SAD là viết tắt của Hội chứng Rối loạn Lo âu Xã hội (Social Anxiety Disorder). Trong xã hội hiện đại, không khó để bắt gặp những người trẻ "chỉ nghe tên mà không thấy mặt". Không phải vì những cá nhân này quá bận rộn đến mức không có thời gian giao tiếp, mà do bản thân họ từ chối việc góp mặt trong đời sống xã hội. Thay vào đó, họ thích lên mạng và tận hưởng những thú vui qua màn hình điện thoại hay bàn phím máy tính. Những người này thường được gọi vui là thanh niên "hướng nội full-time" nhưng "hướng ngoại online". Song, nếu ở mức độ nghiêm trọng như là SAD, họ cần sự hỗ trợ của chuyên gia.
Khi SAD là "nỗi sợ" giao tiếp
Hội chứng Rối loạn Lo âu Xã hội – (Social Anxiety Disorder - SAD) còn được gọi là hội chứng "ám ảnh xã hội", hay bị nhầm lẫn với đặc điểm tính cách của người hướng nội (introvert) hay khuynh hướng chống đối xã hội (anti-social). Tuy nhiên xét từ góc độ tâm lý học hành vi, SAD là một trạng thái sức khỏe tinh thần, và đúng như tên gọi của nó, người mắc hội chứng này luôn mang trong mình sự căng thẳng cao độ khi phải đối diện với ánh mắt của người khác (1). Thậm chí, chỉ cần nghĩ tới việc giao tiếp với người khác, họ cũng đã thấy... sợ.
Nói cách khác, họ sợ bị đối phương bắt gặp, đánh giá, dẫn tới việc họ tránh phải nói chuyện với bất cứ ai. Cũng từ đó, họ thu mình lại, tự tạo cho mình một chiếc vỏ ốc để... trốn biệt khỏi thế giới thực. Ở mức độ nhẹ, người mắc hội chứng SAD không tự tin hoặc cảm thấy xấu hổ khi đối diện với đám đông, khó mở lời hoặc không biết cách nói chuyện với người khác. Tuy nhiên khi tình trạng SAD đã trở nên nghiêm trọng, người mắc sẽ có xu hướng tách biệt mình với cộng đồng bằng cách nhốt mình trong phòng hay không gian của riêng họ, hạn chế ra đường hoặc luôn mặc thật kín để không bị phát hiện ra mỗi khi bắt buộc phải tiếp xúc với bên ngoài (2), (3).
Bởi vậy, không khó để chúng ta bắt gặp những thanh thiếu niên rất hoạt ngôn, tương tác tốt trên mạng xã hội, song khi có cơ hội gặp họ ngoài đời, ta lại thấy họ rụt rè, ít nói, và luôn cố gắng tìm một góc riêng cho bản thân thay vì hòa mình vào đám đông như những gì chúng ta mong đợi. Đây cũng chính là lý do mà nhiều người đã "dán nhãn" những người mắc SAD là "hướng nội full-time" mà lại… "hướng ngoại online"
SAD từ đâu mà ra?
Thế giới ghi nhận xu hướng mắc hội chứng Rối loạn Lo âu Xã hội (SAD) gia tăng trong nhiều năm trở lại đây, nhất là kể từ khi dịch COVID-19 bùng nổ. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khoảng 4% dân số toàn cầu hiện nay tương đương hơn 320 triệu người đang trải qua những rối loạn lo âu khác nhau (6). Tại các quốc gia phát triển, mức sống cao đang không đi đôi với mức độ hạnh phúc của người dân – một điều được thể hiện rõ qua tỷ lệ thanh thiếu niên mắc hội chứng SAD.
Nhật Bản hiện có 1,46 triệu người trong độ tuổi lao động lựa chọn lối sống "hikikomori" (trong tiếng Nhật có nghĩa là giấu mình, nhốt mình trong nhà).
Những người này không đi học hay đi làm, thường là nam giới sống dựa vào lương hưu hoặc các khoản hỗ trợ kinh tế khác của cha mẹ và tận dụng thời gian mỗi ngày chỉ để chơi game, đọc manga (truyện tranh Nhật Bản) hay xem phim (7), (8). Hội chứng SAD cũng gia tăng tại các quốc gia Hàn Quốc, Trung Quốc, Hoa Kỳ... (9), (10), (11).
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc nhiều người trẻ rơi vào trạng thái căng thẳng khi bước vào môi trường xã hội, để rồi họ tìm cách giấu mình trong chiếc "vỏ ốc" tự tạo. Trong đó, lý do phổ biến và dễ quan sát nhất là những áp lực đồng trang lứa (peer pressure) (12).
Các nghiên cứu cho thấy rằng nhiều người trẻ có nguy cơ rơi vào trạng thái mất niềm tin, dẫn đến khủng hoảng tinh thần và tìm cách trốn tránh hiện thực, đặc biệt là khi họ không đạt được 3 giá trị sau trong mạng lưới xã hội (13):
Được bạn bè/đồng nghiệp chấp nhận giao lưu trong một hội (peer acceptance)
Có tình bạn/mối quan hệ xã hội dựa trên sự tin tưởng và gắn kết (peer attachment)
Được bạn bè/đồng nghiệp hỗ trợ (peer support)
Bên cạnh đó, những áp lực xã hội khác bao gồm gánh nặng tài chính, khao khát thành công sớm, sự ganh đua thăng tiến và niềm kỳ vọng của gia đình cũng là những nguyên nhân dẫn đến hội chứng SAD ở người trẻ (14).
