top of page
Tìm kiếm

Áp dụng chủ nghĩa khắc kỷ vào kinh doanh: Triết lý trước Công nguyên vẫn đúng ở thời hiện đại

Doanh nhân kiêm nhà đầu tư Tim Ferriss từng mô tả trên tờ Dailystoic rằng, triết lý của chủ nghĩa khắc kỷ đơn giản và đầy tính thực dụng, giúp ta đặt ra các quy định để đạt được hiệu quả kinh tế cao mà ít tốn công sức (1). Ông cũng đề cập việc áp dụng chủ nghĩa khắc kỷ vào kinh doanh như "một hệ thống vận hành lý tưởng để bứt phá trong những môi trường căng thẳng cao độ".


Chủ nghĩa khắc kỷ (stoicism) là một trường phái triết học Hy Lạp cổ đại được kiến tạo bởi Zeno vào khoảng năm 300 trước Công nguyên. Cái tên "stoicism" bắt nguồn từ từ "stoa", dùng để chỉ "Stoa Poikile", một hàng cột trong thành phố nơi Zeno cùng những người theo ông tụ tập để thảo luận về triết học. Chủ nghĩa khắc kỷ cho rằng việc tăng cường sức mạnh nội tại bằng khả năng tự kiểm soát và quản lý cảm xúc, đức hạnh là chìa khoá để đương đầu với những thách thức của cuộc sống và đạt được cảm giác hạnh phúc bên trong (2).


Áp dụng chủ nghĩa khắc kỷ vào kinh doanh: Triết lý trước Công nguyên vẫn đúng ở thời hiện đại

Chúng ta không thể kiểm soát được các biến cố hỗn loạn hay tránh né hoàn toàn những áp lực trong công việc. Tuy vậy, chúng ta có thể học cách đón nhận và đương đầu với các chướng ngại này để chúng không cản trở tiến trình thành nhân của bản thân cũng như sự phát triển của doanh nghiệp. Chủ nghĩa khắc kỷ đưa ra năm công cụ để chúng ta thực hiện điều này, bao gồm:


1. Tập trung vào những gì thiết yếu nhất


Đây là bài học quan trọng nhất của những người thực hành khắc kỷ. Không chỉ trong kinh doanh, việc quản lý thời gian và phân bổ sự ưu tiên là một kỹ năng quan trọng mà ai cũng nên trau dồi, đặc biệt là với những người lãnh đạo (3). Marcus Aurelius, vị hoàng đế theo chủ nghĩa khắc kỷ, cho rằng thời gian là hữu hạn, nên chúng ta cần tập trung vào điều quan trọng nhất. Biết sắp xếp thứ tự ưu tiên và loại bỏ sự thừa thãi chính là chìa khóa để mở ra "cánh cửa" dẫn lối đến bình yên.


Áp dụng chủ nghĩa khắc kỷ vào kinh doanh: Triết lý trước Công nguyên vẫn đúng ở thời hiện đại
Marcus Aurelius - Triết gia khắc kỷ nổi tiếng

Marcus Aurelius khẳng định: "Nếu muốn tìm kiếm sự an lạc, hãy làm ít lại. Hay chính xác hơn là hãy làm những chuyện trọng yếu. Bởi đa phần những lời nói và chuyện thường ngày đều thừa thãi. Hãy tự vấn mình liên tục rằng: 'Điều này thực sự có ý nghĩa gì?'. Dần dần, hãy loại trừ cả những phỏng đoán không cần thiết ấy, để đến cuối cùng, ngươi sẽ bỏ qua luôn những hành động vô bổ theo sau đó" (4).


Khoa học cũng rất đồng tình với ý kiến này khi nhiều nghiên cứu về não bộ đã cho thấy rằng mỗi ngày, mỗi người có một lượng năng lượng tinh thần hạn chế để đưa ra quyết định (5).

