top of page
Tìm kiếm

"JOMO" (Joy of Missing Out): Khi niềm vui đến từ việc bỏ lỡ và ngó lơ

Sau khi cùng tìm hiểu về hội chứng sợ bị bỏ lỡ là "FOMO", trong bài này, LeLa Journal sẽ phân tích rõ hơn về hội chứng trái ngược và cũng là lối thoát cho FOMO, có tên là "JOMO" (Joy of Missing Out). Nếu bạn đã ra quyết định rằng bản thân muốn sống trọn từng giây từng phút, có chủ đích và thậm chí là có chánh niệm, JOMO chính là người đồng hành của bạn.



JOMO là gì?


Cụm từ "JOMO" được nhắc đến lần đầu tiên bởi blogger Anil Dash vào năm 2012 (1). Điều quan trọng ở JOMO là bạn chủ động và tự do chọn lựa mối quan tâm của mình, không phụ thuộc vào người khác hoặc những gì đang diễn ra với cộng đồng ngoài kia.


Tương tự như "FOMO", cũng phải sau vài năm sau thì khái niệm JOMO mới được phổ biến rộng rãi nhờ vào "ông trùm" Google. JOMO có khuynh hướng khiến người dùng giảm nhu cầu sử dụng mạng xã hội và điện thoại, nhưng thực tế là vào năm 2018, CEO Sundar Pichai của Google lại công bố phát triển nhiều tính năng và tiện ích trên điện thoại để giúp mọi người dễ ứng dụng JOMO vào cuộc sống hơn (2).


Tiêu biểu trong đó là tính năng theo dõi thói quen và thời lượng dùng từng app, úp màn hình điện thoại để chuyển sang chế độ im lặng, chuyển giao diện sang trắng đen để giảm độ bắt mắt của điện thoại và các app - đặc biệt là mạng xã hội...

Làn sóng JOMO từ đó đã lan truyền sang tay những "ông trùm" khác, vì thế, bạn rất dễ bắt gặp những tính năng tối ưu hóa sự tập trung trong điện thoại thông minh hiện nay.



Tư duy JOMO


Để thoát khỏi FOMO và tiến đến JOMO, bạn cần thay đổi tư duy sống. Đầu tiên, bạn cần chấp nhận rằng chúng ta không thể nào đuổi kịp được với trải nghiệm của tất cả mọi người trên thế giới. Càng mong cầu nhiều những điều không thể, ta sẽ càng có xu hướng cảm thấy trống rỗng. Thay vào đó, bạn hãy thử thay đổi góc nhìn về những giá trị sống và xác định lại những điều thật sự quan trọng mà bản thân muốn hướng tới trong đời.


Tối thứ Sáu, sau cả tuần mệt mỏi, tư duy FOMO sẽ khiến bạn muốn thử tất cả các trải nghiệm giải trí như là ăn uống, nghe hát, coi kịch, xem phim, chơi thể thao... Còn với tư duy JOMO, có thể bạn sẽ chỉ muốn làm điều bạn thích, cũng như điều mà cơ thể bạn đang thực sự cần, như là về nhà, ăn một bữa thật ngon để tái tạo năng lượng, thậm chí là ôm mèo...

Như vậy, tư duy JOMO sẽ khiến bạn ít so sánh bản thân với mọi người hơn (3). Bạn được tập trung vào bản thân hơn và từ đó, có một cuộc sống an lạc hơn (4), (5).



Cal Newport, tác giả nổi tiếng với nhiều đầu sách với chủ đề hiệu quả công việc, đã đưa ra gợi ý về 9 điều cần lưu ý để thực hành sự tối giản trong thời đại số (6):


1. Bỏ lỡ không hẳn là xấu: Thay vì "mải mê" chạy theo những hoạt động của người khác chỉ vì sợ bỏ lỡ, hãy tập trung vào giá trị trong những hoạt động cá nhân của bạn.


Chẳng hạn, bạn có thể sắp xếp một bữa tối cuối tuần với những người mà bạn thực sự yêu quý và họ cũng thực sự chấp nhận những giá trị của bạn. Từ đó, thay vì cứ mong chờ những sự kiện cuối tuần, bạn sẽ mong chờ được tương tác, giao tiếp với những người mang lại ý nghĩa cuộc sống cho bạn.

2. Ít mà chất vẫn tốt hơn: Nói không với các hoạt động không có nhiều ý nghĩa đối với bạn. Thay vào đó hãy dồn năng lượng và thời gian vào những việc mang đến ý nghĩa và giá trị cao.


Về điều này, bạn có thể thử áp dụng "Quả cà chua" Pomodoro, nguyên tắc 80/20—hay còn là "Nguyên tắc Pareto" về việc làm ít nhưng tập trung vào chất lượng (7)...


3. Luôn bắt đầu từ giá trị cốt lõi: Xác định các nguyên tắc và giá trị cốt lõi của bạn để duy trì lối sống bạn muốn. Sau đó, hãy lọc các hoạt động trong ngày dựa trên giá trị của bạn, như là câu hỏi "Điều này có tăng thêm giá trị đáng kể cho thứ tôi cho là quan trọng không?"


