top of page
Tìm kiếm
Lê Hạnh Xuân

Làm thế nào để bé ngủ ngoan?

Chăm sóc trẻ sơ sinh với nếp sinh hoạt khác lạ có thể làm đảo lộn cuộc sống hằng ngày của cả gia đình. Đặc biệt là những người lần đầu làm cha mẹ cảm thấy vô cùng bối rối và kiệt sức khi con thường xuyên thức dậy quấy khóc giữa đêm hoặc ngọ nguậy kêu la suốt ngày dù không đói, cũng không ướt tã. LeLa Journal sẽ giới thiệu vài kiến thức về giấc ngủ của trẻ để các bậc phụ huynh có thể hiểu và hỗ trợ con mình ngủ đủ giấc, đồng thời cha mẹ cũng cảm thấy nhẹ nhàng, an tâm hơn trên hành trình nuôi dạy bé.


Giấc ngủ ngon giúp trẻ phát triển hoàn thiện và cha mẹ có thời gian dành cho bản thân, công việc

Hiểu được giấc ngủ của trẻ


Khi vừa được sinh ra, trẻ trải nghiệm một môi trường hoàn toàn mới lạ, khác với những gì trẻ cảm nhận được từ trong bụng mẹ. Tất cả các cơ quan trên cơ thể kể cả hệ thần kinh của trẻ phải tập thích nghi với môi trường xung một cách từ từ. Chính vì vậy, trẻ sơ sinh thường dành phần lớn thời gian để ngủ (từ 15 - 17 giờ đồng hồ mỗi ngày) và chỉ thức trong khoảng năm - bảy giờ để ăn và vận động.


Trong tổng thời gian ngủ mỗi ngày, trẻ sẽ trải qua nhiều chu kỳ ngủ, mỗi chu kỳ ngủ thường kéo dài khoảng hai ba giờ (mặc dù cũng có những trẻ ngủ được đến bốn giờ đồng hồ) và sau đó thức dậy để ăn, hoạt động một lát rồi ngủ tiếp. Vì hệ thần kinh của trẻ chưa được hoàn thiện nên trong khoảng thời gian từ khi mới được sinh ra cho đến hai tuần tuổi, thời gian thức của trẻ chỉ kéo dài được tối đa là 45 phút. Khi trẻ lớn lên cùng với sự hoàn thiện tốt hơn của hệ thần kinh, thời gian này sẽ tự động được kéo dài hơn.


Giấc ngủ của con người, kể cả trẻ sơ sinh, đều bao gồm hai giai đoạn tiếp nối nhau tạo thành một chu kỳ ngủ gồm có:


  • Giai đoạn ngủ sâu (Non-REM): khi toàn bộ cơ thể được thư giãn, thả lỏng hoàn toàn. Nhịp tim và nhịp thở nhẹ nhàng, đều đặn. Não bộ được hoàn toàn nghỉ ngơi, cơ thể dần đi vào trạng thái vô thức. Đây là lúc cơ thể đang phục hồi năng lượng.

  • Giai đoạn ngủ nông hay còn gọi là "giấc ngủ có sự chuyển động liên tục trong mắt" (REM – Rapid Eyes Movement): Giống như tên gọi của chu kỳ này, đây là giai đoạn mà mặc dù mắt vẫn nhắm và cơ thể đang trong trạng thái ngủ, tuy nhiên, các sóng não đã bắt đầu thay đổi để giống với sóng não trong trạng thái tỉnh táo và tập trung, khi mà mắt còn đang đảo đều liên tục. Lúc này, nhịp tim và nhịp thở đều được tăng lên, bắt đầu xuất hiện những giấc mơ và dễ tỉnh dậy trong khi ngủ. Giấc ngủ REM giúp não bộ trẻ được kích hoạt vì thế giúp sản sinh các tế bào não, hoàn thiện hệ thần kinh, học các kỹ năng vận động như bò, ngồi… Nếu thiếu hụt thời lượng ngủ REM, trẻ có thể bị hạn chế khả năng học và hoàn thiện các kỹ nặng vận động để phát triển sau này.


