top of page
Tìm kiếm

"Bạn có ổn không?" (R U OK?) – Câu nói bình thường nhưng có sức ảnh hưởng phi thường

"R U OK? Day" được tổ chức hằng năm vào tháng chín. Mục đích của ngày này là để chúng ta quan tâm và chăm sóc sức khỏe tinh thần của người khác lẫn của bản thân, bằng cách hỏi một câu vô cùng đơn giản là "Bạn có ổn không?" (tiếng Anh là "Are you ok?", đồng âm với "R U OK?"). Qua bài viết này, hãy cùng LeLa Journal tìm hiểu về ngày "R U OK?" và câu hỏi đầy "sức mạnh" này nhé.


Nguồn ảnh: ruok.org.au
Nguồn ảnh: ruok.org.au

"R U OK?": Sẽ thế nào khi chúng ta không được hỏi thăm?


Con người chúng ta thường có thói quen cất tiếng nói để hỏi thăm người khác, điều các loài động vật khác và thực vật không thể làm, mà chúng chỉ có thể giao tiếp qua thông các phương thức khác.


Bắt nguồn từ khả năng và thói quen hỏi thăm của con người nói chung, một tổ chức y tế công cộng tình nguyện tại Úc đã chọn lấy cái tên "R U OK?" (đồng âm với "Are you ok?") và ấn định ngày thứ năm thứ hai của tháng chín hằng năm là ngày để chúng ta cùng giữ vững thói quen hỏi "Bạn có ổn không?".

Một phần là lời nhắn nhủ tới mọi người, rằng ngày hôm nay là cơ hội để chúng ta hỏi thăm, dành lời quan tâm và chăm sóc đến những người thân yêu. Bên cạnh đó, đây cũng hành động của cộng đồng nhằm ủng hộ và thúc đẩy những kết nối ý nghĩa, tương trợ lẫn nhau giữa chúng ta và bất cứ ai đang gặp khó khăn trong việc chăm sóc sức khỏe tinh thần.


Trên thực tế, các con số thống kê luôn cho chúng ta thấy sự đáng sợ và hậu quả của việc "làm ngơ" khi ai đó đang thực sự bất ổn và cần tới sự giúp đỡ.

Theo nghiên cứu của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), khoảng 8% - 29% trẻ em đang trong độ tuổi vị thành niên ở Việt Nam mắc các bệnh về sức khỏe tâm thần. Ước tính tại Việt Nam có ít nhất 3 triệu thanh, thiếu niên có các vấn đề về sức khỏe tâm lý, tâm thần.


Trên thế giới, gần 800.000 người mỗi năm lựa chọn tự sát, tức là trung bình cứ 40 giây, lại có một người lựa chọn kết thúc cuộc đời họ (1).



Tại sao lại là "R U OK?"


Trước những thực trạng trên, thực chất, điều chúng ta phải làm bắt đầu từ những hành động hay những lời nói nhỏ nhất. Một trong số đó, chính là câu hỏi "Bạn có ổn không?".


Câu hỏi này tưởng chừng luôn bị coi nhẹ bởi nó giống như câu hỏi thăm xã giao, nhưng thực ra, nó hoàn toàn "có thể thay đổi cuộc đổi một người mãi mãi", giống như câu slogan của R U OK? là: "Một cuộc hội thoại có thể thay đổi một cuộc đời" ("A conversation can change a life").


Hay chính xác hơn, chỉ từ những câu hỏi xã giao đơn giản, bạn có thể mở ra những cuộc hội thoại giúp thay đổi cuộc đời của một người khác, hoặc thậm chí là cuộc đời của chính bạn.

Trong chúng ta, ai cũng có mong muốn được lắng nghe. Khi được người khác lắng nghe, chúng ta có khả năng cao hơn cảm thấy bản thân được hiểu. Và nhiều khi, đó chính là cảm giác chúng ta luôn tìm kiếm ở những kết nối giữa người và người.


Là sinh vật xã hội, chúng ta tồn tại nhờ kết nối và các mối quan hệ. Để hình thành và gìn giữ những mối quan hệ, chúng ta sử dụng giao tiếp–lên tiếng và lắng nghe. Một lần nữa, điều này đã khẳng định rằng được lắng nghe thực sự đồng nghĩa với được thấu hiểu.


Bởi đôi khi, chúng ta chẳng thể biết được rõ về người khác. Họ có đang THỰC SỰ ổn hay không? Liệu họ có đang có vấn đề cá nhân khó nói? Hay liệu họ có đang phải một mình chiến đấu với căn bệnh trầm cảm? Với những suy nghĩ về cái chết?

Thế nhưng, để một người sẵn sàng mở lòng và đủ tự tin thể hiện mong muốn được lắng nghe của mình, người nghe cũng cần sẵn sàng lắng nghe và đón nhận những chia sẻ của đối phương. Họ sẽ có thể chẳng cần chúng ta cho họ giải pháp giải quyết vấn đề, mà thay thay đó, họ chỉ muốn ta nghe họ.


