top of page
Tìm kiếm

Vấn nạn "tự bắt bệnh" tâm lý qua TikTok: Chuyên gia nói gì?

Không còn xa lạ với sự nở rộ của TikTok và các nền tảng nội dung ngắn, cũng không thấy lạ lẫm với những thông tin về sức khỏe tinh thần, nhưng chúng ta sẽ đối diện thế nào với những nội dung ngắn về "các bệnh tâm lý" tràn lan hiện nay? Hãy cùng LeLa Journal phân tích và theo dõi chuyên gia chia sẻ về vấn đề này nhé.



Xu hướng content sức khỏe tinh thần trên TikTok


Khoảng năm 2020, khi dịch bệnh COVID-19 lan rộng toàn cầu, TikTok đã trở thành nền tảng mạng xã hội phổ biến để các bác sĩ và nhân viên y tế chuyên khoa Tâm lý học có thể phát triển nội dung và giáo dục cộng đồng mạng về những dạng rối loạn tâm lý phổ biến, như trầm cảm hoặc chứng rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD). Nhiều video đăng tải thông tin về vấn đề sức khỏe tinh thần thường mang tính chất chia sẻ từ những người trong cuộc - tức là những người đã và đang trải qua việc chẩn đoán và điều trị rối loạn sức khỏe tinh thần.


Tuy nhiên, trên TikTok và các nền tảng nội dung ngắn, đã xuất hiện nhiều hơn những video về "triệu chứng" dễ gây hiểu lầm, mơ hồ, hoặc hoàn toàn sai sự thật do những người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội (influencers, KOL...) đăng tải. Đặc biệt, những người này hoàn toàn không phải chuyên gia trong lĩnh vực Tâm lý học.

Nền tảng chăm sóc sức khỏe online PlushCare đã thu thập dữ liệu của 500 video TikTok về sức khỏe tâm thần để tìm hiểu xem liệu hầu hết người dùng TikTok có nguy cơ nhận thông tin sai lệch hay không. Họ nhận thấy rằng: 84% video có chứa nội dung sai lệch (1).


Mặc dù 54% video chứa thông tin chính xác, nhưng báo cáo cũng cho thấy khoảng 14,2% nội dung gây hiểu lầm đến mức có thể gây hại, chẳng hạn như đề xuất một số loại thuốc mà không có kê toa đến từ bác sĩ. Phần lớn các video về ADHD, rối loạn lưỡng cực và trầm cảm mang thông tin sai lệch (1).


Phần lớn các nội dung liên quan đến lĩnh vực sức khoẻ tinh thần trên TikTok thường có dạng: "Dấu hiệu bạn mắc bệnh..." ("Signs you have...") với thời lượng trong vòng 1 phút. Các video đều có phần nhạc bắt tai, nhảy múa bắt mắt và mang tính chất giải trí hơn là cung cấp thông tin bổ ích. Đối tượng xem video phần lớn là những người trẻ yêu thích nội dung ngắn, và việc tiêu thụ một lượng lớn nội dung như vậy có thể gây nên hiện tượng "tự chẩn đoán" ở giới trẻ.


Những ví dụ về content ADHD sai lệch trên Tiktok với nội dung "những dấu hiệu của ADHD chưa được chẩn đoán" và "những khía cạnh vui vẻ của ADHD"


Nhiều người "tự chẩn đoán" vì... TikTok bảo thế


Khi tồn tại nhiều thông tin không chính xác như vậy, vấn đề nan giải sẽ xuất hiện: Người dùng trẻ có thể phân biệt giữa thông tin uy tín về chuyên môn về sức khỏe cộng đồng và tâm thần, với thông tin thiếu xác thực, không được công nhận hay không? (2). Như LeLa Journal đã từng nhắc tới các nội dung ngắn, có thể thấy rằng những "kiến thức trôi nổi" này cũng giống như những thứ đồ ăn nhanh - tiện trước mắt, hại lâu dài.


