top of page
Tìm kiếm
Ảnh của tác giảThủy Đồng

Ở độ tuổi nào, phụ nữ hạnh phúc cũng luôn là những "cô gái đôi mươi"

Búp bê Barbie, váy babydoll hay diềm đăng-ten, là những món đồ mà hầu hết nữ giới ở bất kỳ độ tuổi nào cũng đôi lần "mê mẩn", đến mức dù "trend" này đã xuất hiện hàng chục năm qua nhưng vẫn luôn được lăng-xê trong những trào lưu thời trang trên mạng xã hội. Đằng sau những xu hướng này là cả một câu chuyện về "tiêu chuẩn kép" áp đặt lên phụ nữ.



Sức hút vượt thời gian của những món đồ "thời thiếu nữ"


Barbie (2023), bộ phim vừa ra mắt mùa Hè năm nay lấy cảm hứng từ búp bê Barbie huyền thoại, đã xác lập nhiều kỷ lục phòng vé toàn cầu. Mặc dù là bộ phim dựa trên món đồ chơi của các bé gái, Barbie vẫn thu hút lượng lớn khán giả là nữ giới trưởng thành. Họ "phát cuồng" vì màu hồng, băng đô, váy lấp lánh - thứ trang phục đậm chất thiếu nữ đã gắn liền với mình từ thời thơ ấu (1).


Các xu hướng lấy cảm hứng từ "thiếu nữ" đã không còn quá xa lạ. Với thời trang, dễ dàng bắt gặp những món đồ như váy nữ sinh, tất trắng, giày búp bê hay những chiếc áo gắn diềm nơ, đăng ten, gây "sốt" các mạng xã hội suốt một thời gian dài, mà tiêu biểu chính là phong cách Lolita.



Nếu thường xuyên sử dụng TikTok, có thể bạn đã nghe đến những cụm từ như "clean girl", "girl dinner" hoặc "hot girl summer" (2), (3), (4). Đây là chủ đề chính của rất nhiều video về lối sống và phong cách thời trang của một nhóm đông đảo người dùng trên nền tảng mạng xã hội này.


Điểm chung của các xu hướng trên là tên gọi đều có từ "girl" - nghĩa là "cô gái", "thiếu nữ". Mặc dù vậy, những người hào hứng hòa mình vào dòng chảy này có cả phụ nữ thuộc nhiều độ tuổi, chứ không chỉ có "thiếu nữ" theo cách hiểu thông thường là thuở thiếu thời "mười tám, đôi mươi".


Nói cách khác, dường như phụ nữ ở độ tuổi nào cũng có mong muốn được nhìn nhận theo hướng "trẻ hóa", được trở lại thành thiếu nữ tuổi đôi mươi.


Định kiến xã hội khiến phụ nữ lo âu về tuổi tác


Hẳn bạn đã nghe tới câu nói "Đừng bao giờ hỏi tuổi phụ nữ". Đây là một câu nói vui, nhưng không phải không có cơ sở khi xã hội từ lâu đã có cái nhìn không mấy tích cực về phụ nữ lớn tuổi. Đặc biệt, sự phân biệt tuổi tác ở nữ giới rõ rệt hơn hẳn so với nam giới. Cụ thể là nam giới ở độ tuổi trung niên trở lên thường được gắn liền với hình ảnh chững chạc, dày dặn kinh nghiệm và có vị thế cao xã hội; trong khi phụ nữ lớn tuổi bị cho là kém hấp dẫn về ngoại hình, khó thăng tiến tại nơi làm việc hoặc thậm chí là khó tìm bạn đời (5), (6), (7).


Tại Trường Đại học bang Florida (Hoa Kỳ), hai nhà nghiên cứu là Anne Barrett và Carmen von Rohr đã thực hiện một thực nghiệm khoa học để tìm hiểu suy nghĩ của nam giới và nữ giới về tuổi tác. Người tham gia vẽ phác thảo chân dung một người lớn tuổi và sau đó trả lời các câu hỏi khảo sát. Kết quả cho thấy người tham gia là nữ giới có tỷ lệ lo âu khi lão hóa cao hơn hẳn so với nam giới (8).


Cụ thể, họ lo lắng rằng sức hấp dẫn và năng lực của bản thân, cũng như chất lượng cuộc sống sẽ giảm dần theo thời gian (8).

Ở một mức độ nào đó, nỗi lo tuổi tác của phụ nữ đã phản ánh một thực tế diễn ra hàng thế kỷ nay, đó là phụ nữ đang chịu "tiêu chuẩn kép" của sự phân biệt giới tính và phân biệt tuổi tác (9). Từ đó, dẫn đến áp lực vô hình buộc phái đẹp phải tìm nhiều cách để khiến bản thân "trông trẻ hơn tuổi", từ mặc những trang phục trẻ trung, sử dụng mỹ phẩm chống lão hóa hay thậm chí là phẫu thuật thẩm mỹ (10).




Sự thật đằng sau nỗi lo "già đi" của phụ nữ


Cũng trong nghiên cứu trên, Anne Barrett và Carmen von Rohr đã quan sát thấy rằng các nhân vật được vẽ bởi nữ giới trông tươi vui hơn so với nhân vật vẽ bởi nam giới. Có tới 60% nhân vật vẽ bởi phụ nữ là có nụ cười trên môi và chỉ 4% có nét mặt cau có, trong khi con số nét mặt cau có này với nam giới cao hơn tới ba lần (8).


