top of page
Tìm kiếm

Kỳ 1: Khi xung đột trở thành yếu tố tiềm năng thúc đẩy mọi sự tiến bộ

Mâu thuẫn vẫn luôn hiện diện trong đời sống, nói theo bài học Triết trên giảng đường thì "mâu thuẫn chính là nguồn gốc của sự vận động và phát triển xã hội". Tuy nhiên, chúng ta đã hiểu hết những ngóc ngách ẩn tàng của những xung đột ấy hay vẫn còn nhìn nhận tiêu cực về nó? Theo Baden Euson - tác giả cuốn sách Conflict Management (tạm dịch: Quản lý Mâu thuẫn), khi hiểu rõ được bản chất của mâu thuẫn, chúng ta sẽ có khả năng biến nó thành điều tích cực và nhận ra rằng, ngay cả mâu thuẫn đôi khi cũng đem lại nhiều giá trị.



Bất đồng đi lên theo hình xoắn ốc


Baden Euson cho biết, xung đột là kết quả của những bất đồng nhỏ và thường phát triển chậm theo thời gian. Những sự kiện này leo thang theo hình xoắn ốc (conflict spiral), bắt đầu từ mâu thuẫn nhỏ không dễ nhận biết cho đến khi hình thành bất đồng quan điểm công khai. Mâu thuẫn trải qua một số giai đoạn nhất định. Đầu tiên, chúng ta sẽ phải chịu đựng những điều khó chịu mà cuối cùng sẽ dẫn đến xung đột. Tiếp đến, sự khoan dung trong mỗi con người mất dần và kéo theo những tình huống trầm trọng hơn.


Vòng xoáy xung đột phát triển không ngừng sẽ đưa chúng ta đến một loạt vấn đề đi theo từng cấp độ, ví dụ như: gieo rắc tin đồn -> bất hợp tác -> trộm cắp, phá hoại -> cằn nhằn, than vãn -> đổ lỗi -> tranh cãi -> kéo bè phái -> khiêu khích -> bạo lực (đối với người khác hoặc bản thân).

Một khi mâu thuẫn vượt ngoài tầm kiểm soát, nó đưa đến những hậu quả như: gây ra cảm xúc khó chịu; gia tăng định kiến tiêu cực về người mà chúng ta đang không thích; giảm khả năng hợp tác giữa những người phải làm việc và sống cùng nhau, tạo điều kiện cho sự lãnh đạo chuyên quyền vì việc ra quyết định dựa trên thảo luận chung đã không còn. Mâu thuẫn cũng khiến chúng ta khó đứng dưới góc nhìn của người khác để đồng cảm.



Từ khác biệt nhận thức đến đặc điểm tiến hóa của con người


Điều gì góp phần tạo nên xung đột? Euson phân tích một số nguyên nhân chính gây ra mâu thuẫn giữa chúng ta và người khác như sau:

  • Nguồn lực khan hiếm (resource scarcity):

Hai bên cùng mong muốn một điều, chẳng hạn những thứ nhỏ nhặt như chiếc áo độc nhất trong cửa hàng, chỗ đậu xe thoáng mát, chỗ ngồi gần cửa sổ cho đến tình cảm của một người khác, tài sản thừa kế, đất đai, hợp đồng kinh doanh, quyền kiểm soát chính trị của quốc gia… Khi một thứ gì đó không thể chia sẻ cho cả hai, mâu thuẫn có thể xảy ra.


  • Nghịch cảnh (adversity):

Nền kinh tế suy thoái sẽ làm gia tăng căng thẳng. Những thời điểm khó khăn kiểu này có thể khiến một số cá nhân, cộng đồng hoặc quốc gia phát sinh xung đột nội bộ. Ví dụ, suy thoái kinh tế trong nước kết hợp với xung đột bên ngoài sẽ làm tình hình xung đột nội bộ ở cấp quốc gia trở nên tệ hơn.