Việc chỉ dành "một chút thời gian" lựa chọn nên mặc đồ gì để đi làm cũng ảnh hưởng đến việc đưa ra những ý kiến quan trọng hơn. Đó là lý do mà các doanh nhân lớn như Mark Zuckerberg chỉ mặc đúng một loại áo thun còn Steve Jobs luôn dùng loại áo len cổ lọ cho đỡ tốn công chọn lựa (6).



Áp dụng triết lý về tính trọng yếu của Aurelius vào trong kinh doanh, chúng ta có thể loại bỏ những đầu việc thừa thãi và không cần thiết bằng việc ứng dụng các chương trình tự động, robot và AI (trí tuệ nhân tạo). Nổi bật phải kể đến Trello, Asana, Todoist, Microsoft Planner... Các phần mềm này ứng dụng nguyên lý chung là "lôi hết những việc cần làm trong đầu ra một nơi nào đó và sắp xếp chúng lại nhằm tối ưu hóa hiệu suất".


Áp dụng chủ nghĩa khắc kỷ vào kinh doanh: Triết lý trước Công nguyên vẫn đúng ở thời hiện đại
Sử dụng công cụ Trello để phân bố thứ tự ưu tiên cho từng việc theo mức độ quan trọng, từ đó nâng cao hiệu quả và năng suất làm việc (Ảnh: Trello Blog)

Một trong các nguyên lý quan trọng của chủ nghĩa khắc kỷ còn là không lãng phí thời gian và sống trọn vẹn mỗi ngày như thể đó có thể là ngày cuối cùng (7). Việc duy trì lối sống tỉnh thức như một cách thực hành "chánh niệm" đang là cách tiếp cận của nhiều nhà lãnh đạo để tạo động lực tích cực cho hiện tại và ngưng trì hoãn mọi thứ.


2. Gạt đi những chuyện không thể kiểm soát được


Giả sử bạn sắp sửa có một buổi thuyết trình đấu thầu dự án mới cho công ty. Bạn đã vượt qua các vòng xét duyện ban đầu một cách trơn tru và tiến vào vòng cạnh tranh với hàng loạt các công ty tên tuổi khác. Trước giờ G, bạn bắt đầu cảm thấy áp lực phải giành lấy hợp đồng để có thành tích tốt nhằm thăng tiến. Bạn lo lắng liệu bài thuyết trình đã được chuẩn bị kỹ càng hay chưa, liệu phong thái của mình đã tươm tất chưa, hay nếu mình "rớt" thì sẽ thế nào... Xa hơn, bạn bắt đầu tưởng tượng ra viễn cảnh nên ăn mừng như thế nào hoặc đối diện thất bại sẽ ra sao. Hàng vạn câu hỏi không cần thiết khiến bạn lãng phí nguồn năng lượng vốn dành cho việc thiết thực hơn: làm chủ bản thân.


Áp dụng chủ nghĩa khắc kỷ vào kinh doanh: Triết lý trước Công nguyên vẫn đúng ở thời hiện đại
Epictetus - một trong những triết gia khắc kỷ được nhiều người biết đến với tư tưởng kỷ luật bản thân
Epictetus, một triết gia khắc kỷ nổi tiếng đã viết rằng mục tiêu chính của chủ nghĩa khắc kỷ là: "Xác định và phân tách các vấn đề để làm rõ với bản thân rằng cái gì thuộc về bên ngoài, không nằm trong tầm kiểm soát của ta, và cái gì thuộc về quyền lựa chọn mà ta thực sự nắm giữ".

Chủ nghĩa khắc kỷ nhắc nhở chúng ta về việc trau dồi bản thân để xua đi những áp lực ngoại tại (8). Nếu bản thân đã vun vén cho nội tâm nhưng đối thủ cạnh tranh nổi bật hơn, thì chẳng sao cả, vấn đề là mình chưa đủ tốt và cần rèn luyện thêm. Kiểm soát những tác động bên ngoài là một trong những "ảo tưởng" tinh vi của loài người và những yếu tố này thường "núp bóng" trong các giả thiết (lỡ như, chẳng may, nếu... thì).


