top of page
Tìm kiếm

ASMR: Khi âm thanh "râm ran" lại xoa dịu tinh thần, giúp dễ ngủ ngon

ASMR chính là từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất năm 2023, với hơn 40 triệu lượt tìm kiếm trên Youtube tính đến thời điểm hiện tại (1). Nhiều người tin rằng âm thanh ASMR có thể giúp giảm căng thẳng để chúng ta được thư giãn và đi vào giấc ngủ, nhưng liệu đó có phải là hiệu quả thật sự hay chỉ là lời đồn thổi?



ASMR là gì?


ASMR là viết tắt của "Autonomous Sensory Meridian Response", tạm dịch là "phản ứng giác quan tự chủ dọc cơ thể". Chúng ta có thể hiểu ASMR là cảm giác "râm ran" thư giãn (pleasant tingling sensation) lan dọc từ đầu xuống gáy, cổ và lưng (2), (3), (4).


Trong đời sống, ASMR có thể xuất hiện trong những trải nghiệm thoải mái và thân mật, mà không nhất thiết phải liên quan đến khía cạnh tình dục, chẳng hạn như:

  • Kích thích xúc giác: Khi bạn được nhẹ nhàng luồn tay qua kẽ tóc, gội đầu, make up… ví dụ tại đây.

  • Kích thích thính giác: Một số âm thanh trong không gian sống thường nhật, như là tiếng bút chì vẽ sột soạt trên giấy, nghiền phấn, gõ phím, chơi với các khối gỗ, thì thầm, lật sách, nấu ăn… ví dụ tại đây.


Từ khóa "ASMR" mà mọi người tìm kiếm thường cho ra kết quả là những âm thanh như vậy, hầu hết chỉ là thu âm hoặc tìm cách dựng lại âm thanh trong đời sống thường nhật.

Nếu bạn chưa rõ về trải nghiệm ASMR, hãy nhớ lại những lần bạn rùng mình, nổi da gà khi nghe một đoạn nhạc, đây chính là hiện tượng Frisson (5). Mặc dù hai hiện tượng này không hoàn toàn giống nhau, nhưng từ đó, bạn có thể dễ hình dung về ASMR hơn (6).

ASMR được miêu tả lần đầu vào năm 2007 trong forum trên trang SteadyHealth với tiêu đề "Cảm giác sướng lạ" (weird sensation feels good). Tuy nhiên, ban đầu người ta ngần ngại bàn luận vì hiện tượng này nghe khá nhạy cảm (7), (8).


Cho đến năm 2010, kỹ sư an ninh mạng Jennifer Allen, đã phá bỏ rào cản này bằng cái tên nghe vô cùng khoa học nhưng thật ra… chẳng mang nhiều ý nghĩa học thuật, chính là "Autonomous Sensory Meridian Response" - ASMR như chúng ta đã nhắc tới (8).


Sau khi ASMR chính thức được "đặt tên", mọi người đã có thể thoải mái đề cập và nghiên cứu nó đến ngày hôm nay.


ASMR bắt đầu thu hút sự quan tâm của giới khoa học vào năm 2015, khi một nghiên cứu được tiến hành tại Đại học Swansea (Anh Quốc), với 475 khách thể đã từng trải qua cảm giác ASMR ngày bé. Nghiên cứu này chỉ ra một số điều như sau (4):

  • 98% người thấy các video ASMR mang lại cảm giác thư giãn

  • 82% người sử dụng để hỗ trợ giấc ngủ

  • 70% người sử dụng để giảm căng thẳng


Lý do được đưa ra là việc ASMR có thể làm nhịp tim bạn chậm lại, tương tự như khi thực hành chánh niệm và nghe nhạc chữa lành (2).


ASMR phổ biến nhưng không dành cho tất cả mọi người


Mặc dù có vô số bình luận bên dưới các video ASMR "triệu view" trên Youtube, với nội dung khẳng định rằng họ cảm thấy thoải mái, giảm căng thẳng và ngủ ngon hơn nhờ cảm giác "râm ran" này, nhưng các nhà khoa học cho rằng không phải ai cũng trải nghiệm được ASMR (9), (10).


Cũng vì thế mà nhiều người cảm thấy khó tin vào sự tồn tại của ASMR, thậm chí, dán cho nó cái mác… ngụy khoa học. Không thể phủ nhận là ASMR thực sự có nguồn gốc từ ngụy khoa học (11), nhưng khoa học hiện đại vẫn đang tiếp tục nghiên cứu về nó vì sự thật là nó mang tới nhiều hiệu quả tích cực đã được chứng minh.

Trường hợp một hiện tượng bị "bài trừ" này cũng không phải hiếm trong lịch sử khoa học. Chẳng hạn, người ta từng không tin vào việc ai đó có thể ghi nhớ chính xác từng khoảnh khắc trong cuộc sống, sau này, khả năng đó đã được công nhận với cái tên hội chứng siêu trí nhớ (hyperthymesia) (12). Tương tự như vậy, chúng ta cũng có người bẩm sinh đã không thể hình dung/tưởng tượng ra bất kỳ hình ảnh nào trong tâm trí, về sau được gọi là trí não vô ảnh (aphantasia), cũng như một hiện tượng liên quan tới giấc ngủ là bóng đè (sleep paralysis) (13), (14).


Do đó, với những bằng chứng thực tế vô cùng xác đáng, chúng ta không thể phủ nhận tính hiệu quả của ASMR, không chỉ dừng lại ở việc thư giãn, mà nó còn có thể có tác động tích cực tới tâm trí và biểu hiện hành vi của chúng ta.

