top of page
Tìm kiếm

Ứng dụng chánh niệm - tỉnh giác khi lo sợ

Con người có nhiều nỗi sợ hãi, nhưng phần lớn nỗi sợ được sinh ra từ sự tưởng tượng, ảo tưởng, hay nói như Eckhart Tolle, là trí năng. Ta gọi đây là nỗi lo sợ tâm lý. Phần trí năng này điều khiển và thao túng chúng ta, để chúng ta vô thức đồng hóa mình vào nỗi sợ đó. Và như Tolle cũng nói, chỉ một con đường duy nhất để thoát ly nỗi hoảng sợ tâm lý hoàn toàn, trở về nguồn an lạc sẵn có bên trong mình, ấy chính là hiện diện với thực tại, hay nói cách khác: chánh niệm - tỉnh giác với thân - tâm - cảnh.


Ảnh: Chasing Tea.

Con người có vô vàn nỗi sợ tâm lý đa dạng và gần như bất tận. Người thì sợ chết, người sợ ma, người sợ đau khổ, người sợ chia lìa, người sợ mất mát vật chất... Tất cả các nỗi sợ đó đều có một điểm chung là chúng đã in sâu trong tiềm thức và quấy rầy họ bất cứ lúc nào họ trải nghiệm một ngoại cảnh lý tưởng giống như "miếng mồi ngon" cho nỗi sợ đó phóng ra bên ngoài và vồ lấy. Để giúp bạn hình dung điều này và quán chiếu vào trải nghiệm nội tâm của riêng mình, tôi xin kể một câu chuyện có lẽ không hẳn mang tính cá nhân vì nỗi sợ này là trải nghiệm chung của rất nhiều người.


Sinh ra ở một miền quê thanh bình, thuở nhỏ, tôi và chúng bạn thường bị người lớn vô ý dọa ma. Như đã nhấn mạnh ở từ "vô ý", dọa ma không phải lúc nào cũng là một hành vi ác ý, mà có thể mang tính vô thức ở bên trong mỗi người, để trêu chọc người khác, đặc biệt trêu chọc tụi nhỏ chưa có hiểu biết nhiều về thế giới bên ngoài. Những câu chuyện sinh động về ma cũng được lọt vào tai chúng tôi từ nhỏ cho đến khi lớn lên là thiếu niên, thanh niên. Những câu chuyện và lời dọa, trêu chọc này khiến mỗi đứa trẻ vô thức nuôi dưỡng sự tưởng tượng rất mạnh mẽ về hình thù con ma là trắng xóa, tóc dài, khuôn mặt kinh dị... Chỉ cần tưởng tượng thôi là đã rùng mình sợ hãi.


Khi đi trên đường làng một mình vào buổi tối, sự tưởng tượng ấy có thể dấy lên bất ngờ khiến mỗi đứa vô thức chạy hớt ha hớt hải một mạch thật dài về nhà để không bị "ma" tóm cổ. Và khi về đến nhà thì mới hoàn hồn, nhưng lúc ấy vẫn thấy tim đập thình thịch, chân rung, hơi thở hổn hển... Nhiều người mang nỗi sợ ma từ hồi nhỏ cho đến lúc lớn lên, bất kể số tuổi. Vì trong tiềm thức của họ đã lưu giữ câu chuyện, hình ảnh con ma do họ tưởng tượng ra. Chính điều này khiến họ phản ứng lo sợ, bất an khi ở một mình trong đêm tối, ở chốn vắng người. Điều kiện ngoại cảnh như một mình trong đêm tối hay chỗ vắng người khiến nỗi sợ vô thức ấy như mạnh mẽ hơn, sự tưởng tượng như kịch tính hơn, tất cả thâu tóm toàn bộ tâm trí, khiến họ vô thức hành động như chạy, la hét, không thể chợp mắt khi đi ngủ và rơi vào sự căng thẳng, tăng huyết áp, suy nghĩ nhiều...

Trở về thực tại


Ảnh: Chasing Tea.

Như đã kể trên, từ nỗi sợ ma như bao người, tôi thấy ra nguyên lý của nỗi sợ là nó sinh ra từ sự tưởng tượng và ảo tưởng về viễn cảnh không thực có, và chúng ta vô thức bị dính mắc vào đối tượng mà chúng ta đang tưởng tượng ra đó.

