Theo quan niệm dân gian, tứ đổ tường ám chỉ bốn thói xấu gây nhà tan cửa nát mà con người trong xã hội dễ bị sa ngã, bao gồm: Tửu (rượu chè) - Sắc (trăng hoa) - Tài (cờ bạc) - Khí (hút chích). Thế nhưng, xã hội hiện đại đã làm phát sinh thêm nhiều chứng "nghiện" khác cũng có nguy cơ gây ra tai họa, ảnh hưởng tới vật chất lẫn tinh thần của con người.
Thế giới của chúng ta ngày nay vận động không ngừng nghỉ và không ngừng thay đổi, có khi phải tính bằng đơn vị giây. Trong dòng chuyển động hối hả đó, con người bị choáng ngợp bởi lượng thông tin mà não bộ có thể tiếp nhận và xử lý lên tới 74GB mỗi ngày. Những thông tin đó có thể bao gồm cả xu thế xã hội, sự ganh đua, đố kỵ, áp lực tài chính, sự tự ti về ngoại hình... Bằng đó những gánh nặng khiến con người phải tìm tới những thú vui để nuông chiều cái tôi, xoa dịu áp lực.
Và trong bối cảnh đó, không chỉ nghiện game, nghiện rượu, ma túy hay cờ bạc mới là những thứ tương tự "tứ đổ tường" thời xưa cần được gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh. Con người hiện đại còn có thể viện tới những hình thái phụ thuộc và lạm dụng khác như một chiếc phao cứu sinh "gây nghiện" về tinh thần, vào nhằm thoát khỏi gánh lo, dẫu là trong phút chốc.
Vậy đâu mới là "tứ đổ tường" của thời hiện đại?
1. Văn hóa làm việc bán sống bán chết 9-9-6
Nghiện công việc, lịch làm việc 12 giờ mỗi ngày, "cày" nhiều công việc, "văn hóa 9-9-6" (từ chín giờ sáng đến chín giờ tối, sáu ngày một tuần)... Đây đều là những hình thái của tình trạng làm việc quá sức.
Dẫu là làm việc tự nguyện hay làm vì bổn phận (tức là vì áp lực tài chính, gia đình), thì tình trạng làm việc "bán sống bán chết" cũng đều gây ra tác động xấu đến sức khỏe và sự an lạc dài lâu của chúng ta.
Chứng nghiện công việc (workaholism) cũng được cho là có liên quan đến chứng trầm uất chức năng cao (high-functioning depression) trong công việc. Đặc trưng của dạng trầm uất này là họ có những triệu chứng trầm cảm, nhưng vẫn đảm bảo được các hoạt động học tập và làm việc nên khó bị phát hiện hơn, thậm chí là họ còn được "khuyến khích" tiếp tục giữ tình trạng như vậy (1). "Sự năng nổ làm việc" nhưng vô hồn của họ vận hành như một chiếc mặt nạ ngụy trang cho vấn đề trầm uất bên trong.
Liên quan đến văn hóa 9-9-6, Trung Quốc là một trong các quốc gia đang hứng chịu tác động mạnh mẽ từ văn hóa làm việc khắc nghiệt này. Tỷ lệ sinh giảm vì nhiều người trẻ ngại kết hôn do giá nhà tăng phi mã và lịch làm việc áp lực khiến họ không còn năng lượng để yêu đương. Ngoài công việc, họ chỉ còn vài giờ để ngủ mà thôi (2).
Bên cạnh đó, lịch làm việc 12 giờ một ngày còn dấy lên vấn đề về quyền lợi của người lao động. Đỉnh điểm là trường hợp Pinduoduo – một nữ lao động đã làm việc cho đến chết khiến chính phủ Trung Quốc buộc phải can thiệp (2).
Song, chúng ta cũng không thể phủ nhận rằng cũng có những người tìm thấy niềm vui trong lịch làm việc dày đặc, cường độ cao như thế. Họ cảm thấy mỗi giây phút rảnh rỗi để hưởng thụ hoặc giải trí là mỗi giây phút lãng phí và mất cơ hội kiếm tiền.