Xây dựng một doanh nghiệp có rất nhiều thách thức, mỗi ngày mỗi khác. Khủng hoảng truyền thông, phản hồi không tốt từ khách hàng, nhà cung cấp không đáp ứng được cam kết, cùng hàng tá những rủi ro khác. Chẳng ai muốn gặp phải trục trặc khi kinh doanh cả, nên khi gặp những tình huống không may, nhiều người thường dễ nản lòng. Lúc này, các nhà khắc kỷ cho rằng chuyện may rủi là không thể lường trước và các sự kiện xảy đến là không thể tránh khỏi. Cái ta có thể làm chủ được là thay đổi góc nhìn của bản thân để nhận ra cơ hội trong thách thức (9).


3. Quản lý cảm xúc


Áp dụng chủ nghĩa khắc kỷ vào kinh doanh: Triết lý trước Công nguyên vẫn đúng ở thời hiện đại
Theo triết gia người La Mã Seneca, để quản lý cảm xúc tốt chúng ta cần phân biệt rõ những gì mà mình có thể kiểm soát được và những gì không thể

Để tập trung vào những gì mà mình có thể kiểm soát được, một điều quan trọng mà nhiều người cũng cần học hỏi chứ không riêng gì các nhà lãnh đạo là quản lý cảm xúc của bản thân.


Các doanh nhân phải đối mặt với nhiều áp lực mỗi ngày, từ các cam kết cạnh tranh, kỳ hạn thanh toán, xoay vòng vốn, đến sự kỳ vọng của nhà đầu tư hoặc khiếu nại của khách hàng... Khi quá tập trung vào các sự kiện bất như ý từ bên ngoài, chúng ta dễ đối mặt với căng thẳng (stress). Và cũng như cách stress ảnh hưởng đến cơ thể chúng ta, stress của doanh nghiệp cũng gây tổn hại không kém đến các hoạt động kinh doanh (10).


Áp dụng chủ nghĩa khắc kỷ vào kinh doanh: Triết lý trước Công nguyên vẫn đúng ở thời hiện đại
Triết gia Lucius Annaeus Seneca (sinh năm thứ 4 trước Công nguyên - mất năm 65)

Chủ nghĩa khắc kỷ lấy logic và lý tính làm nền tảng để từ đó quản lý các cảm xúc mạnh như giận dữ, lo âu, đau buồn. Trong một thế giới đầy những bất cập và hỗn loạn, chủ nghĩa khắc kỷ dạy chúng ta chấp nhận chúng, nhưng đừng để mình bị cuốn theo.


“Chúng ta thường đau khổ trong trí tưởng tượng hơn là trong thực tế”. Đây là câu nói nổi tiếng của Seneca - một trong những triết gia khắc kỷ được nhắc đến nhiều nhất - nhằm nhấn mạnh vai trò của việc quản lý cảm xúc để hướng đến lối sống hạnh phúc (11).


Để vượt qua áp lực, cần bắt đầu nhận ra những thứ có thể kiểm soát và những thứ không - như cách mà Secena gọi là "ngoại tác". Bằng cách chỉ tập trung vào nội tại và đức hạnh, chúng ta sẽ tiết kiệm thời gian và thúc đẩy tinh thần làm việc tích cực hơn.



4. Nuôi dưỡng đức hạnh để đương đầu với thử thách


Bên cạnh quản trị cảm xúc, cách nhà lãnh đạo đối nhân xử thế cũng góp phần quyết định sự thành bại về tổ chức. Các nhà khắc kỷ cho rằng tha nhân (bao gồm cả khách hàng, đối tác và đối thủ) đều là những nhân tố có thể gây xáo trộn hạnh phúc và sự bình yên của bản thân mỗi người. Nhưng con người là sinh vật xã hội và chúng ta sinh ra là để kết nối với nhau. Vì lẽ đó, chủ nghĩa khắc kỷ khuyên chúng ta tôn trọng cá nhân khác và gánh vác trách nhiệm của chính mình.