Vì trong tiềm thức đã lưu giữ nỗi sợ này, nên hồi xưa, khi ở trong phòng một mình, tôi và thậm chí nhiều người có trải nghiệm sợ hãi tương tự, thường cảm thấy bất an. Sự bất an đó xảy đến sự tưởng tượng ra một viễn cảnh không tốt đẹp, rằng có cái gì đó sắp xảy đến, rằng có thể có ai đó trong căn phòng này, rằng con ma có thể nấp ở đâu đó, túm lấy mình và bắt mình đi. Như vậy, chúng ta đã tưởng tượng ra tất cả mọi chuyện ở trong tâm trí, rồi tự huyễn hoặc trong đó. Chúng ta bị vô thức dính mắc vào tất cả những gì mà trí năng thêu dệt ra để rồi phiền não và bất an.

Tôi bắt đầu thấy vấn đề nằm ở chỗ mình đã đồng hóa chính mình vào sự tưởng tượng, để sự tưởng tượng ấy lôi kéo và thao túng mình. Như vậy, chỉ có một cách duy nhất giúp tôi tự do khỏi điều này, là trở về thực tại để thấy ra toàn bộ những gì đang diễn ra như chân như thật.

Sự thực hành này diễn ra một cách từ từ, vì tôi nhận thấy nỗi sợ ấy rất mạnh nên điều thiết yếu bây giờ là phải có sự định tĩnh (định tâm). Tôi đưa tâm trở về nhà bằng cách niệm "Buddho" (nghĩa là mát lành, tĩnh lặng) liên tục, ở một tư thế thân thể hết sức thả lỏng và tự nhiên để không tạo ra bất cứ sự căng thẳng nào thêm nữa.


Nguyên lý của niệm một từ gì đó (không nhất thiết là Buddho) là để tập trung vào một điểm, ở đây là tập trung vào việc niệm. Bằng cách chú tâm vào một điểm này, trí năng sẽ không còn cơ hội tưởng tượng ra mọi thứ (về quá khứ và tương lai) và dẫn dắt chúng ta đi. Và khi niệm "Buddho", chúng ta đang tự tạo ra một trường năng lượng của định tĩnh, trong lành, điều này sẽ điều hòa sự bất an tiềm ẩn bên trong ta.

Tôi đã niệm "Buddho" một thời gian rất dài khoảng 3 tháng, bất cứ lúc nào trong tôi dấy lên cảm giác sợ hãi, vì tâm cần có sự định tĩnh (chánh niệm) nhất định trước bước sang thực hành quan sát sáng suốt (tỉnh giác). Vì bạn rất khó để quan sát mọi thứ, đặc biệt khi tâm bạn bị loạn.

Điều mà tôi và những người mà tôi quen biết thực hành việc niệm này là nó đã giúp chúng tôi có được sự định tĩnh và an ổn nội tâm. Trước khi đi ngủ, tôi đã giữ cho thân thể thả lỏng nhất có thể, miệng liên tục niệm "Buddho" và rơi vào giấc ngủ lúc nào không hay. Như đã trình bày, tất nhiên điều kỳ diệu này là có nguyên lý, tức khi niệm, tâm định vào một điểm, âm thanh từ niệm tạo ra sự rung động tốt lành, giúp hợp nhất giữa thân và tâm trí (chứ không hề bí thuật hay huyền bí gì ở đây). Khi bất an hay lo sợ quá mức, mọi người đều có thể thực hành việc niệm (nhẩm đi nhẩm lại một từ/ vài từ nào đó) và cảm nhận sự tĩnh tại sâu thẳm dần lộ diện từ nội tâm.

Quan sát nỗi sợ


Ảnh: Chasing Tea.
Sau giai đoạn thực hành niệm "Buddho", tôi đã quen với chánh niệm, tức trở về thực tại một cách định tĩnh và tự nhiên trong bất cứ điều kiện ngoại cảnh nào. Hay nói dễ hiểu hơn, trong sinh hoạt bình thường, tôi không còn phải niệm "Buddho" như trước nữa vì tâm đã rơi vào định tĩnh tự nhiên. Nhưng ta cũng nên lưu ý rằng, điều này không có nghĩa là bên trong tiềm thức của ta không còn nỗi sợ tâm lý. Nỗi sợ vẫn ẩn nấp ở những "ngóc ngách" rất sâu xa bên trong chúng ta, mà chỉ cần thiếu chánh niệm - tỉnh giác, chúng sẽ cuốn ta đi rất xa và rất mạnh.

Vì thế, sau khi có được sự định tĩnh trong các sinh hoạt hàng ngày, tôi vẫn duy trì sự tỉnh giác (quan sát và lắng nghe trọn vẹn) với những biểu hiện trên thân, cảm xúc lúc ấy ra sao, nội tâm như thế nào. Vì chỉ có sự quan sát, hiện diện một cách liên tục này, thì sự sợ hãi mới không có cơ hội dẫn ta đi.

