Thử nhớ lại những lần trái tim tan vỡ, bạn đã dùng những cách gì để xoa dịu nỗi đau thất tình? Say sưa bí tỉ, khóc lóc than vãn với bạn bè, trùm chăn ngủ vùi lánh đời, hay tìm đến ý kiến của những chuyên gia tư vấn tình cảm... online? Một số người vì quá tan nát còn uống cả... thuốc giảm đau (paracetamol) với hy vọng làm dịu vết thương lòng. Đây không hẳn là một chuyện hoang đường vì đã từng có một nghiên cứu về thuốc giảm đau đầu có tác dụng xoa dịu... nỗi đau lòng sau chia tay.
Thuốc đau đầu và nỗi đau lòng: Mối tương quan dưới góc nhìn sức khỏe thần kinh
Hai khái niệm thoạt nghe có vẻ không liên hệ gì đến nhau, bởi một bên là thuốc giảm đau cho não (thể chất) còn một bên là cơn đau do mất đi mối tương quan xã hội (tinh thần). Thế nhưng, khi đã chứng minh được rằng thất tình gây đau đớn không khác gì các cơn đau vật lý (1), các nhà khoa học bắt đầu nghi ngờ rằng có một số cơ chế thần kinh chung giữa những cơn đau, do đó có thể sử dụng cùng một loại thuốc giảm đau. Đó là lý do họ dùng acetaminophen (hay còn được gọi là paracetamol) để tiến hành kiểm tra.
Kết quả cho thấy acetaminophen - một hợp chất giúp giảm đau thể chất, hoạt động thông qua cơ chế thần kinh trung ương - cũng có thể làm giảm phản ứng hành vi và thần kinh đối với những cơn đau có nguồn gốc từ xã hội (2). Acetaminophen là thành phần chủ yếu có trong các loại thuốc giảm đau thông dụng như Panadol, Paracetamol, Acetaminophen 500mg, Tylenol...
Sau đó, các nhà khoa học Tây Ban Nha tiếp tục những nghiên cứu này này bằng cách sử dụng propofol (một loại thuốc an thần có tác dụng gây mê) để tiến hành thí nghiệm nhằm dập tắt ký ức đau thương của con người. Các tình nguyện viên được tiêm thuốc ngay khi nhớ lại một câu chuyện đau buồn và trong 24 giờ sau đó, họ mô tả rằng ký ức kia đã trở nên nhạt nhòa hơn (3). Nhưng các nghiên cứu này chỉ được tiến hành trên quy mô nhỏ và còn tiềm ẩn rất nhiều thiếu sót nên không được phổ biến rộng rãi đến mọi người.
Mãi đến năm 2016, một tác giả trên tờ New York Time mới nhắc lại các nghiên cứu này khi kể về sự suy sụp cả thể chất lẫn tinh thần lúc bị người yêu bỏ rơi. Lúc này cô ước rằng giá như bản thân biết đến nghiên cứu về acetaminophen sớm hơn (4).
Tuy nhiên bài viết của cô nhận về rất nhiều ý kiến trái chiều phản đối vì cho rằng cách làm này gây ra những vấn đề khác nghiêm trọng hơn (5).
Nỗi đau là điều cần thiết
Câu nói trên có vẻ khá tàn nhẫn, đặc biệt là với những người đang đau đớn vì tình cảm đổ vỡ. Họ, hơn ai hết, có lẽ không muốn trải qua cảm giác này thêm một giây phút nào và sẽ tìm mọi cách chống lại nó. Dùng thuốc, chất kích thích, trốn tránh, theo đuổi những thú vui nhất thời hoặc bất cứ điều gì có thể khiến thời gian trôi qua nhanh hơn. Đó là cảm giác chung của một trái tim tan vỡ, thế nhưng đó cũng có thể là bước chuyển mình cho một điều mới mẻ sang trang.
Nhiều người hẳn đã nghe qua câu nói động viên tinh thần quen thuộc "No pain, no gain" (tạm dịch: "Không vấp ngã, không tiến bộ"). Cũng giống như cơ bắp phải trải qua luyện tập đến mức tổn thương để các sợi cơ có thể thay mới săn chắc hơn, những lần "vỡ nát" trong chuyện tình cảm cũng sẽ là cơ hội để tâm hồn chúng ta trưởng thành. Do đó, khi tiêu thụ quá nhiều paracetamol hoặc sử dụng các chất kích thích khác để đánh lạc hướng tâm trí và cơ thể, chúng ta sẽ mất đi những cảm nhận và trải nghiệm cần thiết trên hành trình chữa lành.
