Nuôi chó con xuất phát từ bản năng yêu thương vốn sẵn có bên trong mỗi người. Có thêm một "người bạn nhỏ 4 chân" trong nhà sẽ mang đến vô vàn khoảnh khắc hạnh phúc cho gia đình, nhưng đôi khi có thể gây ra những trải nghiệm phiền hà. Vì thế, sự chuẩn bị về mặt tinh thần và kiến thức là vô cùng cần thiết khi quyết định nhận nuôi cún con.
Khi cuộc sống hiện đại ngày càng bận rộn, việc nhận nuôi chó con đôi khi trở thành một công việc "ngoài giờ" phát sinh. Vì thế, dành thời gian tìm hiểu những thông tin cần thiết về chăm sóc cún sẽ giúp bạn chủ động và nhẹ nhàng hơn về sau.
Tuy nhiên, sau khi tìm đọc thông tin đại trà trên Internet, bạn có thể muốn buông xuôi vì thấy có quá nhiều việc cần làm, dù trong lòng vẫn muốn nuôi một chú cún. Thấu hiểu điều đó, LeLa Journal đã tổng hợp thông tin một cách đơn giản và đầy đủ nhất để bạn có thể vượt qua những trở ngại tâm lý ở giai đoạn đầu nhận nuôi chó và cân nhắc "đón thêm thành viên mới" về nhà. Bởi nuôi dưỡng chó có thể giúp chúng ta phát huy tính trách nhiệm, và kiên nhẫn.
Trước khi chó con về nhà, có 3 công việc quan trọng cần làm
Sau nhiều cuộc thăm dò ý kiến với những người nuôi chó lâu năm, chúng tôi nhận thấy có 3 công việc quan trọng nhất cần làm ngay khi cún cưng về nhà. Chỉ cần thành thạo 3 điều này, bạn sẽ có cơ hội tận hưởng trải nghiệm thú vị trong quá trình nuôi dưỡng cún yêu.
Việc thứ nhất: Dạy thú cưng đi vệ sinh đúng chỗ
Đây là công việc quan trọng cần thực hiện ngay từ ngày đầu tiên chú chó về nhà. Chất thải của chó có thể mang ký sinh trùng gây hại cho sức khỏe đường ruột của con người, do đó bạn nên tìm không gian riêng cho chó đi vệ sinh, có thể là một góc trong căn hộ (phòng tắm nhỏ hoặc một góc kho chứa đồ), ngoài sân vườn hoặc ngoài phố (mỗi khi dẫn chó đi dạo, và nhớ mang theo dụng cụ thu dọn vệ sinh).
Chó con từ 2 đến 4 tháng tuổi sẽ đi vệ sinh 15 phút sau khi ăn, và đi tiểu mỗi 2 giờ đồng hồ. Bạn có thể đặt chuông báo để dẫn chó con đến đúng vị trí được phép đi vệ sinh. Chó con dưới 4 tháng tuổi sẽ chưa phát triển khướu giác hoàn toàn, vì vậy chúng sẽ khó tìm đúng chỗ. Bạn hãy dắt chú cún đến tận nơi trong vài tháng đầu về nhà. Điều này đòi hỏi ở bạn lòng kiên nhẫn, đặc biệt trong vài tuần đầu tiên.
Khi đi đến không gian đi vệ sinh, nếu chú chó chưa có nhu cầu "xả nước", bạn hãy dắt nó quay lại đây sau 5 phút. Vì như đã nói ở trên, chó con chắc chắn sẽ đi vệ sinh trong khung 15 - 30 phút sau khi ăn, và đi tiểu 2 giờ đồng hồ (dao động sớm hoặc trễ hơn khoảng 15 phút).
Nếu bạn không có điều kiện hướng dẫn cún con đi vệ sinh, bạn nên cân nhắc nhận nuôi một chú chó lớn hơn 1 tuổi. Chó ở độ tuổi này có thể nhịn và chờ bạn dắt đi vệ sinh và thường sẽ có một khung giờ tiểu tiện hoặc đại tiện nhất định, vì thế sẽ thuận tiện hơn cho chủ nuôi.
Việc thứ hai: Dạy 3 mệnh lệnh quan trọng
Ngồi Yên, Không, và Nhả Ra là ba mệnh lệnh quan trọng để rèn luyện tính kỷ luật cho cún cưng khi còn bé và ngay cả khi đã trưởng thành.
Chó con thường rất hiếu động, ví dụ như nhảy lên chụp chân chủ, làm phiền khách, hoặc quấn quanh chân bạn khi bạn đang phải mang vác túi đồ vào nhà. Mỗi khi cún làm phiền bạn hoặc người trong gia đình, mệnh lệnh Ngồi Yên hoặc Không sẽ yêu cầu nó ngưng thực hiện những hành động này. Ngoài ra, hai mệnh lệnh này cũng giúp bạn dễ dàng kiểm soát chú chó khi nó nhảy lên người khách, lấn át những con chó khác, giật và kéo dây, hoặc khi có ý định chạy ra khỏi nhà.
Chó con từ 2 đến 12 tháng tuổi thường cắn đồ đạc trong nhà và chiếm những vật đó làm sở hữu. Chó cắn đồ trong nhà vì những lý do sau: đang trong thời kỳ thay răng, hoặc còn dư năng lượng do không được vận động như đi bộ, chạy bộ và chơi với những chú chó khác.
Cách giảm tình trạng chó cắn đồ vật trong nhà là cho chúng đi bộ thường xuyên, từ 1 đến 2 lần mỗi ngày.
Nếu trong xóm có những chú chó khác, bạn nên cho thú cưng ra ngoài gặp gỡ để học cách giao lưu, đồng thời để chúng có cơ hội chơi đùa, chạy nhảy với nhau nhằm đốt năng lượng dư thừa. Khi những hoạt động này vẫn không làm giảm tình trạng chó cắn hư đồ hoặc chiếm đoạt đồ vật thì mệnh lệnh Không và Nhả Ra sẽ giúp bạn kiểm soát tốt cún cưng.
Việc thứ ba: Thường xuyên cho chó giao lưu với người quen và những chú chó khác
Giao tiếp là quá trình cần thực hiện ngay từ lúc chó còn bé, để khi lớn lên, nó sẽ định hình tính cách thân thiện, giảm rủi ro chó cắn người hoặc cắn những con vật khác.
Khi chó chỉ quanh quẩn trong nhà và chỉ quen với vài người trong gia đình, nó sẽ mặc định những người khác là kẻ xâm phạm lãnh thổ "tự nhiên" của nó. Điều này hoàn toàn bình thường trong thiên nhiên vì chó là động vật sống theo bầy đàn. Chúng sẽ ngăn những động vật khác xâm phạm lãnh thổ để bảo vệ chó con, bảo vệ thức ăn và bảo vệ lẫn nhau.
Vì thế, để chó con không định hình bản năng bảo vệ này một cách hung hãn, bạn nên cho chúng giao lưu với nhiều người ngoài gia đình và nhiều con chó khác trong xóm. Đừng quá lo lắng vì sợ chúng sẽ đánh mất bản năng canh giữ nhà, vì khi có kẻ lạ đột nhập thì chó chắc chắn vẫn sẽ sủa để bảo vệ lãnh thổ của gia chủ như một thói quen cố hữu của giống loài.
Comments