top of page
Tìm kiếm

Các nhà khoa học tìm ra nguyên nhân vì sao "ngày vui thì ngắn, ngày buồn dài ghê"

Khi làm những điều mình thích hay ở cạnh người mình yêu, thời gian chẳng bao giờ là đủ, thế nhưng với những việc buồn chán hoặc bản thân không hứng thú thì mỗi phút trôi qua dường như dài đằng đẵng. Cảm giác sai lệch về thời gian này đã được các nhà tâm lý học phân tích thấu đáo để tìm ra cách "níu giữ thời gian" lúc vui cũng như "tăng tốc đồng hồ" lúc buồn, thế nhưng khi nhìn lại, hoá ra điều này đã được chỉ dẫn từ... hơn 2.000 năm trước.



Tại sao "ngày vui ngắn chẳng tày gang"?


Theo lý luận từ các triết gia thì việc cảm nhận thời gian trôi nhanh khi ta vui vẻ là do lúc đó ta chỉ tập trung chú ý vào niềm vui mà quên đi thời gian. Tuy vậy, điều này không thoả mãn các nhà khoa học vì nó không giúp trả lời vế ngược lại, rằng nỗi buồn chán cũng thu hút sự chú ý nhưng sao không khiến thời gian ngắn lại mà còn dài thêm. Họ nghi ngờ rằng dopamine mới đóng một vai trò quan trọng trong nhận thức về thời gian.


Những người bị các rối loạn liên quan đến khiếm khuyết dopamine - chẳng hạn như bệnh Parkinson sẽ gặp vấn đề trong việc theo dõi thời gian (1), (2). Tương tự, động vật được tiêm thuốc kích hoạt giải phóng dopamine cũng sẽ phản ứng với các nhiệm vụ nhanh hơn bình thường, cho thấy cảm giác về thời gian bên trong chúng được tăng lên (3). Rất nhiều thử nghiệm và nghiên cứu đã được thực hiện và cho kết quả giống nhau rằng dopamine làm thay đổi cảm nhận về thời gian của chúng ta (4), (5).


Triết gia thì đưa ra giả thuyết, nhà khoa học tìm cách chứng minh còn các chuyên gia tâm lý học hành vi thì cố gắng tìm hiểu các phương pháp giúp chúng ta nhận thức rõ ràng hơn về thời gian trong lúc vui vẻ - mà mục tiêu cũng chỉ là cố kéo dài sự hân hoan, hoặc khiến những thời khắc uể oải trôi đi nhanh hơn. Một số phương án đã được đưa ra như:

  • Thay đổi môi trường: Khi xung quanh chúng ta có nhiều điều mới lạ, tâm trí sẽ bị thu hút liên tục. Một cảm giác lạ, một không gian mới, những món đồ bắt mắt... sẽ chiếm trọn sự quan tâm và khiến chúng ta trân trọng trải nghiệm đó nên biết nắm bắt từng phút từng giây, thấy thời gian trôi chậm lại. Thế nhưng, cách này xem ra không thực tế, vì việc thay đổi môi trường liên tục để tìm kiếm điều mới mẻ như đi du lịch thì ai cũng muốn nhưng... lại khá tốn kém.

  • Năm bắt "dòng chảy" như vận động viên: Ta thường nghe câu "Nếu muốn biết giá trị của một phút thì hãy hỏi bác sĩ, còn nếu muốn biết giá trị của một giây thì hãy hỏi các vận động viên”. Việc rèn luyện thể thao theo các nguyên tắc chặt chẽ khiến cảm nhận về thời gian của các vận động viên trôi chậm hơn, điều này được Damon Burton mô tả trong cuốn sách "Tâm lý thể thao dành cho huấn luyện viên" rằng: "Các vận động viên trong trạng thái dòng chảy (flow state) hoàn toàn say mê và đắm mình vào màn trình diễn hoặc thi đấu, sự tập trung cao độ đó khiến họ nhận thức rõ ràng mọi thứ đang diễn ra xung quanh". Thế nhưng để làm được điều này như các vận động viên thì cần quá trình rèn luyện chuyên tâm và lâu dài, mà người bình thường khó thể đạt được một sớm một chiều.


