top of page
Tìm kiếm

"FOMO" (Fear of Missing Out): Điều gì xảy ra khi chúng ta bỏ lỡ trải nghiệm?

Có lẽ nhiều người đã nghe qua khái niệm tâm lý "nỗi sợ bị bỏ lỡ" (fear of missing out - FOMO). Nhưng liệu FOMO có thể gây tác hại tới đâu? Để tìm được lối thoát cho FOMO, chúng ta cần hiểu về nó trước, hay ít ra là "không còn... FOMO" rằng mình đã bỏ lỡ thông tin về khái niệm FOMO nữa.



FOMO là gì?


FOMO là nỗi sợ hãi, lo lắng và áp lực rằng bạn sẽ bỏ lỡ những trải nghiệm mà bạn cho là tuyệt vời của những người khác (1), (2), (3). Như vậy, nỗi sợ bị bỏ lỡ này cũng chỉ là cảm nhận chủ quan của từng người.


Sự so sánh là một nguyên nhân khiến bạn bị FOMO. Khi không có cơ hội cho sự so sánh, FOMO sẽ không xuất hiện rõ rệt. Chẳng hạn như trong đợt dịch COVID-19, không ai được tổ chức tiệc tùng nên sẽ không có ai sợ bị bỏ lỡ những bữa tiệc.

FOMO bao gồm hai tiến trình (4):

  1. Nhận thức bản thân đang bỏ lỡ một sự kiện, trải nghiệm, thông tin...

  2. Cố gắng bắt kịp với những điều bỏ lỡ thông qua các hành vi ép buộc và cưỡng chế bản thân


Vì FOMO có liên hệ tới các vấn đề sức khỏe tinh thần và giá trị bản thân nên có một số người sẽ nằm trong nhóm nguy cơ "dễ bị mắc phải".

Chẳng hạn, ở những người không có mối quan hệ tốt với cha mẹ trong giai đoạn trưởng thành, có thể sẽ hình thành thói quen tìm kiếm sự chú ý, quan tâm một cách vô tội vạ. Điều này có thể là một yếu tố nguy cơ dẫn đến FOMO.



Hiện nay, FOMO chưa bị liệt vào danh sách những bệnh lý có thể chẩn đoán được, nhưng bạn vẫn có thể nhận diện nó trong đời sống thường nhật, với một số biểu hiện sau:

  • Liên tục kiểm tra mạng xã hội vì sợ bỏ lỡ tin mới hoặc những xu hướng mới của cư dân mạng.

  • Không thể rời mắt khỏi điện thoại vì sợ bỏ lỡ email, cuộc gọi, tin nhắn, kể cả trong những lúc cần sự tập trung.

  • Sắp xếp lịch trình kín mít vì sợ bỏ lỡ cơ hội, sự kiện...

  • Không toàn tâm toàn ý vào lựa chọn hiện tại, đồng nghĩa với việc bạn hay lưỡng lự hoặc chỉ tham gia "góp vui" mỗi nơi một ít, bởi bạn luôn "chầu trực" để tìm thêm những lựa chọn thú vị khác.

  • Kể cả khi sự quan tâm và ham muốn dành cho một sự kiện hoặc trải nghiệm nào đó không lớn, bạn vẫn có thể tiếc nuối nếu bỏ lỡ nó. Bên cạnh đó, bạn cũng thường suy nghĩ về việc không có ảnh đẹp để đăng lên mạng xã hội.

  • Thường tự so sánh bản thân với người khác, dẫn đến cảm giác bản thân luôn thiếu thốn và ghen tị khi chứng kiến hoặc suy đoán rằng người khác đang có cuộc sống vui vẻ và thú vị hơn mình.


Hiện tượng tâm lý này được nghiên cứu lần đầu tiên vào năm 2000 bởi Tiến sĩ Dan Herman khi tìm hiểu về tương tác của khách hàng với các thương hiệu trong thời gian ngắn - liên quan tới những mặt hàng phiên bản giới hạn (5). Tiến sĩ Herman nhận ra rằng nhiều người có chung một nỗi sợ rằng bản thân đã bỏ lỡ cơ hội mua hàng và niềm vui từ trải nghiệm có tính thời vụ này. Từ đó, Tiến sĩ Herman cho rằng đây có lẽ là một động lực lớn thúc đẩy chúng ta mua hàng.


Thế nhưng, mãi đến năm 2004, cái tên "FOMO" mới được đề ra bởi một Thạc sĩ MBA tại Trường Kinh tế Harvard (Harvard Business School) là Patrick J. McGinnis (6), (7). Sau nhiều cú sốc như bị phá sản, tận mắt chứng kiến vụ khủng bố 11/9... anh và bạn bè nhận ra cuộc sống này quá ngắn nên đã dần trở nên "sợ bỏ lỡ" nhiều hơn bao giờ hết. Từ đây, cụm từ "FOMO" ra đời.

Trùng hợp thay, 2004 cũng là năm mà Mark Zuckerberg — nhà sáng lập Facebook — đang còn là sinh viên đại học và trú tại ký túc xá đối diện với Patrick J. McGinnis. Nhờ vào Zuckerberg và Facebook, FOMO vừa được nhiều người biết tới, lại vừa lan tỏa như một hiệu ứng tâm lý toàn cầu.



Thấy mọi người xung quanh có triệu chứng FOMO, bạn có thấy... FOMO theo không?

Lý do đằng sau FOMO


FOMO bắt nguồn từ nhu cầu sở thuộc của con người từ xa xưa (8). Khi cảm thấy mất kết nối với mọi người, ta trở nên bất an và tích cực đi tìm nơi chốn sở thuộc. Nếu mất kiểm soát, hành vi này có thể dẫn đến cảm giác tiêu cực và biến thành FOMO.


