top of page
Tìm kiếm

Tập thể dục khi bị ốm có giúp ta chóng khỏe?

Khi ốm đa số mọi người đều nghỉ ngơi, xông hơi hoặc ăn món ngon bổ dưỡng. Liệu tập thể dục khi bị ốm có giúp ta chóng khỏe?


Luyện tập thể dục thể thao ngoài việc tăng cường sức khỏe thể chất, còn giúp tiết ra các nội tiết tố có lợi cho sức khỏe tinh thần, làm giảm nguy cơ mắc bệnh trầm cảm và căng thẳng (1).


tập thể dục khi bị ốm, tập luyện, luyện tập, vận động, tập gym
Liệu có nên tập thể dục khi cơ thể mắc bệnh?

Duy trì thói quen vận động chắc chắn sẽ mang lại lợi ích to lớn cho sức khỏe. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là chúng ta tập luyện cả khi cơ thể đang mệt mỏi.


Quy tắc "từ cổ trở lên"


Theo các chuyên gia, bạn có thể áp dụng quy tắc "từ cổ trở lên" để xác định có nên tập thể dục khi đang ốm hay không. Cụ thể, bạn có thể vận động khi các triệu chứng nhẹ chỉ là cục bộ (nghẹt mũi, chảy nước mũi), nhìn chung là liên quan đến khu vực từ cổ trở lên. Còn với các dấu hiệu liên quan đến hệ thống (sốt, nhịp tim nhanh hoặc nhịp tim khi nghỉ ngơi tăng từ 10 nhịp trở lên, đau cơ, nổi hạch, ho, đau ngực và khó thở), bạn nên nghỉ ngơi cho đến khi tình trạng thuyên giảm (2).


tập thể dục khi bị ốm, tập luyện, luyện tập, vận động, tập gym

Lý do là bởi các căn bệnh có triệu chứng xảy ra ở dưới cổ thường liên quan mật thiết đến các cơ quan trọng yếu của cơ thể, đặc biệt là tim. Chẳng hạn khi bị sốt, sức mạnh của cơ tim bị giảm, dẫn đến lượng máu bơm được thấp hơn và nhịp tim tăng nhanh. Sức mạnh của cơ bắp và phổi cũng giảm đi đáng kể, làm giảm sức bền, sức mạnh, tốc độ, sự tập trung khi vận động (3).


tập thể dục khi bị ốm, tập luyện, luyện tập, vận động, tập gym

Tuy nhiên, cũng đừng xem thường những triệu chứng liên quan đến khu vực mũi, họng. Một ví dụ cho thấy bệnh có thể trở nên tồi tệ hơn do tập thể dục là ở người bị nhiễm trùng đường hô hấp. Những bệnh nhiễm trùng này thường gây sưng tấy và tăng tiết dịch trong đường thở. Tập thể dục có thể gây co thắt phế quản ở đường thở, làm chúng ta ho nặng hơn, thở khò khè và khó thở.


Quy tắc tiên quyết để xem xét có nên tập thể thao khi không khỏe chính là lắng nghe bản thân mình. Nếu cảm thấy không đủ khoẻ để luyện tập, hãy cứ dừng lại để cơ thể có thời gian được phục hồi. Hoặc nếu việc ngừng tập làm bạn sợ đánh mất thành quả trước đó, đừng quá lo lắng vì các cơ bắp và sức mạnh thường sẽ chỉ giảm sau năm ngày không được rèn luyện (4).


Lưu ý gì khi tập luyện lúc đau ốm


Sau khi đã tự đánh giá, tham khảo ý kiến bạc sĩ và vẫn quyết định tập thể dục khi cơ thể vẫn đang mắc bệnh, đây là những điều bạn cần lưu ý tiếp theo để hạn chế tổn hại đến cơ thể mình và cộng đồng (5):

  • Tránh xa bể bơi nếu bạn có vấn đề tiêu hóa hoặc đường ruột

Khi mắc các bệnh tiêu hóa, bạn có thể vô tình phát tán các vi khuẩn đường ruột đến những người sử dụng chung hồ bơi.

  • Tránh chơi môn thể thao đồng đội, hoạt động nhóm hay đến phòng tập

Để hạn chế lây nhiễm các bệnh đường hô hấp như cảm cúm, bạn nên hạn chế các môn thể thao đồng đội và các phòng tập có thiết bị được sử dụng chung, đồng thời cần rửa tay và sát khuẩn thường xuyên.


tập thể dục khi bị ốm, tập luyện, luyện tập, vận động, tập gym

  • Giảm cường độ và thời gian tập thể dục

Khi bị bệnh, bạn cần giảm thời gian và cường độ luyện tập để cơ thể không bị rút cạn sức lực. Việc duy trì luyện tập như bình thường khi cơ thể không thể chịu đựng nổi chẳng khác gì đày đọa bản thân.

  • Tránh mất nước

Kể cả khi bạn không luyện tập, việc bổ sung đủ nước cho cơ thể đang yếu là cực kỳ quan trọng. Mất nước sẽ khiến tình trạng bệnh kéo dài và sức khoẻ lâu phục hồi.


tập thể dục khi bị ốm, tập luyện, luyện tập, vận động, tập gym

Ngoài việc luyện tập thể dục thể thao, còn có rất nhiều cách khác để bạn có thể nhanh chóng khỏe mạnh trở lại như:

  • Bổ sung chất điện giải: Uống nước dừa, nước cốt xương và thức uống thể thao để bù đắp khoáng chất cho cơ thể.

  • Giữ chế độ ăn giàu dinh dưỡng và bổ sung vitamin từ trái cây là phương thức hữu hiệu để nhanh chóng vượt qua bệnh tật.


Comments


bottom of page