2. Ảm ảnh về một cơ thể, hình thể lý tưởng
Xuất phát từ chứng rối loạn dị dạng cơ thể (body dysmorphic disorder), được phân loại như một dạng rối loạn có liên quan đến sự ám ảnh cưỡng chế (3). Mặc cảm về cơ bắp, sự ám ảnh về một hình mẫu lý tưởng... đều có thể là những biểu hiện của rối loạn dị dạng cơ thể.
Nếu nói về cơ bắp, ắt hẳn nhiều người còn nhớ khái niệm "flex" liên quan tới sự khoe khoang, vốn có nguồn gốc từ hành động gồng để khoe cơ.
Một nhóm nghiên cứu toàn cầu đã chỉ ra rằng con người có thể dành 1/6 cuộc đời để cải thiện ngoại hình, tường đương với 4 giờ đồng hồ mỗi ngày (4). Khảo sát của nhóm này được thực hiện tại 93 quốc gia, với 93.000 người tham gia. Kết quả đã cho thấy rằng, một trong những lý do rõ ràng cho xu hướng tìm đến phẫu thuật thẩm mỹ và tập thể hình cường độ cao là để thu hút bạn tình.
Song, nghiên cứu này chỉ ra rằng trong kỷ nguyên số, con người chăm chút cho ngoại hình vì thể diện trên mạng xã hội và sự những tiêu chuẩn phi thực tế về cái đẹp mà truyền thông thêu dệt nên. Có hai cách "chăm chút" dễ dẫn tới "đổ tường" nghiện luyện tập thể thao và nghiện phẫu thuật thẩm mỹ.
Chứng "nghiện" luyện tập thể thao, thể hình cường độ cao
Trong một nghiên cứu trên Behavioral Neuroscience, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng những người nghiện thể hình và luyện tập (fitness and exercise addiction) có điểm tương đồng với những người nghiện ma túy với những ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe thể chất và phúc lợi xã hội.
Dù không được liệt kê trực tiếp như một chỉ mục trong Hướng dẫn Chẩn đoán và Thống kê các Rối loạn Tâm thần (Diagnostic and Statistical Manual of Mental Disorders - DSM), nhưng hiện tượng nghiện thể hình và luyện tập vẫn được phân loại vào nhóm các hành vi nghiện (5), (6).
Có nhiều lý do đằng sau chứng nghiện này, chẳng hạn như lạm dụng chất dẫn truyền endorphins và dopamine (tác dụng tương tự như khi dùng các chất gây nghiện opioids), rối loạn ăn uống, hoặc mắc rối loạn mặc cảm về cơ bắp (muscle dysmorphia—hay còn được gọi là megarexia). Người mắc rối loạn dị dạng cơ thể hay người nghiện tập luyện nói chung, thường có cường độ tập khắc nghiệt, nhằm xây dựng ngay cả những khối cơ không cần thiết. Bên cạnh đó, một số người còn lạm dụng steroid vì họ tin rằng họ càng có nhiều cơ càng tốt (7).
Ngoài ra, nghiên cứu gần đây cho thấy công nghệ cũng góp phần làm tăng tỷ lệ nghiện tập thể hình, vì công nghệ và cũng như các thiết bị đo chỉ số cơ thể luôn thôi thúc họ đẩy xa giới hạn của bản thân. Không dừng lại ở đó, mạng xã hội còn tạo môi trường để chúng ta liên tục so sánh đồng trang lứa (8).
Như vậy, những giá trị ảo dường như có thể xô đổ "bức tường thật".
Phẫu thuật thẩm mỹ và các hình thức "tẩy, nhuộm" cơ thể
Hình ảnh cơ thể không hoàn hảo và những khuôn vàng thước ngọc mà truyền thông vẽ ra đã khiến nhiều người "ám ảnh" với việc phải thay đổi ngoại hình. Nhuộm tóc, nhuộm da, tẩy răng, tẩy da, đến phẫu thuật can thiệp... là những cách con người hiện đại tìm đến để trở nên "đáng yêu" hay chính xác hơn là "được xã hội chấp nhận là đẹp".
Hiệp hội Phẫu thuật Thẩm mỹ Anh chia sẻ rằng những người lạm dụng can thiệp thẩm mỹ thường có vấn đề về rối loạn dị dạng cơ thể hay "hội chứng xấu xí do tưởng tượng". Họ coi việc phẫu thuật thẩm mỹ không ngừng nghỉ là cách duy nhất để "chạy chữa". Tổ chức này đã công bố một nghiên cứu đáng chú ý cho thấy 40% người sử dụng Botox thừa nhận rằng họ muốn tiếp tục được "điều trị" bằng phương pháp này (9).
