Những sự kiện diễn ra quá nhanh mỗi ngày cùng với sự tác động vô hình của công nghệ, chủ nghĩa tiêu dùng, các quy chuẩn xã hội... khiến chúng ta mải theo đuổi những thứ phù phiếm bên ngoài mà vô tình đánh mất kết nối sâu sắc với chính bản thân mình.
Hiện tượng “tim trống rỗng”
David Scharff M.D. và vợ là hai nhà phân tâm học đặc biệt quan tâm đến việc đào tạo chuyên gia trị liệu ở Trung Quốc. Lĩnh vực này giúp họ tìm hiểu sâu về văn hóa Trung Hoa và các bệnh nhân ở đây trong suốt 15 năm qua. Tại hội nghị The Thinking Heart được tổ chức ở Bảo tàng Freud, London, họ trình bày một vấn đề phổ biến và có thể xem là một cách nghĩ mới về bệnh trầm cảm của các bệnh nhân trẻ Trung Quốc, đó là bệnh tim trống rỗng (empty heart disease) (1).
David cho rằng, nhiều sinh viên Trung Quốc dù đã hết lòng chăm chỉ học tập, từ bỏ các sở thích và hoạt động giải trí để đạt được thành công đúng như cha mẹ mong muốn, thế nhưng đến cuối chặng đường, họ lại tự hỏi những điều này có gì quan trọng.
"Cảm giác trống rỗng, vô nghĩa có thể nảy sinh sau nhiều năm nỗ lực cố gắng. Người ta thường tự hỏi liệu tất cả những thứ này có thật sự xứng đáng hay không" - Nhà phân tâm học David Scharff M.D.
Ước tính có hơn 40% người trong số các bạn đạt thành tích cao này cảm thấy trống rỗng với những chiến thắng của mình. Họ tự thấy một cảm giác vô ích bên trong, rằng những thành tựu và cuộc sống của họ không còn ý nghĩa. Một sinh viên giấu tên đã viết trong nghiên cứu: “Tôi nằm trong số 40% này, có thể còn nghiêm trọng hơn… Trên thực tế, tôi đã nghĩ đến cái chết nhiều hơn một lần”.
Trước đó, cụm từ này đã được Giáo sư Xu Kaiwen, Phó Trưởng Trung tâm Tư vấn và Giáo dục Sức khỏe của Đại học Bắc Kinh, miêu tả lần đầu tại một hội nghị giáo dục năm 2016. Nó liên quan đến các sinh viên đạt thành tựu trong việc học, được nhập học vào các trường đại học ưu tú, nhưng đến đó với một “trái tim trống rỗng”, cảm thấy như mình đang sống không có mục đích.
Bệnh tim trống rỗng có thể bao gồm những lo lắng mãn tính gây suy nhược cơ thể, cùng với các triệu chứng của trầm cảm và ý định tự tử. David nhận định: “Ở Trung Quốc ngày nay, sự thay đổi nhanh chóng của kỳ vọng xã hội khiến các cá nhân cảm thấy bị loại trừ và bỏ lại, kể cả khi họ đã leo lên các nấc thang thành công. Tình trạng này cũng giống với số phận của nhiều thanh niên Mỹ, những người lấy việc say mê rượu chè và tiệc tùng để che đậy cảm giác vô nghĩa và nỗi sợ hãi bên trong về tương lai”.
Việc vô thức chạy theo các mục tiêu bên ngoài cũng giống như một người lái xe ô tô không thận trọng, chú tâm, quan sát, mà đâm đầu lao tới mục đích của anh ta, dẫn đến tai nạn. Bệnh tim trống rỗng là một biểu hiện của việc không kết nối lại với chính mình để đâm rễ thật sâu vào cội nguồn bên trong. Bạn có thể liên tưởng đến hai ngôi nhà, một ngôi nhà có móng sâu và một ngôi nhà với chiếc móng rất nông. Khi giông bão đến, ngôi nhà có móng nông chắc chắc sẽ bị cuốn đi và ngôi nhà móng sâu vẫn trụ vững sau thiên tai. Con người cũng vậy, khi mải lao vào mục đích mà không tự bồi đắp cho nội tâm thêm vững vàng, họ thường dễ cảm thấy vô nghĩa và bị hủy hoại giữa cuộc sống hiện đại với nhiều áp lực.
Tại sao chúng ta lại mất kết nối?
Công việc, địa vị xã hội, gia đình, các mối quan hệ, cùng những việc lặt vặt... chúng ta hầu như luôn có một thứ gì đó để loay hoay nghĩ ngợi và tập trung vào, bất kỳ ai và bất kỳ cái gì, ngoại trừ chính chúng ta.
Mất kết nối với bản thân xuất phát từ việc chúng ta không dừng lại để lắng nghe và thấu hiểu chính mình. Chúng ta có thể liên tục lo lắng về những mối quan hệ lung lay, ảnh hưởng từ những hình mẫu hoàn hảo trên mạng, hay bị áp đặt bởi ý kiến của người khác và các quy chuẩn xã hội... Những điều này xuất hiện là do áp lực phải chạy theo một cái gì đó (mơ hồ) để thành công, trở thành một hình tượng hoàn hảo, hoặc đơn giản là vì chúng ta chưa sống đúng với các giá trị của mình, chưa hướng đến những điều mà sâu thẳm chúng ta cho là có ý nghĩa.