  • Bạn sẽ có xu hướng cởi mở hơn với sự thay đổi, tư duy thoát khỏi lối mòn, giàu tính sáng tạo và ham học hỏi. Điều này có thể liên quan đến việc các video ASMR thường xuất phát từ các hành động tương tác tích cực với người khác, có tiềm năng giúp cải thiện sức khỏe tinh thần và gắn kết cộng đồng (15), (16), (17).

  • Bên cạnh đó, bạn cũng có thể trở nên nhạy cảm và dễ thay đổi cảm xúc (15), (17), đặc biệt là dễ cảm thông cho người khác hơn (19).



Điều gì xảy ra trong cơ thể khi ta trải nghiệm ASMR?


Khi cơ thể trải nghiệm cảm giác ASMR, phần giữa của thùy trán (medial prefrontal cortex) và nhân cạp (nucleus accumbens) được kích hoạt nhiều hơn (20).


Đặc biệt, những động vật có vú khác cũng có cùng phản ứng khi tham gia vào những trải nghiệm thân mật tích cực, như là chăm sóc con cái, chải lông cho nhau... Sự hưng phấn và vui vẻ này là hoạt động của các chất hóa học thần kinh trong não như dopamine, endorphin, oxytocin hoặc serotonin (21).


Trong trạng thái thả lỏng (default mode network), ASMR khiến cơ thể chúng ta diễn ra nhiều liên kết thần kinh hơn những người bình thường - đặc biệt là ở vùng hồi đai (cingulate gyrus) và các khu vực đảm nhiệm thính giác và thị giác trong vỏ não (cortical regions) (10), (22).



Mặc dù điều này gợi ý rằng những người có phản ứng ASMR thường nhạy cảm và khó tiết chế cảm xúc hơn bình thường. Tuy nhiên, nhìn theo một hướng khác thì nhạy cảm hơn đồng nghĩa với việc họ có khả năng cảm nhận được điều tích cực hoặc những phức cảm nội tâm một cách sâu sắc hơn. Chẳng hạn, họ dễ có cảm giác choáng ngợp trước vẻ đẹp của nghệ thuật và âm nhạc mà không phải ai cũng dễ dàng cảm thấu (23), (24).


Trên thực tế, nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng ASMR có thể có liên quan đến hội chứng liên kết giác quan (synesthesia), khi bạn có thể "nghe" màu sắc, "nếm" âm thanh (4).

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng do chi phí đắt đỏ, hiện nay chỉ có ba nghiên cứu về sự tương tác giữa não bộ và ASMR bằng công nghệ chụp cộng hưởng từ chức năng và cũng chỉ với quy mô rất nhỏ, từ 10 đến 17 người. Các nhà khoa học đều cho rằng chúng ta cần thêm nhiều nghiên cứu với số lượng người tham gia lớn hơn để có thể đưa ra kết luận chuẩn xác nhất.


Ngày nay, ASMR không chỉ là một "hiện tượng Youtube" mà còn là một công cụ tiếp thị mạnh mẽ. Thông qua những âm thanh bình dị và thân thuộc với mọi người, ASMR Marketing đã được các nhãn hiệu lớn áp dụng trong quảng cáo để kết nối và giữ chân người xem (25).


Cách nghe ASMR để thư giãn và ngủ ngon


1. Tìm loại âm thanh phù hợp


Truy cập Youtube và tìm kiếm từ khóa "ASMR" kèm theo loại kích thích bạn mong muốn, như là ASMR gõ phím (typing). Mẹo nhỏ là hãy ưu tiên tìm kiếm bằng các từ khóa tiếng Anh sẽ mang đến nhiều video hơn.


Nghệ sĩ ASMR (ASMRtists) ngày nay luôn cố gắng đa dạng hóa cách kích thích người nghe, từ tiếng mưa tí tách hòa với tiếng ồn nâu (brown noise) đến tiếng thì thầm... nên bạn hãy thử và tìm ra âm thanh phù hợp nhất với mình nhé.

2. Chuẩn bị tai nghe và phòng ngủ yên tĩnh, thoải mái


Tai nghe chụp tai (headphone) thường là lựa chọn tốt nhất để nghe nhạc, nhất là với video ASMR, vì nó cách âm tốt và có âm thanh sống động. Nếu không có headphone, tai nghe trong (earphone) cũng sẽ mang đến cho bạn những cảm giác râm ran thư giãn tuyệt vời này.


Chỉ cần đảm bảo rằng bạn đang ở trong một môi trường yên tĩnh và thoải mái.

3. Nếu bạn cần ngủ ngon, hãy tập trung và thả lỏng


Sau khi bấm "play", hãy thả lỏng cơ thể hoàn toàn và tận hưởng âm thanh video sống động. Đây chính là chìa khóa để có được những trải nghiệm ASMR chất lượng đưa bạn vào giấc ngủ.


4. Để ý những khoảnh khắc ASMR nhỏ thường nhật


ASMR suy cho cùng cũng chỉ là những âm thanh trong đời sống. Do đó, thay vì cố gắng lắng nghe những âm thanh giả lập, được tái tạo lại trên mạng, bạn có thể cố lắng nghe những âm thanh nguyên bản từ đời sống thực. Điều này không chỉ giúp bạn sống chậm, giảm áp lực, mà còn tăng khả năng quan sát và tận hưởng những điều nhỏ nhặt xung quanh bạn.


5. Hạn chế "lờn ASMR"


Nghe ASMR quá mức cũng có thể khiến bạn bị "lờn", tương tự như việc lờn thuốc. Bạn vẫn sẽ cảm thấy thư giãn nhưng không còn cảm giác râm ran nữa. Nếu gặp trường hợp này, hãy thử tạm ngưng vài tuần (26).



Commentaires


bottom of page