top of page
Tìm kiếm
Ảnh của tác giảMỹ Ngọc

Chúng ta có thể điều khiển được giấc mơ không?

Có những cơn mơ không bao giờ khiến chúng ta "vỡ mộng", bạn biết không?


Người ta thường nhận định giấc mơ là sự liên tưởng tới những thứ viển vông, những câu chuyện hoang đường với những người mà chúng ta không cần phải thân quen, ở những nơi mà chúng ta không bao giờ đặt chân đến. Song, đó là định nghĩa của giấc mơ điển hình. Giấc mơ sáng suốt (lucid dream) thì ngược lại, bạn trải nghiệm cơn mơ này khi biết chắc là… mình đang mơ.


lucid dream, giấc mơ sáng suốt, giấc ngủ, nằm mơ, ác mộng, sáng tạo
Tượng bán thân Aristotle đặt tại Bảo tàng Quốc gia Roman, Ý

Từ vài ngàn năm trước, triết gia Hy Lạp Aristotle đã ghi chép về việc ông có thể đạt đến trạng thái tri nhận trong giấc mơ của mình (1). Hay vào thế kỷ 18, Quốc vương Friedrich II Đại Đế của nước Phổ đã có thể thuật lại cặn kẽ giấc chiêm bao từng đêm.


Đến năm 1913, bác sĩ tâm thần người Hà Lan Frederik van Eeden chính thức đặt cái tên "lucid dream" cho hiện tượng này. Ông mô tả: "Khi người nằm mơ đạt đến một trạng thái nhận thức hoàn chỉnh, họ có thể tự do thực hiện nhiều hành động trong giấc ngủ và nhớ lại mọi thứ vào buổi sáng hôm sau" (2).


Theo một báo cáo phân tích tổng hợp từ các nghiên cứu trong giai đoạn 1966–2016, có đến 55% người khảo sát cho biết họ từng gặp giấc mơ sáng suốt trong đời và 23% người từng trải qua hiện tượng này mỗi tháng (3).

Giấc mơ giúp ta sáng tạo hơn


Con người tận dụng lucid dream để làm gì? Câu hỏi trên đã đưa giới nghiên cứu bước vào địa hạt của tiềm thức. Theo các nhà nghiên cứu, những cơn ác mộng có thể ảnh hưởng đến đời sống tinh thần của chúng ta (4). Quả thực, ta khó lòng tỉnh dậy trong một trạng thái hứng khởi để bắt đầu ngày mới nếu suốt đêm qua phải chịu đựng một cuộc rượt đuổi căng thẳng hoặc lâm vào tình huống bi kịch.


lucid dream, giấc mơ sáng suốt, giấc ngủ, nằm mơ, ác mộng, sáng tạo

Tiến sĩ Denholm Aspy cho biết ứng dụng lớn nhất của lucid dream là giúp chúng ta tinh chỉnh giấc mơ của mình theo hướng tốt đẹp hơn. "Trong cơn ác mộng, nếu bị một ai đó tấn công, bạn có thể thử nói chuyện với họ và đặt câu hỏi như 'Tại sao bạn lại xuất hiện trong giấc mơ của tôi?' hoặc 'Bạn cần gì để giải quyết mâu thuẫn này?'". Một nghiên cứu của Tiến sĩ Victor Irving Spoormaker cũng cho ra kết quả rằng dường như giấc mơ sáng suốt có thể giúp làm giảm những cơn ác mộng ở các đối tượng tham gia khảo sát (5).


