top of page
Tìm kiếm
Ảnh của tác giảHạnh Nhân

6 cách gia tăng hạnh phúc. Cách thứ 4 chỉ tốn chưa đến 3 giây

Áp lực và căng thẳng có thể tác động đến chúng ta theo nhiều cách. Những công việc nhàm chán được lặp đi lặp lại hoặc những dự định không tiến triển thuận lợi cũng dễ khiến bạn rơi vào trạng thái trì trệ, thiếu sức sống. Rất nhiều phương pháp đã được khoa học chứng minh có thể đẩy lùi được cảm giác trống vắng, sợ hãi hoặc các bất ổn nhẹ về tâm lý.


Hãy cùng LeLa Journal tìm hiểu thêm những cách đơn giản có thể thực hiện chỉ trong 10 phút (thậm chí ít hơn) để giúp bạn cảm thấy hạnh phúc, theo kiến nghị từ các nhà nghiên cứu.


1. Đăng xuất mạng xã hội


Một nghiên cứu tại Đại học Pennsylvania đã phát hiện ra rằng việc sử dụng nhiều Facebook, Snapchat và Instagram sẽ làm tăng thêm cảm giác cô đơn (1). Nghiên cứu cũng cho rằng việc ít tương tác trên mạng xã hội sẽ khiến bạn có thể tập trung nhiều hơn vào các mối quan hệ ngoài đời thực. Không có gì làm giảm căng thẳng và cải thiện tâm trạng của bạn hiệu quả hơn là gặp gỡ, trò chuyện trực tiếp với người quan tâm bạn (hoặc bạn quan tâm). Càng ưu tiên việc “sống ảo” thì bạn càng có nhiều nguy cơ phát triển hoặc làm trầm trọng thêm các chứng bệnh rối loạn cảm xúc như lo lắng và trầm cảm.


Mạng xã hội là con dao hai lưỡi. Đừng biến bản thân trở nên phụ thuộc mà hãy sử dụng chúng đúng mục đích.

2. Một điệu nhảy


Đừng tưởng nhảy nhót chỉ dành cho những buổi tiệc tùng huyên náo, mà một điệu nhảy tự phát lúc một mình cũng là liều thuốc giảm stress hữu hiệu. Mười phút di chuyển cơ thể nhẹ nhàng theo nhịp điệu sẽ giúp tâm trí bạn thoát khỏi sự bí bách trong danh mục các việc gây ra căng thẳng mỗi ngày. Khi vận động, nhịp tim tăng lên và máu huyết lưu thông, những endorphin tạo cảm giác dễ chịu cũng được sản sinh một cách tự nhiên trong cơ thể khiến bạn vui vẻ, tràn đầy năng lượng.


Bạn cũng có thể vừa đứng bếp nấu ăn vừa nhảy một điệu valse. Một bản nhạc yêu thích cùng những cú xoay người, nhún nhảy sẽ khiến tâm trạng của bạn được xoa dịu phần nào đấy (2).


3. Dành thời gian chơi với thú cưng


Những người nuôi thú cưng thường nhận được nhiều lợi ích sức khỏe hơn những người không nuôi, nhưng không nhất thiết bạn phải nuôi chó hoặc mèo. Một chú thỏ nuôi thả trong lồng có thể là lựa chọn lý tưởng nếu bạn thích ôm ấp một "người bạn nhỏ lông xù" nhưng lại bị dị ứng với lông mèo hoặc có không gian sống eo hẹp. Chim có thể khuyến khích sự tương tác xã hội, cải thiện sức khỏe tinh thần và giúp bạn giữ cho đầu óc nhạy bén nếu bạn là người lớn tuổi. Rắn, thằn lằn và các loài bò sát khác có thể trở thành những người bạn đồng hành độc đáo và thể hiện cá tính người nuôi. Ngay cả việc ngắm cá trong bể cá cũng có thể giúp giảm căng cơ và ổn định nhịp tim khi nó đập nhanh hơn bình thường.



Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng (3):

  • Những người nuôi thú cưng ít có khả năng bị trầm cảm hơn những người không sống cùng thú cưng.