Theo Euson, tất nhiên, giai đoạn khó khăn sẽ giúp một nhóm gắn kết hơn nếu các thành viên hiểu rằng sự hợp tác mới giúp xoa dịu tình hình và cùng nhìn nhận nghịch cảnh như là thách thức, chứ không phải thất bại (vì khi khó khăn trở nên “khó khăn”, mâu thuẫn sẽ vẫn tiếp diễn).


  • Nhầm lẫn trong giao tiếp (faulty communication):

Chúng ta có thể hiểu sai một lời nhận xét/bình luận, xem đó là sự xúc phạm trong khi người kia không cố ý. Sự im lặng thường bị hiểu sai là thù địch, trong khi nó đơn thuần chỉ là im lặng. Những nhầm lẫn trong giao tiếp này sẽ dẫn đến mâu thuẫn và có khả năng bị đẩy lên cao nếu kỹ năng giao tiếp của chúng ta không giỏi.


  • Khác biệt về nhận thức (perceived differences):

Xuyên suốt lịch sử, con người đã quen với việc xem những người đến từ các chủng tộc, tôn giáo, giai cấp và khu vực khác là mối đe dọa (threats) hoặc đồng minh tiềm năng (potential allies).


Bên cạnh đó, chúng ta luôn nhìn nhận vấn đề theo những cách khác nhau. Ví dụ, cùng một câu chuyện nhưng mỗi người sẽ tập trung vào một khía cạnh/thông điệp, và góc nhìn của chúng ta thường phụ thuộc vào những gì bản thân quan tâm, những gì đã quen thuộc và những gì chúng ta xem là quan trọng.


  • Đặc điểm sinh học (biology):

Tính gây hấn, công kích có thể là một đặc điểm tiến hóa của con người. Các chuyên gia trong lĩnh vực tâm lý học tiến hóa và xã hội học lập luận rằng, tổ tiên của chúng ta cần sự hung hăng để chống lại động vật hoang dã và tồn tại trong môi trường cạnh tranh. Khi đó, những người cổ đại này đã gây hấn với nhau để tranh giành các nguồn tài nguyên khan hiếm như thức ăn và lãnh thổ.


Trong thời hiện đại, chúng ta có lẽ vẫn giữ những đặc điểm này mặc dù đang sống trong môi trường văn minh hơn và không mấy thiếu thốn. Nhân loại cũng có nhiều khả năng tiếp cận với "công cụ khuếch đại bạo lực" hơn (violence amplifiers), chẳng hạn như súng, bom, vũ khí hạt nhân, vũ khí hóa học và sinh học.

  • Môi trường và sức khỏe (environment and health):

Một số yếu tố khác như môi trường và sức khỏe cũng có thể góp phần gây ra xung đột. Thời tiết nóng hoặc đường phố đông nghẹt dễ khiến chúng ta nổi cáu. Những người thường xuyên ốm yếu, bệnh tật có ít khả năng chịu đựng các tình huống tranh chấp, mơ hồ hoặc biến đổi liên tục, dẫn đến việc dễ nảy sinh mâu thuẫn.



Chọn hợp tác hay lảng tránh? Chọn thỏa hiệp hay cạnh tranh?


Mỗi người đều có cách phản ứng với xung đột khác nhau mà Euson gọi là conflict-handling styles (tạm dịch: phong cách xử lý xung đột). Có năm phong cách chính, đó là:

  1. Cạnh tranh (competing): Giải quyết tranh chấp một cách nhanh chóng, quyết đoán, thường cần đến khi xử lý các vấn đề mang tính cấp bách, đột ngột và người ra quyết định tự tin rằng mình đúng.

  2. Hợp tác (collaborating): Tìm giải pháp đôi bên cùng có lợi vì mối quan tâm của hai nhóm đều quan trọng như nhau. Hợp tác diễn ra khi mục tiêu của bạn là học, giữ mối quan hệ hoặc đạt được sự đồng thuận, cam kết bằng cách ghi nhận mối quan tâm, quan điểm của cả hai bên.

