top of page
Tìm kiếm
Ảnh của tác giảNhư Thuyền

Lão hóa thành công: Khi "già đi" cũng là một dấu son đẹp của đời người

Nhiều người cảm thấy e ngại khi phải đối mặt với tuổi lão niên, từ đó coi giai đoạn này như gắn liền với những thay đổi tiêu cực. Tuy nhiên, vẫn có những người bắt đầu tuổi lão niên một cách đầy hào hứng, mạnh khỏe và hạnh phúc. Bài viết này của LeLa Journal sẽ chỉ ra những yếu tố kiến tạo nên một giai đoạn lão niên khỏe mạnh, hạnh phúc, viên mãn; cũng như những điều cần chuẩn bị để bước vào hành trình lão hóa thành công, giúp người già thấy vui-khỏe-có ích.



Lão hóa thành công là gì?


Khi mà các học giả còn đang bàn luận về những yếu tố góp phần xây dựng một cuộc sống tuổi già viên mãn thì vào năm 1961, Tiến sĩ Robert J. Havighurst đã đưa ra "bức tranh" đầu tiên về điều này.


Định nghĩa về "lão hóa thành công" mà Tiến sĩ Havighurst đưa ra nhấn mạnh những điều kiện xã hội thuận lợi cho cá nhân đạt được sự hài lòng và hạnh phúc mà không ảnh hưởng đến tài nguyên của các nhóm khác trong xã hội (1).

Đến tận bây giờ, sau hơn 60 năm kể từ khi khái niệm của Tiến sĩ Havighurst được đưa ra, mọi người vẫn chú ý đến nó vì quan điểm thú vị, khi nó cho rằng lão hóa cũng là một tiến trình tích cực (1).


Để đạt được sự tích cực đó, Rowe và Kahn đã đưa ra một khái niệm lão hóa thành công với mô hình không chỉ tập trung vào sự hài lòng và hạnh phúc, mà còn xét tới cả sức khỏe thể lý, sức khỏe tâm lý và chức năng xã hội của một người lão niên (2). Các yếu tố như sức hấp dẫn về ngoại hình, hiệu suất trong công việc, niềm tin tâm linh, hệ giá trị trong cuộc sống và các mối quan hệ là những khía cạnh chủ chốt của một tiến trình lão hóa thành công (3).


Mô hình của Rowe và Kahn đưa ra ba phương thức để đạt được sự lão hóa thành công là: Giảm thiểu rủi ro bị thương tật, chủ động trong cuộc sống và tích cực tham gia vào các hoạt động hỗ trợ sức khỏe thể chất và tinh thần (2). Điều này cũng tương tự như nội dung bí quyết gia tăng tuổi thọ của những người ở vùng xanhLeLa Journal đã đăng tải.



Kết quả của lão hóa thành công: Tuổi lão niên đáng mơ ước?


Khoa học đã phân loại ba dạng tiến trình lão hóa là bình thường, do bệnh lý và thành công. Lão hóa bình thường thường xuất hiện ở phần đông người già. Ở những người này, các chức năng tâm lý thường đạt đỉnh ở giai đoạn đầu trung niên; duy trì tương đối ổn định đến những năm cuối 50 tuổi hoặc đầu 60 tuổi; sau đó dần suy giảm ở những năm 80 tuổi; và suy giảm đáng kể có thể sẽ xuất hiện khi cá nhân gần lìa đời.


Lão hóa thành công thường xuất hiện ở những người duy trì được sức khỏe thể lý, nhận thức và sự phát triển xã hội lâu hơn; với sự suy giảm xuất hiện muộn hơn so người bình thường (4).

Khi thực hiện các bài trắc nghiệm, những người lão hóa thành công đạt được điểm số cao hơn những người còn lại về mức độ nhận thức, trạng thái hạnh phúc, cảm nhận về sự khỏe mạnh thể lý; và đạt điểm số thấp hơn những người còn lại về các bệnh lý thường gặp (ung thư, đột quỵ, loãng xương…) và vấn đề tâm lý (rối loạn trầm cảm, rối loạn lo âu, cơn hoảng loạn) (5).



