Các chuyên gia về sức khỏe cho biết sự tự tin có thể giúp trẻ em ứng biến tốt trước những thách thức trong cuộc sống và góp phần phát huy hết tiềm năng của trẻ. Cha mẹ chính là nhân tố quan trọng để có thể song hành với con trong việc phát triển sự tự tin.
Nhà tâm lý học lâm sàng Emma Citron giải thích: “Việc bé lớn lên trong môi trường như thế nào, được dạy dỗ ra sao tác động rất lớn đến sự phát triển tâm lý sau này. Ngược lại, nếu người lớn thường xuyên chỉ trích về cân nặng, thành tích học tập, khả năng thể thao, ngoại hình hoặc bất cứ điều gì của con thì điều đó sẽ ảnh hưởng rất xấu đến sự tự tin của trẻ (1). Trong những trường hợp đó, cha mẹ nên bày tỏ sự yêu thương, cảm thông và dạy dỗ với tư duy góp ý tích cực thì con trẻ sẽ có cảm giác hài lòng về bản thân”.
Nhưng làm thế nào để giúp phụ huynh gia sự tự tin cho con? LeLa Journal đã tổng hợp các lời giải thích và khuyến nghị từ các chuyên gia để phụ huynh có cái nhìn toàn diện hơn trong quá trình nuôi dạy trẻ.
Giúp con học cách tự làm mọi việc
Dù ở độ tuổi nào thì chúng ta vẫn luôn còn nhiều điều cần phải học hỏi. Ngay cả khi còn nhỏ, việc học cách cầm cốc hoặc hướng dẫn con tự mặc quần áo cũng là những bước đầu tiên sẽ khơi dậy cảm giác thành thạo và thích thú. Sau đó, hãy để con làm những việc trong khả năng, ngay cả khi chúng chưa nhuần nhuyễn. Hãy chắc chắn rằng cha mẹ đang cho phép trẻ có cơ hội học hỏi, thử sức. Đừng tạo ra những thử thách mới quá dễ dàng hoặc quá khó khăn. Khi lớn lên, những việc học hỏi theo thời gian như học cách tự đi ngủ đúng giờ, giữ thói quen đọc sách hoặc biết đi xe đạp là cơ hội để sự tự tin của trẻ dần phát triển.
Khen ngợi trẻ, nhưng hãy làm điều đó một cách khôn ngoan
Sự khen ngợi là một cách thể hiện rằng bạn đang hài lòng về trẻ, nhưng đôi khi điều đó có thể phản tác dụng (2).
Đừng khen ngợi quá mức: Chân thật là đức tính quan trọng trong việc nuôi dưỡng và phát triển nhân cách. Là phụ huynh, chúng ta nên cố gắng làm tấm gương sáng để trẻ có thể học hỏi từ đó. Đừng tâng bốc con mình bằng những điều không có thật. Ví dụ, khi trẻ tham gia một trò chơi và không thể hoàn thành tốt, đừng an ủi rằng trẻ thật tuyệt vời vì chúng thừa hiểu khả năng của bản thân và sẽ nhận ra lời khen ấy thật sáo rỗng. Trong trường hơp đó, bạn có thể uyển chuyển động viên rằng: “Mẹ biết đây không phải là trận đấu hay nhất của con, nhưng không sao, con có thể làm nó tốt hơn vào ngày hôm sau. Mẹ chỉ cảm thấy thật tự hào vì con đã chơi hết sức mình và không bỏ cuộc đến phút cuồi cùng”.
Nhìn nhận quá trình và sự nỗ lực chứ không phải kết quả: Cha mẹ cũng cần hạn chế việc quá chú trọng vào kết quả (chẳng hạn như đạt điểm 10) hoặc những phẩm chất cố định (như thông minh hoặc giỏi thể thao). Thay vào đó, hãy khen ngợi nỗ lực, sự tiến bộ và thái độ của trẻ. Điển hình như những lời khen tập trung vào sự phát triển về quá trình của trẻ như: “Ba mẹ rất vui khi thấy con chăm chỉ mỗi ngày vời những bài tập về nhà mà thầy cô giao cho”, “Con đã viết đúng nhiều hơn trong các bài kiểm tra chính tả lần này” hoặc “Mẹ tự hào vì con luôn đúng giờ trong các buổi học piano”. Với kiểu khen ngợi này, trẻ sẽ nỗ lực vào mọi việc, hướng tới mục tiêu và cố gắng không ngừng, nhờ đó sẽ có nhiều khả năng thành công hơn.
Đánh giá lại quy chuẩn của sự thành công
Nếu phụ huynh áp đặt sự thành công theo tiêu chuẩn cá nhân và kỳ vọng của chính mình lên con cái thì trẻ sẽ dễ bị dẫn dắt đến suy nghĩ lệch lạc. Một ví dụ dễ thấy đó là nhiều bậc phụ huynh cứ khăng khăng cho rằng phải đạt được 10 điểm trong kỳ thi mới là thành tựu đáng tự hào và lúc nào cũng gò ép con cái phải siêng năng để đạt được điểm số tuyệt đối. Nếu sau đó, trẻ chỉ được 8 điểm thì chúng sẽ cảm thấy thất vọng về bản thân. Mặc dù 8/10 vẫn là một số điểm cao nhưng chúng vẫn không cho rằng bản thân đã làm tốt, từ đó sẽ gây ra tâm lý sợ sệt, giảm sút sự tự tin.