  3. Thỏa hiệp (compromising): Mỗi bên chịu nhường một bước để đi đến giải pháp tất cả cảm thấy hài lòng. Chúng ta cần thỏa hiệp để đạt được giải pháp tạm thời cho các vấn đề phức tạp dưới áp lực thời gian cạn dần, và để dự phòng khi phương án hợp tác hoặc cạnh tranh không thành công.

  4. Lẩn tránh (avoiding): Không tham gia đòi quyền lợi và để cho người khác quyết định. Lẩn tránh thường hữu ích khi vấn đề gặp phải không quan trọng hoặc có những thứ quan trọng khác khẩn cấp hơn, khi bạn muốn mọi người bình tĩnh lại hoặc đã có người giải quyết vấn đề hiệu quả hơn.

  5. Nhượng bộ (accommodating): Nhượng bộ đối phương xảy ra khi chúng ta nhận ra mình sai và cần lắng nghe những quan điểm tốt hơn, hoặc vì vấn đề tranh chấp quan trọng với người khác hơn chính bạn. Đây cũng là một cách làm hài lòng người khác, duy trì sự hợp tác và giảm thiểu thiệt hại nếu bị áp đảo.


Có phải xung đột luôn là điều xấu?


Mâu thuẫn không đem lại cảm giác dễ chịu và không dễ đối phó, nhưng đôi khi nó thúc đẩy chúng ta tạo ra những kết quả tích cực. Baden Euson cho rằng, khi những khó chịu ẩn chứa trong lòng cuối cùng cũng thể hiện ra ngoài, điều đó giải phóng chúng ta khỏi áp lực, khiến ta cảm thấy nhẹ nhõm và bình tĩnh xem xét lại vấn đề. Tranh cãi giúp chúng ta hiểu thêm về góc nhìn của những bên tham chiến và nhận ra một số thông tin hữu ích trong các quan điểm đối lập, cùng với đó là tìm ra góc nhìn mới cho chính mình.


"Mỗi người thậm chí có thể không nhận thức được quan điểm của bản thân, cho đến khi xảy ra tình huống xung đột buộc chúng ta bộc lộ những quan điểm đó. Đây cũng là lúc bạn nhận thức được điểm yếu cũng như sự không nhất quán trong ý tưởng của mình. Và điều này tiếp thêm động lực để chúng ta suy nghĩ và làm những điều mới lạ" - Euson nhận định (1).

Sự gắn kết trong nhóm có thể tăng lên khi các thành viên xích lại gần nhau hơn sau những căng thẳng bắt nguồn từ xung đột (và sự giải tỏa đi kèm khi đã giải quyết thành công xung đột đó). Mối liên kết giữa họ mạnh mẽ hơn chứ không yếu đi.



Nhà sinh vật học Charles Darwin cho biết, xung đột giữa các sinh vật sẽ giúp những loài có khả năng thích nghi nhất sống sót, do đó sự tiến hóa sẽ phụ thuộc vào xung đột. Cùng quan điểm đó, nhà kinh tế học Karl Mark lập luận rằng sự tiến bộ trong xã hội loài người phụ thuộc nhiều vào mâu thuẫn giữa các tầng lớp.


Hay như nhà viết kịch George Bernard Shaw đã diễn đạt theo một cách khác: "Người có lý sẽ tìm cách thích nghi với thế giới, người vô lý thì kiên trì cố gắng điều chỉnh thế giới theo chính mình. Vì vậy mọi tiến bộ sẽ phụ thuộc vào người vô lý" (2).

Trong Kỳ 2, LeLa Journal sẽ giới thiệu đến độc giả một phương pháp hóa giải xung đột tối ưu được áp dụng bởi nhiều chuyên gia, đó là đàm phán (negotiation). Và cụ thể hơn, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu cách làm thế nào để cả đôi bên cùng có lợi khi đang xảy ra mâu thuẫn.


​Đọc tiếp Kỳ 2 đã được đăng tải trên LeLa Journal: Khi giải quyết xung đột cũng tạo ra phong cách


Comments


bottom of page