top of page
Tìm kiếm

Hãy ôm nhau đi: Khả năng chữa lành từ những vòng tay ôm

Từ "ôm" bắt nguồn từ từ "hog" trong tiếng Saxon cổ mang ý nghĩa là "được đối xử dịu dàng" và từ tiếng Bắc Âu cổ "höggva", có nghĩa là "bắt hoặc nắm bắt" (1). Một cái ôm không đơn giản là cử chỉ thể hiện sự quan tâm hay gửi gắm một thông điệp chở che ấm áp, mà dường như còn là sự bày tỏ có khả năng vượt qua giới hạn của ngôn từ và mang lại cho con người cảm giác gắn kết, đồng cảm. Nhìn nhận từ góc độ khoa học, một cái ôm có thể mang lại sự chữa lành cho tâm trí lẫn đời sống tinh thần. Vậy rốt cuộc, một cái ôm có thể kỳ diệu đến mức nào?



Ôm nhau để tăng cường hệ miễn dịch


Khoa học đã chứng minh những xúc chạm trìu mến có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy mối quan hệ, tâm lý lẫn sức khỏe thể chất cho người trưởng thành, và ôm là một trong những cử chỉ ấy (2). Những cái ôm chân thành không chỉ là cách thể hiện tình cảm mà còn tác động tích cực đến sức khỏe, đặc biệt là hệ thống miễn dịch - hàng rào bảo vệ tự nhiên của cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh.


Khi ôm nhau, chúng ta kích hoạt được những lợi ích đáng kể liên quan đến hệ thống miễn dịch, chẳng hạn như:

  • Tạo ra hormone oxytocin: Ôm nhau là một trong những cách thức sản xuất hormone oxytocin - còn được gọi là "hormone kết nối" hay "hormone yêu thương" (3). Hormone này không chỉ làm tăng sự đồng cảm và liên kết xã hội mà còn có tác dụng kháng vi khuẩn, bởi mức oxytocin tăng cao trong cơ thể sẽ giúp kích thích hệ miễn dịch hoạt động hiệu quả hơn trong việc phát hiện và tiêu diệt các tác nhân gây bệnh (4). Theo một nghiên cứu được thực hiện bởi Đại học Carnegie Mellon ở Pittsburgh (tiểu bang Pennsylvania, Hoa Kỳ), ôm còn giúp giảm các triệu chứng của cảm lạnh và cúm thông thường (5).

  • Tạo ra hormone endorphin: Khi ôm nhau, cơ thể cũng tiết ra "hormone hạnh phúc" endorphin (6). Endorphin giúp giảm căng thẳng và lắng nghe cơ thể, giúp chúng ta duy trì trạng thái cân bằng và khỏe mạnh. Khi cơ thể không phải chịu căng thẳng quá mức, hệ thống miễn dịch cũng hoạt động tốt hơn và có khả năng chống lại các bệnh tật tốt hơn.



Muốn tim khỏe mạnh, hãy ôm nhau đi (6)


Một nghiên cứu từ Đại học Bắc Carolina đã cho thấy rằng, sự tiếp xúc trực tiếp trên da trong quá trình ôm nhau có thể làm giảm nhịp tim và huyết áp, ngoài ra còn giúp:

  • Điều hòa huyết áp: Huyết áp cao có thể gây ra nhiều vấn đề về tim mạch như bệnh tim và đột quỵ. Việc ôm nhau thường xuyên có thể giúp điều hòa huyết áp và duy trì sức khỏe tim mạch ổn định (7).

  • Tăng cường tuần hoàn máu: Sự kích thích từ một cái ôm cung cấp lượng máu giàu oxy và chất dinh dưỡng cho tim và các mô mềm xung quanh, cải thiện tuần hoàn máu và giúp tim hoạt động lành mạnh hơn.

  • Giảm lượng cortisol - hormone gây ra căng thẳng: Mức độ cao của cortisol có thể gây ra tác động tiêu cực cho tim mạch, gây tăng huyết áp và tăng nguy cơ mắc bệnh tim. Những chiếc ôm ấm áp sẽ giúp giảm căng thẳng và duy trì mức cortisol trong giới hạn bình thường, góp phần bảo vệ sức khỏe tim mạch (8).

