top of page
Tìm kiếm

Yoga dành cho nam hay nữ? Ai là đối tượng phù hợp để luyện tập bộ môn này?

Đã bao giờ bạn thắc mắc tại sao giáo viên yoga tại Việt Nam và nhiều nước trên thế giới đa phần là nữ giới (chiếm đến 85% tại Mỹ) (1), nhưng những giáo viên từ Ấn Độ - quê hương của yoga - thì phần nhiều lại là nam giới. Vậy yoga phù hợp cho đối tượng nào? Giới tính có ảnh hưởng đến hiệu quả khi tập luyện bộ môn này hay không? Nhân Ngày Quốc tế Yoga 21/6, chúng ta hãy cùng tìm hiểu thêm về tác dụng của bộ môn này.



Sự khác biệt nằm ở yếu tố văn hóa


Thoạt nhìn, các bài tập yoga có vẻ hợp với phái đẹp hơn khi đề cao sự dẻo dai, tính uyển chuyển và giúp ích rất nhiều cho việc cải thiện vóc dáng (2).


Thế nhưng, thực tế là khi Hiền triết gia Maharshi Patanjali - người được xem là cha đẻ của yoga - sáng tạo ra bộ môn này thì mọi bài tập, từ cơ thể đến tâm trí, đều được dành cho đàn ông (3).

Vào thời bấy giờ, trở thành một đệ tử là đặc quyền của phái mạnh, còn phụ nữ chỉ được làm công việc nội trợ. Việc chăm sóc con cái, gia đình rất bận bịu khiến họ không có thời gian cho các hoạt động tập luyện yoga.


Khi được hỏi về lý do "không thấy bóng dáng giáo viên yoga nữ (yogini) là người Ấn Độ ở Việt Nam", một số giáo viên bản xứ đưa ra câu trả lời cho Lela Journal rằng văn hóa và tôn giáo là nguyên nhân chính của tình trạng này.


Tại Ấn Độ, Hindu là tôn giáo phổ biến nhất, với ước tính 79,8% dân số theo đạo Hindu (mà chúng ta hay gọi là Ấn Độ giáo) (4). Trong văn hóa Ấn Độ giáo hiện nay, tư tưởng xem trọng phái mạnh vẫn tồn tại, và bởi công việc dạy học ở nước ngoài được xem là mang lại thu nhập cao hơn, nên nam giới sẽ được ưu tiên và khuyến khích tham gia. Bên cạnh đó, đa phần giáo viên yoga nam (yogi) là người trẻ tuổi và chưa có gia đình.

Vậy nên, sự khác biệt về tỷ lệ nam nữ trong việc thực hành và giảng dạy yoga nằm ở yếu tố văn hóa và khuôn mẫu giới, nhưng dù người hướng dẫn bộ môn yoga của bạn là thầy (yogi) hay cô (yogini) thì sau nhiều nghiên cứu, giới khoa học cũng đã chỉ ra được rằng: việc thực hành yoga - không phân biệt giới tính - có thể mang tới lợi ích cho nhiều đối tượng, đặc biệt là những người có vấn đề về sức khỏe.



Đối tượng nào có lợi khi tập luyện yoga?


Vì đây là một bộ môn có tác dụng hỗ trợ sức khỏe nên mọi người đều có thể thu được lợi ích khi tập luyện yoga. Tuy nhiên, có một số nhóm người có thể cảm nhận được những lợi ích ở thân và tâm một cách rõ rệt hơn, đặc biệt là các nhóm sau:


1. Người gặp vấn đề về sức khỏe tinh thần:

  • Căng thẳng: Tập luyện yoga đều đặn giúp giảm lượng cortisol - hormone gây căng thẳng (5). Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng thực hành điều này trong ít nhất ba tháng làm giảm cortisol (6), đồng thời giảm cả các tác nhân gây ra viêm - giúp cho sức đề kháng của cơ thể tốt hơn (7).

  • Trầm cảm: Một nghiên cứu vào năm 2017 đối với phương pháp Sudarshan Kriya Yoga (SKY) với người mắc rối loạn trầm cảm nghiêm trọng (major depressive disorder - MDD) đã cho thấy rằng việc bổ sung thực hành SKY giúp người mắc MDD thấy khá hơn nhiều (8). Một nghiên cứu khác với Hatha Yoga cũng cho kết quả tương tự (9).

2. Những người hoạt động trí óc liên tục:

Nhiều kết quả nghiên cứu đã cho thấy rằng tập luyện yoga giúp cải thiện đáng kể chức năng của não (10), (11). Nhiều doanh nhân và lãnh đạo nổi tiếng trên thế giới cũng thực hành yoga mỗi ngày, như Sergey Brin (nhà đồng sáng lập của Google), Ratan Tata (tỷ phú người Ấn Độ), Marc Benioff (CEO của SalesForce)... (12).


3. Những người bị đau lưng dưới:

Nghiên cứu vào năm 2017 cho thấy tập yoga giúp giảm tình trạng đau lưng dưới, thậm chí là ở dạng mãn tính (13). Nhiều báo cáo cho thấy sau 12 tuần thực hành yoga, cơn đau ở những người tập luyện đều giảm đi rõ rệt (14), (15).



4. Những người bị bệnh hoặc sau phẫu thuật:

Một số bằng chứng cho thấy yoga có thể cải thiện chất lượng cuộc sống cho những người mắc các bệnh sau:

  • Ung thư tuyến tiền liệt: Nghiên cứu cho thấy rằng tham gia lớp học yoga hai lần mỗi tuần trong quá trình xạ trị ung thư tuyến tiền liệt có thể làm giảm mệt mỏi và cải thiện chức năng tình dục và tiết niệu (16).

  • Đột quỵ: Yoga có thể cải thiện chức năng của người bệnh sau cơn đột quỵ, cụ thể là khả năng giữ cân bằng, chức năng vận động và kiểm soát nỗi sợ bị ngã (17).

  • Viêm loét đại tràng: Tham gia một lớp yoga đều đặn trong 12 tuần có thể tăng chất lượng cuộc sống của người bị viêm loét đại tràng (18).

5. Những người có mong muốn cải thiện sức mạnh thể chất:

Có nhiều ý kiến cho rằng tập yoga chỉ cải thiện độ dẻo dai chứ không giúp xây dựng sức mạnh cơ bắp. Tuy nhiên, điều này đã được chứng minh là không chính xác, bởi một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc thực hành Ashtanga Yoga (một nhánh của Hatha Yoga) giúp xây dựng cơ bắp và cải thiện sức mạnh đáng kể cho cả nam giới lẫn nữ giới (19), (20), (21).



Comments


bottom of page