top of page
Tìm kiếm
Ảnh của tác giảHạnh Nhân

Bí quyết vui vẻ đi làm sau kỳ nghỉ: Hãy mặc đồ đẹp!

Ngoài việc quay trở lại chế độ ăn uống lành mạnh, ngủ đủ giấc và tập thể dục thường xuyên thì các nghiên cứu còn chỉ ra những thủ thuật tâm lý giúp chúng ta nhanh chóng lấy lại tinh thần làm việc phấn chấn sau kỳ nghỉ Tết.



Sau khoảng thời gian sum vầy với gia đình, họp mặt cùng bạn bè trong dịp tết Nguyên đán thì cũng đã đến lúc chúng ta tạm gác mọi cuộc vui để quay về với nhịp sống thường ngày. Đối diện với hàng loạt công việc tồn đọng sau kỳ nghỉ dài lẫn những chỉ tiêu, kế hoạch trong năm mới, nhiều người dễ thấy nản lòng, uể oải trong những ngày đầu trở lại công sở. Hiểu được điều đó, LeLa Journal giới thiệu một vài phương pháp giúp tâm trạng thoát khỏi cảm giác trì trệ trong "tháng Giêng là tháng ăn chơi".


Giữ thói quen lành mạnh ngay từ trong kỳ nghỉ


Lesley Cooper, chuyên gia tư vấn sức khỏe, người sáng lập WorkingWell cho biết sau khoảng thời gian tụ tập cùng bạn bè, tham gia những trò chơi trong năm mới, nằm dài trên ghế sofa xem phim và ăn bánh mứt thì việc quay trở lại công việc có thể là một cú sốc đối với não bộ. Thế nên, thay vì chiều chuộng các thói quen xấu như thức khuya, dậy muộn, ăn nhiều chất béo hoặc ít vận động thì cô khuyên mọi người hãy giữ thói quen lành mạnh của mình ngay cả khi đang nghỉ phép.


Tuy nhiên, nếu sau kỳ nghỉ, những thói quen sinh hoạt của bạn đã bị đảo lộn thì cũng đừng hốt hoảng. Cứ bình tĩnh và tập lại từ đầu. Nếu trước kỳ nghỉ, bạn dành 30 phút/ngày để chạy bộ thì bây giờ bạn có thể bắt đầu với 15 phút đi bộ mỗi ngày, sau đó tăng dần thời gian và nâng cao độ khó của các động tác hoặc bài tập. Cách này sẽ khiến bạn bớt choáng ngợp bởi những thay đổi tức thì sau một thời gian quen với lịch trình ăn ngủ thoải mái.


Bên cạnh đó, nghỉ ngơi 10 phút sau khoảng thời gian 1 - 2 giờ làm việc cũng giúp cho bạn tái tạo được năng lượng nhanh hơn (1).

Mặc trang phục yêu thích



Theo nghiên cứu của JESP (Tạp chí Tâm lý học xã hội), các nhà khoa học cho biết rằng quần áo có thể ảnh hưởng đến tâm trạng vui buồn của người mặc (2).


Để không cảm thấy hụt hẫng quá nhiều khi quay lại công sở sau kỳ nghỉ lễ, các nhà khoa học khuyến khích mọi người hãy mặc những bộ quần áo có kiểu dáng, màu sắc hoặc chất liệu vải mà bản thân yêu thích trong những ngày đi làm đầu năm.


Nhà tâm lý học Karen Pine đã ghi lại mối quan hệ giữa quần áo với tâm lý trong cuốn sách Mind What You Wear: The Psychology of Fashion rằng: "Những món đồ tượng trưng cho người mặc có khả năng nâng cao sự tự tin, lòng tự tôn và cải thiện cả tâm trạng. Một bộ trang phục khiến bạn hài lòng có thể giúp bạn nhận được thêm nhiều dopamine (chất hóa học trong não giúp dẫn truyền thần kinh và kiểm soát cảm xúc ở con người, hay còn được gọi là hormone hạnh phúc)".

Chất dẫn truyền này thúc đẩy con người theo đuổi những mục tiêu cố định. Khi thành công, não sinh ra dopamine như một "món quà, phần thưởng" khiến ta cảm thấy dễ chịu. Khi dopamine càng nhiều, bạn càng thấy sức khỏe tinh thần tốt lên. Đó chính là lý do mà khái niệm "ăn mặc đẹp giúp tâm trạng phấn chấn" (dopamine dressing) ra đời (3).


Bạn có thể đi làm với một chiếc váy có hoạ tiết caro yêu thích, hoặc mang vòng tay mà người yêu tặng cho mình khi mới hẹn hò… Việc lựa chọn trang phục này không bó buộc trong một màu sắc hay phong cách cố định nào, chỉ cần nó gắn liền với kỷ niệm hoặc trải nghiệm hạnh phúc thì nó chính là "dopamine dressing" của bạn.


