top of page
Tìm kiếm

Vì sao ngày càng nhiều người muốn ly hôn ở tuổi "xế chiều"?

Trong tình yêu, chúng ta thường kỳ vọng một cuộc hôn nhân hạnh phúc trọn vẹn, được bên cạnh bạn đời mãi mãi, nhưng xã hội hiện đại kéo theo nhiều sự thay đổi về tư tưởng và giá trị sống, thế nên việc duy trì một cuộc hôn nhân bền chặt ngày càng trở nên chật vật.


Ngày càng nhiều cặp vợ chồng lớn tuổi quyết định ly hôn sau nhiều năm chung sống, điển hình như vợ chồng Bill Gates và Melinda Gate tuyên bố kết thúc cuộc tình 27 năm hay cặp vợ chồng của tỷ phú Jeff Bezos cũng "đường ai nấy đi" sau 25 năm chung sống. Điều đặc biệt của những cuộc ly hôn này chính là tuổi tác và thời gian chung sống của các cặp đôi. Hầu hết họ đều đã vượt ngưỡng tuổi ngũ tuần và bên nhau vài thập kỷ trước khi quyết định đưa nhau ra tòa. Các chuyên gia tâm lý học gọi đây là hiện tượng "Gray Divorce" (tức "ly hôn xám" hoặc "ly hôn bạc", bắt nguồn từ chữ "gray/grey" trong "tóc bạc" để nói về ly hôn của các cặp vợ chồng lớn tuổi).


Thuật ngữ "Gray Divorce" lần đầu tiên được nhắc đến tại Mỹ vào những năm 1980. Theo Hiệp hội người về hưu tại Mỹ, "ly hôn xám" đề cập đến xu hướng ly hôn ngày càng nhiều của các cặp vợ chồng có thời gian chung sống trên 25 năm. Điểm khác biệt nhất giữa "ly hôn xám" và những cuộc ly hôn bình thường là độ tuổi, thời gian chung sống và ngoại hình của các cặp đôi (1).



Vì sao tỷ lệ "ly hôn xám" ngày càng cao?


Trong những năm gần đây, tỉ lệ ly hôn xám ngày càng gia tăng ở các quốc gia. Theo báo cáo vào tháng 4/2021 của Bộ điều tra dân số Hoa Kỳ, có đến 34,9% người ly hôn trong độ tuổi từ 55 tuổi trở lên. Con số này cao gấp đôi tỷ lệ ly hôn của những nhóm tuổi còn lại (2).


Trong khi đó, tại Việt Nam, theo phân tích kết quả Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2019, có 15% cặp vợ chồng ly hôn trong độ tuổi 40 - 50 và 9% nằm trong độ tuổi từ 50 trở lên (3).

Có rất nhiều nguyên nhân để lý giải cho hiện tượng này, phần lớn là do sự thay đổi trong quan điểm và giá trị sống của con người trong xã hội hiện đại. Tác giả Trần Thị Minh Thi (Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) trong một bài viết vào năm 2018 đã nêu ý kiến: "Các yếu tố hiện đại hóa ảnh hưởng đến khuôn mẫu hôn nhân và ly hôn thông qua sự phát triển kinh tế, hệ thống giáo dục và việc làm, giao lưu văn hóa dưới tác động của toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế" (4).


Ngày nay, con người không còn đối mặt với nhiều định kiến từ việc ly hôn. Nhiều cặp vợ chồng sau vài thập kỷ bên nhau, cùng xây dựng gia đình và nuôi dạy con cái trưởng thành, họ cảm thấy tình cảm không còn mặn nồng như lúc trẻ hay phù hợp về quan điểm, lối sống khi về già. Nói cách khác, họ cảm thấy mình đã hoàn thành xong trách nhiệm cho cuộc hôn nhân này, nên dễ dàng đưa ra quyết định ly hôn để theo đuổi hạnh phúc riêng.



Sau vụ "ly hôn xám" của Bill Gates và vợ, nhà tâm lý học John Duffy đã đưa ra quan điểm: "Sau nhiều thập kỷ chung sống, hầu hết các cặp vợ chồng dần quen thuộc với thói quen của nhau, nhịp độ làm việc trong ngày và ngay cả cách người kia thưởng thức một tách cà phê. Chúng ta hiểu rõ những điểm tốt nhất và cả tệ nhất nơi người bạn đời của mình, thế nên sự cam kết trọn đời trong hôn nhân không còn quá quan trọng đối với các cặp vợ chồng trung niên (5).


