top of page
Tìm kiếm
Ảnh của tác giảHoa Nguyen

8 cách tăng cường trí thông minh hiệu quả


Trí thông minh không phải là một khả năng cố định mà có thể được rèn giũa và phát triển theo thời gian. Nhờ áp dụng một số phương pháp khoa học giúp tăng cường trí thông minh, chúng ta sẽ cải thiện được sức khỏe não bộ và sở hữu một trí óc nhanh nhẹn, sáng suốt hơn mỗi ngày.


LeLa Journal gợi ý cho độc giả một vài phương pháp đã được khoa học chứng minh để trau dồi trí thông minh của mình.


1. Tập thể dục thường xuyên


Ảnh: Alexandra Tran

Duy trì vận động thường xuyên, cụ thể là mỗi ngày, giúp ích rất nhiều cho quá trình rèn luyện trí não. Các nghiên cứu liên tục chỉ ra rằng những người tập thể dục thường xuyên sẽ có điểm IQ (chỉ số thông minh - intelligence quotient) cao hơn.


Tiến sĩ Michael Nilsson của bệnh viện Đại học Sahlgrenska đã tiến hành nghiên cứu trên hơn một triệu quân nhân Thụy Điển và tìm thấy mối tương quan trực tiếp giữa sức khỏe thể chất và điểm số cao trong các bài kiểm tra IQ. Ông cho rằng: “Cơ thể khỏe mạnh đồng nghĩa với khả năng hoạt động của tim và phổi tốt, não bộ cũng nhận được nhiều oxy hơn” (1).


Chúng ta không cần tập thể dục với cường độ quá nặng và quá sức, mà quan trọng là phải duy trì tập luyện mỗi ngày để thấy được lợi ích lâu dài. Chỉ riêng việc tập luyện nhẹ nhàng cũng giúp kích thích hoạt động ở hồi hải mã (phần não có liên quan đến trí nhớ), thúc đẩy sự phát triển của các tế bào thần kinh, làm tăng khối lượng hồi hải mã và củng cố chức năng não (2), (3).


Một số hoạt động thể dục có thể kể đến như:

  • Đi dạo, chạy bộ.

  • Tập yoga.

  • Nhảy dây.

  • Tập thể hình.

  • Đi bộ đường dài (hiking).


2. Đọc mỗi ngày


Ảnh: Frank Holleman

Tâm trí ta giống như là cơ bắp, càng sử dụng càng trở nên mạnh mẽ và phát triển hơn. Đọc sách là một phương pháp quan trọng để trau dồi trí thông minh não bộ. Bằng cách sử chụp cộng hưởng từ (MRI), các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra việc đọc có liên hệ với mạng lưới phức tạp gồm các tín hiệu và mạch thần kinh trong não (một tập hợp kết nối các nơ-ron với nhau để thực hiện một chức năng cụ thể). Khả năng đọc càng tốt, các mạng lưới này càng phát triển tinh vi (4).


Đọc sách kích thích tất cả các vùng não, cùng với các kết nối thần kinh giữa chúng. Bởi việc đọc đòi hỏi nhiều chức năng nhận thức của con người, chẳng hạn như: chú ý, dự đoán, trí nhớ ngắn hạn và dài hạn, khả năng hiểu và nắm bắt, tư duy trừu tượng, xử lý thị giác khi nhìn chữ cái… (5). Chính nhờ việc rèn luyện trí não liên tục này, chúng ta sẽ trở nên thông minh và nhanh nhạy hơn để xử lý các vấn đề thường ngày. Ngoài ra, đọc sách cũng làm tăng vốn từ vựng, giúp chúng ta xây dựng kỹ năng giao tiếp và cải thiện sức khỏe thể chất, tinh thần. Chỉ 30 phút đọc sách mỗi ngày sẽ làm giảm huyết áp cao, điều hòa nhịp tim chậm rãi cũng như hạn chế cảm giác chán nản do tâm lý gây ra - hiệu quả này tương tự như lúc tập yoga hoặc sự thư giãn do khiếu hài hước mang lại (6).


