top of page
Tìm kiếm

Ngày Sức khỏe Tâm thần Thế giới 10/10: "Chữa lành" là chữa những gì?

"Chữa lành" là chủ đề đang xuất hiện ngày càng dày đặc trên các phương tiện truyền thông, đặc biệt là tại Việt Nam trong những năm vừa qua. Nhân Ngày Sức khỏe Tâm thần Thế giới (World Mental Health Day) 10/10 năm nay, "sức khỏe tâm thần là nhân quyền phổ quát" đã được chọn làm chủ đề chính (1). Thế nhưng, bạn đã bao giờ thắc mắc rằng tinh thần của chúng ta bị "hỏng" ở chỗ nào mà cần phải chữa? Không chữa thì liệu có lành? Và có những liệu pháp nào đã được khoa học công nhận có tác dụng trong việc chữa lành?


Nguồn ảnh: studysmarter
Nguồn ảnh: studysmarter

Tại sao con người cần chữa lành?


Theo một số nhà nghiên cứu, chữa lành là trải nghiệm mang tính chủ quan về việc dung hòa ý nghĩa của một sự kiện đau buồn với nhận thức trọn vẹn nhất của cá nhân. Theo một cách gọi thực tế hơn, việc chữa lành chính là trải nghiệm của một cá nhân trong tiến trình "vượt lên trên, bỏ qua hẳn những nỗi khổ đau" (2). Do đó, việc chữa lành có thể tới từ nội tâm cá nhân, nhưng cũng có trường hợp cần đến sự trợ giúp bên ngoài.

Tương tự như cơ thể cần thời gian để hồi phục sau những lần "thân bệnh", tâm trí của chúng ta cũng cần được quan tâm và chăm sóc để duy trì sự cân bằng và hạnh phúc sau những lần "tâm bệnh". Trong một xã hội phát triển nhanh, các yếu tố gây căng thẳng ngày càng tăng khiến tầm quan trọng của việc chữa lành sức khỏe tâm thần ngày càng trở nên quan trọng, bởi lẽ:


1. Chữa lành là nền tảng cho sức khỏe của chính mình: Một tinh thần minh mẫn là nền tảng của một cuộc sống khỏe mạnh. Việc chữa lành sức khỏe tâm thần có thể nâng cao sự ổn định về cảm xúc, cải thiện các mối quan hệ và nâng cao khả năng tự nhận thức.


Trong tiến trình này, các cá nhân được "trao quyền" để đối phó với những thách thức và thất bại trong cuộc sống một cách hiệu quả hơn, cuối cùng góp phần tạo nên một cuộc sống trọn vẹn.

2. Chữa lành là cơ sở để xây dựng một xã hội văn minh: Kết quả của việc chữa lành sức khỏe tâm thần cá nhân có thể tác động lên cộng đồng, thông qua việc tăng năng suất công việc, giảm tỷ lệ tội phạm và tăng cảm giác đồng cảm giữa người-với-người (3). Thông qua đó, nó cũng giảm tình trạng lạm dụng chất gây nghiện, bạo lực gia đình và thậm chí là cả tỷ lệ tự tử (4). Bằng cách ưu tiên chữa lành sức khỏe tâm thần, chúng ta có thể hướng tới việc tạo ra một thế giới an toàn hơn, nhân ái hơn cho tất cả mọi người.


Nguồn ảnh: studysmarter
Nguồn: studysmarter

Khi nào thì cần chữa và không chữa liệu có... tự lành?


Nhiều vết thương trên thân thể không cần chữa cũng sẽ tự lành, nhưng cũng có một số vết thương nếu không được can thiệp kịp thời sẽ bị nhiễm trùng dẫn đến mưng mủ. Tương tự như vậy, có những tổn thương tinh thần nếu không được chăm sóc đúng cách sẽ gây nguy hiểm cho chính bản thân chúng ta. Việc này phụ thuộc vào trải nghiệm cá nhân mỗi người, tức là không phải điều gây tổn thương cho người này thì cũng sẽ gây đau buồn, khổ sở cho người khác.


Nôm na rằng, khi một hoặc nhiều tác nhân bên ngoài ảnh hưởng đến một người và vượt quá ngưỡng chịu đựng của họ thì từ đó, có thể sinh ra chấn thương tâm lý (trauma). Và khi những tác động của chấn thương ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng của cuộc sống hằng ngày thì họ cần phải tìm đến một giải pháp để khắc phục (5).

Một chấn thương tâm lý không được chữa (hoặc không tự lành) sẽ gây ra các vấn đề nghiêm trọng như khiến người gặp có nhiều ác mộng, mất ngủ, lo lắng, trầm cảm, ám ảnh, lạm dụng chất gây nghiện, hoảng loạn, tức giận vô cớ, khó chịu hoặc tuyệt vọng (6).


Vậy nên, có thể hiểu rằng, tiến trình chữa lành sẽ giúp chúng ta tăng cường sức chịu đựng của cơ thể để đối phó với những vấn đề ngày càng một nhiều trong cuộc sống. Vì lẽ đó, một nghiên cứu đã xem xét việc chữa lành trong bối cảnh hiện nay như là một xu hướng tiến hóa của con người (7).



Những liệu pháp chữa lành nào đã được công nhận?


Vì chữa lành là một nhu cầu ngày càng tăng và dần trở thành một trào lưu, nên khi không được nhìn nhận thấu đáo, chúng ta có thể gặp phải một số vấn đề biến tướng phát sinh. Trào lưu này có thể là vui vẻ và lành mạnh như "đi bộ chữa lành", "ngủ chữa lành", "hẹn hò chữa lành"... nhưng cũng có thể phức tạp và đáng quan ngại hơn, như là "nhậu chữa lành", "quẹt app chữa lành", "coi bói chữa lành"... theo cách mà thực tế đã chứng minh là không hề lành mạnh.


Vậy nên, phân biệt được đâu là một giải pháp đã được công nhận và kiểm chứng, đâu chỉ nên dừng ở một câu nói đùa, lại là điều cần thiết trong bối cảnh hiện nay.

Có một số liệu pháp can thiệp tâm lý được khoa học công nhận là có tác dụng chữa lành (8), (9), bao gồm nhưng không bị giới hạn trong danh sách sau:

  1. Trị liệu nhận thức-hành vi (Cognitive Behavioral Therapy - CBT)

  2. Tham vấn (cá nhân, nhóm) (Counseling)

  3. Liệu pháp trải nghiệm (Experiential Therapy)

  4. Trị liệu (tiếp cận) hệ thống gia đình (Family Treatment Approach)

  5. Phỏng vấn tạo động lực (Motivational interviewing)

  6. Tâm động học (Psychodynamic)

  7. Ngăn ngừa tái phát (Relapse Prevention)

  8. Tiến trình 12 bước (Twelve-Step Facilitation)

  9. Liệu pháp Thân nghiệm (Somatic Experience)


Theo đúng tinh thần của Ngày Sức khỏe Tâm thần năm nay là "sức khỏe tâm thần là nhân quyền phổ quát", LeLa Journal mong rằng ai trong chúng ta cũng có thể lên tiếng đòi quyền được chữa lành, bất cứ khi nào cảm thấy thân-tâm cần sự ủi an và chăm sóc, từ chính mình, gia đình, bạn bè hay những cơ sở trị liệu chuyên môn.


Comments


bottom of page