Để thực sự lắng nghe, chúng ta cũng cần lắng xuống và nghe với "tâm vô thành kiến" - nghe mà không phán xét, không mang những ý niệm khuyên bảo nên hay không nên, được gọi là các "should statement" (2). Chẳng hạn, bạn lắng nghe mà không đưa ra những phản hồi như "bạn nên làm thế này", "bạn không nên thế kia"... hoặc những câu nói có chứa mẫu câu "cần", "nên", "phải", "cố"... tương tự.



Hỏi "Bạn có ổn không?" sao cho... ổn?


Sau đây, LeLa Journal chia sẻ với bạn một tiến trình 5 bước thực hành (từ B0 tới B4), xét trong trường hợp bạn đã có động lực giúp đỡ một người nhưng chưa biết bắt đầu như thế nào (3):


B0: Trước khi hỏi - Để ý và xác định rõ các dấu hiệu cho thấy người bạn muốn hỏi "đang chưa ổn" (4)


Hãy để ý tới những lời mà một người đang nói: Liệu những lời nói đó có "ẩn chứa" những điều sau hay không?

  • Họ có đang bối rối?

  • Họ có đang lo lắng về tương lai?

  • Họ có đang cảm thấy bản thân là gánh nặng?

  • Họ có thấy mình cô độc và cho thấy sự tự ti?


Hãy để ý tới cả hành động của họ: Họ có cho thấy những dấu hiệu sau hay không?

  • Họ có tâm trạng thiếu ổn định?

  • Họ dễ mất tập trung?

  • Liệu họ không còn quan tâm đến sở thích của cá nhân?

  • Liệu họ không chăm sóc bản thân và để ý vệ sinh cá nhân?


Bên cạnh đó, hãy chú ý tới những sự kiện/việc đang diễn ra trong cuộc sống của họ:

  • Họ có vừa chia tay người yêu?

  • Họ có vấn đề về sức khỏe?

  • Họ có đang đối mặt với khó khăn trong công việc?

  • Họ có gặp khủng hoảng tài chính?


Khi nắm rõ những dấu hiệu dễ thấy, bạn sẽ có đủ tự tin hơn để tạo lập cuộc trò chuyện này. Một bài khảo sát được thực hiện bởi "R U OK?" đã cho thấy rằng: có tới 41% trong số 1.046 người tham gia trả lời rằng họ cảm thấy e ngại để tỏ ra quan tâm và hỏi thăm người khác, do tin rằng bản thân chưa hiểu rõ những dấu hiệu người này đang thể hiện.


B1: Hỏi thăm họ và hỏi: "Bạn có ổn không?"


Trước khi bước vào câu hỏi trọng tâm, bạn có thể bắt đầu bằng câu hỏi: "Dạo này, bạn thế nào?". Chỉ cần lưu ý rằng bạn hãy giữ một thái độ thoải mái và thân thiện. Hãy để đối phương thấy đủ an toàn để cởi mở. Trong trường hợp bạn ấy không chia sẻ với bạn, cho dù bạn đã thấy rõ dấu hiệu bất ổn, bạn có thể cũng chia sẻ với đối phương rằng bạn thấy lo lắng cho đối phương về dấu hiệu bạn đã xác định được.


Nhưng bạn đừng ép buộc đối phương phải trả lời bạn nếu họ không muốn. Bạn có thể đề xuất đối phương liên lạc với bạn khi cần hoặc hỏi thăm rằng đối phương có muốn nói chuyện với ai khác không.


Điều quan trọng nhất là đối phương biết được rằng: bạn đang lắng nghe. Hay chính xác hơn, họ biết được rằng có ai đó vẫn sẵn sàng lắng nghe họ.


B2: Cởi mở lắng nghe


Đối phương muốn được mở lòng thì bạn hãy chỉ tập trung vào việc lắng nghe họ. Chúng ta cố gắng không ngắt lời đối phương. Hãy kiên nhẫn nếu đối phương thực sự mở lòng với bạn.


B3: Khuyến khích thực hiện hành động (nếu có thể)


Bên cạnh việc chủ động lắng nghe, nếu bạn cảm thấy những gì đối phương chia sẻ cần có hành động thực hiện kèm theo, bạn nên khuyến khích họ làm vậy. Bằng cách hỏi những câu hỏi tiếp nối như sau:

  • Hỏi rõ mong muốn của đối phương, như là "Bạn muốn mình có thể giúp đỡ bạn như thế nào không?"

  • Hãy nhắc lại những từ khóa trong câu nói, cho thấy bạn đang lắng nghe và thấu hiểu, như là "Điều đấy làm bạn thấy mệt mỏi lắm. Bạn đã cố gắng rất nhiều rồi".

  • Tình trạng không ổn kéo dài, bạn thấy đối phương cần phải có sự hỗ trợ chuyên môn: "Mình có thể cùng cậu tìm kiếm một sự trợ giúp chuyên môn phù hợp".