Ngày nay, các cặp vợ chồng đều theo đuổi sự nghiệp riêng và sớm tìm thấy sự ổn định về tài chính ở độ tuổi trung niên. Nghiên cứu vào năm 2018 của tác giả Trần Thị Minh Thi cũng chỉ ra trong nền văn hóa đề cao tính cá nhân như ngày nay, các cặp vợ chồng đều có sự tự do, chủ động trong những quyết định đời mình. Vì vậy, những giá trị thuộc về gia đình sẽ lu mờ đi và nhường chỗ cho những giá trị cá nhân (6). Chính sự độc lập tài chính và chủ động đó đã góp phần gia tăng tỷ lệ ly hôn ở các cặp vợ chồng hiện đại.


Bên cạnh đó, chất lượng đời sống ngày càng được nâng cao, tuổi thọ trung bình tại các quốc gia cao hơn các thế hệ trước. Xu hướng già hóa dân số cũng là một trong những lý do làm tăng tỉ lệ "ly hôn xám".


Nhật Bản là một trong những quốc gia có tỷ lệ già hóa dân số khá cao. Tại đất nước này, tỷ lệ ly hôn của các cặp vợ chồng chung sống từ 30 năm trở lên tăng gấp bốn lần trong hai thập kỷ vừa qua (7). Khi một người trên 50 tuổi không hài lòng về cuộc sống hôn nhân của mình, họ dễ dàng ly hôn vì họ tin rằng mình vẫn còn nhiều thời gian để tìm kiếm một hạnh phúc khác. Sau khi trải qua vài thập kỷ gắn bó với trách nhiệm gia đình, họ bắt đầu nghĩ đến hành trình mới bởi cuộc đời là những chương sách và chưa bao giờ là muộn để chúng ta bắt đầu một chương mới.


Ly hôn ở tuổi "xế chiều", cần chuẩn bị gì để con cháu khỏi sốc?


Đối với con cái của các cặp đôi ly hôn ở tuổi trung niên, dù đã trưởng thành và có sự bình ổn về mặt tâm lý nhưng khi đối diện với sự đổ vỡ hôn nhân của cha mẹ, họ vẫn cảm thấy chạnh lòng và tổn thương. Chính vì vậy, khi đưa ra quyết định ly hôn, các cặp vợ chồng cần ngồi lại trò chuyện trực tiếp cùng con cái. Các bậc phụ huynh nên giải thích rõ ràng những vấn đề xoay quanh việc ly hôn để con cái cảm thấy được chia sẻ và tôn trọng.


Nếu có con đang ở độ tuổi thanh thiếu niên, cha mẹ càng nên chia sẻ thành thật và thẳng thắn về những dự định sau ly hôn, để chuẩn bị tinh thần cho con trước nhiều thay đổi sắp tới. Đó có thể là vấn đề chia đôi tài sản khi ra tòa, sự thay đổi về tài chính và chỗ ở, sống xa anh chị em ruột… Bên cạnh đó, các cặp đôi ly hôn cũng đừng quên nhấn mạnh rằng dù gia đình có chia rẽ thì tình cảm cha mẹ dành cho con cái sẽ không bao giờ thay đổi.



Dù con cái đã trưởng thành và tự lập, nhưng các cha mẹ cũng nên chuẩn bị sẵn nền tảng cho con trong trường hợp họ không thể đồng hành cùng nhau trong chặng đường phía trước. Ví dụ như lập một quỹ tài chính cho con khi kết hôn, hoặc gói bảo hiểm của con mà trước đây hai vợ chồng cùng mua thì ai sẽ là người tiếp quản phần này. Trong trường hợp các con chưa ra riêng thì sau khi ly hôn họ sẽ sống cùng cha hay mẹ. Các cặp vợ chồng nên cân nhắc thấu đáo những vấn đề chung liên quan đến con cái trước khi đặt bút ký đơn ly hôn, để con cái có sự chuẩn bị tinh thần cũng như cuộc sống không bị xáo trộn.


Comments


bottom of page