Chu kỳ giấc ngủ của trẻ

Mỗi giấc ngủ của trẻ sẽ bao gồm nhiều chu kỳ nối tiếp nhau liên tục. Đối với trẻ sơ sinh, mỗi chu kỳ này sẽ kéo dài khoảng 45 phút với 20% ngủ sâu và 80% ngủ nông. Tỷ lệ này sẽ dần chuyển thành 50% ngủ sâu và 50% ngủ nông khi trẻ bước qua 3 tháng tuổi. Việc trải qua phần lớn thời gian ngủ nông giúp trẻ có thể cảm nhận được cơn đói để thức dậy đòi ăn nhằm bổ sung đủ năng lượng, đáp ứng nhu cầu phát triển của cơ thể, đồng thời trẻ cũng học được cách hoàn thiện các kỹ năng trong thời gian ngủ này.



Nhận diện các dấu hiệu báo rằng trẻ cần đi ngủ


Các dấu hiệu thể chất mà cha mẹ dễ dàng quan sát thấy khi trẻ dần trở nên mệt mỏi và muốn đi ngủ là:

  • Nhìn đi chỗ khác.

  • Ngáp.

  • Đưa tay lên dụi mắt.

  • Kéo tóc, giật tai.

  • Quấy khóc.

Khi nhận thấy các dấu hiệu đầu tiên như giảm sự chú ý, ngáp và dụi mắt thì cha mẹ nên chuẩn bị cho con đi ngủ. Tránh để đến khi trẻ quá mệt và bắt đầu gắt ngủ sẽ làm trẻ bị căng thẳng, bật khóc không ngừng cho đến khi mệt lả, ngủ thiếp đi. Việc này cũng gây ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ, bởi khi thiếp đi trong trạng thái căng thẳng, trẻ chỉ ngủ được khoảng 30 phút rồi lại bắt đầu khóc tiếp cho đến khi ổn định lại.


Mỗi khi cho con đi ngủ, cha mẹ có thể thực hiện một chu trình dỗ giấc ngủ thống nhất, gồm các bước theo tuần tự như: bế con lên, tắt đèn, kéo rèm, hôn lên trán hoặc hát cho con nghe một đoạn hát ru ngắn, rồi đặt con xuống khi con còn tỉnh và để con tự chìm vào giấc ngủ. Khi cha mẹ đều đặn thực hiện các bước tuần tự này sẽ tạo ra phản xạ có điều kiện giúp trẻ nhận biết được khi nào chuẩn bị được ngủ và lập tức chìm vào giấc ngủ khi nhận thấy các hành động kể trên.


Dạy trẻ phân biệt giấc ngủ ngày và đêm


Khi vừa mới sinh ra, trẻ luôn ngủ và ăn theo một chu kỳ đều đặn khoảng hai - ba giờ bất kể ngày hay đêm. Tuy nhiên, bắt đầu từ tuần thứ hai, cha mẹ có thể giúp con phân biệt ngày và đêm để con có thể tập thích nghi với lịch sinh hoạt của cả gia đình, không bị đảo lộn ngày đêm, đồng thời tránh tình trạng "ngủ ngày cày đêm" khiến cha mẹ vất vả.


Bạn có thể bắt đầu việc giới thiệu ngày và đêm cho trẻ bằng cách thay đổi các điều kiện môi trường xung quanh khi bé thức dậy như sau:


Khi trẻ thức vào ban ngày, hãy để cho trẻ ra ngoài tiếp xúc với không khí, ánh sáng và các âm thanh huyên náo. Trẻ có thể ăn và vận động trong môi trường nhiều yếu tố kích thích để nhận biết được rằng đây là thời gian để chơi và vận động. Còn vào ban đêm, khi trẻ thức dậy và đòi ăn giữa đêm thì bạn có thể cho con ăn trong điều kiện ánh đèn mờ, yên tĩnh, tránh những tiếng ồn. Đặc biệt là sau cữ ăn đêm, con sẽ không thức dậy để làm bất cứ hoạt động gì nữa, mà sẽ ngủ thẳng giấc kế tiếp.

