top of page
Tìm kiếm

"Zombie công sở": Làm sao thoát khỏi tình trạng mỗi ngày đi làm đều là một "vòng lặp chán ngán"?

Trong các công sở, đôi khi chúng ta bắt gặp hình ảnh một người nhân viên lững thững vào làm, chầm chậm chấm công, rồi từ tốn làm việc được giao mà không có mục tiêu cụ thể nào cho sự nghiệp. Hoặc biết đâu, đó cũng là hình ảnh của chính bạn mỗi ngày đến công ty? Trạng thái lặp đi lặp lại những chuỗi đầu việc không có tính sáng tạo, không có mục đích và thường rơi vào cảm giác mơ hồ, lạc lối còn được gọi là hiện tượng "zombie công sở".


"Zombie công sở": Làm sao thoát khỏi tình trạng mỗi ngày đi làm đều là một "vòng lặp chán ngán"?


Chú ong chăm chỉ hay... chú zombie "vô tri"?


Theo Từ điển Cambridge, "on autopilot" (nghĩa là "tự lái" hay "thả trôi") trong công việc có nghĩa là hoàn thành đầu việc mà không gắng sức hoặc không tư duy một cách có ý thức (1). Những zombie công sở này thường dành hàng giờ làm việc một cách máy móc, như thể đang thả trôi mình theo guồng quay công nghiệp. Và điều quan trọng nhất là họ không chủ động cải tiến hay sáng tạo cách thức làm việc sao cho hiệu quả, mà chỉ lãng phí thời gian để lặp đi lặp lại những chu trình chán ngắt.


Khi liên tục làm việc trong trạng thái lờ đờ và ít sử dụng đến trí óc, họ bỗng giống như những con zombie chuyên đi... săn não người trong nhiều bộ phim và các sản phẩm giải trí khác.


Vậy làm thế nào để nhận diện zombie công sở, những người đang thả trôi sự nghiệp? Chân dung của họ có thể khái quát (nhưng không bó hẹp) trong một số triệu chứng như sau:

  • Uể oải: Tương tự như zombie trong các phim tận thế, các zombie công sở thường lê bước một cách mệt mỏi với đôi mắt hơi sưng đỏ, tay cầm ly cà-phê (thường là đen đá) để cố gắng giữ tỉnh táo.

  • Mong chờ tới giờ tan làm: Họ nhanh chóng cạn kiệt hứng thú làm việc và bắt đầu mong chờ tới giờ chấm công ra về. Chúng ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh các zombie lướt web đến hết giờ làm, hoặc ngấu nghiến các video giải trí trên mạng.

  • Ly khai: Các zombie công sở thường chọn "rút lui" khỏi các cuộc vui hội nhóm, bị động khi làm việc nhóm. Đây là biểu hiện dễ nhận thấy nhất của trạng thái zombie công sở. Bạn thường thấy họ có vẻ không hứng thú với các hoạt động của công ty, dù là hoạt động quan trọng như ra mắt sản phẩm lẫn những hoạt động tăng tương tác như team building.

  • Lơ đễnh (zone out): Đôi khi, bạn sẽ bắt gặp một zombie công sở đang nhìn vô định, trầm ngâm trước màn hình máy tính, hoặc trong nhiều trường hợp khác là hay quên...


Theo một báo cáo của The Gallup, chỉ có khoảng 32% lao động tại Hoa Kỳ thực sự tập trung và dấn thân trong sự nghiệp (2). Nghĩa là ngay tại quốc gia phát triển hàng đầu thế giới, cũng chỉ có khoảng ⅓ nhân lực có mong muốn trở thành những chú ong chăm chỉ. Trên thực tế, khi bạn không đặt mục tiêu, không chủ động dấn thân trong công việc, bạn sẽ dễ mất kiểm soát được guồng việc và mọi thứ xung quanh. Tại Việt Nam, tính chung sáu tháng đầu năm 2023, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 52,3 triệu người (3). Dựa vào con số đáng báo động tại Hoa Kỳ, chúng ta cũng có quyền thắc mắc rằng liệu có bao nhiêu trong số 52,3 triệu lao động tại Việt Nam hiện nay đang rơi vào tình trạng zombie và trả trôi sự nghiệp như vậy?


