top of page
Tìm kiếm
Ảnh của tác giảKhiết Lam

Vị trí xỏ khuyên nói gì về bạn? Ý nghĩa 8 vị trí xỏ khuyên phổ biến

Trong nhiều truyền thống văn hóa, xỏ khuyên được xem như một "nghi thức nhập cuộc", đánh dấu sự phát triển của một giai đoạn, hoặc đánh dấu sự chấp nhận tư cách thành viên từ một cộng đồng hay tầng lớp nào đó. 8 vị trí xỏ khuyên sau đây sẽ tiết lộ cho bạn những tầng ý nghĩa mà có thể chúng ta chưa hoặc ít chú ý đến.



Xỏ khuyên như một hình thức "điêu khắc" cơ thể.

Cùng với xăm mình, nong tai, xở khuyên là một trong các hình thức của nghệ thuật điêu khắc cơ thể (body modification) bắt nguồn từ phong trào hoang dã hiện đại (urban/modern primitive) mà giới trẻ ngày nay đang nỗ lực phục hồi, hiện đại hóa và phổ biến.


Xỏ khuyên vốn đã xuất hiện từ lâu trong nhiều bộ lạc thị tộc trên thế giới. Ý nghĩa của khuyên thay đổi tùy vào xã hội: có thể mang ý nghĩa tôn giáo tâm linh; để nói lên bản sắc cá nhân; để đánh dấu quá trình trở thành đàn ông của bé trai; để thanh tẩy tâm hồn; hoặc để biểu trưng cho địa vị và sự giàu có...


Xỏ khuyên không đơn thuần chỉ là trang trí cơ thể, mà còn là để đưa ra tuyên ngôn về bản sắc, cá tính của chính bạn. Việc bấm thêm lỗ sụn, đính đá lên chân mày hay xỏ khuyên lưỡi... ở mỗi vị trí nhất định sẽ tiết lộ ý nghĩa riêng mà người đeo muốn nhắn nhủ với thế giới về bản thân họ. Vậy vị trí xỏ khuyên cho thấy điều gì về tuyên ngôn cá nhân của bạn?


Sau đây là một số ý nghĩa của 8 vị trí xỏ khuyên phổ biến ở giới trẻ.


1. Xỏ khuyên tai



Đây là một trong những vị trí xỏ khuyên thông dụng nhất, bao gồm xỏ phần thịt và xỏ sụn. Xỏ khuyên tai từ lâu đã có trong truyền thống của nhiều dân tộc, như ở các thổ dân, người Tây Ban Nha, các bộ lạc châu Phi và nhiều nước ở châu Á.


Thậm chí, các nhà khảo cổ ở Úc còn tìm thấy di tích bông hoa tai ước tính có niên đại khoảng 5.000 năm tại sông băng nước Áo.

Dù các bạn trong cộng đồng LGBTQ+ thường cho rằng việc mang mỗi hoa tai bên phải là biểu trưng cho xu hướng tính dục phi dị tính (1), nhưng ý nghĩa này không phổ quát đối với tất cả mọi người.


Thông thường, những chiếc khuyên tai được bấm ở phần dái tai và không mang ý nghĩa gì đặc biệt. Song, những chiếc khuyên tai phụ xỏ ở phần sụn và vách tai lại được xem là cá tính, với mục đích cho mọi người biết về tuyên ngôn cá nhân là một cái tôi gai góc, phá cách và phóng khoáng.


2. Xỏ khuyên mũi



Xỏ khuyên mũi vốn được xem là nổi loạn và táo bạo; song điều này không hẳn đúng trong nhiều nền văn hóa. Ở Ấn Độ, việc xỏ lỗ mũi được cho là có liên quan việc tăng tỷ lệ đậu thai và giúp việc sinh nở dễ dàng hơn. Ở các bộ lạc du mục, đính khuyên trên mũi là dấu hiệu của sự giàu có.