Dần dần, trẻ sẽ được hình thành phản xạ phân biệt được ngày và đêm để hiểu rằng ngày là để ăn uống, vận động, vui chơi và đêm là để nghỉ ngơi và ngủ. Bắt đầu từ khoảng tháng thứ 2 trở đi, mẹ cũng có thể hạn chế đánh thức con dậy để cho bú đêm, nhằm giúp con tập kéo dài giấc ngủ đêm trọn vẹn như người lớn.


Tách rời ăn và ngủ


Nhiều người thường quen với việc cho con bú mẹ hoặc bú bình rồi để con tự chìm vào giấc ngủ. Điều này sẽ dẫn đến việc con quen đi ngủ với điều kiện sẵn có, nếu không con sẽ không thể tự vào giấc. Đồng thời, việc ngủ khi đang bú hoặc ăn cũng làm cho trẻ quên ăn, dẫn đến việc ăn ít hơn so với nhu cầu cần thiết và sẽ dễ thức dậy giữa giấc bởi chưa được ăn no. Một vòng luẩn quẩn kém ăn, kém ngủ sẽ hình thành làm cho cha mẹ cảm thấy mệt nhoài và không thể nào theo kịp.


Chính vì vậy, khi qua hai tuần tuổi, lúc trẻ đã có thời gian thức và hoạt động được kéo dài hơn thì cha mẹ cần tập cho con thói quen ăn no, ngủ kỹ. Sau khi thức dậy, con sẽ được ăn, sau đó là hoạt động cho đến khi mệt thì thực hiện chu trình đi ngủ. Như thế vừa đảm bảo con ăn được đúng lượng thức ăn phù hợp với sự phát triển và ngủ được giấc trọn vẹn.


Hỗ trợ con chuyển giấc


Hành trình giúp cho con ngủ ngoan cần thật nhiều sự hỗ trợ và kiên nhẫn từ cha mẹ

Như đã nói trong phần hiểu về giấc ngủ, mỗi lần ngủ của trẻ sơ sinh có thể kéo dài hai - ba giờ gồm nhiều chu kỳ ngủ nối tiếp nhau. Trong đó, trẻ thường dễ bị thức giấc trong giai đoạn ngủ nông (REM) khi mới bắt đầu ngủ được khoảng 30 – 45 phút. Khi con ngủ được một giấc ngắn đã cựa quậy bật khóc, có nhiều cha mẹ nhầm tưởng rằng con đói hoặc khó chịu nên lập tức bế con dỗ dành hoặc cho con ăn. Việc này sẽ khiến cho giấc ngủ của con bị rút ngắn, con mệt mỏi, kém ăn và dễ quấy khóc nhiều hơn.


Do đó, khi con mới ngủ được một thời gian ngắn mà tỉnh dậy, trong khi cơ thể và tã của con không có gì bất thường, đồng thời khoảng cách từ bữa ăn gần nhất đến hiện tại không quá ba tiếng đồng hồ thì cha mẹ có thể để yên cho con ngo ngoe cựa quậy rồi trẻ sẽ tự chuyển giấc sang chu kỳ ngủ tiếp theo. Lúc đó, con sẽ học được cách tự chuyển giấc để ngủ đủ.

Hãy thật kiên nhẫn


Mỗi em bé sẽ có một đặc điểm và trải qua những chu trình ngủ khác nhau, cha mẹ cần dành thời gian quan sát hoặc ghi chép lại để hiểu được chu trình ngủ của con mình gồm những giai đoạn nào, rồi áp dụng những biện pháp phù hợp.


Việc quan sát được những đặc điểm riêng của con có thể sẽ mất một khoảng thời gian, cộng thêm sự phản ứng bản năng của trẻ khi cha mẹ cố gắng tập cho con hình thành thói quen ăn ngủ đúng giờ. Quá trình này đòi hỏi cha mẹ có sự bình tĩnh, kiên nhẫn để cùng con đạt được đến mục tiêu ăn - ngủ đủ và khỏe mạnh. Cùng với đó, chính cha mẹ cũng có thời gian để làm việc, chăm sóc bản thân và chăm sóc cho gia đình tốt hơn.

Comments


bottom of page