉ, khóa học…
Điều quan trọng là mọi sự ưu tiên dù nhiều hay ít thì cũng cần được chia theo tỷ trọng nhất định và mình phải đảm bảo sự phân bổ hợp lý. Ví dụ như khi mình dành sư ưu tiên cho các mục tiêu ngắn hạn thì vẫn phải đảm bảo dành thời gian với tỷ trọng hợp lý cho các mục tiêu dài hạn. Đối với tôi, dẫu công việc có bận rộn đến thế nào thì vẫn tìm cách ưu tiên thời gian cho con cái. Mỗi khi đi công tác, tôi luôn dành 3 khung thời gian trong ngày để gọi điện trò chuyện cùng con.
"Đàn ông giỏi về tư duy logic, phụ nữ giỏi về tư duy cảm xúc"
Có những nghiên cứu đã chỉ ra rằng phụ nữ có tố chất làm chủ doanh nghiệp, vì các kỹ năng lãnh đạo (leadership) đều liên quan đến thế mạnh của phái đẹp - đó là trí tuệ cảm xúc và quản lý con người. Chị nghĩ sao về nhận định này? Nói cách khác, theo chị, nữ doanh nhân lèo lái con thuyền doanh nghiệp có gì khác so với nam giới?
Lãnh đạo một doanh nghiệp thành công cần rất nhiều yếu tố mà để kể ra thì không bao giờ là đủ. Tuy nhiên, tôi cho rằng có sự khác nhau giữa cách đàn ông và phụ nữ quản lý doanh nghiệp.
Đàn ông giỏi về quy trình, tư duy logic, hoạch định chiến lược, còn phụ nữ thì giỏi về quản lý cảm xúc. Bản thân tôi là "tay ngang", không biết kỹ năng kinh doanh, không am hiểu quy trình quản lý mà chỉ có chuyên môn về y khoa, nên thời gian đầu khởi nghiệp kinh doanh rất khó khăn. Khó là vì tôi quản lý mọi thứ theo cảm tính thay vì dựa trên quy trình chuẩn. Tôi chỉ biết mai làm việc này, mốt làm việc kia cùng nhân viên chịu cực chịu khó thế thôi.
Song, tôi nghĩ thế mạnh của phụ nữ lại nằm ở chính tư duy cảm xúc đó. Dù bạn kinh doanh bất cứ cái gì, thì "sản phẩm" mà bạn bán ra vẫn là phục vụ cho con người. Tại sao cùng một dịch vụ, công nghệ, nhưng khách hàng lại chọn mình thay vì bên khác? Tất cả là do sự phục vụ, tinh thần trách nhiệm và sự tận tụy mà mình mang lại – chung quy là cái tâm của mình thế nào thì khách hàng sẽ cảm nhận được như vậy.
Và chính cái "tâm" đó cũng nên được người chủ doanh nghiệp dùng để đối đãi với cả đội ngũ nhân viên của mình, đúng không thưa chị?
Đúng vậy, trong quản lý nhân sự, tôi nhận thấy nhu cầu được yêu thương và tôn trọng là một mong muốn rất cơ bản của nhân viên. Đây cũng chính là yếu tố giữ chân nhân viên ở lại. Trong những cuộc họp, tôi để ý thấy phụ nữ góp ý hay khiển trách nhân viên cũng khéo léo hơn đàn ông (cười).
Tôi nghĩ rằng, phụ nữ thường mềm mỏng, nhạy cảm và ít có tính công kích hơn đàn ông nên sẽ biết đâu là điểm dừng trong một cuộc tranh cãi. Hơn nữa, "giao diện" của phụ nữ cũng… ưa nhìn nên người ngoài dễ thấy thân thiện, dễ gần, dễ tâm sự hơn.
Phụ nữ lãnh đạo tạo áp lực để thúc nhân viên tiến về trước, không phải để làm người ta “gãy gánh” giữa đường.
Nhân tiện đang nhắc về sự nhạy cảm của phụ nữ, chị có nghĩ rằng chính trực giác của phụ nữ giúp cho việc quản lý và vận hành doanh nghiệp thuận lợi hơn?
Có chứ. Sự nhạy cảm và trực giác giúp phụ nữ đễ đoán được các xu hướng, đặc biệt là trong lĩnh vực thẩm mỹ và làm đẹp. Trong ngành làm đẹp, phụ nữ nó có thế mạnh đó. Họ có một thứ gọi là “cảm giác mình là một trong số đó” – còn gọi là sự đồng cảm – nên họ nhạy cảm trước thời thế. Giống như bản thân tôi thường dự đoán được trào lưu thẩm mỹ nào sắp trở thành xu hướng, dựa trên sự đón nhận của khách hàng hay cách mọi người bàn tán về trào lưu đó.