Theo Forbes, khi trở thành zombie công sở thả trôi sự nghiệp, bạn sẽ bỏ lỡ rất nhiều cơ hội phát triển (3), cụ thể như sau:

  • Mất cơ hội thăng tiến: Không dành thời gian mài giũa kỹ năng mới, mở rộng mối quan hệ khiến bạn mất vị thế cạnh tranh trong nội bộ và trên thị trường lao động.

  • Không dám thử cơ hội mới: Khi chọn an toàn và an phận, bạn sẽ không dám chấp nhận rủi ro, từ đó dẫn đến việc bạn lỡ mất nhiều cơ hội giành được phúc lợi cao hơn.


"Zombie công sở": Làm sao thoát khỏi tình trạng mỗi ngày đi làm đều là một "vòng lặp chán ngán"?

Đi tìm căn nguyên vấn đề


Liệu có phải những zombie công sở muốn trở thành như vậy hay không? Chúng ta có thể vội vàng đánh giá họ là thiếu chuyên nghiệp trong công việc; song, nếu đào sâu vào vấn đề họ đang gặp phải, có thể chúng ta sẽ hiểu thêm phần nào.


"Zombie công sở": Làm sao thoát khỏi tình trạng mỗi ngày đi làm đều là một "vòng lặp chán ngán"?

Nguyên nhân chính gây nên hội chứng zombie công sở là tình trạng kiệt quệ trong công việc (occupational burnout). "Burnout" (nghĩa là "kiệt quệ", với nghĩa đen là chỉ tình trạng "cháy sạch" năng lượng) có lẽ đã quá phổ biến, nhưng điều nguy hại nhất là việc Hệ thống Phân loại Bệnh Quốc tế - bản thứ 11 (ICD 11) do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố, đã cập nhật định nghĩa của burnout. Định nghĩa này đã chỉ rõ rằng hội chứng này không hẳn là một vấn đề sức khỏe, mà là một hiện tượng chỉ xuất hiện trong bối cảnh công việc (occupational context) (4). Để tìm hiểu thêm về burnout, bạn đọc có thể tham khảo bài viết đã được đăng tải trên LeLa Journal: "Burnout" trong công việc là gì và tại sao đây là lúc "cứ chill đi"?


Đặc biệt, burnout cũng không được dùng để miêu tả trong các khía cạnh khác của đời sống nên những người chưa thực sự có trải nghiệm với burnout lại khó có thể hiểu rõ tình trạng này. Đây cũng là một lý do mà người bị burnout sẽ có xu hướng trở thành các zombie công sở vì thiếu sự cảm thông từ người khác.

Bên cạnh đó, nguyên nhân chủ quan gây nên tình trạng zombie là sự biếng nhác thay đổi, tâm thế chấp nhận status-quo. Tuy nhiên, đây chỉ là một lý do góp phần vì cả zombie công sở lẫn burnout đều là các tình trạng, hiện tượng phức tạp với nhiều nguyên nhân tạo thành.


Theo kết quả nghiên cứu của công ty tư vấn toàn cầu Hewitt về tỷ lệ zombie công sở theo từng thâm niên cho thấy, khoảng 6% zombie công sở là nhân viên có thâm niên từ 1 đến 2 năm, đối với lao động có thâm niên từ 11 đến 15 là khoảng 11%, và tỷ lệ này là khoảng 17% đối với người có thâm niên hơn 26 năm. Con số này cho thấy nhân viên có thâm niên càng cao thì họ càng ít gắn kết với công việc. Đó là vì cơ chế tăng lương theo thâm niên nên họ hài lòng với vị trí hiện tại và không còn tinh thần làm việc tích cực như trước (5).


"Zombie công sở": Làm sao thoát khỏi tình trạng mỗi ngày đi làm đều là một "vòng lặp chán ngán"?