3. Ngủ đủ giấc


Thiếu ngủ gây ra một loạt vấn đề về sức khỏe não bộ, bao gồm suy giảm các khả năng: suy nghĩ rõ ràng, tập trung, ứng biến và kiểm soát cảm xúc… Theo Tổ chức Giấc ngủ Quốc gia của Mỹ (National Sleep Foundation - NSF), thời gian ngủ được khuyến nghị ở mỗi độ tuổi như sau (7):

Tuổi tác

Thời gian ngủ

6 đến 13 tuổi

9 đến 11 giờ

14 đến 17 tuổi

8 đến 10 giờ

18 đến 64 tuổi

7 đến 9 giờ

65 tuổi trở lên

7 đến 8 giờ

Giấc ngủ rất cần thiết cho việc tối ưu hóa khả năng nhận thức. Khi chúng ta ngủ, bộ não sẽ củng cố lại những khoảnh khắc xảy ra trong ngày để tạo thành các ký ức. Sau khi ngủ đủ giấc, chúng ta có thể tiếp thu thông tin mới hiệu quả và lưu trữ lâu hơn. Ngủ đủ giấc cực kỳ quan trọng, vì ngay cả tình trạng thiếu ngủ ít và nhẹ cũng sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực lên trí nhớ con người (8). Trung tâm Nghiên cứu Giấc ngủ của Đại học Loughborough cho biết, chỉ cần ngủ ít đi 1 tiếng so với 8 tiếng ngủ thông thường sẽ làm giảm 1 điểm IQ. Đồng thời, thường xuyên mất ngủ 2 giờ mỗi đêm có thể khiến người có chỉ số IQ trung bình trở nên chậm phát triển về mặt trí tuệ (9).


4. Thiền 15 phút



Thiền định là một phương pháp khoa học phổ biến để trở nên thông minh hơn. Thiền giúp ta kiểm soát và làm dịu những cơn căng thẳng, mang lại sự tỉnh táo, suy nghĩ thông suốt và sự bình tĩnh để ứng phó trước những thay đổi. Một nghiên cứu năm 2019 chỉ ra, sau khi hoàn thành 8 tuần thiền với thời lượng 13 phút mỗi ngày, những người tham gia đã tăng cường được sự chú ý, khả năng nhận biết và trí nhớ ngắn hạn. Họ cũng giảm được sự lo lắng và cải thiện tâm trạng đáng kể (10). Điều này chứng tỏ chỉ cần thiền trong thời gian ngắn như 10-15 phút mỗi ngày là đủ để mang lại lợi ích cho trí não.


Để bắt đầu thói quen này, chúng ta có thể tham khảo các bài thiền có hướng dẫn trên ứng dụng di động như HeadSpace, Calm, Insight Timer… hoặc lắng nghe các bài giảng pháp thoại trên YouTube của các thiền sư Thích Nhất Hạnh, thiền sư Minh Niệm…


5. Ăn uống giàu dinh dưỡng


Ăn thực phẩm có chứa chất dinh dưỡng hỗ trợ chức năng não là cách dễ dàng và thuận tiện để tăng cường trí thông minh. Cụ thể, chúng ta nên bổ sung các thức ăn giàu axit béo omega-3, flavonoid (hợp chất tự nhiên có trong hoa quả) và vitamin K.


Trong đó, chất béo omega-3 được xem là thành phần chính trong cấu trúc não bộ (11). Flavonoid là hợp chất thực vật có tác dụng bảo vệ thần kinh, củng cố trí nhớ ngắn hạn và khả năng điều hành của bộ não (12). Còn vitamin K đóng vai trò quan trọng trong sự tồn tại của các tế bào não và hoạt động nhận thức (13). Dưới đây là một số ví dụ về thực phẩm của từng loại chất dinh dưỡng này.

  • Axit béo omega-3: cá béo, động vật có vỏ, rong biển, cây lanh, bơ, quả hạch...