Nhưng nói đi cũng phải nói lại, sự nhạy cảm vừa là điểm mạnh những cũng chính là trở lại lớn nhất của phụ nữ, bởi họ có thể hành xử cảm tính, trong khi kinh doanh thì cần quy trình rõ ràng.
Ngoài ra, điểm bất lợi của phụ nữ còn là về việc cân bằng giữa sự nghiệp và gia đình. Nếu bảo rằng “Đừng lập gia đình thì mới làm kinh doanh được” thì không đúng, nhưng khi có gia đình, rất nhiều người mà tôi biết dã buộc phải chọn giữa gia đình hay là sự nghiệp. Một nữ doanh nhân thành công hiếm khi có thể là một người mẹ có thời gian vào trong bếp hay dành toàn bộ thời gian cho con. Tôi nghĩ, đây là bất lợi chung của những người phụ nữ.
Vậy bản thân chị đã giải quyết bất lợi này như thế nào?
Nhà tôi tạm gọi là đông con với ba đứa nhỏ. Cũng nhiều lúc, tôi cảm thấy cũng không thể dành hết tâm trí cho các con được, không thể kham hết việc nhà, cảm thấy chưa chia sẻ đủ với con vì quỹ thời gian hạn hẹp. Nhưng bản thân tôi biết rằng mình có thể bù đắp cho con, cho chồng vào một thời điểm khác vì tôi biết cách để phân bổ sự ưu tiên.
Như đã nói, mọi thứ tùy thuộc vào kế hoạch và sự sắp xếp của mình. Trong khoảng vài năm nữa là tôi có thể lui về để chăm con toàn diện hơn.
"Xã hội không nên có những biểu tượng (icon), bởi mỗi người có một nội lực khác nhau"
Chị vừa nhắc về chữ "toàn diện", liệu có phải suy cho cùng người phụ nữ vẫn nên "công dung ngôn hạnh" và "giỏi việc nước, đảm việc nhà"? Theo chị, đó có phải là tiêu chí để trở thành "người phụ nữ biểu tượng" (modern iconic woman) của thời hiện đại?
Tôi không đồng tình với quan điểm "người phụ nữ biểu tượng" theo cách diễn giải này, bởi nói như thế là đang áp đặt một chuẩn mực gò bó mới lên phụ nữ. Bởi vì theo tôi, mỗi người có một nội lực khác nhau, có ngưỡng chịu đựng và có ngưỡng học hỏi khác nhau. Việc đặt ra quan điểm “phụ nữ thành công là phải vừa giỏi kinh doanh, vừa giỏi làm mẹ" là đang áp đặt thêm quy chuẩn về sự toàn vẹn lên phụ nữ. Và vô hình trung, điều này càng khiến phụ nữ cảm thấy bị gò bó, chẳng khác gì những định kiến ngày xưa.
Bản thân tôi từ bé đến giờ không có một biểu tượng (icon) nào để hướng đến. Có những người tôi nể trọng, như các thầy cô – họ là tấm gương để tôi phấn đấu, nhưng tôi không cố trở thành bản sao của họ.
Tôi nghĩ, xã hội không nên có những biểu tượng (icon), bởi mỗi người có một nội lực khác nhau.
Từ kinh nghiệm cá nhân, chị có lời khuyên nào để phụ nữ có thể nhận ra được hết nội lực của mình không?
Tôi tin rằng mọi người, đặc biệt là phụ nữ, nên nương theo bản thân mình. Nương theo ở đây không phải là lười biếng chiều chuộng bản thân hay buông xuôi an phận, mà là theo đuổi những giá trị và vươn lên phiên bản tốt hơn trong chừng mực khả năng của mình. Nếu lựa chọn của bạn là va chạm xã hội để vươn lên các bậc thang sự nghiệp và địa vị thì tốt thôi, nhưng nếu bạn lựa chọn lui về làm nội trợ, làm bếp núc thì việc đó cũng ý nghĩa và đáng tự hào không kém.
Sẽ là quá lời nếu nói đây là chuẩn mực chung nhất cho toàn thể phụ nữ, nhưng tôi nghĩ có một điều mà phụ nữ luôn cần phải trau dồi cho bản thân. Chính là sự thông tuệ. Sự thông tuệ ở đây không liên quan đến học vị hay chức danh, mà là sự thông suốt ngay từ những tình huống nhỏ nhặt trong đời sống hằng ngày, từ chuyện ăn uống, làm đẹp, hay chuyện chọn thực phẩm nào cho con...
Cảm ơn những chia sẻ của chị cùng LeLa Journal và chúc chị thật nhiều niềm vui trong ngày Doanh nhân Việt Nam hôm nay & ngày Phụ Nữ Việt Nam sắp đến.
Comments