  • Những người nuôi thú cưng có huyết áp thấp hơn trong những tình huống căng thẳng so với những người không nuôi. Một nghiên cứu thậm chí còn phát hiện ra rằng khi những người bị tăng huyết áp nhận nuôi chó từ một nơi trú ẩn, huyết áp của họ giảm đáng kể trong vòng 5 tháng.

  • Chơi với chó, mèo hoặc thú cưng khác có thể nâng cao mức serotonin và dopamine - những nội tiết tố giúp bình tĩnh và thư giãn.

  • Những người nuôi thú cưng có mức chất béo trung tính và chrolesterol (chỉ số của bệnh tim) thấp hơn so với những người không nuôi thú cưng.


4. Mỉm cười


“Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ”. Nghe tưởng chừng như đơn giản nhưng việc đó thật khó nếu bạn đang ở trong tình huống bị sếp khiển trách vì bản báo cáo thiếu chỉn chu, đúng không? Nhưng khoa học cũng khuyến khích rằng dù trong cả hoàn cảnh tồi tệ nhất thì hãy cố gắng nở một nụ cười thật tươi như bạn đã từng. Hành động mỉm cười của cơ thể sẽ kích hoạt "đường đi nước bước" theo quán tính trong não ảnh hưởng đến trạng thái cảm xúc của bạn — có nghĩa là bằng cách thể hiện nét mặt vui vẻ, bạn có thể "đánh lừa" tâm trí của mình để bước vào trạng thái hạnh phúc (4).


5. Ngâm chân vào nước ấm


Minton, nhà tâm lý học trị liệu cho biết: “Ngâm nước ấm là một kỹ thuật đơn giản, giá cả phải chăng nhưng hiệu quả thì tuyệt vời. Nó giúp bạn giảm lo lắng, khiến những bận rộn trong tâm trí được vơi đi, khiến tuần hoàn máu tốt hơn và cải thiện tâm trạng một cách đáng kể, bạn có thể thêm một vài giọt tinh dầu với mùi hương yêu thích như oải hương, tràm trà, cũng khiến cho việc thư giãn trở nên trọn vẹn hơn”.


6. Nghe âm thanh với tần số khác nhau



Mặc dù mới chỉ là thử nghiệm chưa hoàn thiện nhưng một số nghiên cứu cũng chỉ ra việc nghe âm thanh ở hai tai với hai tần số khác nhau cũng giúp đẩy lùi tâm trạng căng thẳng, tăng độ tập trung. Cách trị liệu này khá phù hợp với những người có triệu chứng mệt mỏi, lo âu và rối loạn tâm lý ở mức độ nhẹ.

Nghiên cứu năm 2020 được công bố trên tạp chí eNeuro nhấn mạnh rằng khi bạn nghe một bản nhạc thì tai trái và tai phải của bạn sẽ ghi nhận được các tần số âm thanh khác nhau. Ví dụ: tai phải có thể tiếp xúc với tần số 310 Hz, trong khi tai trái 320 Hz. Sự khác biệt giữa hai tần số (trong ví dụ này là 10 Hz) được gọi là nhịp hai tai, một tần số thứ ba mà chỉ bộ não vô thức của bạn ghi nhận. Nó sẽ giống như một giai điệu nhẹ nhàng và dần trở nên to hơn trong suốt bản nhạc (5).


Lý thuyết cho rằng “nhịp đập” này có thể tạo ra nhiều lợi ích tùy thuộc vào tần số của nó. Để đạt được hiệu quả làm giảm căng thẳng và không gây ức chế lên các tế bào thần kinh thì phạm vi từ 8 đến 13 Hz là tốt nhất.


Tạp chí Frontiers in Human Neuroscience cũng đưa việc sử dụng âm nhạc ở hai tần số khác nhau vào danh sách những việc cần làm để có một giấc ngủ sâu. Các chuyên gia cũng khuyến khích nên sử dụng tai nghe nhưng ở mức âm thanh vừa phải để cảm nhận rõ nét. Bạn có thể tham khảo danh sách những âm thanh trên Spotify do Lofi Girl tuyển chọn hoặc podcast Deep Sleep Tones .








Comments


bottom of page