Nhà thần học Rumi - một trong những nhà thơ vĩ đại nhất mọi thời đại - cũng đã từng viết: "Liều thuốc cho nỗi đau, nằm trong chính nỗi đau" (4). Còn Trịnh Công Sơn gửi gắm qua tâm tư: "Hạnh phúc ở trần gian chính là ý thức được khổ đau. (Vì) đau khổ nên cần phải biết rộng lòng với nhau hơn, tử tế hơn, độ lượng hơn, biết tha thứ, nhân hậu hơn" (5).
Nỗi đau là điều không thể tránh khỏi trong cuộc sống, thế nhưng đối mặt với cảm giác đau khổ như thế nào thì lại đến từ chọn lựa của chúng ta - đó là điều mà nhiều người uyên bác đã ngụ ý (4). Có ý kiến cho rằng thời gian là liều thuốc chữa lành tốt nhất, điều này có thể đúng với nhiều người nhưng chưa hẳn đúng cho tất cả, bởi đã có những người vì quá tin tưởng vào thời gian mà ôm theo đau thương đi suốt cuộc đời. Vậy nên đứng trước nỗi đau, chúng ta có thể để bản thân chìm trong đau khổ, phó mặc cho ngày tháng hoặc học cách vượt lên và tiếp tục hành trình của mình - dĩ nhiên là không lệ thuộc vào paracetamol hoặc các chất kích thích khác.
Đối mặt với nỗi đau hậu chia tay bằng khoa học thần kinh
Xoa dịu nỗi đau là một phần quan trọng trong hành trình trưởng thành của mỗi người và đòi hỏi sự cố gắng, nỗ lực của mỗi cá nhân. Có rất nhiều cách tiếp cận vấn đề này khác nhau trên góc độ khoa học như khoa học thần kinh, khoa học hành vi và cả phân tâm học. Trong bài viết này, LeLa Journal xin gửi đến bạn đọc cách đối mặt với nỗi đau dựa trên khoa học hành vi theo hướng dẫn của Tiến sĩ Jan Newmen (9).
Trải qua một cuộc chia tay, hệ thống thần kinh của chúng ta bị ảnh hưởng, vì sự mất mát làm gián đoạn các hoạt động não bộ liên quan đến giải phóng dopamine và oxytocin.
Tìm hiểu về cách thức hoạt động của quá trình này có thể giúp chúng ta tận dụng khoa học thần kinh để giúp não trạng phục hồi nhanh hơn sau chia tay.
1. Quản lý dopamine
Xóa ảnh người yêu cũ: Ảnh người yêu cũ, không xoá thì giữ lại làm gì?
Quả đúng như vậy, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng khi trải qua một cuộc chia tay, sự dao động của mức độ dopamine trong não diễn ra giống như khi cai nghiện (10). Và nếu thất tình cũng sẽ gây ra những vấn đề về thể chất (11) thì chẳng có lý do gì để chúng ta giữ lại những tấm hình gợi nhớ kỷ niệm, nhắc nhở đau lòng kia.
Vứt hết ảnh và kỷ vật cũng là điều mà hai nhân vật trong bộ phim kinh điển "Eternal Sunshine of the Spotless Mind" được bác sĩ yêu cầu thực hiện trước khi muốn hoàn toàn quên bỏ nhau. Mặc dù đây chỉ là một bộ phim khoa học viễn tưởng nhưng cũng phần nào truyền cảm hứng cho những người vừa chia tay học cách buông bỏ cho nhẹ lòng.
Tạm thời ngưng sử dụng mạng xã hội
Việc này rất hữu ích, đặc biệt là trong vài tuần đầu tiên sau chia tay. Việc tiếp xúc liên tục với những thông tin trên mạng xã hội có thể nhắc nhở chúng ta nghĩ về những chuyện đã qua, qua đó làm trồi sụt mức dopamine một cách thất thường. Không những thế, nó còn tạo nên cảm giác "thôi thúc nhắn tin cho người yêu cũ" - một hành động không cần thiết sau khi đã "đường ai nấy đi". Hơn thế nữa, khi mối quan hệ đã kết lúc, lượng dopamine sinh ra sẽ bị sụt giảm nhanh chóng và gây cho con người cảm giác khó chịu khi "bỏ thì thương, vương thì tội".
