top of page
Tìm kiếm

Bản chất của xung đột và 4 cách ứng xử khôn ngoan


Xung đột trong mối quan hệ tình cảm, gia đình, bạn bè là điều không thể tránh khỏi. Bởi dù mối quan hệ sâu sắc đến đâu, hay xã giao lịch thiệp ra sao thì chắc chắn hai người sẽ có hai lăng kính, tư duy khác nhau, không ít thì nhiều sẽ dẫn tới mâu thuẫn, xung đột. Vậy phải làm thế nào để giải quyết những xung đột này một cách hiệu quả nhất?



1. Tâm lý né tránh xung đột


Khi chung sống cùng người thân, có lúc nào dù suy nghĩ, quan điểm của chúng ta khác họ nhưng vì ngại cãi nhau nên ậm ừ cho qua và đồng ý làm theo cách của họ, thậm chí cố gắng điều chỉnh cơ mặt sao cho người ta không biết mình có ý kiến khác?


Trong gia đình, có những chuyện bạn thấy bạn đời của mình ứng xử chưa đúng, thấy anh ấy/ cô ấy không nên nghĩ và hành động như vậy, nhưng lại ngậm ngùi cho qua vì không muốn cãi nhau? Để sau này khi bùng phát, khi không còn cho qua được nữa, chúng ta đem hết những chuyện từ trước đến nay ra nói một lúc?


Đó chính là tâm lý né tránh xung đột và hậu quả của hành động này.


Thông thường chúng ta hay nghĩ rằng “Thôi, nói làm gì lại cãi nhau!” hoặc khi đang tranh luận bỗng dưng dừng lại, coi như người kia đúng để tránh “to chuyện”. Thế nhưng hành động này không giúp giải quyết vấn đề, khúc mắc giữa hai bên mà càng khiến những hiểu nhầm, mâu thuẫn giữa hai người trở nên trầm trọng hơn.


Tại sao chúng ta lại có tâm lý đó?


Có thể, do ám ảnh từ những xung đột khi còn nhỏ khiến ta có những nhận định sai lầm về xung đột. Trong ký ức của ta, xung đột luôn đi kèm với lớn tiếng cãi vã, với những tiếng sập cửa và đôi khi cả những tác động vật lý khác. Điều này khiến ta né tránh, hạn chế tối đa mọi ý kiến bất đồng vì sợ chuyện tương tự sẽ tái diễn với chính mình.


Hoặc do ta thấy rằng tranh luận chỉ đưa đến những trận cãi vã mà chẳng giúp ích được gì. Dù có tranh luận đến cạn kiệt sức lực thì hai bên cũng chẳng thay đổi được quan điểm của nhau nên thà không nói ra.


Có thể nói, đó là hai lý do cơ bản nhất khiến chúng ta ngại trình bày quan điểm trái chiều, ngại xảy ra mâu thuẫn và cố gắng né tránh xung đột. Tuy nhiên, bản chất xung đột không phải là lớn tiếng cãi vã, không phải luôn đi kèm những lời nói, hành vi bạo lực.


Xung đột chỉ đơn giản là việc hai bên có ý kiến trái ngược nhau và cùng nói hay tranh luận về chúng. Còn việc tranh luận như thế nào, có bạo lực hay không lại hoàn toàn do thái độ của mỗi người, chứ không phải do xung đột mà thành.

2. Từ xung đột đến chiến tranh: 3 nguyên nhân cốt lõi


Chiến tranh có lẽ là kết quả thường gặp nhất khi xảy ra xung đột. Chuyện tình cảm thường dễ dẫn đến trường hợp chiến tranh lạnh, hai người giận dỗi không tương tác với nhau trong một thời gian. Hoặc một người sẽ nín nhịn “coi như anh/ em đúng” nhưng "ghim" trong lòng, đợi có cơ hội mới nói ra.


Vì sao xung đột, mâu thuẫn thường dẫn tới những hệ quả như vậy?


Đầu tiên là vì cái tôi (bản ngã) của mỗi chúng ta. Hai bên, ai cũng có cái tôi quá lớn, ai cũng cho rằng mình đúng, chắc chắn đối phương sai. Hoặc đôi khi đã nhận ra mình sai nhưng thật khó để mở miệng nhận sai nên dễ bị "đánh lừa" từ tranh luận quan điểm và góc nhìn thành tranh luận để bảo vệ cái tôi cá nhân.


