top of page
Tìm kiếm

Càng căng thẳng càng khát nước: Đối phó sao trước sự kiện quan trọng?

Trước mỗi sự kiện gây lo lắng như buổi phỏng vấn, thuyết trình, ngày công bố kết quả thi, tỏ tình... chúng ta dễ cảm thấy khát nước và có thể uống nước liên tục, rồi lại lo lắng là mình đã uống quá nhiều nước nên... không dám uống nước nữa dù vẫn thấy khát. Hiện tượng tưởng như "ngược đời" này thực ra rất đỗi bình thường, đã được chứng minh bằng các nghiên cứu về mối quan hệ giữa sự lo âu (anxiety) và mức độ khát nước (thirst intensity).


Nối tiếp bài viết về chủ đề Sống trăm tuổi nhờ uống đủ nước mỗi ngày, bài viết này của LeLa Journal sẽ tập trung vào mối liên quan giữa thói quen uống và trạng thái căng thẳng của chúng ta.



Càng căng thẳng càng khát nước: Lời thanh minh của cơ thể


Một số trạng thái tâm lý như sợ hãi, lo lắng, bất an và căng thẳng cao độ có liên quan mật thiết đến việc tăng nhu cầu hấp thụ nước trong cơ thể, hay cụ thể là chuyện chúng ta khát nước, với cảm giác khô miệng hoặc toát mồ hôi. Kết luận từ một nghiên cứu được tiến hành tại Khoa Hồi sức Tích cực thuộc một bệnh viện tại Hoa Kỳ đã chỉ ra rằng: các trạng thái tâm lý tiêu cực - trong đó có trạng thái trầm uất - có liên quan mật thiết đến cường độ khát nước (thirst intensity) (1).


Khi những bệnh nhân điều trị tâm lý tham gia thí nghiệm càng cảm thấy chán nản, nhu cầu uống nước của họ càng tăng, so sánh với những bệnh nhân có thái độ và suy nghĩ lạc quan (1).

Trạng thái căng thẳng (stress) được đo bằng lượng cortisol - hormone tạo phản ứng căng thẳng trong cơ thể (2). Khi con người có những cảm xúc tiêu cực, đặc biệt là tần suất dày và mức độ lớn, lượng hormone này tăng vọt, dẫn đến nhiều biểu hiện - mà tình trạng khát nước là điều dễ nhận thấy nhất. Cụ thể, chúng ta sẽ muốn uống nhiều nước hơn vì những lý do sau:

  • Khô miệng (xerostomia): Sự căng thẳng gây ra cảm giác khô miệng, do cơ thể "rút" nước từ miệng để "luân chuyển" sang những cơ quan cơ thể khác đang cần nước hơn. Dễ nhận thấy ở hiện tượng khô miệng này là chúng ta thấy khó nói, khó nhai, khát nước... (3).

  • Tiểu tiện nhiều hơn bình thường (excessive urination): Khi căng thẳng, não bộ chúng ta gửi tín hiệu để cơ thể chuẩn bị cho những điều tồi tệ có thể xảy đến, khiến tim chúng ta đập nhanh hơn, máu được bơm liên tục và nhiệt độ cơ thể tăng cao... việc đổ mồ hôi và tiểu tiện nhiều hơn bình thường cũng là những biểu hiện dễ nhận thấy, nhất là ở những người mắc chứng suy tim (4).

  • Thở bằng miệng: Khi chịu căng thẳng dồn dập, chúng ta vô tình chuyển sang thở bằng miệng nhiều hơn để nạp nhanh không khí vào tiến trình hô hấp. Việc thở bằng miệng làm khô lưỡi và miệng, khiến chúng ta nhanh khát nước (5).

  • Chứng nghi bệnh (hypochondria): Một số người, vì quá lo lắng, rơi vào tình trạng rối loạn lo âu - cụ thể là thường xuyên nghi ngờ rằng mình đang mắc bệnh (6), từ đó, họ liên tục uống nước.



Đối phó với sự căng thẳng: Chỉ uống nước thôi chưa đủ


Bên cạnh các tác dụng của thói quen uống nước mà LeLa Journal đã nhắc tới trong bài trước, rõ ràng là chỉ uống nước thì không thể giúp chúng ta đối phó với căng thẳng. Một số phương pháp dưới đây có thể giúp độc giả đối phó với trạng thái căng thẳng trong những sự kiện quan trọng trong cuộc sống:

  • Hít sâu và thở đều: Việc hít thở giúp gia tăng lượng oxy trong tiến trình hô hấp và hỗ trợ lưu thông máu tốt hơn (7).

  • Lựa chọn trang phục và những phụ kiện phù hợp hoàn cảnh và khiến bạn thấy tự tin. Diện mạo của bạn sẽ quyết định đến việc bạn sẽ thêm hay bớt đi một nỗi lo khi tham gia vào một hoạt động. Hơn nữa, nếu trở nên quá nổi bật hoặc ăn mặc không hợp hoàn cảnh, bạn sẽ thu hút sự chú ý có phần... "tiêu cực" và bạn sẽ trở nên căng thẳng hơn mong đợi. Hãy cứ thoải mái là chính mình, nhưng ở một phiên bản phù hợp mà bạn cảm thấy tự tin nhất.

  • Hướng sự tập trung vào một chủ đề khác để quên đi sự âu lo. Bạn có thể đọc vài trang sách hay trò chuyện với những người xung quanh để giải tỏa tâm trạng trong lúc chờ đến lượt. Đây là lý do mà nhiều phòng chờ phỏng vấn tuyển dụng thường xếp sách báo để ứng viên có thể đọc trong lúc chờ đợi căng thẳng.




1 Comment


Guest
Aug 25, 2023

Trước tui thi hùng viện hay mỗi giờ vấn đáp mấy môn ở đại học là phải kè kè chai nước vì sơ hở ra là phải uống cho tinh thần nó ổn định mặc dù không khát đâu.

Like
bottom of page