Tiến sĩ Tâm lý học Jean Twenge nhận xét rằng thuật toán của TikTok vốn "rất phức tạp" và "rất hấp dẫn", khiến người trẻ tương tác lâu hơn. TikTok có hơn một tỷ người dùng toàn cầu. Những người dùng đã dành trung bình một tiếng rưỡi mỗi ngày trên TikTok, nhiều hơn bất kỳ nền tảng mạng xã hội nào khác (3). Vậy thì những nội dung sai lệch sẽ ảnh hưởng tới đâu?


Theo Hiệp hội Tâm lý Anh Quốc, một số người dùng ngày càng có xu hướng sử dụng TikTok để tự chẩn đoán rối loạn phổ tự kỷ (ASD) và ADHD (4). Khi nhắc đến việc tự chẩn đoán rối loạn phổ tự kỷ, Tiến sĩ ​​Tara Quinn-Cirillo tại Hiệp hội Tâm Lý Anh Quốc cho hay đã có nhiều bệnh nhân trẻ tìm gặp cô vì họ tin rằng bản thân đã "mắc bệnh" sau khi xem các video dài 30 giây trên mạng xã hội. Đặc biệt hơn, nhiều người trẻ đang nhầm lẫn ASD với một số rối loạn khác, như rối loạn lo âu hoặc rối loạn trầm cảm.


"Với một người đã có nhiều năm kinh nghiêm, nó giống như chuyện một bác sĩ phẫu thuật được người khác khuyên rằng họ chỉ cần 'buộc mạch máu lại' và hy vọng rằng họ đã làm đúng", Tiến sĩ Quinn-Cirillo chia sẻ với tờ The Telegraph, "có rất nhiều mối nguy hiểm vì thực sự là có thể có những triệu chứng tiềm ẩn khác mà bệnh nhân cần được hỗ trợ. Đây không chỉ là vấn đề đánh giá và chẩn đoán" (5).


Việc người trẻ ưa chuộng TikTok hơn việc đến gặp người có chuyên môn về tâm lý đến từ khó khăn trong việc bệnh nhân tiếp cận các trung tâm điều trị phù hợp. Bối cảnh đại dịch COVID-19 đặt ra câu hỏi liệu người dùng có thể hiểu lầm những khó khăn do ảnh hưởng từ đại dịch với các triệu chứng ADHD hay không, chẳng hạn như việc khó duy trì sự chú ý khi xem màn hình cách ly trong thời gian dài.


Nguyên nhân khác là mối quan hệ xã hội một chiều (parasocial relationship) giữa người xem và các TikToker đăng tải các nội dung kể trên. Đây chỉ đơn thuần là tương tác từ phía người xem cảm thấy hứng thú với nhân vật truyền thông trên mạng xã hội. Khi người xem cảm nhận sự thân thuộc, dễ chịu của TikToker, họ dễ dàng bị thuyết phục bởi nội dung và ít khi đi kiểm chứng lại thông tin của nhân vật truyền thông ấy. Hoặc cũng có thể, với thời gian dùng TikTok kéo dài như vậy, họ không thể nhớ hết các thông tin đã tiếp nhận để kiểm chứng tất cả.


Hiệu ứng lan truyền (viral) của video cũng có thể khiến độc giả tin tưởng vào thông tin chưa thật sự xác thực. Thông tin trên video nổi tiếng được coi là đáng tin cậy và việc xác nhận lại tính đúng đắn là rất hiếm. Ngay các công cụ kiểm tra tính xác thực cũng không mấy thành công trong việc kiểm tra độ đáng tin cậy của TikTok (6).

Đa số những video trên TikTok thường dao động trong khoảng 30 giây đến 1 phút – tức là quá ít thời gian để có thể truyền tải thông điệp về triệu chứng hoặc rối loạn một cách cụ thể và chính xác. Vì vậy, chúng thường là những thông tin mơ hồ, dễ gây hiểu lầm với khán giả trẻ. Với rối loạn tăng động giảm chú ý, nhà tâm lý học Matthew Haring tại Trung Tâm North Shore về ADHD cho hay rằng hầu hết bệnh nhân ADHD của ông đều có chứng rối loạn đồng mắc như rối loạn lo âu hoặc trầm cảm. Khi thông tin trên TikTok quá mơ hồ dẫn đến việc tự chẩn đoán, khán giả sẽ không thể điều trị những yếu tố gây rối loạn tiềm ẩn (7).