Làm sao để "quẳng gánh SAD đi và vui sống"?
Hội chứng SAD không chỉ làm suy giảm chất lượng cuộc sống của người trẻ về mặt tinh thần, mà còn gây những hệ lụy về thể chất như rối loạn đồng hồ sinh học do sinh hoạt không điều độ, sức khỏe giảm sút do thiếu vận động ngoài trời và lạm dụng thiết bị điện tử (15). Về lâu dài, sự mất kết nối giữa người mắc SAD và cộng đồng sẽ tạo nên những khoảng trống về nhân lực lao động và gây ra gánh nặng phúc lợi xã hội (16).
Trên thực tế, bản thân người mắc SAD có thể bước ra khỏi chiếc "vỏ ốc" của mình nếu được người thân và bạn bè hỗ trợ. LeLa Journal giới thiệu 6 cách dưới đây để độc giả đồng hành với những người trẻ có biểu hiện SAD bên cạnh mình, nhằm giúp họ có thể "phá kén" để sống một cuộc sống có nhiều trải nghiệm hạnh phúc.
1. Tìm kiếm sự hỗ trợ và chẩn đoán từ chuyên gia: Đây là điều đầu tiên và cũng là điều quan trọng nhất.
2. Quay về với cuộc sống bắt đầu với những niềm vui nho nhỏ: Người mắc SAD thường mặc định rằng ngoài cánh cửa là một thế giới nhiều đau khổ khiến họ sợ hãi và tìm cách trốn chạy, vậy thì hãy cùng họ khám phá những điều nhỏ bé mang lại niềm vui.
Hãy tặng họ một vài cuốn sách nhẹ nhàng với nội dung tích cực, nấu cho họ những món ăn ngon, kể cho họ nghe những chuyện tử tế hằng ngày mà bạn chứng kiến để khơi dậy khao khát tìm về với giá trị trong thâm tâm họ.
3. Làm quen với thế giới lại từ đầu trong tại những nơi yên ả: Hãy đưa họ đến những không gian yên tĩnh bên ngoài, có đặc điểm tương tự như căn phòng họ ở. Mục đích là để họ tập làm quen với việc hòa mình vào cuộc sống mà không bị "hẫng".
Một quán cà phê nhỏ nhìn ra hồ nước, một ngôi chùa thanh tịnh vùng ngoại ô, một quán bar có những tấm poster giống với căn phòng của họ...
Những người ở trong "vỏ ốc" quá lâu như vậy cần có thời gian để tĩnh tâm và cảm nhận thế giới một cách tươi mới hơn. Ngoài ra, đưa họ ra ngoài cũng là một cách cắt giảm thời gian "hướng ngoại online" như một hình thức "ngắt kết nối để tái kết nối".
4. Lắng nghe nỗi niềm của họ: Hãy khuyến khích họ nói ra cảm nhận của mình, chia sẻ lý do họ sợ giao tiếp hay bất cứ tâm sự nào khiến họ thấy bức bối. Nếu họ khó thể hiện bằng lời nói trực tiếp, hãy để họ viết ra giấy hay dùng các hình thức khác. Việc nói ra suy nghĩ của mình cũng là một cách để người mắc SAD giải tỏa tâm lý căng thẳng của mình.
Tuy nhiên, hãy thực sự lắng nghe mà không phán xét họ. Hãy chấp nhận những cảm xúc, suy nghĩ của họ mà không áp đặt.
5. Thể hiện tình yêu thương từ những "cộng đồng thu nhỏ" bên cạnh họ: Việc quay trở lại giao tiếp với xã hội cần bắt đầu từ những người thân thiết và gần gũi nhất đối với họ, thường là gia đình nơi họ sinh ra và lớn lên. Tình yêu thương và sự chân thành của các thành viên trong gia đình sẽ tạo động lực giúp những người mắc SAD có lòng tin vào việc giao tiếp với mọi người xung quanh.
6. Để họ thích nghi dần với cuộc sống thường nhật: Sau khi khơi gợi khao khát được sống và trải nghiệm những điều tốt đẹp quanh mình ở họ, bạn hãy để họ tự mình bước ra khỏi "vỏ ốc" bằng việc khuyến khích họ tự làm những việc đòi hỏi giao tiếp đơn giản như đi chợ, giúp đỡ người khác...
Đặc biệt, nếu bạn biết một ai đó vừa trải qua khoảng thời gian khó khăn trong đời, như là mắc SAD, hãy chủ động trò chuyện và trao cho họ những nụ cười và sự động viên, chấp nhận và chào đón họ. để họ có thêm niềm tin vào những điều tuyệt vời mà cuộc sống mang lại.
Comments