Can thiệp vào quá trình lão hóa bằng phẫu thuật thẩm mỹ, có nên chăng?


Khi ngành hóa mỹ phẩm chen chân vào tiến trình phát triển tự nhiên của con người với các sản phẩm dán nhãn chống lão hóa, khái niệm này càng được phổ biến rộng rãi. Trong trường hợp này, phẫu thuật thẩm mỹ là một dạng can thiệp y khoa nhằm mục đích ngăn chặn tiến trình lão hóa và những sầu muộn kéo theo từ tiến trình lão hóa (6).


Ngành công nghiệp thẩm mỹ đã cài cắm ý tưởng rằng lão hóa có thể được ngăn chặn bởi các sản phẩm hoặc dịch vụ giúp người dùng trông trẻ, khỏe khoắn và tươi tắn hơn tuổi (6). Như vậy, liệu việc sử dụng mỹ phẩm, hoặc thậm chí phẫu thuật thẩm mỹ để có một ngoại hình trông trẻ hơn có góp phần vào sự lão hóa thành công?


Trên thực tế, xu hướng lạm dụng thái quá việc phẫu thuật thẩm mỹ để có được ngoại hình trẻ hơn sao cho "vừa mắt" có thể là một chỉ dấu của mức độ chấp nhận ngoại hình bản thân ở mức thấp (7). Mức độ chấp nhận ngoại hình thấp có thể xuất phát từ sự hài lòng về cuộc sống thấp, lòng tự tôn thấp, tự nhận định sức hấp dẫn ngoại hình bản thân ở mức thấp và thậm chí là không có niềm tin tôn giáo mạnh mẽ (8).

Mức độ chấp nhận của mỗi người đối với cơ thể đang lão hóa đóng vai trò chủ chốt trong trạng thái an lạc (well-being) của người lớn tuổi (9). Nghiên cứu cho thấy những người thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ vì mục đích nội tại thường hài lòng với kết quả phẫu thuật; ngược lại, những người thực hiện phẫu thuật vì mục đích ngoại tại như để phù hợp tiêu chuẩn xã hội, hoặc để làm hài lòng người khác thì thường không hài lòng với kết quả (10).


Điều khiến ta hạnh phúc là sự chấp nhận bản thân chứ không đơn thuần là ngoại hình. Vậy, với nhiều người, kể cả khi họ can thiệp y khoa để có diện mạo trẻ trung hơn thì cũng không có gì đảm bảo được rằng họ sẽ hài lòng với diện mạo và chấp nhận cơ thể mình.

Bên cạnh đó, lão hóa thành công cũng phụ thuộc nhiều vào văn hóa của từng vùng và từng người, do đó, không có con đường duy nhất dẫn đến lão hóa thành công mà chỉ có cảm nhận chủ quan của mỗi người khi về già mới tạo ra được điều đó (11). Như vậy, chăm lo ngoại hình có thể được coi là một phần của lão hóa thành công, nhưng nếu chỉ chăm chút hoặc can thiệp y khoa để có một vẻ ngoài trẻ trung thì vẫn chưa đủ.



Làm thế nào để sống vui khỏe bất kể tuổi tác?


Mỗi cá nhân đều có thể đạt được sự thành công trong tiến trình lão hóa, thông qua những lựa chọn, hành vi thích hợp và nỗ lực tự thân (12).


Có thể nói rằng nhận thức và thái độ của những người đang lão hóa sẽ tạo nên sự thành công của tiến trình lão hóa. Đây là một tiến trình diễn ra xuyên suốt cuộc đời mỗi người, kể từ khi chúng ta còn nhỏ, xem nó như một phần tất yếu mà bất kỳ ai cũng đang trải nghiệm. Song song đó, khi đã già, chúng ta có thể nghĩ về những "di sản" mà ta muốn để lại cho đời, tiếp tục tham gia vào những hoạt động có ảnh hưởng đến cuộc sống và đến chính sự an lạc của chúng ta. Dấu ấn chúng ta để lại cho đời không nhất thiết phải là một thành tựu to lớn, nó có thể chỉ đơn giản là điều khiến ta tự hào và có ích cho người khác (13).