Nghiêm túc nuôi dưỡng thân-tâm-đức, hướng đến điều thiện cũng như đóng góp trí lực lẫn tài lực cho cộng đồng là các giá trị đúng đắn phổ quát định hướng cho chúng ta cả về lối sống lẫn trong kinh doanh. Song, người thực hành triết lý khắc kỷ cũng cần biết nói lời từ chối trước những cám dỗ hoặc môi trường có thể xui khiến họ theo cái xấu, cái ác (11).


Bên cạnh đó, sự khiêm tốn là một trong những phẩm hạnh cần được nuôi dưỡng và chú trọng trong các giáo huấn của chủ nghĩa khắc kỷ. Như câu nói nổi tiếng của Socrates đã thể hiện rất rõ: “Điều duy nhất tôi biết là tôi chẳng biết cái gì cả”, các nhà khắc kỷ và các doanh nhân thành đạt đều chia sẻ chung tâm thế này.

Các doanh nhân tỷ phú như Bill Gate hay Sam Walton (nhà sáng lập của Walmart) đều cố gắng trau dồi thân-tâm-đức mỗi ngày và học hỏi thêm kiến thức mới, cũng như trui rèn những lối nghĩ cấp tiến và thói quen tích cực (12).


Áp dụng chủ nghĩa khắc kỷ vào kinh doanh: Triết lý trước Công nguyên vẫn đúng ở thời hiện đại

5. Dũng cảm


Trong giai đoạn biến động và cạnh tranh gay gắt như hiện nay, chúng ta phải đổi mới. Và đổi mới đồng nghĩa với việc phải chấp nhận rất nhiều rủi ro. Người ta có thể nghĩ rằng các doanh nhân giỏi nhất là những người không biết sợ, nhưng sự thật là họ chỉ đơn giản học cách "quản trị nỗi sợ" của mình và tiếp tục tiến về phía trước.


Những người khắc kỷ thường có quan niệm rằng ao ước mọi thứ trên đời khác đi chỉ là viển vông. Thay vào đó, đúng hơn, chúng ta nên học cách điều hướng mọi thứ theo đúng bản chất của chúng, và điều đó bao gồm cả việc sống chung với nỗi sợ bên trong mỗi người.


Để làm như vậy, các triết gia khắc kỷ nổi tiếng như Marcus Aurelius, Seneca và Epictetus đã sử dụng một phương pháp gọi là "premeditatio malorum" (tạm dịch là “trù bị trước cái xấu”) (13). Nghĩa là, hãy tưởng tượng đến kết quả đáng sợ nhất trong mọi tình huống xấu nhất. Việc này không chỉ giúp chúng ta lên kế hoạch chuẩn bị hay đối phó với nó, mà còn để nhìn thấy được điều quan trọng hơn: Đó là nhận ra sự thật hiển nhiên rằng ngay cả kết quả tồi tệ nhất cũng không giết chết được bản thân. Dù có mất mát như thế nào, "còn thở là còn gỡ".

Từ niềm lạc quan khi đặt mình vào trong hiểm cảnh, các nhà khắc kỷ tự tiếp thêm động lực cho chính bản thân. Đây là điều mà các doanh nhân luôn cố gắng thực hiện vì hơn ai hết, họ hiểu rằng tạo động lực cho bản thân và mọi người xung quanh là nhiệm vụ quan trọng của một nhà lãnh đạo.


Người làm kinh doanh nói riêng, và con người sống trên đời nói chung, cũng đều là đang lèo lái một con thuyền giong buồm ra biển lớn. Phía trước là trời trong nắng đẹp hay biển động bão giông, "vị thuyền trưởng" đều khó lòng biết được chính xác. Dẫu không bao giờ có thể loại bỏ hết những áp lực, sợ hãi và những thăng trầm, nhưng mỗi doanh nhân trên thương trường và kể cả chúng ta trong đời sống thường nhật đều có thể học cách điều hướng "bão giông hay nắng đẹp" bằng các bài học về tâm thế khắc kỷ.

Comments


bottom of page