Lucid dream còn giúp nhiều người vượt qua nỗi ám ảnh của bạn thân. "Giấc mơ tỉnh thức sẽ mang đến cơ hội để thực hiện liệu pháp tiếp xúc, nơi bạn dần dần tiếp cận với những thứ khiến mình sợ hãi và cố gắng vượt qua chúng" - Tiến sĩ Denholm Aspy chia sẻ.


lucid dream, giấc mơ sáng suốt, giấc ngủ, nằm mơ, ác mộng, sáng tạo

Một nghiên cứu năm 2013 của Tiến sĩ Nicolas Zink và cộng sự ở 298 người đã cho thấy kết quả bất ngờ khi người có giấc mơ tỉnh thức cũng đồng thời sở hữu khả năng sáng tạo cao hơn rất nhiều so với những người còn lại (6). Có thể lý giải điều này dưới góc độ lucid dream đã cho họ một không gian để làm những điều không tưởng ở thế giới thực, giải quyết tình huống bằng những cách thức độc đáo và từ đó phát huy khả năng sáng tạo của người nằm mơ.

Nghi thức "cầu mơ"


Dưới đây là một số phương pháp để giúp chúng ta tiến vào lucid dream đã được các nhà nghiên cứu tiến hành thực nghiệm trong quá trình khảo sát tiềm năng của loại giấc mơ này:

  • Phương pháp WBTB (Wake-up-back-to-bed)

Để áp dụng phương pháp WBTB hãy để báo thức reo sau 6 tiếng đồng hồ kể từ khi bạn đi ngủ. Trong cơn mơ màng, bạn có thể thực hiện một vài hoạt động đòi hỏi sự tỉnh táo trong 30 phút, chẳng hạn như: viết lách, pha trà, đi dạo, tưới cây… Khi trở về giường một lần nữa, bạn sẽ bước vào giấc ngủ REM. Đây là giai đoạn mà mặc dù mắt vẫn nhắm và cơ thể đang trong trạng thái ngủ, tuy nhiên, các sóng não đã bắt đầu thay đổi để giống với sóng não trong trạng thái tỉnh táo và tập trung, khi mà mắt còn đang đảo đều liên tục. Lúc này, nhịp tim, nhịp thở đều được tăng lên và bắt đầu xuất hiện những giấc mơ.


lucid dream, giấc mơ sáng suốt, giấc ngủ, nằm mơ, ác mộng, sáng tạo

  • Phương pháp MILD (Mnemonic Induction of Lucid Dreams)

Ở kỹ thuật này, bạn lặp đi lặp lại với bản thân rằng bạn sẽ mơ và sẽ nhận thức được rằng mình đang mơ. Bằng cách nghiền ngẫm một thứ gì đó liên tục, não bộ sẽ cho phép chúng xuất hiện trong giấc mơ của bạn (8). Nghiên cứu của Tiến sĩ Denholm Aspy cách đây ba năm trên 355 người cho thấy phương pháp MILD có thể tạo ra giấc mơ sáng suốt với tỷ lệ khá cao (lên đến 16.5%).


Dù lucid dream mang lại nhiều lợi ích nhưng việc điều khiển giấc mơ không phải là cách hay để giúp bạn cao chạy xa bay khỏi hiện thực không như ý. Chúng có chăng chỉ giúp bạn giảm thiểu ác mộng, phá giải lời nguyền ám ảnh về tâm trí và hiểu thêm về bản ngã.


Tựa như một vở kịch được trình diễn khi màn đêm buông xuống, giá trị của giấc mơ tỉnh thức nằm ở việc bạn rút ra được bài học hay triết lý gì trong giấc ngủ miên man, rồi đặt mình trở lại vào cuộc sống để tìm kiếm điều tích cực và trở nên hạnh phúc.


lucid dream, giấc mơ sáng suốt, giấc ngủ, nằm mơ, ác mộng, sáng tạo

Việc giấc mơ sáng suốt lặp lại thường xuyên cũng gây ra ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe . Khi bước vào lucid dream nghĩa là ta đã không nghỉ ngơi thực sự mà thay vào đó lại dành giấc ngủ để giải quyết vấn đề tâm lý (9). Chất lượng giấc ngủ suy giảm có thể khiến cơ thể mệt mỏi và tâm trí chúng ta cũng trở nên ủ rũ.

Yorumlar


bottom of page