Chuyên gia trong lĩnh vực tâm lý nói gì?


Thạc sĩ, chuyên gia tâm lý Robert Oleskevich. Nguồn: BookingCare

Theo Thạc sĩ, chuyên gia tâm lý Robert Oleskevich - người sáng lập Hero's Journey Therapy, nơi cung cấp các dịch vụ tâm lý trị liệu như liệu pháp (talk therapy) và trị liệu cặp đôi (couple counseling) tại Thành phố Hồ Chí Minh (8) - content sức khỏe tâm thần trên TikTok vừa tốt nhưng cũng vừa hại. Kinh nghiệm làm việc của cá nhân ông chưa từng gặp trường hợp thân chủ bị ảnh hưởng bởi nội dung tự chẩn đoán trên mạng xã hội. Tuy nhiên, ông không phủ nhận về khả năng người trẻ bị ảnh hưởng bởi những nội dung như vậy.


"Một số thông tin bổ ích sẽ vạch đúng hướng để người dùng có thể hiểu rõ hơn về bản thân hoặc nhận được trợ giúp. Nếu họ sử dụng TikTok như một phương pháp thay thế cho tham vấn hoặc chẩn đoán tâm lý thì điều đó là không nên" - Thạc sĩ Robert Oleskevich cho hay.

Ông cũng cho rằng chia sẻ rằng có nhiều chuyên gia về lĩnh vực sức khỏe tinh thần trên TikTok, nhưng vì đây là mạng xã hội nên cũng có rất nhiều thông tin sai lệch. Điều quan trọng là ai cũng thi thoảng có lúc trải qua những lo lắng, tuyệt vọng hay những triệu chứng như trong các video [với nội dung bắt bệnh tâm lý trên TikTok]. Chúng đều là những cảm xúc tự nhiên của con người, không phải là rối loạn nếu không can thiệp vào cuộc sống và gây ra bất lợi trong hoạt động của bạn, chẳng hạn như lo lắng đến mức bạn trốn tránh công việc, học tập hoặc bạn chán nản đến mức phải nằm trên giường nhiều ngày.


Như LeLa Journal đã từng đề cập, hiệu ứng lan tỏa (viral) của TikTok và các nền tảng tương tự giúp những bác sĩ tâm thần, nhà trị liệu tâm lý và nhà tư vấn tâm lý có thể cung cấp những thông tin bổ ích. Từ đó, nhiều người có thêm được kiến thức về sức khỏe tinh thần và có thể lựa chọn được hướng trị liệu/điều trị phù hợp. Tuy nhiên, xen lẫn với đó là rất nhiều thông tin ngắn với nội dung bắt mắt đến từ người không có chuyên môn, có thể đưa đến nhận thức sai lệch của người xem về vấn đề này.


Đã chẩn đoán thì phải chuẩn xác, tránh chữa lợn lành thành lợn què. Trong thời kỳ bùng nổ thông tin, chúng ta cần có tư duy phản biện và khả năng nhận diện đâu là thông tin chính xác trước khi quyết định xem những video TikTok về lĩnh vực tâm lý nói riêng và sức khỏe nói chung.

1 commentaire


Dao Yen
Dao Yen
14 juil. 2023

Trời đất, bây giờ lên Tiktok ai ai cũng làm đủ nghề luôn vậy sao? Từ "chữa lành", "hướng nghiệp", đến cả "chữa bệnh" như bác sĩ nữa??? Thế mới thấy bộ não con người cần phải đóng vai trò như bộ lọc thông tin với tư duy phản biện (critical thinking) để phân biệt cái đúng cái sai, nội dung ngắn là thức ăn nhanh - "nhanh" mà lại "hại.

J'aime
bottom of page