Các nhà tâm lý học giải thích rằng cách hiểu của trẻ em về thành công có tác động lớn đến việc quyết định chúng có đủ tự tin để theo đuổi mục tiêu của mình khi trưởng thành hay không.
Thành công không có sẵn và trẻ cần được dạy rằng mọi câu chuyện về vinh quang đều cần đến sự cống hiến và thử thách trong một thời gian dài. Chính phụ huynh phải là người truyền dạy kinh nghiệm và động viên tinh thần để trẻ sẵn sàng đối mặt với những khó khăn ở phía trước, chứ không nên áp đặt thiên kiến cá nhân hoặc kỳ vọng bản thân lên con em của mình.
Giúp con tìm thấy những thế mạnh của bản thân
Lập danh sách các việc trẻ từng làm từ tốt tới xấu, từ phù hợp tới những điều cần cải thiện. Từ đó, có thể phát hiện được những kỹ năng và giúp trẻ xây dựng sự tự tin. Ví dụ, nếu con bạn thể hiện sở thích về âm nhạc, hãy thử xem có lớp năng khiếu nào ở trường mà chúng có thể tham gia không. Bởi vì trẻ con thường có xu hướng thích thú những gì mà bản thân có thể làm tốt và nếu được trau dồi đúng cách, những đứa trẻ đó tỏa sáng trong tương lai (3).
“Đừng cứng nhắc về những gì bọn trẻ có thể làm hoặc không, hay về những gì bạn coi trọng hoặc coi thường khi bọn trẻ tỏ vẻ muốn tìm hiểu. Luôn mang tâm lý cởi mở và tiếp nhận những điều mới mẻ trong nuôi dạy trẻ.” - các nhà tâm lý khẳng định
Đừng cố thay đổi con cái
Nhà tâm lý học Citron cũng chỉ ra rằng các bậc cha mẹ hướng ngoại thường nghĩ rằng có điều gì đó không ổn với một đứa trẻ hướng nội. Cụ thể, họ muốn con mình thường xuyên ra ngoài nhiều hơn, nên tham gia các ngoại động ngoại khóa hay chỉ đơn giản là hãy tương tác với bạn bè cùng lớp…
Tuy nhiên, bà Citron khẳng định: “Nếu một đứa trẻ có tính cách hướng nội trong khi cha mẹ lại hướng ngoại thì là gia đình cũng không nên cố thay đổi đứa trẻ ấy. Thay vào đó, hãy trò chuyện và lắng nghe xem trẻ cảm thấy thoải mái với điều gì ở tuổi này, đồng thời tham khảo thêm những lời khuyên, gợi ý từ những người có chuyên môn để không áp đặt những ý kiến chủ quan lên con mình”.
Sự tự tin có thể thất thường
Nhà văn Weeks (tác giả hàng loạt cuốn sách thiếu nhi nổi tiếng) giải thích rằng bố mẹ nên cảm thấy bình tĩnh nếu như sự tự tin của con mình không có sự ổn định. Cô nói: “Một số trẻ sẽ cảm thấy hoàn toàn thoải mái khi phát biểu trong lớp nhưng lại cảm thấy lo lắng trên sân thể thao, hoặc những trẻ khác thích là trung tâm của nhóm bạn thân thiết nhưng lại rụt rè nếu được yêu cầu trình bày trước đám đông. Bất kể điều gì khiến trẻ sợ hãi, cha mẹ hãy khuyến khích con rằng thành công không đòi hỏi bất kỳ giới hạn hoặc rào cản nào và con hãy cố gắng vượt qua những sự bất an đó”.
Chấp nhận thất bại
Trẻ em thường xuyên lo lắng khi thử một điều gì mới vì lo sợ thất bại. Nhưng các nghiên cứu nhấn mạnh rằng:
"Chúng ta nên giúp trẻ em chấp nhận những thất bại đó, coi đó như những chỉ dấu thực tiễn để biết rằng trên đời này còn rất nhiều thứ phải học. Khuyến khích trẻ em vượt qua sai lầm của mình và không lo lắng về việc bị đánh giá như thế nào là điều cốt yếu để xây dựng sự tự tin".
Lời khuyên: Các bậc cha mẹ hãy chủ động thảo luận về những lần mình mắc lỗi hoặc thất bại với con cái. Bởi vì cho con trẻ thấy những gì cha mẹ học được từ vấp ngã đó chính là lời khẳng định chắn chắn rằng luôn có một cơ hội khác để phát huy, để sửa đổi, để tốt hơn mỗi ngày.
Comments