Tưu trung, ta thấy các phương pháp này đều chỉ dẫn con người tập trung vào khoảnh khắc, chú ý đến những điều nhỏ nhặt diễn ra xung quanh, vận dụng các giác quan, rèn luyện tư tưởng… Nhẩm lại, bỗng thấy quen quen, hoá ra những điều này đều có thể đạt được thông qua chánh niệm - một phương pháp thiền định đã được hướng dẫn từ hơn 2.000 năm trước.


Chánh niệm giúp ích thế nào trong việc níu giữ thời gian?


"Hãy thử tưởng tượng một cuộc sống không đếm giờ. Có khả năng cao là bạn không thể làm được điều đó, phải không nào? Bạn có một chiếc đồng hồ trên tường, trên màn hình điện thoại, bạn có thời gian biểu, một cuốn lịch, một thời điểm định trước cho buổi hẹn ăn tối hay đi xem phim. Có điều, xung quanh bạn, chẳng ai màng đến việc đếm thời gian cả. Lũ chim không bao giờ đến muộn. Bọn cún không xem đồng hồ. Đám hươu nai không cáu nhặng lên vì lỡ mất ngày sinh nhật. Chỉ con người đo đếm thời gian. Chỉ con người vặn chuông báo thức. Và vì thế, chỉ con người mới phải chịu đựng một nỗi sợ hãi khủng khiếp mà không sinh vật nào khác phải gánh chịu - nỗi sợ hết thời gian" (Trích từ sách "Kẻ canh giữ thời gian” của tác giả Mitch Alborn).

Không chỉ các nhà nghiên cứu Phật giáo xem chánh niệm là một giải pháp để sống trọn trong từng khoảnh khắc, mà giới khoa học cũng đã cho thấy việc thực hành chánh niệm giúp cảm nhận về thời gian của chúng ta trở nên rõ ràng hơn. Trong một nghiên cứu cắt ngang (cross-sectional study, còn được gọi là nghiên cứu tỷ lệ hiện hành khi thực hiện các đo lường trong cùng một thời điểm ngắn), các nhà khoa học đã so sánh hiệu suất của 42 người thực hành chánh niệm có kinh nghiệm và 42 người đối chứng phù hợp với độ tuổi, giới tính và trình độ học vấn. Những người tham gia đều có kinh nghiệm tương đối cao trong thực hành chánh niệm vì họ đã thực hành trung bình 10 năm (ít nhất là thực hành trong ba năm liên tục với ít nhất hai giờ thực hành trong suốt tám tuần trước khi tiến hành nghiên cứu).


Kết quả chỉ ra rõ ràng: "Về cảm nhận thời gian chủ quan, những người thực hành chánh niệm trải qua ít áp lực về thời gian và thư giãn nhiều hơn, qua đó thấy thời gian trôi chậm lại. Hơn nữa, khi hồi tưởng, họ cảm thấy rằng tuần trước và tháng trước trôi qua một cách chậm hơn (6).

Như vậy, việc thực hành chánh niệm không chỉ giúp chúng ta "sống chậm" một chút, mà còn khiến cho niềm vui khi làm điều mình thích trở nên trọn vẹn hơn. Lela Journal đã có nhiều bài viết về chánh niệm như chánh niệm cho người nghiện việc, chánh niệm trong nuôi dạy con cái, phân biệt thiền định và chánh niệm… Các bạn có thể tìm đọc thêm để trong những ngày làm việc căng thẳng để không cần thiết phải ngước nhìn đồng hồ chờ thời gian qua mau.


Còn với thi sĩ Bùi Giáng, ông gửi gắm điều này qua câu thơ:


“Yêu nhau một phút cũng đành Miễn giây phút ấy chân thành yêu nhau”.

Comments


bottom of page