top of page
Tìm kiếm

Từ câu chuyện của một người mẹ đến cách giúp con mở lòng chia sẻ

Việc chia sẻ chuyện cá nhân sẽ phụ thuộc vào tâm lý của người chia sẻ và tâm lý lẫn thái độ của người đối diện. Khi mối quan hệ giữa cả hai không hình thành rào chắn, không có định kiến lẫn phán xét, không có sự phân cách tư tưởng thế hệ,... thì sự chia sẻ bỗng trở nên thoải mái và nhẹ nhàng hơn.



Ngày nay, nhiều bậc cha mẹ cảm thấy rất khó khăn để thấu hiểu con mình vì họ nhận ra rằng họ không phải là đối tượng để con cảm thấy thoải mái trong việc chia sẻ đời sống cá nhân. Một là, khi cha mẹ hỏi, con cái tránh nói. Hoặc khi con muốn chia sẻ điều gì đó khó khăn trong tâm lý hay đời sống riêng, thì con lại cảm thấy có một mối ngăn cách giữa mình và cha mẹ, đó có thể là cách biệt về tư tưởng thế hệ, có thể vì con thấy cha mẹ là "người trên" nên có một rào cản về "vị thế", hay thậm chí trong cuộc sống, con cái không được cha mẹ lắng nghe, bị cha mẹ áp đặt, phán xét, so sánh hay cha mẹ quá bận rộn đến nỗi không có thời gian dành cho con.


Dù lý do là gì đi nữa, thì điểm gỡ mà chúng ta cần thấy ở đây là việc cần xóa đi rào cản tâm lý giữa cha mẹ và con cái, để làm sao, con luôn cảm thấy thoải mái và được là chính con trong đời sống gia đình.

Câu chuyện từ một người mẹ


Cách đây không lâu, tôi có ghé thăm một eco homestay của một đại gia đình. 4 anh em ruột họ mở chỗ lưu trú sinh thái này cách đây 10 năm, thời điểm mà hai từ "homestay" hãy còn quá mới mẻ ở một xã huyện tại Đồng Nai. Thời gian nghỉ lại, tôi dùng cơm ba bữa mỗi ngày với gia đình họ, vì thế mà được lắng nghe nhiều câu chuyện thú vị xoay quanh cuộc sống sinh hoạt và làm ăn của gia đình. Trong đó có câu chuyện dạy con của chị Lan để lại cho tôi nhiều suy tư về mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái.


Bé Hùng, con chị Lan, sinh ra vào năm 2008, thời điểm mà chị Lan hãy còn nhiều sung sức trong chuyện làm ăn, vì thế mà chị vô thức để con mình lớn lên theo bản năng của cháu. Trong quá trình lớn lên của Hùng, từ tiểu học đến trung học cơ sở, chị luôn thấy bé trầm tính, ít nói, nhưng việc học thì dần bị sa sút. Đến khoảng năm 2018, 2019, chị bắt đầu ít hướng ngoại hơn, ít tham công tiếc việc hơn, để trở về đại gia đình, chăm lo cho eco homestay đồng thời nhờ vậy mà biết hỏi han đến con. Nhưng như chị kể: "Hỏi việc học, thì cháu im lặng. Hỏi có ai bắt nạt ở trường lớp không, cháu lắc đầu. Chị cũng nghĩ chắc Hùng trầm tính, ít nói." Cho đến một lần, khi họp phụ huynh tại lớp, chị mới chủ động thưa chuyện với cô giáo: "Bé Hùng tính tình trầm lắng, ít nói, nếu cháu có khó khăn gì, cô thoải mái chia sẻ với tôi và hỗ trợ cháu thêm nhé!" Cô giáo lúc ấy mới rất ngạc nhiên, bảo: "Ồ, cháu không hề ít nói và trầm tính như chị nghĩ đâu. Trong mọi tiết học, các thầy cô phản ánh lại là cháu nói chuyện riêng với bạn quá nhiều, làm ảnh hưởng đến giáo viên bộ môn và các bạn khác." Lúc đó, chị Lan mới ngỡ người, và nhận ra rằng, mình đã bỏ bê con một thời gian quá lâu, đến nỗi có một khoảng ngăn cách vô hình giữa mẹ và con.



Lúc tiếp xúc với Hùng, tôi cũng nhận ra rằng em có một sự dè chừng khi kể chuyện đời tư với mẹ, với người lớn xung quanh. Cũng không ít đứa trẻ hình thành nhận thức đó, đặc biệt là ở lứa tuổi có nhiều sự thay đổi về tâm sinh lý này. Các em sẽ cảm thấy ngại ngùng và khó khăn để bộc lộ vì bên trong các em cảm thấy người lớn không giống mình, có một sự khác biệt giữa cha mẹ và con cái. Thậm chí, các em cũng sợ bị đánh giá, bị chê cười, bị phê bình, bị chỉ bảo, bị quát mắng, bị đánh đòn. Vì trong tư tưởng các em, cha mẹ như "bậc quyền lực". Trong khi đó, các em có khuynh hướng chia sẻ với bạn đồng trang lứa vì các em nhận thấy sự ngang hàng, tương đồng không chỉ về tuổi tác, mà còn là về vị trí, nhận thức, từ đó mà thoải mái hơn.