Chúng ta cũng có thể hỗ trợ tiến trình lão hóa của người lớn tuổi trong gia đình hoặc người thân xung quanh.

Nếu người già có được những điều sau: chế độ ăn uống điều độ, lối sống năng động, đời sống tinh thần hào hứng và linh hoạt, những kỹ năng ứng phó tích cực, các mối quan hệ xã hội với sự hỗ trợ (như bạn bè) và đặc biệt là cơ thể ít bệnh tật thì họ vẫn có thể duy trì hoặc thậm chí là cải thiện được những chức năng quan trọng này (14).


Cụ thể, chúng ta có thể thực hiện một số điều sau để hỗ trợ người lão niên trở nên vui-khỏe-có ích hơn:


1. Khuyến khích sự vận động:

  • Các hoạt động thể chất có thể giảm nguy cơ mắc các bệnh thường gặp ở người già như bệnh tim mạch, trao đổi chất, xương khớp (15). Hơn nữa, mức độ vận động tỷ lệ nghịch với mức độ suy giảm chức năng nhận thức (16).

  • Các hoạt động kích thích nhận thức hằng ngày như đọc sách, giải ô chữ, chơi bài cũng rất có ích (17).

  • Yoga cũng được xem là một hoạt động hữu hiệu để tạo ra các ảnh hưởng tích cực lên đời sống của người già, giúp họ có mức độ hài lòng cao hơn với cuộc sống, có cảm giác hòa hợp với cộng đồng (18). Yoga còn cải thiện chất lượng giấc ngủ, giảm sự mệt mỏi, tăng cảm giác an lạc, giảm nguy cơ trầm cảm, lo âu, và căng thẳng (19).


2. Tăng sự gắn kết xã hội cho người già:

  • Chúng ta cần bảo đảm "chất lượng" của những khoảnh khắc gia đình quây quần, bao gồm tăng thời gian và sự gắn bó trong các hoạt động chung có sự góp mặt của cả người lớn tuổi lẫn các thành viên còn lại.

  • Việc cố gắng tăng tương tác xã hội và có thêm nhiều mối quan hệ đa dạng (thay vì chỉ tương tác với gia đình) sẽ giúp cải thiện chức năng nhận thức, và tạo nhiều cơ hội tham gia các hoạt động vận động hơn (20). Mặc dù vậy, khi tuổi càng cao, đặc biệt là khi giảm các hoạt động vận động và về hưu, con người càng có xu hướng "thu rút" khỏi xã hội, giảm tương tác với những người xung quanh (21). Do đó, các thành viên trong gia đình cũng cần khuyến khích người lớn tuổi kết bạn thông qua việc tham gia vào các hoạt động vận động hoặc giải trí với các hội nhóm.


3. Duy trì môi trường sống ổn định cho người lớn tuổi:

Bên cạnh việc tăng kết nối, chúng ta cần lưu ý rằng môi trường sống quen thuộc là một yếu tố quan trọng trong cuộc sống của người già. Nghiên cứu đã cho thấy 64% người già mong muốn được tiếp tục sống tại môi trường quen thuộc của họ (22).


Kể cả khi không gian đó không còn đủ phù hợp và không đủ điều kiện cho những chăm sóc cần thiết dành cho người già, ví dụ sàn nhà tắm trơn trượt, cầu thang không có tay nắm, khóa cửa dễ bị khóa trái, có nhiều bậc thang cao bất tiện cho những người có khuyết tật… thì đó vẫn là nơi mang lại cho người già sự thoải mái, an toàn, thân thuộc và có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với họ (23), (24).


Mỗi một giai đoạn trong đời, con người đều có nguy cơ phải đối diện với những khủng hoảng khác nhau. Việc có được những thông tin cần thiết và nhận thức phù hợp về lão hóa, cùng với sự hỗ trợ và đồng hành của gia đình và xã hội sẽ là hành trang cần thiết để người già "ung dung" bước vào tiến trình lão hóa, tận hưởng niềm vui và sự an lạc của tuổi lão niên.


Comments


bottom of page