B4: Duy trì sự chú ý và hỏi thăm thường xuyên


Không dừng lại ở việc chỉ hỏi và lắng nghe, muốn thực sự giúp đỡ một người vượt qua những điều "không ổn", chúng ta cần phải sẵn lòng đồng hành bên đối phương, qua việc duy trì sự quan tâm tới họ và hỏi thăm họ thường xuyên.



Bên cạnh đó, trong một bài nói tại TED Talk, Tiến sĩ Margaret Robinson Rutherford đã chia sẻ rằng có một cách có thể thực sự trợ giúp những người đang trầm uất là việc bạn lên một danh sách những chuyên gia, nhà trị liệu. Bước nhỏ này của bạn (một phần của B4 kể trên) cũng có thể là một bước tiến dài với những người đang cảm thấy tuyệt vọng và mệt mỏi (5).


Vào năm 2022, Lãnh sự quán Úc đưa ra một danh sách các chuyên gia và tổ chức có cung cấp dịch vụ hỗ trợ sức khỏe tinh thần tại Việt Nam mà độc giả có thể tham khảo (6). Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng trang web của Lãnh sự quán Úc không xác nhận thêm bất kỳ thông tin dịch vụ nào, cũng như miễn trừ trách nhiệm pháp lý với những cơ sở y tế này.



Tại sao bạn cũng nên hỏi chính mình: "Bạn có ổn không?"


Song song với việc hỏi người khác câu hỏi này như một cách để kết nối sâu hơn với họ, chúng ta cũng nên hỏi chính mình và kiểm tra xem bản thân có đang ổn hay không. Nếu luôn hỏi thăm người khác có đang ổn, nhưng bản thân lại không ổn thì chúng ta không thể giúp đỡ được người khác.


Thông qua câu hỏi này, chúng ta có thể tự phản chiếu chính mình và đánh giá tình hình của bản thân.

Giống với mong muốn được hiểu, bất cứ ai cũng sẽ có mong muốn hiểu chính mình. Vì thế, câu hỏi "Bản thân có ổn không?" cũng là một cơ hội để chúng ta suy nghĩ và tìm câu trả lời cho bản thân.



Hỏi bản thân thế nào cho hiệu quả?


Giống như cách bạn bắt đầu một cuộc đối thoại với một người khác, bạn hãy hình dung bản thân đang có cuộc nói chuyện trực tiếp với chính mình. Một số phương thức thực hiện bạn có thể lựa chọn là thiền định và viết.


1. Thiền định: Trong khi thiền, bạn cho phép bản thân tập trung sự chú ý và loại bỏ những suy nghĩ lộn xộn có thể khiến tâm trí bạn bị dồn nén và gây nên căng thẳng.


Nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh, tiến trình này có thể giúp sức khỏe thể chất và cảm xúc của bạn được nâng cao. Thiền định đã và đang thực hành để phát triển các thói quen và cảm giác có lợi khác, như tâm trạng và quan điểm tích cực, kỷ luật bản thân, thói quen lành mạnh...


2. Viết lách: Viết lách để "sản xuất" những con chữ vẫn luôn được nhiều người tin tưởng với lợi ích giúp con người phản tư vô cùng hiệu quả.


Nghiên cứu của Tiến sĩ Laura King đã cho thấy rằng viết về việc đạt được những mục tiêu và ước mơ trong tương lai có thể khiến mọi người hạnh phúc và khỏe mạnh hơn (7). Tương tự, có rất nhiều bằng chứng cho thấy việc ghi nhật ký biết ơn có thể làm tăng hạnh phúc và sức khỏe bằng cách làm cho những điều tốt đẹp trong cuộc sống trở nên nổi bật hơn (8).


"Bạn có ổn không?" chắc chắn sẽ luôn là một câu hỏi có sức tác động vô cùng lớn. Không thể phủ nhận rằng, chúng ta cần chọn ra một ngày hằng năm để thúc đẩy hành động hỏi thăm này. Thế nhưng, việc ngăn ngừa những hậu quả tiêu cực do các nhóm bệnh tâm lý không thể nào có kết quả bền vững, nếu như hành động của chúng ta không liên tục và tiến trình hỏi câu hỏi này (cho cả người khác và cho cả bản thân) chưa biến thành một thói quen lâu dài.


Còn bạn, hôm nay bạn thấy thế nào? Bạn có ổn không?

​Cũng trong tháng 9/2023, Netflix đã phát hành bộ phim Dear Evan Hansen với nội dung liên quan tới ý thức về sức khỏe tinh thần của các bạn trẻ. Đây là một phim được làm lại, dựa trên vở nhạc kịch thành công cùng tên. Bên cạnh bộ phim, cuốn sách cùng tên cũng đã được dịch ra với tựa đề Evan Hansen và bức thư tuyệt mệnh dối trá. Từ lúc mới ra mắt tới nay, cuốn sách này luôn nằm trong danh sách những cuốn sách hay về cảm xúc, chứng trầm uất và sức khỏe tinh thần dành cho tuổi teen và bạn trẻ (9). Đây đều bộ phim và cuốn sách đáng để chúng ta cùng đọc, xem và bàn luận, nhân ngày R U OK? năm nay.


Comments


bottom of page