Chẳng hạn, khi không thoải mái với không khí trong gia đình, một người có thể lảng tránh tương tác bằng cách "dán mắt" vào điện thoại để kiếm tìm, hướng tới một "nơi chốn" khác. Trong lúc này, nếu thấy bạn bè đăng status, ảnh, video về một hoạt động nào đó, người này có thể so sánh và nhận thấy "đáng lẽ mình đang được tận hưởng điều đó mới phải".

Như đã nhắc tới ở trên, việc liên tục lao vào nhiều hoạt động khác nhau cũng có thể dẫn đến FOMO vì bạn đang mất phương hướng và không cảm thấy hài lòng với cuộc sống của mình (9). Ngoài ra, khi não bộ quen với việc liên tục được nạp sự thỏa mãn nhất thời (instant gratification) thay vì sự thỏa mãn dài hạn (delayed gratification), bạn cũng có thể dễ bị kích hoạt FOMO hơn.



Từ bài viết Thay vì theo đuổi hạnh phúc, hãy hướng đến niềm vui, LeLa Journal đã nhắc tới "Mô hình vui chơi Rucker", được đề ra bởi Tiến sĩ Michael Rucker. Theo đó, các hoạt động do thỏa mãn nhất thời thường nằm trong nhóm "Dễ chịu" với mức độ vui vẻ thấp và dễ dàng đạt được. Với các hoạt động này, chúng ta có xu hướng nhanh chóng thỏa mãn trước những niềm vui ngắn và tốn thời gian (10). Chẳng hạn, bạn tốn hàng giờ "cày" phim và games, hoặc xem hàng loạt những video ngắn trên mạng xã hội, cốt để không bỏ lỡ điều gì.


Trong suốt diễn trình tiến hóa, chúng ta đã dần hình thành trực giác để cảm nhận các mối nguy xung quanh, cũng như cảm nhận được khả năng sẽ bị người khác từ chối (11). Với một người có cảm giác FOMO, hệ thống trực giác này có thể bị kích hoạt liên tục ở mức độ cao, khiến ta cảm thấy bất an vì đang bị bỏ xa phía sau và mất kết nối với mọi người.



4 đặc điểm của FOMO


Sau đây là 4 đặc điểm cụ thể giúp bạn phân biệt rõ FOMO với các trạng thái tâm lý khác (12):


1. Xảy ra ở hiện tại: FOMO xảy ra ở hoàn cảnh hiện tại, trong khi một số trạng thái khác, như sự hối tiếc, lại có liên quan tới cảm xúc khi bạn nghĩ về những điều bất ưng ý trong quá khứ và tương lai.


2. Không mang nặng tính trách nhiệm cá nhân: FOMO có thể xảy ra ngoài tầm kiểm soát của bạn, đặc biệt là khi bạn không biết đến những lựa chọn "tuyệt vời" khác.


3. Không bị giới hạn trong hoàn cảnh tiêu cực: FOMO vẫn có thể xảy ra trong những hoàn cảnh tích cực và bạn không có cảm xúc tiêu cực nào.


Chẳng hạn, bạn bốc thăm trúng thưởng được một chuyến du lịch Anh Quốc hoặc Nhật Bản và phải lựa chọn một trong hai. Dù chuyến đi sau đó thành công mỹ mãn, nhưng trong lòng bạn vẫn có chút cảm giác FOMO vì không được đi đất nước còn lại.

4. Nguồn cảm xúc: FOMO có thể chỉ bắt nguồn từ trải nghiệm nào đó thu hút bạn. Trên thực tế, nếu bạn nghe về trải nghiệm của ai đó và từ đó nảy sinh sự so sánh, FOMO có thể đi cùng với cả sự ghen tị.



Tác hại của FOMO


Khi cảm thấy bất an vì FOMO, não bộ sẽ kích hoạt hệ thống "chiến-hoặc-biến" (fight-or-flight), khiến ta cảm thấy bồn chồn, khó chịu và có động lực để đi tìm "thuốc chữa", chính là những niềm vui ngắn, dễ khiến ta khuất phục như đã nêu ở trên. Với tốc độ phát triển chóng mặt của công nghệ và mạng xã hội ngày nay, "thuốc chữa" thông thường của mọi người sẽ là mạng xã hội.


Tuy nhiên điều này cho ta hại nhiều hơn lợi vì nó chỉ là sự thỏa mãn ngắn hạn và khiến ta "lún sâu" vào chứng FOMO hơn.

Nhìn chung về lâu dài, FOMO không chỉ khiến ta dễ bị sao nhãng hơn, mà còn làm giảm hiệu suất làm việc cũng như ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tinh thần (13). Bên cạnh đó FOMO cũng là một trong những yếu tố góp phần làm giảm chất lượng giấc ngủ, gây ra hội chứng sợ giao tiếp xã hội, trầm cảm lâm sàng và suy giảm kết quả học tập. Thậm chí, những gánh nặng tinh thần này sẽ có thể ảnh hưởng đến cả sức khỏe thể chất, như là giảm năng lượng hoạt động thường ngày (14).



Hay là chúng ta cứ... bỏ lỡ FOMO đi để tận hưởng cuộc sống được không? Và đâu mới là lối thoát khỏi FOMO? Mời độc giả đón đọc bài viết của LeLa Journal về "JOMO (Joy of Missing Out): Niềm vui khi bỏ lỡ".

Comments


bottom of page