Xỏ vách ngăn (phần vách sụn giữa hai mũi) là dấu hiệu của sự hung dữ trong nền văn hóa chiến binh, nhưng lại là biểu trưng cho sự giàu có và địa vị trong nền văn hóa Aztec và Maya, trong khi đó lại là vật đánh dấu cho sự trưởng thành ở nhiều bộ lạc bản địa.


Trong thời nay, vòng khuyên vách mũi bắt mắt và độc đáo được dùng như cách để thể hiện tinh thần hoang dại và tự do của bạn.

3. Xỏ khuyên chân mày


(Nguồn: Depositphotos)

Xỏ khuyên chân mày là xu hướng của thời hiện đại, được phát triển từ nghệ thuật tạo hình trên cơ thể. Về góc độ văn hóa, chân mày không phải là vị trí có ý nghĩa to lớn về mặt tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục bộ lạc, hay văn hóa bản địa mạnh mẽ, cũng như không có bề dày lịch sử như những vị trí xăm khác.


Song, với đà phát triển của chủ nghĩa vị lai, các nhà nghệ thuật tạo hình cơ thể dần chú ý đến lớp da mềm trên đuôi chân mày và họ bắt đầu "điêu khắc" vị trí này bằng kim, đinh và khuyên.


Lưu ý quan trọng khi quyết định xỏ khuyên chân mày là vị trí này mất khoảng 6 – 8 tuần để lành và có tỷ lệ bị cơ thể đào thải cao.

4. Xỏ khuyên lưỡi



Lưỡi là một trong những vị trí nhạy cảm và nguy hiểm để chọn xỏ khuyên, bởi nguy cơ nhiễm trùng, sưng tấy, mất vị giác, hoặc ảnh hưởng tới sức khỏe răng-hàm-mặt cũng như dễ gây tổn thương dây thần kinh.


Tuy nhiên, khuyên lưỡi là một trong những biểu tượng có sức thể hiện mạnh mẽ của sự bất tuân (non-conformity) và nhằm tăng cường cảm giác khi quan hệ tình dục bằng miệng.

Không chỉ phổ biến trong giới trẻ, xỏ khuyên lưỡi cũng từng rất quan trọng trong nhiều nghi lễ tôn giáo của các văn hóa bản địa. Đối với người Maya, khuyên lưỡi dành riêng cho các bậc cai trị và các thầy tế lễ thượng phẩm. Các pháp sư bản địa ở Tây Bắc nước Mỹ và Trung Đông từng xỏ lưỡi để đi vào trạng thái thôi miên (2).


5. Xỏ khuyên má và khuyên môi



Môi dưới (labret) và má là hai vị trí có ý nghĩa văn hóa lâu đời nhất trong nghệ thuật xỏ khuyên của thế giới với nhiều tầng ý nghĩa quan trọng. Ý nghĩa của khuyên môi và khuyên má dưới rất đa dạng, từ vật biểu trưng cho sự hứa hôn (hướng tới mối quan hệ đã cam kết), cho đến biểu tượng tư cách thành viên của một tầng lớp xã hội cao hơn (3). Xỏ khuyên trên má làm tăng sự duyên dáng cho các tín đồ "điêu khắc" cơ thể vốn có lúm đồng tiền bên má.


Khuyên môi hiện đại thường được làm bằng titan hoặc thép không gỉ để dễ vệ sinh và hạn chế khả năng cơ thể đào thải khuyên ra ngoài.

Nhưng bạn cần lưu ý rằng những chiếc khuyên thép không gỉ hoặc titan có thể để lại sẹo trên da.


6. Xỏ khuyên ngực



Đã từng có thời khuyên ngực trở nên phổ biến vì nhiều lợi ích về sức khỏe sinh sản và tính thẩm mỹ, bên cạnh việc gia tăng khoái cảm hay cổ vũ phong cách tình dục dị biệt (kinky). Khuyên ngực ban đầu được tạo ra để núm vú không bị thụt vào trong trong thời gian người phụ nữ mang thai, nhằm tạo điều kiện thuận lợi để cho con bú.


