top of page
Tìm kiếm

Trì hoãn: Thói quen khó bỏ đang âm thầm tàn phá sức khỏe

Thường xuyên rơi vào tình cảnh có việc cần hoàn thành nhưng lại không thể bắt đầu cho đến khi gần hết thời hạn, có đến 20% người dân trên khắp thế giới mắc phải "căn bệnh" trì hoãn (procrastination) này (1).


Càng trì hoãn công việc càng dồn nhiều, công việc càng nhiều thì chúng ta lại càng ngại bắt đầu. Vòng lặp ấy kéo theo tác động tiêu cực đến sự nghiệp lẫn cuộc sống cá nhân của chúng ta. Tuy nhiên, tác hại của chúng không chỉ dừng lại ở đó.



Trì hoãn - "Kẻ thù" giấu mặt của sức khỏe


Mối liên hệ mật thiết giữa sự trì hoãn với sức khỏe tinh thần vốn là chủ đề được nhiều nhà tâm lý học quan tâm. Một số nghiên cứu cho thấy, trì hoãn có thể làm tăng mức độ căng thẳng, dẫn đến nguy cơ trầm cảm và rối loạn lo âu (2)(3).


Khi một người có xu hướng trì hoãn, họ thường phải trải qua những cảm xúc tiêu cực như tội lỗi, lo lắng và thất vọng về chính mình. Từ đó khiến họ nảy sinh suy nghĩ bản thân thật kém cỏi. Và khi bắt tay vào thực hiện dự án, khối lượng công việc chất đống khiến họ choáng ngợp, quãng thời gian còn lại ít ỏi càng gia tăng áp lực lên họ.



Bên cạnh đó, thói quen trì hoãn được cho là có liên hệ với tình trạng thiếu ngủ hoặc suy giảm chất lượng giấc ngủ ở nhiều người (4). Lý do là vì họ có xu hướng thức khuya để hoàn thành công việc hoặc rút ngắn thời gian ngủ để ưu tiên cho hoạt động giải trí.


Ngoài những tác động tiêu cực đến tinh thần, ít ai biết rằng sự đình trệ còn có thể ảnh hưởng đến cả sức khỏe thể chất của chúng ta. Một nghiên cứu được tiến hành vào năm 2015 tạa dựa trên 182 bệnh nhân đã chỉ ra rằng, trì hoãn mãn tính có thể góp phần làm tăng huyết áp và nguy cơ mắc các bệnh tim mạch (5). Những người trì hoãn mãn tính thường có lối sống không lành mạnh như hút thuốc, uống quá nhiều rượu… nhằm giải tỏa sự căng thẳng.


Trì hoãn do lười biếng?


Thực tế không phải như vậy, ngược lại, sự trì hoãn thường đến từ việc ta để tâm quá nhiều đến công việc, học hành. Khi có một kế hoạch, dự án quan trọng, áp lực về kết quả khiến ta nảy sinh nỗi sợ thất bại. Bằng cách tập trung vào các hoạt động giải trí, chúng ta tránh đối diện với khả năng thua cuộc và tạm thời giảm bớt những âu lo.



Ngoài ra, trì hoãn cũng là một thói quen hay gặp ở những người có tính cầu toàn. Chính vì quá bận tâm đến kết quả công việc mà họ đẩy tiêu chuẩn lên rất cao, kỳ vọng những kết quả không thực tế. Chính vì muốn đảm bảo mọi thứ đều hoàn hảo, họ cảm thấy ngợp với lượng thời gian, công sức cần phải bỏ ra để hoàn thành.


"Trì hoãn là kết quả của sự sợ hãi, không phải sự lười biếng", tiến sĩ xã hội học Steve Rose thuộc trường đại học Eastern Michigan kết luận (6).

Bắt đầu bằng việc chấp nhận bản thân


Với nhiều người, sự trì trệ đã "ăn sâu vào máu" đến nỗi họ không dám tin rằng mình sẽ thay đổi. Tuy nhiên, điều này hoàn toàn có thể.


"Trì hoãn là một khuôn mẫu hành vi. Và nếu nó là một hành vi thì nó là điều có thể thay đổi được" - nhà tâm lý học lâm sàng Alexander Rozental tuyên bố (7).

Điều quan trọng nhất ta cần làm là học cách đối diện và chấp nhận những cảm xúc tiêu cực. Một cuộc khảo sát được tiến hành trên hơn 100 sinh viên đã chỉ ra: Những sinh viên học cách tha thứ cho bản thân sau khi thi trượt có ít cảm xúc tiêu cực hơn và nhờ vậy, họ nhanh chóng bắt nhịp để ôn tập cho kỳ thi tiếp theo (8). Vậy nên, thay vì trách cứ và dằn vặt chính mình, việc học cách yêu thương và chấp nhận bản thân mới giúp bạn phá vỡ vòng lặp vô tận của sự lần lữa.



Bên cạnh đó, bạn cũng có thể áp dụng một số biện pháp dưới đây để giải tỏa căng thẳng và làm việc hiệu quả hơn:

  • Đặt những mục tiêu cụ thể và thực tế:

Chia một mục tiêu lớn thành các đầu việc nhỏ sẽ giúp ta dễ dàng quản lý và tránh bị ngợp trước khối lượng công việc quá lớn. Đặt ra hạn hoàn thành cho mỗi nhiệm vụ nhỏ cũng thúc đẩy chúng ta bắt đầu dễ dàng hơn.

  • Tạo một lịch trình làm việc cụ thể:

Một thời gian biểu nhất quán có thể giúp ta xây dựng thói quen làm việc đều đặn và giảm khả năng trì hoãn. Ví dụ, nếu bạn chỉ có một kế hoạch chung chung như "Học tiếng Nhật mỗi ngày", sẽ rất khó để bạn bắt đầu. Tuy nhiên, với một kế hoạch cụ thể như "Học giao tiếp tiếng Nhật trong một giờ đồng hồ và bắt đầu từ tám giờ tối", bạn sẽ biết chính xác bản thân cần làm gì kể cả khi không cảm thấy hứng thú.

  • Sử dụng kỹ thuật Pomodoro:

Pomodoro là một phương pháp quản lý thời gian dựa trên việc kết hợp khoảng thời gian làm việc tập trung (thường là 25 phút) và khoảng nghỉ ngắn (năm phút). Việc chia nhỏ thời gian làm việc thành những đoạn ngắn giúp ta bớt đi cảm giác áp lực, đồng thời tăng năng suất lao động và khả năng tập trung.

  • Loại bỏ những thứ gây sao nhãng:

Để cải thiện sự tập trung, hãy loại bỏ những yếu tố có thể khiến môi trường làm việc của bạn xáo động: tắt thông báo cho các ứng dụng không cần thiết, sử dụng trình chặn trang web để ngăn truy cập vào các trang giải trí, chọn một không gian yên tĩnh để làm việc.


Với những người đã quen với lối sống trì hoãn, vượt qua nó là một quá trình đòi hỏi nhiều thời gian và nỗ lực. Thế nhưng, dẫu khó khăn đến mấy thì chúng ta vẫn có thể vượt qua nếu đủ kiên trì và quyết tâm.

Comentarios


bottom of page