  • Flavonoid: quả mọng, trà, ca cao, đậu nành, hạt…

  • Vitamin K: cải xoăn, cải búp, rau chân vịt…


Ngoài ra, uống cà phê hoặc trà xanh cũng giúp chúng ta cải thiện hoạt động của não. Chúng đều có công dụng làm tăng sự tập trung chú ý và phát triển trí nhớ ngắn hạn của bạn (14), (15).


6. Chơi nhạc cụ



Chơi nhạc cụ có thể nâng cao chỉ số IQ của cả người lớn và trẻ em (16). Khi chơi một nhạc cụ nào đó, não bộ chúng ta sử dụng đa dạng các kỹ năng để học hỏi, bao gồm: khả năng nhận thức thính giác, nhận dạng các khuôn mẫu, phối hợp thể chất… Điều này sẽ đặt ra nhiều thử thách cho nhận thức và cảm giác (17). Khi được rèn luyện đều đặn, chúng ta sẽ tăng cường được chức năng nhận thức và hoạt động thần kinh của trí não. Nếu bạn là người mới bắt đầu, hãy thử chơi một nhạc cụ nào đó như guitar, ukulele hoặc piano… Còn nếu đã thành thạo các loại nhạc cụ, bạn có thể thử sức với một bài hát mới hoặc thể loại nhạc mới, vì điều này sẽ giúp kích thích sự tò mò, sáng tạo và thú vị cho việc khai mở đầu óc.


7. Không ngừng học hỏi


Học và tiếp thu kiến thức mới trong suốt cuộc đời luôn là một cách để nâng cao cảm hứng sống và duy trì sự minh mẫn cho trí óc con người. Các nhà khoa học đã chứng minh rằng, thời gian học tập trong đời càng kéo dài, trí thông minh của một người càng tăng cao hơn (18). Điển hình như việc học ngoại ngữ sẽ khiến não bộ của bạn phát triển, mở rộng phần não liên quan đến ngôn ngữ và giúp ích cho khả năng đọc, đàm phán, giải quyết vấn đề (19). Chúng ta có thể bổ sung kiến thức bằng bất kỳ hình thức gì mà không cần phải đạt được bằng cấp, chẳng hạn như:

  • Nghe podcast về chủ đề mình quan tâm.

  • Tham khảo các bài TED Talks để mở rộng kiến thức.

  • Tham dự hội thảo, talkshow chuyên sâu về những lĩnh vực cụ thể.

  • Duy trì một sở thích mới như đánh đàn, vẽ, làm gốm, chơi cờ…

  • Học thêm ngoại ngữ mới để rèn luyện não bộ.

  • Đọc sách về một lĩnh vực hoàn toàn mới.


8. Giao lưu xã hội



Từ xưa đến nay con người vốn là động vật xã hội nên có tính hòa nhập xã hội rất cao. Nó giúp con người nâng cao thể chất và tinh thần, bởi tham gia vào các hoạt động xã hội sẽ kích thích tâm trí và khả năng nhận thức của chúng ta, từ đó dẫn đến nhiều lợi ích sức khỏe (20). Có nhiều cách để tăng cười thời gian tham gia vào cộng đồng và giao lưu rộng rãi hơn, bao gồm: làm tình nguyện viên, tham gia câu lạc bộ theo sở thích của bạn, học nhóm, làm việc nhóm hoặc kết nối với những người bạn cũ…


Trí thông minh không phải một năng lực cố định, chúng ta có thể dành thời gian để trau dồi nó mỗi ngày. Đây cũng tương tự như một cách tập thể dục cho tâm trí, thay vì rèn luyện cơ bắp trên thân thể.

Hãy thử những cách trên, từ đó tìm ra cách phù hợp nhất với bản thân, hoặc sáng tạo thêm những hoạt động giúp kích thích não bộ, tăng cường khả năng ghi nhớ, giải quyết vấn đề và học hỏi kiến thức mới một cách hiệu quả.


Comments


bottom of page