Đối với nhiều người trong chúng ta, đường đến thành công không phải một dải đường nhựa bóng loáng. Chúng ta cần vấp phải đá, va phải sỏi, té ngã nhiều lần mới có thể tìm ra lối đi đúng đắn và phù hợp nhất. Để làm được điều đó, chúng ta cần cân nhắc kỹ tới tư duy và thái độ của bản thân.
Bạn có nghĩ rằng bạn được sinh ra với một số tài năng nhất định, không thể thay đổi, hay bạn nghĩ rằng bạn phát triển tài năng của mình? Dù bạn có tin hay không thì cách bạn trả lời câu hỏi đó nói lên rất nhiều điều về bạn. Và nó có thể tiết lộ khả năng bạn thành công trong cuộc sống.
Hai trường phái của "tư duy"
Được nhắc tới lần đầu bởi Tiến sĩ Carol Dweck trong cuốn Mindset Tâm lý học Thành công (1), hai khái niệm "tư duy cố định" (fixed mindset) và "tư duy phát triển" (growth mindset) được dùng để phân loại hướng tư duy của con người, dựa vào cách chúng ta nhìn nhận bản thân và tiếp cận thế giới.
Nếu bạn coi cá tính và khả năng của mình là cố hữu, thì bạn có tư duy cố định, tức là bảo thủ và có tiếp cận thế giới xung quanh bằng sự tiêu cực và lo lắng. Nếu bạn coi tài năng và phẩm chất của mình là những khía cạnh mà bạn có thể mở rộng thì bạn có tư duy phát triển, cũng như có khả năng tiếp cận thế giới với sự tích cực và cởi mở (2).
Theo cách phân loại này, nhận thức của chúng ta về bản thân và thế giới xung quanh có thể ảnh hưởng đáng kể đến cách chúng ta đương đầu với thử thách, xử lý thất bại và tu dưỡng để tiến bộ trong cuộc sống. Bởi lẽ, theo ý kiến của một số nhà khoa học, tư duy của chúng ta là phần quan trọng nhất và đáng chú ý nhất trong tính cách của chúng ta (2).
Chúng ta tư duy như thế nào?
Tiến sĩ Dweck đã khảo sát mọi người về một tình huống giả định, cụ thể là việc trải qua một ngày tồi tệ. Hai nhóm người có tư duy phát triển và tư duy cố định đã đưa ra những câu trả lời vô cùng khác biệt.
Ngày tồi tệ theo mô tả của Tiến sĩ Carol Dweck như sau: Bạn vào một giờ học quan trọng và bạn cũng yêu thích môn học đó. Giáo sư cho biết điểm bài thi giữa kỳ của bạn chỉ là C+ (tương đương điểm Trung bình khá). Bạn vô cùng thất vọng. Trên đường về nhà tối hôm đó, bạn còn bị mất vé xe. Quá sức chịu đựng, bạn gọi điện cho bạn thân để chia sẻ, nhưng rồi bạn cũng bị phớt lờ (1).
Đứng trước tình huống giả định trên, nhóm người có tư duy cố định đưa ra những câu trả lời như "Tôi thấy mình bị chối bỏ", "Tôi thật ngu ngốc", "Tôi là kẻ thua cuộc", "Ai cũng tốt hơn tôi hết"... Trong khi đó, những người có tư duy cầu tiến lại trả lời rằng "Tôi cần cố gắng hơn trong lớp, cẩn thận hơn với vé xe và tự hỏi sao mà bạn tôi lại có một ngày tồi tệ", "Điểm C+ này chứng tỏ tôi phải cố gắng nhiều hơn, mà tôi còn nửa kỳ học để cố gắng nâng điểm số lên"...
Tiến sĩ Dweck cũng đã chỉ rõ rằng bà cố tình thiết kế tình huống với điểm số C+ chứ không phải điểm F (điểm loại, điểm liệt) và đó cũng chỉ là một bài thi giữa kỳ. Điều này có nghĩa là đây không phải một tình huống tồi tệ tới mức không thể cứu vãn, nhưng những người có tư duy cố định vẫn coi chúng như một thất bại nặng nề.
Từ những câu trả lời này, Tiến sĩ Dweck đã đi tới kết luận rằng có một sự khác biệt quan trọng trong cách đối diện với vấn đề của hai "trường phái" tư duy này, đó là việc người có tư duy cầu tiến thì trực diện nhìn nhận vấn đề, còn người có tư duy cố định thì không.
Nghịch lý trong việc đề cao tư duy phát triển
Khi mới nghe qua về hai hướng tư duy này, chúng ta thường có xu hướng đề cao tư duy phát triển. Đúng như tên gọi, chúng ta cần đẩy mạnh tư duy phát triển để làm bản thân trở nên tốt hơn (3). Tuy nhiên, chúng ta cần nhớ rằng phát triển bản thân để hướng tới thành công không có nghĩa là không được thất bại. Bởi lẽ, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng chúng ta cần 15% là sự thất bại để có thể thành công.