Trong khi đó, những bức vẽ bởi tác giả nữ cũng ít thấy sự xuất hiện của gậy chống (dụng cụ hỗ trợ việc đi lại của người lớn tuổi) và cũng ít nếp nhăn hơn. Điều này có thể có nghĩa rằng góc nhìn về sự lão hóa của nữ giới tích cực hơn so với nam giới. Điều này cũng đã được chứng minh trong nhiều nghiên cứu khoa học khác (11), (12), (13). Nói cách khác, nỗi sợ tuổi già của phụ nữ không đến từ chính sự già đi, mà đến từ định kiến của xã hội.


Trên thực tế, họ không sợ tuổi tác, mà họ sợ bị đánh giá thấp nếu như "trông già đi".

Phải nói thêm rằng, theo xu hướng hiện đại ngày nay, nhiều phụ nữ không coi việc lão hóa là một điều tiêu cực, mà là một diễn trình tự nhiên, là sự tất yếu của cuộc đời. Phụ nữ đang dần học cách trân trọng sự lão hóa của mình và quan trọng hơn là lan tỏa điều đó đến những người phụ nữ khác.


Granfluencer - khái niệm chỉ những influencer lớn tuổi - đang xuất hiện ngày càng nhiều trên nền tảng TikTok và cả Instagram. Carla Rockmore, một granfluencer 50 tuổi với 1,3 triệu người theo dõi, đang miệt mài sản xuất những video dành cho phụ nữ cùng độ tuổi, hướng họ đến việc trân trọng làn da, mái tóc và sự "già đi" của mình. Với Carla, việc tỏa sáng không hề bị giới hạn bởi tuổi tác. Một ví dụ khác là người mẫu Luisa hiện đã hơn 50 tuổi, thường xuyên chia sẻ nội dung về vẻ đẹp của phụ nữ lớn tuổi.


Một video được nhiều người yêu thích của Luisa có nội dung như sau (14): "Làm sao để lên đồ ở tuổi 50?" 1. Lên tuổi 50 2. Lên đồ


Ăn mặc như thiếu nữ cũng là cách mà Red Hat Society, một tổ chức xã hội tại Hoa Kỳ dành cho phụ nữ cao tuổi, khuyến khích các hội viên làm theo (15). Phụ nữ gia nhập tổ chức thường mặc những trang phục tươi sáng, đặc trưng bởi chiếc mũ màu đỏ, bộ váy màu tím với băng đô và nơ cùng màu. Hai màu sắc này được chọn vì chúng đi ngược lại với những màu sắc trung tính, "nền nã" thường được gắn cho phụ nữ lớn tuổi. Cô Thelma, một thành viên của Red Hat Society, nói rằng những hoạt động này sẽ góp phần tạo ra suy nghĩ tích cực về phụ nữ lớn tuổi.


"Mọi người sẽ nhìn chúng tôi, nhưng thay vì nghĩ rằng chúng tôi trông thật ngớ ngẩn, thì họ sẽ nghĩ: Trông họ tận hưởng niềm vui kìa! Tôi cũng muốn được như họ khi tôi già đi!" - cô Thelma cho biết.

Các thành viên của Red Hat Society cũng nói rằng những hoạt động này giúp họ tìm lại được "đứa trẻ bên trong mình", đồng thời phá bỏ định kiến tuổi tác áp đặt lên phụ nữ (16).


Quay lại bộ phim Barbie hay những xu hướng gắn liền với hình ảnh thiếu nữ được đề cập đến ở phần đầu bài viết, thì ở một góc độ nào đó, đây có thể là cách để phụ nữ chống lại những định kiến tuổi tác mà xã hội áp đặt lên họ. Phụ nữ bị kỳ vọng phải hành động và ăn mặc "đúng tuổi", nếu không, họ sẽ bị cho là trẻ con, thậm chí kệch cỡm. Nhưng, đó chỉ là cái nhìn của xã hội. Còn đối với phụ nữ, đôi khi những chiếc váy búp bê, thắt nơ, đăng-ten lại khiến họ cảm thấy hạnh phúc và trân trọng tính nữ của mình. Có lẽ, phụ nữ dù ở độ tuổi nào thì ẩn sâu bên trong họ vẫn là những thiếu nữ, chỉ cần họ yêu thương bản thân mình và làm những điều mình cảm thấy hạnh phúc.



Bên cạnh đó, ngay cả khi bạn còn trong độ tuổi phơi phới mà mọi người nhận xét là "khôn đâu tới trẻ", bạn cũng có quyền cho phép bản thân được mặc những váy mình thích, đội chiếc mũ mình muốn... thay vì cất chúng trong tủ để "chờ tới dịp thích hợp" nhé. 20, 50, hay thậm chí là 70, 90 tuổi. Mình thích thì mình... cứ mặc thôi.

Hãy mở tủ quần áo của bạn ra và lục lại món đồ mà bạn luôn muốn để dành cho dịp đặc biệt. Nếu có thể, hãy chọn ra một ngày để mặc nó trong tuần này, tháng này, hoặc thậm chí, hôm nay. Bởi lẽ, ngày mà bạn vui và hạnh phúc chính là ngày đặc biệt và thích hợp nhất.



Mời độc giả đọc thêm bài viết đã được đăng tải trên LeLa Journal với tựa đề Lão hóa thành công: Khi "già đi" cũng là một dấu son đẹp của đời người.

Comments


bottom of page