Theo một số nhà sử học, trang phụ thời Trung Cổ có phần viền cổ áo xẻ sâu làm lộ phần ngực, nên việc để khuyên ngực được đính đá quá trên đầu ngực, khuyên vàng là biểu trưng của địa vị và quyền lực (4).


Ngày nay, việc xỏ khuyên ở đầu ngực được cho là trông "khiêu khích" và táo bạo. Sự phấn khích khi kích thích vòng khuyên bằng tay hoặc khi cọ xát với quần áo đã và đang là thú vui của những cá nhân muốn thể hiện sự táo bạo và cá tính mạnh trong chuyện chăn gối. Có một lưu ý rằng, một "lợi ích thứ phát" khi đeo khuyên ngực là khuyên có thể làm to và khiến đầu ngực nhạy cảm hơn thông qua sự kích thích liên tục (đối với cả nam và nữ).


7. Xỏ khuyên rốn



Cùng với sự thịnh hành của các chiếc crop-top, bikini, quần cạp trễ corset, bralette... thời trang hiện đại đã cổ vũ chúng ta vượt qua định kiến và sự nhàm chán của thời trang truyền thống để tự tin hở rốn. Bên cạnh đó là việc tô điểm vùng rãnh bụng (midriff) và nút rốn bằng những chiếc khuyên xinh xắn.


Vết xỏ ở rốn phải mất khá lâu để lành, bởi cơ thể cần từ ít nhất 4 tháng đến 1 năm mới có thể thích nghi với sự xâm nhập của khuyên ở vùng này. Điều này đòi hỏi bạn phải suy nghĩ rất thấu đáo trước khi xỏ, cũng như tuân thủ các quy tắc kiêng cữ và chăm sóc vết thương ở bụng trong thời gian dài chờ hồi phục.


8. Xỏ khuyên vùng kín



Xỏ khuyên bộ phận sinh dục đã từng là một xu hướng tồn tại trong thời gian ngắn vào cuối thế kỷ XIX, đặc biệt là trong giới quý tộc thời Victoria. Có tin đồn cho rằng hoàng tử Albert là người đã phổ biến hình thức xỏ khuyên dương vật Prince Albert nổi tiếng, nhưng điều này đã được chứng minh là bịa đặt (5). Từ đó, mức độ phổ biến của loại hình xỏ khuyên này nhanh chóng hạ nhiệt.


Nó chỉ quay trở lại vào nửa sau thế kỷ XX bởi những cái tên tiên phong như Jim Ward và Doug Malloy, đồng thời xưởng xỏ khuyên huyền thoại The Gauntlet ở Los Angeles cũng góp phần làm sống lại trào lưu này (6).


Có nguồn gốc từ các bộ lạc, nhưng xỏ khuyên bộ phận sinh dục ngày nay không mang nhiều hàm nghĩa tôn giáo, như là đánh dấu sự trưởng thành về mặt nam tính của trẻ trai. Giống như các vị trí khác, xỏ khuyên ở bộ phận sinh dục thường vì lý do thẩm mỹ cá nhân và để gia tăng khoái cảm khi quan hệ tình dục.


Lưu ý khi xỏ khuyên bộ phận sinh dục là thời gian lành khá lâu, có thể lên đến 6 tháng. Cho đến khi lành hẳn, người xỏ khuyên cần kiêng quan hệ tình dục trong vài tuần đầu tiên và nên sử dụng các biện pháp bảo vệ vật lý như bao cao su cho đến khi vết xỏ khuyên hoàn toàn lành lặn.


Nếu là "tín đồ xỏ khuyên", hỵ vọng bạn đã tìm được vị trí xăm ưng ý để nói lên tuyên ngôn bản thân sau khi đọc bài viết này. Bước tiếp theo bạn cần làm là tìm kiếm thợ xỏ chuyên nghiệp, chất liệu của khuyên xăm, cũng như tìm hiểu về các chế độ dinh dưỡng và chăm sóc da chuyên sau để vêt thương chỗ xỏ khuyên mau hồi phục.

Comments


bottom of page