Thứ hai, chúng ta dễ bị cảm xúc “dắt mũi” rồi rơi vào bẫy cảm xúc. Thay vì ngồi lắng nghe, tư duy và thảo luận về vấn đề, chúng ta thường cảm thấy bức xúc vì ý kiến của mình bị phản bác. Sau một, hai câu giải thích mà đối phương chưa hiểu, chưa đồng ý cách nghĩ của mình, chúng ta dễ bị kích động, nói to hơn, nói nhanh hơn, sử dụng từ ngữ gay gắt hơn khiến cho không khí trở nên căng thẳng. Khi đó, chúng ta cũng dễ bị cuốn theo cảm xúc tức giận của bản thân, mà không lắng nghe phân tích từ phía đối diện, chỉ chăm chăm tìm cách chứng minh mình đúng. Khi cả hai bên cùng ở trong trạng thái đó, buổi tranh luận sẽ kéo dài không hồi kết và kết thúc trong ấm ức, nước mắt, chiến tranh lạnh với nhau.


Thứ ba, chúng ta chưa biết cách lắng nghe. Thông thường, chúng ta chỉ nghe, tiếp nhận thông tin và xử lý chúng bằng kinh nghiệm, hiểu biết và góc nhìn rất cá nhân. Từ đó dễ dẫn tới phiến diện, cộng thêm những cảm xúc bị đẩy quá giới hạn thành bảo thủ, cố chấp. Do vậy, thường sẽ không giải quyết được mâu thuẫn mà vô tình đẩy chúng lên cao hơn, căng thẳng hơn.


Điều quan trọng hàng đầu để có thể giải quyết xung đột là phải lắng nghe (listen) chứ không chỉ nghe (hear). Khi lắng nghe, chúng ta cần gạt bỏ những định kiến của bản thân, đặt mình vào hoàn cảnh của họ, kết nối mình với cảm xúc của đối phương. Chỉ như vậy mới có thể hoàn toàn hiểu được góc nhìn và lý do vì sao họ hành xử như thế.


Và chỉ khi ta cho họ sự tôn trọng cơ bản nhất - được lắng nghe, họ sẽ đáp lại ta bằng sự trân trọng tương tự - lắng nghe ta. Khi đó, hai bên mới có thể giải quyết được gốc rễ của vấn đề.

3. Cách "xử đẹp" những xung đột



Nói dễ nhưng thực hiện lại khá khó. Chúng ta không phải thiền sư hay hiền triết, không phải nói lắng lại để nghe là có thể lắng ngay được, cũng không phải bảo gạt bỏ cái tôi, định kiến cá nhân là ngay lập tức bật được nút "off" cảm xúc như bật tắt bóng đèn. Vậy phải làm sao để giải quyết xung đột? Dưới đây, LeLa chia sẻ với độc giả một số phương pháp có thể dễ dàng áp dụng ngay trong cuộc sống thường ngày.


3.1 Cho bản thân thời gian để kiểm soát cảm xúc


Khi bắt đầu, mâu thuẫn chỉ đơn giản là những bất đồng quan điểm trong một vấn đề cụ thể. Hai bên cùng nhau trao đổi, mỗi bên đưa ra lập luận của riêng mình để chứng minh quan điểm của mình là đúng. Nhưng dần dần, ta thêm yếu tố cảm xúc vào trong giọng nói của mình. Câu từ không phải chỉ đơn giản là phân tích, chứng minh cho quan điểm của bản thân mà giọng điệu còn mang tính công kích và đẩy mâu thuẫn lên cao hơn.


Khi nhận thấy bản thân, hoặc đối phương có những dấu hiệu này, chúng ta nên đề xuất tạm ngừng việc tranh luận khoảng 5 - 10 phút để cả hai sắp xếp lại suy nghĩ và cảm xúc của bản thân. Như vậy, chúng ta đang cho mình và đối phương một khoảng thời gian để tiêu hóa những cảm xúc tiêu cực (buồn, ấm ức, mất mặt, tức giận...). Khi suy nghĩ không bị chi phối bởi cảm xúc, chúng ta có thể nghĩ một cách thông suốt hơn, rõ ràng hơn và cùng nhau tìm ra mấu chốt của vấn đề để xử lý.


Nên nghỉ “giữa hiệp” bao nhiêu là đủ? Thật ra, không có câu trả lời chính xác cho việc này. Trong tình cảm, gia đình có lẽ chúng ta sẽ cần một buổi tối để tái cân bằng, có người phải mất cả ngày hoặc vài ngày mới xử lý được sự nhiễu loạn cảm xúc này. Điều quan trọng là chúng ta nên nói rõ với đối phương rằng anh/ em cần 1 ngày, 2 ngày hay 3 ngày... để suy nghĩ thêm về vấn đề này và sẽ trao đổi lại khi cảm thấy sẵn sàng.