Vì thế, để gần gũi với các em, thì người lớn chúng ta cần tiếp cận các em sao cho giảm thiểu tối đa năng lượng của quyền lực và mang tính mệnh lệnh hay chỉ bảo. Tức để làm bạn với con, thì cha mẹ không nên thể hiện như mình là một người cha, người mẹ nắm quyền, để áp đặt tư tưởng người lớn lên con. Vì chúng ta cũng từng là những đứa trẻ, từng trải nghiệm tâm sinh lý tương tự con, do đó, bất cứ điều gì con đang trải qua cũng là điều con đang cần trải qua để trưởng thành. Và vì thế, chúng ta không nên phán xét rằng nó đúng hay sai, mà làm sao để có thể trở thành một người bạn lắng nghe con mà không bao giờ có sự phán xét.


Cha mẹ cần là những người kể chuyện trước tiên


Để con phát huy tính chia sẻ và cởi mở, thì chính cha mẹ cần là người có tính cách ấy trước tiên. Nếu trong cuộc sống, cha mẹ kể những câu chuyện tuổi thơ của mình với con, thì đó cũng là cách để con có thể dễ dàng kể những câu chuyện ở trường lớp cùng các mối quan hệ của con cho bạn nghe. Bởi vì con tìm thấy sự tương đồng. Con thấy chính mình trong bạn. Từ đó, rào cản giữa người lớn và trẻ con dần xóa nhòa. Bắt đầu, con tin tưởng và thoải mái với bạn hơn.


Khi cha mẹ thấy con có dấu hiệu thích một bạn nào đó khác giới, cha mẹ không nên cảm thấy sốc hay mang thái độ phản đối. Mà cần thấu hiểu rằng, đến một độ tuổi nhất định, tâm sinh lý của con sẽ bắt đầu thay đổi. Hãy chọn lựa một thời điểm thích hợp nào đó, bạn có thể chia sẻ cho con về giáo dục giới tính và kể một câu chuyện thời ấu thơ, khi bạn thích ai đó chẳng hạn, để con hiểu rằng không cần phải ngại ngùng về những cảm xúc của chính mình, và thông qua câu chuyện của bạn, con sẽ không thấy con là "người ngoài cuộc", không phải là tội lỗi hay đáng hổ thẹn. Bằng cách tiếp cận này, bạn có thể gợi ý cách mà bạn từng chuyển hóa cảm xúc của mình, chuyển hóa tình cảm của mình thành tình bạn trong sáng và cùng tiến trong học tập như thế nào. Thông qua cách bạn từng làm, con sẽ cảm thấy mình có thể học hỏi. Và cũng nhờ cách tiếp cận này, con cảm thấy mình không bị ra lệnh, không bị bắt buộc phải làm điều nọ điều kia. Vì trong việc giáo dục con cái, nếu năng lượng của tính quyền lực và áp đặt trong bạn càng lớn, thì con sẽ càng khó để chia sẻ và cởi mở hơn.


Những gì cha mẹ chia sẻ ra nên đóng vai trò là sự kích hoạt cho nhận thức của con hơn là sự áp đặt hay ra lệnh. Vì sự thay đổi của mỗi người phải bắt nguồn từ trong chính họ. Bạn không nên ép người khác phải điều chỉnh khi họ chưa sẵn sàng. Với con cái cũng vậy. Cha mẹ cần từ từ tiếp cận, và để sự kích hoạt này diễn ra một cách suôn sẻ và lâu bền, thì bao giờ cũng cần sự kiên nhẫn và bao dung.

Khi xã hội ngày càng phát triển, trẻ em cũng được tiếp cận thêm nhiều xu hướng mới mà nếu cha mẹ không cập nhật và tìm hiểu thì sẽ có khả năng không thể thấu hiểu con đang nói gì, làm gì và muốn gì. Việc cập nhật này vừa để thu hẹp khoảng cách thế hệ vừa giúp con không bị rơi vào những xu hướng có hại cho sức khỏe thể chất, tinh thần lẫn tư duy. Cũng nhờ thế mà cha mẹ có thể chơi cùng con, học cùng con, có những câu chuyện xoay quanh đề tài, xu hướng mới mà con yêu thích, từ đó dễ dàng đưa ra định hướng để con có thể phát huy nhận thức một cách toàn diện.

 

* Nhân vật trong bài đã thay đổi tên.

Comments


bottom of page