Ví dụ, ngành kinh doanh luôn ẩn chứa nhiều rủi ro, nhất là trong tiến trình vận hành công ty. Chúng ta không thể kỳ vọng vào việc "không bao giờ thất bại" và đó cũng không phải ý nghĩa của tư duy cầu tiền. Một doanh nghiệp, hay chính xác hơn là người lãnh đạo doanh nghiệp, cần linh hoạt áp dụng hai lối tư duy để vừa có thể gìn giữ giá trị cốt lỗi và bản sắc doanh nghiệp, vừa phát huy được khả năng quản trị, giữ chân nhân tài sẵn có và đào tạo các thế hệ tiềm năng mới trong tương lai (3).
Chính Tiến sĩ Dweck cũng cho rằng: "Tư duy là một phần quan trọng trong tính cách của bạn và bạn có thể thay đổi chúng. Chỉ cần hiểu rõ về hai lối tư duy, bạn có thể bắt đầu cải thiện và tìm ra hướng đi phù hợp".
Trên thực tế, khó có ai có thể tư duy hoàn toàn cố định hoặc hoàn toàn phát triển. Việc theo đuổi một tư duy phát triển "thuần túy" cũng được xem như một cái "bẫy tư duy". Thậm chí, nghiên cứu đã chứng minh được rằng dù phụ huynh và giáo viên có tư duy cầu tiến, họ vẫn khó có thể "trao truyền" lối tư duy đó cho trẻ và trẻ vẫn có thể tư duy theo lối cố định (4). Đây chính là nghịch lý và thách thức của việc áp dụng và rèn luyện tư duy phát triển.
Xác định rõ bản thân để tư duy thành công
Trước những vấn đề đó, chúng ta có thể áp dụng một số cách sau để có được lối tư duy phát triển:
1. Xác định tư duy của bản thân: Giống như nghiên cứu tình huống giả định trên, bạn có thể xem xét lại những lần bạn đối mặt với vấn đề thách thức, cam go. Cách bạn đối diện với những khó khăn lúc đó là trốn tránh, bỏ cuộc hay trực tiếp tìm cách vượt qua con đường đầy chông gai đó? Từ đây, bạn sẽ nhận ra mình đang thuộc lối tư duy nào, cần phải thay đổi suy nghĩ nào để trau dồi và phát triển hơn.
2. Nhìn vào sự tiến bộ của chính bạn: Hãy thử nghĩ về những kỹ năng mà giờ đây bạn giỏi hơn so với trước. Điều gì làm bạn cảm thấy khó khăn và làm thế nào mà bạn lại vượt qua được nó để đạt được sự thay đổi tích cực? Những suy nghĩ này có thể tự tiếp thêm niềm tin cho chính mình, tạo động lực để bạn có thể tiếp tục cải thiện những kỹ năng mà bạn chưa có. Bởi lẽ, nếu phiên bản hồi ngây ngô của bạn mà nhìn thấy bạn bây giờ, biết đâu sẽ cảm thấy vô cùng tự hào, giống như một người hâm mộ đang nhìn vào thần tượng của mình.
3. Khai thác sức mạnh của từ "chưa": Thay vì nói "tôi không làm được", hãy nói "tôi chỉ chưa làm được trong lúc này thôi". Tác dụng của tư duy cố định là giúp bạn nhận ra rằng còn có những kỹ năng hoặc môn học mà bạn chưa giỏi. Nếu kết hợp nó với tư duy phát triển thì bạn sẽ có được thái độ phù hợp, cũng như sự kiên trì nỗ lực để cải thiện bản thân trong những lĩnh vực mong muốn (5).
4. Làm bạn với thất bại: Khi thử một điều mới, hãy xem những thất bại "không thường xuyên" là cơ hội học tập tích cực, từ đó cố gắng khám phá thêm về bản thân. Càng sớm làm bạn với thất bại, chúng ta càng ít có xu hướng bỏ cuộc khi mọi thứ không diễn ra như mong đợi.
5. Khen ngợi bản thân từng ngày: Tiến sĩ Carol Dweck cũng cho rằng việc tự khen thưởng những nỗ lực nhỏ trong quá trình làm việc sẽ tự tạo động lực, giúp bạn thực hiện những công việc tốt hơn trong tương lai (6).
6. Giúp đỡ người khác phát triển: Để khắc phục được những nghịch lý và thách thức của tư duy cố định, chúng ta có thể áp dụng một số cách để kích thích tư duy cầu tiến ở trẻ em, đặc biệt là trẻ vị thành niên, bao gồm: giảng dạy để học hiểu chứ không chỉ là học thuộc lòng, đưa ra những góp ý mang tính xây dựng giúp thấu hiểu và thông cảm lẫn nhau, cho trẻ cơ hội để sửa lại những lỗi sai (trên trường học lẫn trong cuộc sống), giao tiếp rõ ràng về những nỗ lực và khó khăn mà trẻ đang gặp phải và đặc biệt là đồng hành cùng trẻ trong tiến trình học tập và phát triển (4), (7), (8).
Không chỉ là cha mẹ hay giáo viên, những người làm quản lý và lãnh đạo cũng có thể áp dụng những cách trên để tạo được một tư duy cầu tiến cho bản thân và cho những người xung quanh.
Comentarios