Chân thành nói ra để đối phương hiểu rằng mình cần thời gian thông suốt, chứ không phải không liên lạc (trả lời điện thoại, tin nhắn...) như một hình thức gây chiến.

3.2 Thiết lập cho bản thân những mỏ neo kết nối với thực tại


Trong một cuộc họp đại gia đình, khi đang nêu quan điểm thì ta bị anh họ phản đối, như vậy ta phải làm gì? Chắc hẳn, trong khi lắng nghe những lời phản bác từ người khác, chúng ta dễ vô thức bị xâm chiếm bởi sự tức giận, tủi thân, ấm ức hoặc đôi khi là cảm xúc chán chường, xấu hổ. Nếu không từ từ quan sát những cảm xúc này, ta sẽ bị mất bình tĩnh, nói năng lộn xộn, la hét hoặc khóc lóc.


Việc cần làm lúc này là tìm cho mình một mỏ neo, kết nối ta về với thực tại, để không bị trôi theo những suy nghĩ, cảm xúc tiêu cực trong đầu. Mỏ neo có thể là bất cứ thứ gì bạn chọn, như bình hoa, ly nước uống, cánh cửa... Khi cảm thấy bản thân đang bị rơi vào bẫy cảm xúc, hay sắp có nguy cơ bùng nổ, hãy đưa mắt nhìn mỏ neo mà bạn đã lựa chọn. Nó sẽ giúp bạn quay lại với thực tại, lắng nghe đối phương phân tích. Chỉ khi này, bạn mới có thể bình tĩnh để đối đáp hợp tình hợp lý.


3.3 Chủ động rèn giũa nhận thức của bản thân


Chúng ta nên đọc sách về tâm lý nhiều hơn, trò chuyện, tâm sự và lắng nghe người khác nhiều hơn. Chỉ như vậy, ta mới có thể phát huy nhận thức, phân biệt rõ ràng những quan điểm đạo đức đúng - sai. Và từ đó, ta mới bớt phiến diện, mở rộng góc nhìn và dễ tiếp nhận ý kiến trái chiều hơn.


Ngoài ra, khi thường xuyên lắng nghe người khác, ta cũng rèn cho bản thân tính nhẫn nại. Ta tạm ngưng việc phán xét ý kiến của đối phương, tập trung hoàn toàn vào lời nói của họ để thấu hiểu và phân tích. Khi đó, không những bản thân mình suy nghĩ thông suốt hơn mà đối phương cũng cảm thấy được tôn trọng. Họ sẽ tích cực hơn trong suốt buổi tranh luận và dễ dàng chấp nhận ý kiến trái chiều.


3.4 Chánh niệm - tỉnh giác trong đời sống hàng ngày


Chánh niệm - tỉnh giác giúp chúng ta không bị đồng hóa vào cảm xúc, nhờ vậy mà giải tỏa tâm lý hiệu quả. Việc thực tập chánh niệm cũng giúp ta kết nối sâu với chính mình, không bị dẫn dắt bởi những suy nghĩ hay cảm xúc vừa sinh khởi.


Một nghiên cứu đã được tiến hành giữa nhóm người áp dụng chánh niệm và những người không thực hành. Họ được cho xem những hình ảnh bạo lực, chết chóc, hình ảnh mang lại cảm xúc tiêu cực. Kết quả trên điện não đồ chỉ ra rằng những người thực hành chánh niệm có thời gian hồi phục cảm xúc nhanh hơn những người không chánh niệm (1).


Thời gian phục hồi cảm xúc tiêu cực nhanh hơn đồng nghĩa với thời gian tiêu hóa những cảm xúc này nhanh hơn. Điều này cho ta cơ hội mở rộng tâm trí để suy nghĩ, phân tích mà không bị chi phối bởi cảm xúc, suy nghĩ. Khi đó, xung đột sẽ dễ dàng được xử lý hơn.


So với các phương pháp trên, đây có lẽ là phương pháp tốt và mang lại nhiều hiệu quả nhất. Việc kết nối với bản thân chưa bao giờ là dễ dàng, mà luôn cần nhiều thời gian, sự quyết tâm và kiên trì. Nhưng chắc chắn, nó sẽ mang tới nhiều lợi ích thiết thực.


Bạn có thể đọc thêm bài "Ứng dụng chánh niệm - tỉnh giác khi nóng giận" tại đây.


Trên đây là 4 phương pháp hữu ích mà LeLa chia sẻ với độc giả. Mỗi người chúng ta đều có những cách riêng để xử lý mọi việc. Không có đúng - sai, chỉ có phù hợp hay không. Hãy tự xây dựng và lựa chọn cho mình phương pháp thích hợp nhất nhé!

Comments


bottom of page