  • Kích thích thần kinh giao cảm - hệ thống quản lý hoạt động của tim: Khi được ôm, hệ thống thần kinh giao cảm được kích thích để làm giảm nhịp tim và huyết áp, giúp tim hoạt động hiệu quả hơn và giảm nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch (9).


Giảm triệu chứng trầm cảm, lo âu và cảm giác cô đơn


Không chỉ là ở phương diện sức khỏe thể chất, nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra rằng những cái ôm còn có ý nghĩa chữa lành tâm trí.


Một nghiên cứu gần đây được công bố trên tạp chí Brain Science chỉ ra rằng những cái ôm, nụ hôn và các hình thức tiếp xúc xã hội lành mạnh có tác dụng tích cực trong việc làm giảm chứng trầm cảm, lo lắng và căng thẳng (10).

Khi nhận được sự ôm ấp chân thành, chúng ta cảm nhận được sự an toàn và cảm giác được vuốt ve, chăm sóc. Điều này giúp giảm lo âu và cảm giác lo lắng vì ta biết rằng có những người vẫn luôn ở bên cạnh quan tâm đến ta. Bên cạnh đó, như đã nhắc đến ở trên, cơ chế giảm đau tự nhiên trong cơ thể thông qua việc tiết ra "hormone hạnh phúc" endorphin cũng giúp giảm căng thẳng, giảm đau và vực dậy tinh thần, thông qua đó, ngăn chặn các triệu chứng trầm cảm.


Theo một nghiên cứu, cứ 10 người trong độ tuổi từ 52 đến 71 thì có khoảng 4 người cảm thấy cô đơn (11). Cảm giác cô đơn hoặc bị cô lập về mặt xã hội không chỉ gây tổn hại về tinh thần mà còn kéo theo nguy cơ đau tim cũng như đột quỵ cao hơn những người có mối quan hệ xã hội lành mạnh (12). Một nghiên cứu sâu hơn cũng đồng tình với quan điểm này khi chỉ ra rằng sự cô đơn còn làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim và tiểu đường (13).


Khi ôm ai đó, về mặt tinh thần, chúng ta tạo ra một kết nối xã hội thể hiện sự tôn trọng và quan tâm đối với người khác. Còn về mặt khoa học, khi ôm nhau, hormone oxytocin được tiết ra sẽ giúp chúng ta cảm thấy được an ủi, tin tưởng và gắn kết hơn với người khác. Nhờ vào hormone này, ta càng cảm thấy thoải mái và tin tưởng hơn trong mối quan hệ ấy. Hơn hết, trong những giai đoạn mà mối quan hệ rơi vào mâu thuẫn hoặc xung đột, nhận được một cái ôm cũng sẽ làm dịu đi tâm trạng tiêu cực và sự căng thẳng giữa hai người (14).


Những cái ôm còn giúp chúng ta tự tin hơn trong việc bày tỏ cảm xúc và tình yêu thương

Nhờ cảm nhận được tình yêu thương và sự quan tâm từ những chiếc ôm, chúng ta sẽ dần tăng niềm tin vào bản thân và tự tin hơn trong việc bày tỏ cảm xúc. Việc biểu đạt và chia sẻ cảm xúc của mình là cánh cửa đưa chúng ta đến với sự gắn kết và thấu cảm với người khác. Cũng bằng cách chia sẻ và bày tỏ cảm xúc, ta biết thêm về bản thân và đồng thời, biết cách quản lý cảm xúc cá nhân một cách tích cực.


Ôm để chữa lành và xây dựng các mối quan hệ ý nghĩa


Rõ ràng, việc ôm không chỉ là một hành động đơn thuần mà còn là một cách để xây dựng và chăm sóc tình cảm. Bằng cách tận dụng những cái ôm, chúng ta có thể chữa lành cho bản thân cũng như giữ gìn những mối quan hệ gần gũi. Để nhận được những lợi ích đáng kể từ việc trao đi những cái ôm chân thành và ấm áp, LeLa Journal có những mẹo nhỏ cho bạn như sau:

  • Tập thói quen bày tỏ tình cảm bằng việc ôm ấp: Có thể bạn là tuýp người dễ ngại ngùng nhưng hãy thử tập thói quen bày tỏ tình cảm thông qua những cái ôm nhẹ nhàng. Tin chắc rằng khi đã xóa bỏ được cảm giác ngại ngùng, những chiếc ôm sẽ là sự bày tỏ hữu hiệu để bạn thể hiện tình cảm với một ai đó.