Có một lưu ý quan trọng, là bạn đừng lảng tránh hay phản ứng, kìm nén nỗi sợ (vì phản ứng này thực chất cũng sinh ra từ nỗi sợ mà thôi). Và điều này chẳng khác nào đuổi cọp về rừng, một lúc nào đó, nó vẫn sẽ vồ ra đón lấy "miếng mồi ngon hấp dẫn" và khiến bạn một lần nữa bị nỗi hoảng sợ dẫn dắt, thao túng. Nỗi sợ sẵn có bên trong chúng ta sẽ rất hứng thú với một nỗi sợ mới đến, vì giờ đây nó có thêm sức mạnh. Như vậy, chỉ có chánh niệm - tỉnh giác mới khiến cho nỗi sợ khởi sinh sẽ phải tự diệt đi, chứ không có cơ hội phát triển thêm nữa.

Và thêm nữa, bạn chỉ cần cảm nhận lắng nghe trọn vẹn những gì trên thân, ở cảm thọ và nội tâm, nhưng đừng phán xét, hay phân tích nó. Vì đây thực ra là một hoạt động mà trí năng đang đánh lừa chúng ta để kéo dài nỗi sợ hãi. Khi phán xét hay phân tích nỗi sợ, thực ra bạn đang ở trong một hoạt động suy nghĩ nỗi sợ nên chắc chắn cảm xúc sợ hãi sẽ sinh ra từ việc này. Trong khi đó, nếu chỉ đơn thuần là quan sát lặng lẽ và trong sáng, bạn sẽ dần cảm thấy sự bình thản sâu sắc đích thực từ bên trong.


Một số câu hỏi


Câu hỏi 1: Có những nỗi sợ có thể bảo vệ chúng ta, chẳng hạn việc sợ chạy xe quá nhanh sẽ dẫn đến tai nạn hay sợ bỏ tay vào lửa sẽ bị phỏng?

Trả lời: Việc ta không chạy xe quá nhanh, không phải vì ta sợ hãi tâm lý mà là vì ta BIẾT ta có thể bị hiểm nguy, gặp tai nạn nếu ta dại dột làm thế. Ta không cần phải hoảng sợ để có thể tránh hiểm nguy, mà chỉ cần có sự hiểu biết hay trí thông minh thông thường. Còn điều mà chúng ta bàn ở đây khác xa những nguy hiểm chắc chắn hay tức thì. Nỗi sợ tâm lý này được biểu hiện dưới rất nhiều hình thức như ức chế, khó chịu, lo lắng, căng thẳng, tăng xông, mất ngủ... Đây là nỗi sợ vô cớ vì ta KHÔNG BIẾT chuyện gì sẽ xảy đến, tức chúng ta đang sống trong hiện tại mà trí năng liên tục phóng chiếu nghĩ ra các hình ảnh tương lai (không hề thực có). Chính việc bị đồng hóa vào trí năng hoảng loạn này mà ta bị bất an.


Câu hỏi 2: Ngoài việc niệm như bạn nói, tôi có thể thực hành phương pháp định tâm nào khác?


Trả lời: Tất nhiên bạn có thể thực hành phương pháp hữu ích khác trong việc định tâm như thiền định tập trung vào hơi thở vào ra, nhìn vào một điểm/đồ vật... Tuy nhiên, sau khi thực hành các phương pháp định tâm khác nhau, từ kinh nghiệm tôi thấy việc niệm một từ nào đó giúp định tĩnh dễ dàng hơn. Vì niệm/nhẩm đi nhẩm lại một từ là một hoạt động, tạo ra sự rung động xoa dịu tâm trí, từ đó hợp nhất thân và tâm bạn.

Câu hỏi 3: Tôi có thể chấm dứt nỗi hoảng sợ tâm lý này thật sao?

Trả lời: Khi chánh niệm - tỉnh giác, nghĩa là ta đang không bị vô thức đồng hóa vào nỗi hoảng sợ tâm lý. Như vậy, dù bên trong ta vẫn có kinh nghiệm nỗi sợ, nhưng thái độ của chúng ta lúc ấy vẫn sáng suốt biết mình. Điều quan trọng là bạn cần kiên nhẫn duy trì chánh niệm - tỉnh giác, bạn sẽ cảm nhận được rằng nỗi sợ từ vô thức sinh ra rồi diệt đi theo nguyên lý vận hành của nó.

Comments


bottom of page