Vaccine cho zombie công sở và cách phòng ngừa burnout


Việc chủ động làm việc có chủ đích và mục tiêu sẽ khiến bạn nổi bật hơn trên thị trường lao động cũng như trong nội bộ tổ chức. Tuy nhiên, để có thể thoát khỏi tình trạng zombie, trước hết, bạn cần nỗ lực đối diện với trạng thái burnout của mình. Sau đây là một số cách thức để tổ chức và chính người lao động có thể khắc phục những tình trạng tiêu cực như zombie công sở và burnout.


1. Cách thoát khỏi zombie công sở:


a) Xóa bỏ cơ chế tăng lương dựa trên thâm niên: Netflix là ví dụ cho công ty xóa bỏ cơ chế đánh giá lương theo thâm niên, mà thay vào đó hướng đến việc xem đội ngũ như những đồng đội, như trong một bộ môn thể thao chuyên nghiệp. Khi mọi người xem nhau ngang bằng, không phân biệt giai cấp, thâm niên, vị trí... mà dựa vào năng lực, kết quả làm việc cũng như sáng kiến đóng góp thì tình trạng bộ máy công ty sẽ hoạt động trơn tru hơn.


b) Xây dựng cơ chế ghi nhận năng lực và phản hồi khách quan: Khi được hỏi, "Liệu những gì bạn nhận được có tương xứng với đóng góp của mình hay không?", 46% nhân viên bình thường cảm thấy tương xứng, trong khi chỉ 24% zombie công sở trả lời có (5). Chính vì vậy, liều thuốc thứ hai để phòng ngừa zombie là xây dựng cơ chế phản hồi khách quan, cởi mở và cơ chế đánh giá năng lực, cũng như công nhận thành quả của nhân viên.


Cơ chế đánh giá ngang hàng dựa trên dữ liệu OKR (nghĩa là "Quản trị theo Mục tiêu và Kết quả Then chốt") với dữ liệu được công bố minh bạch là chìa khóa để nhân viên có thể trao đổi thẳng thắn và công nhận công sức của nhau. Đây cũng là liều thuốc thứ hai mà các doanh nghiệp có thể làm giảm bớt những suy nghĩ tiêu cực và cảm giác bất mãn của các nhân viên zombie.

c) Tăng cường khích lệ và đào tạo kỹ năng cho nhân viên zombie: Một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng zombie hóa là nhân viên cảm thấy bị sếp và phòng ban "bỏ rơi". 40% nhân viên zombie cho rằng họ cảm thấy sếp không khuyến khích họ (5). Để khắc phục điều này, nhiều công ty đã sử dụng PIP (nghĩa là "Chương trình Cải thiện Năng suất") đối với những nhân viên đang có hiệu suất làm việc ở mức thấp. Chẳng hạn, IBM đã triển khai nhiều chương trình cải thiện hiệu suất làm việc như cho phép nhân viên thay đổi chức vụ, đào tạo kỹ năng... cho 20% nhân viên có hiệu suất thấp. Họ sau đó sẽ báo cáo kế hoạch và nỗ lực cải thiện hiệu suất cho người giám sát hoặc quản lý của họ. Người giám sát sau đó sẽ dựa trên bản báo cáo đó mà đề xuất các hoạt động đào tạo phù hợp để họ không trở thành zombie.



2. Cách đối phó burnout:


a) Thiền và chánh niệm: Nếu thấy mình đang có dấu hiệu mất dần động lực làm việc và có xu hướng mong ngóng tới giờ tan ca thì việc thực hành chánh niệm có thể giúp bạn thoát khỏi vòng xoáy của sự thả trôi. Chánh niệm giúp bạn tập trung vào khoảnh khắc hiện tại, tìm lại sự chú tâm trong công việc, cũng như giúp bạn nhìn nhận những điểm khó chịu liên quan đến công việc (6).


