top of page
Tìm kiếm
Ảnh của tác giảBảo Trân

3 phương pháp xoa dịu cảm xúc và giải tỏa căng thẳng

Trải qua nhiều ngày nỗ lực cho mọi hoạt động của cuộc sống, chúng ta có thể dành chút thời gian để cho phép bản thân tạm “tắt nguồn” và "sạc pin" tái tạo năng lượng với 3 phương pháp xoa dịu cảm xúc và giải tỏa căng thẳng LeLa Journal tổng hợp dưới đây. Không chỉ giúp hồi phục thể trạng, mà đây còn là điều cần thiết để chăm sóc sức khỏe tinh thần cũng như giải phóng những gì tiêu cực còn tồn đọng trong thân-tâm-trí suốt thời gian qua.


Từ những thử thách nhỏ của công việc lẫn cuộc sống, cho đến những khủng hoảng lớn hơn về tinh thần lẫn sức khỏe, có lẽ nhiều người đã phải đối mặt với căng thẳng như một phần của cuộc sống. Mặc dù không phải lúc nào chúng ta cũng có thể kiểm soát mọi chuyện xảy ra, nhưng có thể kiểm soát được cách bản thân phản ứng với chúng bằng những bài luyện tập thực hành giải phóng thể trạng lẫn tâm trạng.


phương pháp xoa dịu cảm xúc và giải tỏa căng thẳng

1. Thực hành thư giãn cơ tăng dần (PMG)


Thư giãn cơ tăng dần (Progressive muscle relaxation) là một kỹ thuật giảm lo lắng được giới thiệu lần đầu tiên bởi bác sĩ người Mỹ Edmund Jacobson vào những năm 1930. Bài thực hành này là một liệu pháp chữa trị căng thẳng xen kẽ với việc thư giãn tất cả các nhóm cơ chính của cơ thể.


Một đánh giá được công bố trên tạp chí BMC Psychiatry cho thấy, PMR là một trong những phương pháp điều trị hiệu quả chứng bệnh lo âu.

Đối với những người mắc các bệnh lý, hãy nhớ hỏi ý kiến ​​bác sĩ trước khi bắt đầu bất kỳ loại bài tập luyện thư giãn nào.


phương pháp xoa dịu cảm xúc và giải tỏa căng thẳng

Các bước thực hành bài tập thư giãn cơ tăng dần: Tìm một nơi yên tĩnh không bị làm phiền. Nằm trên sàn hoặc ngả người trên ghế, đặt tay lên đùi hoặc trên tay vịn của thành ghế. Hít vào một vài hơi thở đều đặn và chậm rãi. Nếu trước đây bạn chưa từng tập luyện các bài tập tương tự, hãy dành vài phút tập thở bằng cơ hoành để khởi động. Bây giờ, hãy tập trung sự chú ý của bạn vào các bộ phận cơ thể chủ đạo và để các phần còn lại được thư giãn.


  • Trán: Siết cơ trán, giữ trong 15 giây. Cảm thấy các cơ trên trán trở nên săn chắc và căng hơn. Sau đó, từ từ thả lỏng trán trong trong vòng 30 giây. Tiếp tục lặp lại động tác cho đến khi trán của bạn cảm thấy thư giãn hoàn toàn.

  • Hàm: Căng cơ hàm, giữ trong 15 giây. Sau đó thả lỏng từ từ trong vòng 30 giây.

  • Cổ và vai: Tăng sức căng ở cổ và vai bằng cách nâng vai về phía tai và giữ trong 15 giây. Sau đó, dần dần giải phóng độ căng này trong vòng 30 giây.

  • Cánh tay và bàn tay: Từ từ co rút các ngón tay trên cả hai bàn tay thành nắm đấm. Kéo nắm đấm của bạn vào ngực và giữ trong 15 giây, siết chặt nhất có thể. Sau đó thả lỏng chậm rãi trong vòng 30 giây để cảm nhận sự thư thái.

  • Mông: Từ từ tăng lực căng ở mông bằng tư thế duỗi mình trong 15 giây. Sau đó, thả lỏng cơ về trạng thái ban đầu trong 30 giây.

  • Chân: Tăng lực căng ở đùi bắp chân bằng cách duỗi thẳng trong 15 giây. Siết cơ hết mức có thể. Sau đó nhẹ nhàng giải phóng căng thẳng trong 30 giây.

  • Bàn chân: Từ từ tăng lực căng ở bàn chân và ngón chân. Thắt chặt các cơ càng nhiều càng tốt. Sau đó, từ từ giải phóng căng thẳng bằng cách đếm ngược 30 giây.


2. Thực hành viết giải tỏa


phương pháp xoa dịu cảm xúc và giải tỏa căng thẳng

Viết giải tỏa là một trong những phương pháp có thể mang lại cho bạn sự nhẹ nhõm cần thiết, đồng thời giúp bạn thư giãn và nghỉ ngơi. Trong khi viết, bạn sẽ cảm thấy như được trút bỏ những suy nghĩ và cảm xúc năng nề lên trang giấy.


Khi chúng ta cứ liên tục kìm nén những cảm xúc tiêu cực đồng nghĩa với việc năng lượng tiêu cực ấy ngày càng tích tụ trong cơ thể. Nỗi buồn không được giải thích thường gây ra sự chán chường và trầm cảm. Những cơn tức giận không được xoa dịu và giãi bày cũng sẽ biểu hiện ra ngoài bằng sự lo lắng và cáu kỉnh. Viết giải tỏa là một phương pháp đơn giản mà bạn có thể thử để giải tỏa những cảm xúc tiêu cực. Bạn chỉ cần viết ra những điều cứ quanh quẩn trong đầu. Đừng phân tích, đánh giá, diễn giải hoặc quay lại và đọc lại những gì bạn đã viết. Thay vào đó, chỉ cần đặt bút và giải phóng những ức chế trong tinh thần bằng cách viết ra.


Cho phép bản thân thoải mái thể hiện khi viết và đừng dừng lại cho đến khi những trạng thái tiêu cực từ bên trong được trút bỏ hết lên giấy. Sau khi viết xuống tất cả nỗi niềm, bạn có thể xé, đốt hoặc vứt bỏ những trang giấy đó để giải phóng hoàn toàn năng lượng.


3. Nhìn nhận những vấn đề căng thẳng như một bài học


Ai trong chúng ta hẳn cũng từng nghe qua câu "Mọi thứ xảy ra đều có lý do" và mặc dù nhiều người đã thuộc nằm lòng châm ngôn này, nhưng trong những thời điểm khó khăn hoặc trải nghiệm đau đớn, chúng ta thường có xu hướng quên đi thông điệp ý nghĩa được gửi gắm trong đó.


Hãy dành một chút thời gian để ngồi và suy ngẫm về những vấn đề mà bạn đã trải qua trong cuộc sống và nhìn nhận một cách tích cực rằng những chuyện tồi tệ đã qua sẽ là một bài học cần thiết cho những điều tốt đẹp đang đến. Đây không phải là một sự trốn tránh, mà là tập cho bạn một cách nhìn tích cực trong mọi tình huống bằng cách chấp nhận và vươn lên, từ đó giúp tâm trạng của bạn cảm thấy được thoải mái hơn rất nhiều. Bên cạnh đó, chúng ta cần học cách nuôi dưỡng tâm hồn bằng những điều lạc quan, vui vẻ để bên trong mỗingười không còn nảy mầm những trạng thái cảm xúc có hại.




Comments


bottom of page