  • Ôm vào những khoảnh khắc đặc biệt: Hãy trao đi những cái ôm trong những khoảnh khắc mang tính kỷ niệm như: gặp lại sau khoảng thời gian dài xa cách, sau khi trải qua một biến cố khó khăn, hoặc khi đạt được một thành tựu trong đời... Việc ôm nhau trong những thời khắc trọng đại này giúp chúng ta bày tỏ tình cảm mà không cần phải diễn đạt bằng những lời khuôn sáo hoa mỹ.

  • Hãy ôm người thân yêu thường xuyên hơn: Ngay cả khi không phải dịp đặc biệt hoặc cần mượn hành động ôm ấp để thay lời muốn nói, chúng ta cũng hãy dành thời gian cho những người thân yêu như gia đình, bạn bè hoặc bạn đời bằng việc trao nhau những cử chỉ ôm ấp thân mật và chân thành. Đây là những hành động nhỏ nhưng vô tình lại tạo ra sự gắn kết vững chắc và hơn hết, nó còn làm dịu đi những căng thẳng tồn đọng trong một mối quan hệ.



Lưu ý: Ôm cũng cần tinh tế. Thế nên, hãy ôm một cách tôn trọng


Ôm một cách tôn trọng là một cái ôm chân thành và tinh tế. Chúng ta nên lưu ý đến cảm giác và mong muốn của người đối diện và chắc chắn rằng những cái ôm được diễn ra trong một môi trường phù hợp và đáng tin cậy.

  • Chỉ ôm khi nhận được sự đồng ý: Trước khi ôm ai đó, hãy chắc rằng bạn sẽ nhận được sự đồng tình từ đối phương. Đừng ép buộc hoặc cố tình ôm ai đó nếu họ bày tỏ sự thiếu thoải mái và không muốn tiếp xúc thân mật.

  • Nhẹ nhàng, tinh tế và chân thành: Khi ôm, hãy vỗ về vai hoặc lưng người đối diện một cách nhẹ nhàng và chân thành. Không nhất thiết lúc nào cũng phải ôm quá chặt, siết tay quá mạnh hoặc quá lâu. Hãy để cái ôm được diễn ra một cách tự nhiên và thoải mái cho cả hai.

  • Quan tâm đến cảm giác của người đối diện: Việc ôm chầm lấy một ai đó nên là một hành động tôn trọng và văn minh, thế nên chúng ta cần chú ý đến phản ứng và cảm giác của đối phương. Nếu họ có dấu hiệu không thoải mái hoặc muốn nới lỏng khoảng cách, hãy dừng lại và thể hiện sự tôn trọng mong muốn của họ.

  • Chọn thời điểm phù hợp: Chọn thời điểm và không gian thích hợp để trao đi những chiếc ôm. Tránh ôm trong những tình huống thiếu tế nhị hoặc khi người khác đang ở trong trạng thái cảm xúc mất kiểm soát.

  • Đừng quên thể hiện sự sẵn sàng lắng nghe: Khi ôm, hãy tập trung vào việc chia sẻ tình cảm và câu chuyện của người khác, khi đó, bạn có thể lắng nghe và cảm nhận sự gắn kết tinh thần mà những chiếc ôm lại.


Không bao giờ là thừa khi chúng ta ra sức bày tỏ tình cảm với những người thân yêu. Sẽ có những thời điểm mà ngôn từ trở nên bất lực, một cái ôm chân thành là thông điệp rõ ràng nhất. Đôi khi, một cái ôm còn là sự cứu chuộc, là một lời nói không-cất-lời và một điều tuyệt vời mà ai cũng có thể dành tặng cho nhau.



Comments


bottom of page