Khi nhận ra được cảm xúc hiện tại, bạn có thể bắt đầu khoanh vùng các yếu tố liên quan đến công việc gây cho bạn cảm xúc khó chịu đó và thay đổi chúng. Bạn cũng có thể trao đổi với đồng nghiệp hoặc sếp về những chỗ bất cập trong công việc, hoặc cảm xúc cá nhân khi thực hiện những đầu việc đó.

b) Tập trung vào mục đích và dành ra những khoảng nghỉ cần thiết: Đôi khi, xin nghỉ phép lại là một liều thuốc tốt để bạn có thời gian nhìn nhận lại những gì đã qua, cũng như tự phản ánh lại mục đích của mình khi theo đuổi công việc hiện tại. Liệu các giá trị và thế giới quan của bạn có bị ảnh hưởng bởi công việc hiện tại không? Liệu cuộc sống của bạn có mất cân bằng vì công việc hiện tại hay không? Một kỳ phép ngắn ngày để tự chữa lành là cần thiết trong những lúc thế này.


c) Làm thêm công việc thiện nguyện: Tham gia công việc thiện nguyện giúp bạn mở rộng vòng kết nối, bồi dưỡng thêm kỹ năng mềm, khả năng thấu cảm, cũng như vun đắp thêm cho sự kết nối với xã hội. Việc cho đi, giúp đỡ cộng đồng không những tạo ra sự khác biệt cho cuộc đời người khác, mà còn giúp bạn lấy lại cân bằng trong cuộc sống, cũng như phát triển bản ngã theo hướng tích cực.


d) Thay đổi tâm thế: Đôi lúc, cách đơn giản nhất để thoát khỏi virus zombie và chế độ thả trôi là thay đổi tư duy và tâm thế – thái độ sống và làm việc. Thay vì xem công việc như một nghĩa vụ phải làm, bạn có thể tìm kiếm các khía cạnh có ý nghĩa trong công việc để tập trung vào, hoặc xem công việc như một cơ hội để học hỏi và thách thức giới hạn bản thân.


e) Dũng cảm thay đổi: Bên cạnh việc thay đổi tâm thế của bản thân, nếu công việc hiện tại thật sự không tạo ra giá trị mà bạn mong muốn hoặc xung đột với lối sống, quan điểm sống của bạn, thì việc rời đi là một lựa chọn không tồi. Điều quan trọng nhất vẫn là xử lý tình trạng burnout vì dù nó chỉ xảy ra trong giới hạn công việc nhưng ảnh hưởng của nó lại lan rộng tới các khía cạnh khác trong cuộc sống của bạn. Người bị burnout thường cảm thấy căng thẳng ngay cả trong các mối quan hệ, trầm cảm, rối loạn giấc ngủ và ăn uống (7). Hơn nữa, thời gian làm việc một ngày của chúng ta là khoảng 8 tiếng, nghĩa là chiếm tới một nửa thời gian hoạt động (với giấc ngủ chiếm 7-9 tiếng mỗi ngày). Môi trường làm việc chính là nơi chúng ta dành phần lớn thời gian hoạt động, vậy tại sao chúng ta lại không lựa chọn để tìm tới môi trường thích hợp với bản thân nhất?


"Zombie công sở": Làm sao thoát khỏi tình trạng mỗi ngày đi làm đều là một "vòng lặp chán ngán"?

Việc thả trôi bản thân, buông xuôi trong công việc khiến sự nghiệp của bạn gặp nhiều rủi ro như bị "hao hụt" năng lực, dễ bị đào thải và mất kiểm soát nấc thang sự nghiệp. Bằng cách thay đổi thói quen và thái độ làm việc thông qua chánh niệm, thiền và tham gia các công việc thiện nguyện, bạn có thể điều hướng bản thân, thoát khỏi tình trạng zombie công sở và burnout, cũng như lấy lại động lực theo đuổi các giá trị mà bạn vốn trân quý. Hãy thử bắt đầu thay đổi từ những việc nhỏ nhặt mỗi ngày và bạn sẽ nhanh chóng lấy lại chính mình.

Comments


bottom of page