“Cài đặt” tâm trạng


Diễn giả nổi tiếng Taz Thornton (Anh) cho biết: "Tập thói quen ổn định tâm trạng từ đêm hôm trước có thể tạo ra tư duy lạc quan hơn và giúp chúng ta dễ dàng bước vào một khởi đầu ngày mới với công việc. Mỗi đêm, ngay trước khi đi ngủ, tôi luôn 'cài đặt' tâm trạng cho ngày hôm sau bằng một lời tự răn. Tôi sử dụng một câu nói ám thị ngắn để nhắc nhở bản thân, bày tỏ lòng biết ơn của mình đối với giấc ngủ mà cơ thể sắp nhận được, biết rằng đó sẽ là khoảng thời gian hoàn hảo để thân, tâm, trí của mình được thiết lập lại. Thế nên, sau khi thức giấc, tôi luôn cảm thấy sảng khoái và sẵn sàng cho một ngày tuyệt vời. Điều này hoạt động trên cơ sở rằng suy nghĩ cuối cùng trước khi đi ngủ sẽ là suy nghĩ đầu tiên mà bộ não ghi nhận khi thức dậy".


Ngoài ra, Thornton cũng khuyến khích mọi người nên liệt kê những điều mà bản thân biết ơn vào mỗi buổi sáng để bắt đầu ngày mới một cách tích cực.


Tập trung vào hiện tại


Đây có thể là thời điểm rất đáng suy ngẫm trong năm, khi chúng ta nhìn lại những gì đã xảy ra trong năm cũ và đặt ra những dự định mới cho năm 2023. Điều này có thể mang lại nhiều động lực, tuy nhiên cũng khiến chúng ta cảm thấy áp lực. Để có cái nhìn toàn diện hơn về vấn đề này, giáo viên thiền học và là người sáng lập Full Circle Global, nhà văn Gillian McMichael khuyên chúng ta nên tập trung vào hiện tại.


McMichael giải thích: "Hầu hết chúng ta dành thời gian để suy nghĩ về quá khứ hoặc tương lai, nhưng rất hiếm tập trung vào thời điểm hiện tại. Không có đúng-sai trong chuyện này, nhưng nếu mình biết cách sống trọn vẹn ở giây phút hiện tại thì sẽ giảm bớt những thất vọng trong quá khứ, cũng như giúp tâm trí có cái nhìn khách quan hơn về tương lai. Khi chúng ta thực hành điều đó mỗi ngày, nó sẽ phần nào củng cố cảm giác hạnh phúc và mãn nguyện trong cuộc sống".


Ngủ đủ giấc



Chế độ ngủ của bạn có thể bị đảo lộn khi kỳ nghỉ kết thúc. Dù lý do là gì đi nữa thì Martin Seeley, chuyên gia tư vấn giấc ngủ, Giám đốc điều hành của MattressNextday khuyên rằng: "Nếu bạn muốn điều chỉnh lịch trình giấc ngủ của mình thì có thể đi ngủ sớm hơn vài giờ vào buổi tối và thức dậy sớm hơn vài giờ vào hôm sau".


Ông cũng nhắc lại rằng phòng ngủ nên là một nơi hoàn toàn yên tĩnh, thư giãn và thoải mái. Nếu sống trong môi trường căng thẳng, chúng ta dễ cảm thấy tâm trạng càng thêm uể oải. Ngoài ra, nếu có thể nên loại bỏ bớt những thiết bị công nghệ ra khỏi phòng ngủ, không chỉ vì ánh sáng xanh phát ra có ảnh hưởng xấu đến chất lượng giấc ngủ, mà còn vì việc tiếp xúc gần với điện thoại hay máy tính bảng sẽ dễ dàng lôi kéo chúng ta sa đà vào những tin tức trên mạng xã hội hoặc những cập nhật mới của bạn bè.


Đừng cố quá, hãy thuận theo tự nhiên!


Mặc dù có rất nhiều điều bạn có thể làm để giúp giai đoạn quay lại công việc sau kỳ nghỉ trở nên tích cực hơn, nhưng Tiến sĩ Lisa Turner, chuyên gia phục hồi chấn thương và là người sáng lập CETfreedom cũng khuyên rằng chúng ta nên chấp nhận bất kỳ cảm giác buồn bã nào mà bản thân có thể gặp phải.


Bà giải thích: "Tính cách tích cực độc hại sẽ tạo điều kiện cho chúng ta từ chối những cảm xúc tiêu cực. Nhưng đâu có việc gì xấu xảy ra chỉ bởi vì bạn có một cảm giác tiêu cực. Khao khát trải nghiệm tích cực vốn dĩ đã là một trải nghiệm tiêu cực, vì nó thúc giục ham muốn và ép buộc ta phải gò bó mình vào một khuôn khổ cảm xúc nào đó. Ngược lại, chấp nhận một điều tiêu cực lại có thể được xem là trải nghiệm tích cực. Vì vậy, thay vì phủ nhận những gì bạn cảm thấy, hãy đón nhận mọi cảm xúc. Điều quan trọng là cảm nhận được những gì mình đang trải qua".


Giống như nhà triết học hiện sinh Albert Camus từng nói: "Bạn chẳng thể hạnh phúc nếu cứ tiếp tục tìm kiếm nhân tố tạo nên hạnh phúc. Bạn chẳng bao giờ thực sự sống nếu cứ tiếp tục tìm kiếm ý nghĩa của cuộc sống” (4).


Hay, nói một cách dễ hiểu hơn là: Đừng cố quá!



Comments


bottom of page