Đôi khi, để thật sự kết nối sâu sắc với bản thân, chúng ta cần tạm lắng lại những kết nối với thế giới bên ngoài. Điều này có nghĩa là thay vì tiếp tục tìm kiếm và theo đuổi không ngừng những gì thuộc về ngoại cảnh, chúng ta nên dừng lại và sẵn sàng đi thật chậm để quan sát chính mình rõ hơn.
Thay vì tin rằng bạn sẽ loại bỏ được cảm giác trống rỗng bằng cách mua một món đồ đắt tiền mình yêu thích, hay đạt được một thành tựu mình đã ao ước từ lâu, bạn nên hướng sự chú tâm vào bên trong. Vì việc mua sắm hay đạt được điều kiện bên ngoài không bao giờ đem lại thỏa mãn dài lâu, mà còn khiến ta nghiện chúng.
Hãy cho mình cơ hội tĩnh lặng và tự hỏi bản thân về mục đích sống cuối cùng, điều gì làm bạn cảm thấy hạnh phúc, bạn thấy ý nghĩa khi làm những việc gì, những giá trị nào bạn coi trọng, bạn biết ơn điều gì, bạn mong muốn trở thành người như thế nào... Chúng ta sẽ không tìm được hết câu trả lời trong một lúc, nhưng việc ngồi xuống và tự đặt ra các câu hỏi này sẽ giúp ta xác định được những vấn đề cần làm rõ. Từ đó có thể tự mình khám phá qua các trải nghiệm và những gì học được trong cuộc sống hàng ngày.
Dành vài phút mỗi ngày để không làm gì cả
Thế giới công nghệ đã và đang tạo điều kiện cho dòng chảy suy nghĩ trong tâm trí chúng ta chạy nhanh một cách chóng mặt. Những ứng dụng mạng xã hội ngày nay không khuyến khích con người có thời gian để tập trung sâu, mà thay vào đó là việc kết nối càng nhiều càng tốt. Từ đó dẫn đến sự phân tâm liên tục, khó có thời gian dừng lại suy ngẫm và cảm nhận.
Andy Puddicombe - Chuyên gia về chánh niệm (mindfulness), Cựu sáng lập ứng dụng thiền Headspace - đã chỉ ra tầm quan trọng của việc dành ít nhất 10 phút mỗi ngày để quay trở về chính mình một cách tĩnh lặng (2). Chỉ cần dành 10 phút ngồi không mỗi ngày, không phân tâm, không email, không tin nhắn, không điện thoại, không nói chuyện, đơn giản là không làm gì cả. Cách thiền đơn giản này sẽ có tác động tích cực lên toàn bộ cuộc đời chúng ta, giúp ta làm quen dần với khoảnh khắc trong hiện tại.
Nhiều người cho rằng thiền là ngăn chặn suy nghĩ, loại bỏ các cảm xúc và kiểm soát tâm trí của mình. Nhưng thiền ở đây thực sự có nghĩa là lùi lại quan sát rõ ràng những suy nghĩ, cảm xúc đang diễn ra, chứng kiến chúng đến và đi trong đầu ta mà không đánh giá gì, đồng thời giữ một trạng thái tâm trí vừa thư giãn vừa tập trung cùng một lúc.
Andy cho rằng, tâm trí của ta là phương tiện quý giá nhất mà qua đó, chúng ta trải nghiệm được tất cả những khoảnh khắc trong cuộc đời. Tâm trí là nơi chúng ta dựa vào để có được cảm giác hạnh phúc, hài lòng, ổn định về mặt cảm xúc. Đó cũng là nơi ta hình thành nên sự tử tế, chu đáo và ân cần đối với những người xung quanh, thế nhưng chúng ta lại dành rất ít thời gian để chăm sóc nó.
Giống như một dòng sông với mặt nước tĩnh lặng, khi mọi thứ ngừng lại, bạn có thời gian thở nhẹ nhàng và thấy rõ dòng chảy tâm trí của mình hơn. Đây là điều quan trọng và cần thiết để bắt đầu hành trình kết nối với chính mình. Để yêu thương và trân trọng bản thân, trước hết bạn cần thấu hiểu được mình. Để thấu hiểu được mình, bạn cần một lối sống tạo điều kiện cho sự tĩnh lặng và chậm rãi. Quan sát những suy nghĩ, cảm xúc của mình không phải để đánh giá và nghiêm khắc quá mức với bản thân, mà là để phục vụ cho việc thấu hiểu.
Khi đã thấu hiểu và cảm thông được cho chính mình, chúng ta sẽ tìm ra những thứ mang ý nghĩa trọn vẹn trong cuộc sống và không còn phải lấp đầy sự trống rỗng bằng những điều mong manh từ ngoại cảnh.
Comments