Đối mặt với điều này Tiến sĩ Newmen đưa ra giải pháp "lướt qua sự thôi thúc" (urge surfing), nghĩa là lướt qua những động lực giục giã nhắn tin cho người cũ trong một khoảng thời gian ngắn. Lúc này hãy tìm những cách như đứng lên, đi bộ, di chuyển để thay đổi tư thế trong môi trường xung quanh.
Ngưng sử dụng mạng xã hội cũng là một cách để chúng ta bảo toàn tâm thế bình an cho bản thân và mọi người xung quanh. Bởi lẽ, khi đang trong trạng thái không ổn định, con người thường dễ lao vào các ứng dụng hẹn hò và "quẹt app" vô tội vạ sẽ khiến nỗi đau này trở nên trầm trọng hơn thôi.
Thay thế thói quen cũ bằng cách nhắn tin cho bạn bè hoặc người thân
Nếu như việc "lướt qua thôi thúc" không hiệu quả, hãy chuyển hướng điều này sang một hoạt động khác, đó là kết nối lại mối quan hệ với bạn bè và người thân sau khi đã trót mang tiếng "có bồ quên bạn". Hãy nhắn tin với bạn bè và người thân nhưng không nhắc quá nhiều về mối quan hệ cũ bởi nó sẽ khiến sự thôi thúc "ngựa quen đường cũ" bùng cháy trở lại.
Việc nhắn tin cho bạn bè hoặc người thân yêu còn có thể giúp chúng ta tăng cường oxytocin - thường được gọi là hormone tình yêu - thứ mà chúng ta thiếu hụt sau khi chia tay.
2. Tăng chất dẫn truyền thần kinh oxytocin
Khóc
Sau khi chia tay, có người "khóc thành dòng sông", có người lại không nhỏ một giọt nước mắt nào. Trong bài viết "Cứ khóc đi", LeLa Journal đã cho thấy việc khóc không chỉ giúp não bộ tiết ra oxytocin, mà còn có rất nhiều lợi ích khác như cải thiện tâm trạng, loại bỏ độc tố, xoa dịu và thậm chí là... cải thiện thị lực. Vậy nên nếu không khóc, chúng ta sẽ chịu đựng nhiều nỗi đau giống như nàng tiên cá trong truyện cổ Andersen.
"Bởi vì tiên cá không có nước mắt, nên nàng chịu gấp đôi nỗi đau" - Hans Christian Andersen viết trong truyện "Nàng tiên cá nhỏ" (The Little Mermaid) (12).
Nghe nhạc cổ điển, nhạc buồn
Nhạc cổ điển là cứu tinh của nhiều tâm hồn tan vỡ, một phần vì giai điệu nhẹ nhàng, xoa dịu khiến chúng ta được được đồng cảm, một phần vì nó giúp não tiết ra oxytocin.
Thế nhưng, cũng đừng vì lẽ đó mà chìm đắm trong những bản tình ca buồn này.
Luyện tập hơi thở
Kỹ năng quan trọng nhất mà Tiến sỹ Newmen chia sẻ về việc điều chỉnh căng thẳng chính là cách thở. Để làm điều này, đầu tiên hãy hít vào nhanh bằng mũi hai lần và thở ra cũng bằng mũi khi đếm chậm đến 5, mím môi và lặp lại động tác này 2-3 lần.
Bài tập này nhanh chóng làm chậm nhịp tim của bạn và kích hoạt phản ứng thư giãn của chúng ta (hay còn gọi là kích hoạt giao cảm - parasympathetic activation).
Việc dành thời gian cho thú cưng thường xuyên cũng mang đến nhiều niềm vui cho chúng ta. Và trong những lúc trái tim tan nát, hoạt động này có thể làm gia tăng nồng độ oxytocin - điều rất cần thiết để đối mặt và vượt qua nỗi đau.
Cảm giác đau khổ sau khi trải qua những mất mát tinh thần cần nhiều phương pháp chữa lành hơn là cứ phó mặc cho thời gian. Thế nên, nếu cảm thấy nỗi đau quá lớn và vượt quá sức chịu đựng của bản thân, hãy tìm đến các chuyên gia tâm lý để được hỗ trợ. Bởi không phải ai cũng có thể tự mình vượt qua nỗi đau và nếu không được tiếp nhận đúng cách, nó rất dễ trở thành chấn thương tâm lý (trauma) dài lâu trong đời sống sau này.
Comments