3. Nghiện mua sắm (oniomaniac)
Một vài hình thức mua sắm đang dần trở thành một chứng nghiện chung của... thế giới, gồm cả chứng nghiện mua sắm (oniomaniac). Đặc biệt, không phải chỉ người nổi tiếng mới là nạn nhân của thói nghiện này, mà những người lao động bình thường cũng có thể mắc phải. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng cứ 20 người trưởng thành thì sẽ có 1 người chịu ảnh hưởng của sự thôi thúc phải mua sắm (compulsive buying) (10).
Cơn cuồng mua sắm này được cho là có liên quan đến bệnh trầm cảm và khiến cho nhiều con nghiện mua sắm rơi vào túng quẫn (11).
Có nhiều lý do dẫn đến chứng nghiện này, có thể là vì quản lý căng thẳng kém. Hoặc như vấn nạn giới trẻ Hàn Quốc, vì biết không thể mua nổi nhà nên họ thà chi tiền sắm túi hiệu và hài lòng với việc chạy theo vật chất và xu thế.
Một tháng một lần lại săn sale Shopee hoặc cứ cách vài ngày lại săn đơn 0 đồng... bạn có thấy mình có biểu hiện này không?
4. Chứng nghiện màn hình xanh và thiết bị công nghệ
Internet là một trong những "đối tượng" gây nghiện phổ biến nhất của thời đại này. Các bác sĩ thần kinh học mới đây đã thừa nhận rằng sự lạm dụng Internet để xem phim khiêu dâm, cờ bạc, game, thậm chí cả những mục đích tích cực như viết blog hay tạo mối quan hệ đều có thể liên quan đến những tác động làm thay đổi khí sắc (mood altering effect) và đều có tính gây nghiện (12).
Việc liên tục truy cập Internet nói chung và "lậm" mạng xã hội (Facebook, Instagram, TikTok...) cho thấy đã đến lúc chúng ta cần nghiêm túc xem xét lại hội chứng "FOMO" (Fear of Missing Out) - nỗi sợ bị bỏ lỡ là cảm giác không muốn bỏ sót hoặc "bị cho ra rìa".
Chúng ta xem TV trung bình bốn giờ đồng hồ mỗi ngày. Điều này có nghĩa là ở tuổi 65, chúng ta có thể đã dành khoảng 9 năm dán mắt vào chiếc "hộp đen" đó. Những người nghiện xem TV chia sẻ nhiều triệu chứng lâm sàng của việc lạm dụng như cảm giác bất lực trong việc chấm dứt cơn nghiện, sử dụng "loại thuốc mà họ lựa chọn" để xoa dịu thần kinh và thậm chí là cảm giác cáu kỉnh khi buộc phải từ bỏ thói quen này.
Đó là một chứng nghiện cực kỳ khó phát hiện. Không giống như việc sử dụng quá nhiều ma túy hoặc rượu, việc xem các chương trình và môn thể thao yêu thích vào cuối ngày không được nhìn nhận là hành vi bất thường. Điều này chỉ trở thành vấn đề khi việc xem TV bắt đầu ảnh hưởng đến các khía cạnh khác trong cuộc sống và sức khỏe tổng thể của bạn.
Xã hội hiện đại đang càng nghiêng về việc tôn vinh những khoái lạc nhất thời, đồng thời tiếp tục rút ngắn "chu kỳ" thỏa mãn, để rồi dẫn đến kết cục là con người ngày càng dễ thất vọng và đòi hỏi nhiều kích thích nhiều hơn nữa.
Môi trường hiện tại chưa cung cấp cho chúng ta những công cụ để đối phó với nền văn hóa đầy rẫy những cám dỗ gây nghiện, dẫn chứng là sự "bình thường hóa" những chứng nghiện này thành các hành vi thường nhật.
Như vậy, tứ đổ tường của thời nay không nên được coi là hệ quả của sự lựa chọn cá nhân, mà loại bỏ hoàn toàn vai trò cực kỳ nổi bật của các lực lượng bên ngoài như nền kinh tế, văn hóa, công nghệ và lối sống.
Комментарии