Chẳng hạn, bạn đề cao giá trị trung thực và sức khỏe thân-tâm, vậy bạn có thể tự hỏi "rồi việc đi nhậu với những người bạn xấu tính có mang thêm giá trị nào cho cuộc sống này không?"

4. Đi tìm thứ tốt nhất: Tiếp tục với câu hỏi bên trên, khi có một hoạt động nào đó, đừng vội hài lòng nếu nó chỉ ở mức "tạm được". Hãy đi tìm cách thức/công cụ "tốt nhất" và thật sự phù hợp với nguyên tắc và giá trị sống của bạn, thông qua câu hỏi "Đây có phải là cách 'tốt nhất' để gia tăng giá trị của khía cạnh này trong đời sống không?"


Chẳng hạn, đi nhậu với bạn bè thì cũng là cách tốt để gia tăng sự bền chặt của tình bạn. Nhưng nếu bạn đang trong những ngày sức khỏe kém, thì việc này lại không phải là cách tốt nhất để duy trì tình bạn lẫn chất lượng cuộc sống.


5. Sự "huyên náo" từ thế giới trực tuyến có thể làm bạn thêm căng thẳng: Không chỉ là sự bừa bộn vật chất mà những huyên náo từ thế giới số cũng có thể khiến bạn căng thẳng. Chẳng hạn, bạn dễ mệt mỏi với tiếng nhấp chuột liên tục và âm thanh thông báo không ngừng nghỉ.


Trong trường hợp này, có lẽ bạn cần thử áp dụng chiến thuật sau: "Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ, Người khôn, người đến chốn lao xao" (trích Cảnh nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm).

6. Sự chú ý của bạn cũng có giới hạn: Hãy thận trọng với các nền tảng trực tuyến, như mạng xã hội. Những nền tảng này đã được đầu tư hàng chục tỷ đô chỉ để gây nghiện. Sự chú ý của bạn nên được "tái phân phối" để hướng đến những mục tiêu có ý nghĩa với bạn.


7. Trực tuyến cũng chỉ để cải thiện tương tác trực tiếp: Kết nối trên mạng có thể giúp bạn cảm thấy được sở thuộc và nhất là được an toàn. Tuy nhiên, đó chỉ là sự khởi đầu. Để thật sự duy trì những kết nối này, bạn cũng cần chú ý tới tương tác trực tiếp trong cuộc sống.


8. Cẩn trọng với những công cụ không giải quyết vấn đề tồn tại đã lâu: Cụ thể, Cal Newport gợi ý rằng GPS và Google là những công cụ thực sự giải quyết những vấn đề tồn tại đã lâu, như là định vị và tìm kiếm thông tin. Trong khi đó, Snapchat lại không giải quyết một vấn đề như vậy. Hay nói chính xác hơn, chỉ khi bắt đầu tiến trình sử dụng, bạn mới nhận ra rằng mình có vấn đề mà công cụ này có thể giải quyết.


Đối với trường hợp của FOMO và JOMO, bạn cần cân nhắc kỹ xem liệu hoạt động nào mới thực sự giải quyết vấn đề của bạn.

9. Hoạt động vẫn tốt hơn là bị động: Thực tế thì con người vẫn có xu hướng vận động. Do đó, hãy tập trung năng lượng vào những hoạt động hữu ích với bạn.



Thói quen giúp bạn JOMO hơn


Sau đây là 10 thói quen có thể giúp bạn trở nên JOMO hơn:

  1. Nhận dạng, đối diện và ghi chú lại những lúc bạn bị FOMO.

  2. Theo dõi thói quen bị cuốn vào Internet.

  3. Thử "detox" mạng xã hội một tuần (8), hoặc nếu công việc của bạn không cho phép thì là một ngày mỗi tuần.

  4. Chủ động lên lịch trình một ngày của mình.

  5. Luyện tập nói "không" với những điều không có ý nghĩa lớn lao với bản thân.

  6. Viết nhật ký về những điều bạn quan sát được và trải nghiệm trong ngày.

  7. Mỗi ngày viết lại ba điều bạn biết ơn, càng chi tiết và gần gũi thì càng hiệu quả.

  8. Luyện tập tưởng tượng tiêu cực – đây là một bài tập của chủ nghĩa khắc kỷ, khi bạn cân nhắc tới tình huống tiêu cực.

  9. Hãy chủ đích cảm nhận bằng cả năm giác quan, ít nhất là một lần mỗi ngày.

  10. Thiền tập.



JOMO nghe cũng giống với YOLO ("you only live once") nghĩa là "bạn chỉ sống một lần". Đây là thái độ sống tích cực của phần lớn Gen Y trong khoảng thập niên trước mà có lẽ nhiều người còn nhớ tới. Tuy nhiên, có lẽ do xu thế hoài niệm, YOLO được dự báo là quay trở lại, tạo nên "nền kinh tế YOLO" phục vụ tinh thần yêu đời và tìm kiếm giá trị sống, nhất là của các bạn trẻ Gen Z khi họ có thể biến niềm đam mê thành sự nghiệp (9).


Comments


bottom of page